• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bảo vệ thủy sản trong mùa mưa lũ

Hàng năm, vào các tháng 9 - 10, ở các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long đều có lũ từ thượng nguồn sông Mê-kông đổ về. Bên cạnh những lợi ích như cung cấp phù sa, xổ nước phèn cho đồng ruộng, mang lại nguồn lợi thủy sản, lũ cũng gây hại nhất định đối với sản xuất nông nghiệp và nuôi thủy sản nước ngọt. Để giảm nhẹ những thiệt hại do lũ, triều cường gây ra, các hộ nuôi thủy sản nên thực hiện các biện pháp sau đây:

Tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ tài sản; quản lý và xây dựng phương án đối phó mưa lũ. Thông tin kịp thời và thường xuyên tình hình bão lũ tới những người nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần rà soát các vùng nuôi thủy sản có nguy cơ bị úng ngập và đề ra biện pháp bảo vệ cụ thể, hạn chế thiệt hại khi xảy ra lũ lụt. Kiểm tra tôm cá nuôi nếu đạt cỡ thương phẩm bán được cần tiến hành thu hoạch ngay. 

Nếu tôm cá chưa bán được cần thực hiện các biện pháp như: Thường xuyên gia cố bờ bao, cống bọng tại các ao có nuôi thủy sản. Nếu không đắp bờ đê được nên dùng lưới có kích thước mắt lưới phù hợp để bao xung quanh ao, tấn chân lưới kỹ, cần kiểm tra lưới mỗi ngày để khắc phục trường hợp rách trống chân lưới gây thất thoát tôm cá nuôi. Hạn chế thay nước cho ao nuôi thủy sản trong thời điểm nước dâng đầu mùa và nước rút cuối mùa do lúc này nguồn nước thường bị ô nhiễm từ nước sinh hoạt, nước có nhiều dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên ruộng... và tránh gây xáo động trong môi trường nuôi.

Vùng nhiễm phèn nên giữ mực nước ao cao hơn hoặc bằng nước ngoài kênh để hạn chế vỡ đê và nước phèn từ bên ngoài thấm vào ao gây hại cho cá nuôi. Dùng vôi bột với liều lượng 10kg/100m2 rãi xung quanh bờ ao để hạn chế phèn từ bờ ao trôi xuống. Định kỳ dùng vôi nông nghiệp hòa nước tạt đều khắp ao 1-3 kg/100m3 nước. Trong quá trình lưu giữ cá trong mùa lũ cần cho ăn tích cực, cho ăn thức ăn giàu đạm dễ tìm như cua, ốc... Có thể bổ sung Vitamin C vào thức ăn để giúp cá tăng sức đề kháng.

Không nên thu hoạch đồng loạt ngay sau nước rút để tránh bị rớt giá và làm ô nhiễm nguồn nước do nước thải ra từ các ao nuôi thủy sản. Theo dõi hoạt động tôm cá hằng ngày để kịp thời xử lý các trường hợp như môi trường thiếu oxy, tôm cá bị nhiễm bệnh. Cần theo dõi thường xuyên thông báo diễn biến mực nước lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng để có biện pháp bảo vệ ao và thủy sản nuôi kịp thời.

KS. Nguyễn Thị Phương Dung - Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang - Web Tiền Giang

 

Bảo vệ thủy sản nuôi trong mùa mưa lũ

Để hạn chế tác động xấu của môi trường đến sức khỏe tôm cá nuôi và nguy cơ thất thoát tài sản, sản phẩm thủy sản trong ao đầm, lồng nuôi do ảnh hưởng bất thường của thời tiết và mưa lũ trong tình hình hiện nay, chúng tôi khuyến cáo một số biện pháp cần tiến hành sau đây:

1. Tăng cường công tác tuyên truyền

Tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ tài sản; quản lý và xây dựng phương án đối phó với bão, lũ… Thống kê người dân địa phương có hoạt động khai thác thủy sản tại các sông và hồ chứa. Thông tin kịp thời và thường xuyên tình hình bão lũ tới những người nuôi trồng thủy sản. Đồng thời các cơ quan chức năng cần rà soát các vùng nuôi thủy sản có nguy cơ bị úng ngập và đề ra biện pháp bảo vệ cụ thể, hạn chế thiệt hại khi xảy ra lũ lụt.

2. Phòng và trị bệnh cho động vật thủy sản

a. Phòng bệnh:

Trong mùa mưa lũ, do những biến đổi bất thường về nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa… là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp làm cho các vi sinh vật gây bệnh phát triển và phát tán, đồng thời gây nên các hiện tượng “sốc môi trường” cho động vật thủy sản, mầm bệnh có nhiều cơ hội xâm nhập vào cơ thể động vật thủy sản để gây bệnh. Mùa mưa lũ thường cũng là mùa khai thác đánh bắt cá tự nhiên của người dân dưới nhiều hình thức như câu, giăng lưới, đóng đáy, cào… tại các thủy vực tự nhiên đã làm gia tăng các bệnh cho động vật thủy sản ngoài tự nhiên. Khi có sự trao đổi nước giữa các thủy vực tự nhiên và vùng nuôi thủy sản do con người hoặc nước lũ tràn về là nguyên nhân lây lan các chứng bệnh phổ biến cho cá nuôi như các bệnh do ký sinh trùng (bệnh trùng bánh xe, trùng quả dưa, nấm thủy mi, rận cá, bệnh đóng rong ở tôm…), các bệnh do vi khuẩn, vi rút như bệnh ghẻ hay còn gọi là bệnh đốm đỏ, bệnh viêm ruột... Do đó cần phải tiến hành các biện pháp quản lý ao, chăm sóc động vật thủy sản như sau:

- Thường xuyên quan sát tình trạng cá, tôm bơi lội trong ao. Khi có hiện tượng cá, tôm nổi đầu cần xác định nguyên nhân là do đâu, nếu là do thiếu ô xy, cần tăng quạt nước hoặc phun nước, giảm lượng thức ăn, thay một phần nước ao, hoặc cấp thêm nước mới vào ao, tiến hành san thưa để giảm bớt mật độ. Đối với ao nuôi sau mỗi lần thay nước người nuôi phải xử lý nước bằng cách tạt vôi bột (vôi nông nghiệp) với liều lượng 3kg/m3 nước để làm cho nước trong sạch.

- Thường xuyên theo dõi mức nước, màu nước trong ao để kịp thời điều chỉnh; theo dõi thời tiết nhất là những tháng chuyển mùa và những ngày chuyển trời để kịp thời điều chỉnh lượng thức ăn.

- Bảo đảm môi trường ao nuôi cho cá, tôm trong sạch bằng các biện pháp hóa dược như sử dụng bột đá, vôi bột, vôi nước bón định kỳ cho ao nuôi, liều lượng tùy theo đối tượng nuôi. Ví dụ: nuôi cá rô phi định kỳ 7 – 10 ngày/lần bón 1 - 2kg/100m3 nước. Có thể sử dụng hóa chất khác như Zeolite bón vào 3 tháng cuối chu kỳ nuôi để chúng hấp thu các độc tố (NH3, H2S) và kim loại nặng, liều dùng 1 - 2kg/100m3, định kỳ 10 ngày/lần. Hoặc sử dụng các chất có chứa Tricloisoxianuric axit định kỳ 7 - 10 ngày/lần phun xuống ao để khử trùng và diệt bớt tảo phát triển trong ao nuôi thâm canh. Liều dùng 0,3 - 0,5g/m3 nước.

Đối với nuôi cá lồng, bè cần sử dụng hoá chất treo trong lồng/bè để khử trùng môi trường nước, diệt các tác nhân gây bệnh cho cá nuôi. Sử dụng vôi bột đựng trong bao tải treo ở đầu nguồn nước hoặc khu vực cho ăn trong các lồng bè. Treo túi cách mặt nước khoảng 1/3 - 1/2 độ sâu của nước trong lồng/bè. Liều lượng sử dụng là 2 - 4 kg vôi/10m3 nước. Khi vôi tan hết lại tiếp tục treo túi khác. Hoặc sử dụng hóa chất có thành phần chính là Tricloisoxianuric axit đựng trong túi vải treo trong lồng, bè (vị trí và độ sâu treo như túi vôi). Liều lượng sử dụng là 50g/10m3 nước, khi thuốc tan hết thì bổ sung thuốc mới.

- Tăng cường sức đề kháng cho động vật thủy sản như bổ sung vitamin C trộn vào thức ăn cho cá ăn hàng ngày. Liều lượng sử dụng tùy theo đối tượng nuôi, ví dụ như rô phi là 50 - 60 mg/kg cá/ngày. Hoặc sử dụng chế phẩm sinh học probiotic và enzyme tổng hợp để tăng cường tiêu hóa và bảo vệ đường ruột. Liều lượng và cách sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc sử dụng dầu mực nhằm bao bọc thức ăn và thuốc, tránh tan rữa nhanh trong môi trường nước. Tạo mùi hấp dẫn cho cá, tôm bắt mồi nhiều. Liều dùng 10g/kg thức ăn.

b. Trị bệnh:

Ngoài các biện pháp phòng bệnh nêu trên, người nuôi cần chú ý cách trị một số bệnh như sau:

- Bệnh trùng bánh xe ở cá:

Bệnh này do các loại trùng có hình dạng như bánh xe phát triển cao điểm vào các mùa mưa, lũ. Chúng ký sinh trên da, mang, khoang mũi của cá, ở dưới nước thấy rõ hơn so với khi cá ở trên cạn. Khi cá mới mắc bệnh, mình cá có lớp nhớt màu hơi trắng đục, cá bệnh thường nổi đầu và thích tập trung nơi nước chảy, thích cọ mình vào thành bể hoặc cây cỏ và có cảm giác ngứa ngáy. Đôi khi cá nhô đầu lên khỏi mặt nước và lắc mạnh đầu. Cá bệnh nặng mang cá sưng to (kênh to), da cá chuyển màu xám, trông lờ đờ, đảo lộn vài vòng rồi chìm xuống đáy ao và chết.

Để trị bệnh, dùng nước muối NaCl 2 - 3% tắm cho cá 5 - 15 phút, hoặc dùng CuSO4 nồng độ 3 - 5 ppm tắm cho cá 5 - 15 phút hoặc phun trực tiếp xuống ao với nồng độ 0,5 - 0,7 ppm (0,5 - 0,7g cho 1 m3 nước). Dùng formalin nồng độ 200 - 250 ppm (200 - 250 ml/m3) tắm trong 30 - 60 phút hoặc nồng độ 20 - 25 ppm (20 - 25 ml/m3) phun xuống ao, tắm vào buổi sáng sớm hoặc vào chiều tối.

- Bệnh rận cá:

Rận cá thường bám vào toàn thân cá, hút các chất nhờn làm bị đau, ngứa và cá chạy rần liên tục, nếu bám từ hai con trở lên cá sẽ bị chết. Để trị bệnh, dùng Iodine với liều lượng 2g/m3 nước, tắm cho cá liên tục 3 - 5 ngày kết hợp dùng Oxytetracyline 5g trộn vào 1kg thức ăn cho cá ăn liên tục trong 5 - 7 ngày.

- Bệnh đốm đỏ (còn gọi bệnh ghẻ):

Nguyên nhân chính của bệnh này là do cá bị các ký sinh trùng bám vào làm cho cá bị trầy xước, chạy rong vèo, cá bị sây sát miệng và đuôi, tạo điều kiện thuận lợi để các vi-rút, vi khuẩn tấn công vào cơ thể cá. Cá bệnh thường xuất hiện những vết màu trắng xám ở phần đuôi sau đó lan dần lên đến thân là những vết ghẻ lở, cá bơi lội lờ đờ, toàn thân bị đen, cá chết.

Cách trị bệnh, người nuôi dùng Formol với liều lượng 25ml/m3 nước, tắm cho cá liên tục 3 - 5 ngày, kết hợp dùng Oxytetracyline 5g trộn vào 1kg thức ăn cho cá ăn liên tục trong 5 - 7 ngày. Ngoài ra, nên bổ sung vitamin C 5g/kg thức ăn, cho ăn liên tục 7 - 10 ngày để tăng cường sức đề kháng, kích thích cá ăn mạnh, tăng cường tiêu hóa thức ăn.

- Bệnh do vi khuẩn:

Do vi khuẩn thường tấn công vào hệ thần kinh trung ương nên cá bị bệnh có biểu hiện bên ngoài như hôn mê, mất phương hướng, có thể tổn thương mắt: viêm mắt, lồi mắt, chảy máu mắt, có các vết áp-xe (có thể có mủ), xuất huyết ở quanh miệng, gốc vây hoặc quanh hậu môn, lỗ sinh dục. Ở giai đoạn nặng, trong bụng cá có dịch (chảy ra hậu môn), cá thường bỏ ăn. Đối với các bệnh do vi khuẩn có thể dùng một số loài kháng sinh như Erythromyxin hoặc Oxytetramyxin trộn vào thức ăn từ 3 - 7 ngày, dùng 2 - 5 g/100kg cá/ngày. Có thể phun xuống ao nồng độ 1 - 2 ppm, sau đó sang ngày thứ 2 trộn vào thức ăn 4g/100kg cá, từ ngày thứ 3 - 5 giảm còn một nửa.

TS. Hà Thanh Tùng - Trung tâm Khuyến nông Quốc gia - Khuyến Nông VN, 16/08/2013

 

Bảo vệ thủy sản nuôi trong mùa mưa lũ (phần 2)

Nguồn tin: Khuyến nông VN, 22/08/2013
Ngày cập nhật: 25/8/2013

Đối với ao nuôi cá ở các vùng úng trũng, hàng năm thường bị ảnh hưởng khi lũ về, người nuôi cần có kế hoạch sản xuất để tiến hành thu hoạch trước, tránh thất thoát sản phẩm khi bão, lụt xảy ra.

3. Tăng cường công tác quản lý ao, đầm, bảo vệ tài sản

- Đối với ao nuôi cá nước ngọt:

Đối với ao nuôi cá ở các vùng úng trũng, hàng năm thường bị ảnh hưởng khi lũ về, người nuôi cần có kế hoạch sản xuất để tiến hành thu hoạch trước, tránh thất thoát sản phẩm khi bão, lụt xảy ra. Đối với những ao không bị ảnh hưởng trực tiếp của lũ lụt, người nuôi cần củng cố, tu bổ và kiểm tra các bờ ao, bờ cống. Bờ ao phải đắp cao hơn mức nước cao nhất ít nhất 0,4-0,5m trở lên. Bố trí đặt cống để chủ động xả nước trong ao, đề phòng nước tràn bờ; chuẩn bị lưới, đăng chắn, dụng cụ cuốc xẻng gia cố sửa chữa hệ thống đê bờ bao, cống khi có tình huống xấu xảy ra. Trong trường hợp không thể gia cố bờ cao hơn thì có thể dùng lưới nilon cùng với các cột tre gỗ vây xung quanh ao để tránh cá đi mất khi nước dâng cao, tràn bờ. Đồng thời, đầm nện chắc chắn, tránh rò rỉ, nước tràn bờ. Cần phát quang cây xung quanh bờ đê, để tránh cành lá rơi vào ao làm ô nhiễm ao nuôi và đề phòng khi có gió lớn cây đổ có thể làm vỡ đê bao sẽ làm thất thoát cá. Thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết, có kế hoạch thu hoạch sản phẩm trước khi có bão. Khi mưa lũ xảy ra phải tiến hành kiểm tra chất lượng nước trong ao nuôi để có các biện pháp điều chỉnh phù hợp như bón vôi để ổn định môi trường, điều chỉnh màu nước hoặc có thể thay nước khi cần thiết.

- Đối với nuôi cá hồ chứa:

Thường xuyên kiểm tra lồng nuôi cá, tu sửa lại những chỗ yếu, dễ bị hư hỏng, vệ sinh tẩy dọn lồng sạch sẽ để đảm bảo nước lưu thông nhanh và môi trường trong sạch; củng cố lại các dây neo, di chuyển lồng, bè nuôi vào những nơi kín gió, dòng chảy nhẹ để tránh khi bão gió lớn làm vỡ lồng, bè. Đặc biệt phải quan tâm đến tình trạng khung lồng do dòng nước lũ hoặc gió làm vỡ khung lồng, cuốn trôi làm thất thoát sản phẩm. Với loại hình nuôi vây trong hồ chứa, thời kỳ chuẩn bị thu hoạch, cũng như đang nuôi cần phải kiểm tra lại đăng, lưới chắn. Đăng lưới chắn phải được thiết kế hình chữ V để tăng diện tích thoát nước nhanh nơi cổng xả tràn nhằm tránh cá thoát ra ngoài khi có lũ lụt lớn xảy ra.

- Nuôi cá ruộng lúa:

Khi cá đạt kích cỡ thương phẩm thì tranh thủ thu hoạch, tránh thất thoát sản phẩm khi có bão, lũ xảy ra. Trong trường hợp cá chưa đạt cỡ thu hoạch thì phải có phương án phòng tránh lũ lụt như gia cố lại bờ, bờ bao chắc chắn không rò rỉ và cao hơn mực nước cao nhất 0,5m để vượt lũ, xung quanh ruộng nuôi bố trí nhiều cống thoát nước, mương thoát nước, đặt lưới ni lon vây quanh khu vực nuôi và thường xuyên kiểm tra hệ thống cống, bờ vùng, dọn sạch đăng, mương rãnh để nước thoát nhanh; chuẩn bị máy bơm tiêu úng khi cần thiết. Phương án phòng tránh lũ lụt cần phải được tính toán cho cả vùng nuôi.

- Đối với nuôi tôm nước lợ:

Những vùng nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh trong vùng đầm hiện nay, người nuôi cần kiểm tra hoạt động của tôm nuôi và môi trường nước trước và sau mưa để có biện pháp xử lý kịp thời, tăng cường gia cố, tu sửa bờ ao, cống lấy nước để hạn chế hư hỏng, sạt lở làm thất thoát sản phẩm. Thường xuyên theo dõi, cập nhật dự báo thời tiết để có biện pháp thu hoạch trước khi lũ lụt xảy ra.

Để hạn chế hiện tượng giảm độ mặn đột ngột trong ao nuôi tôm, người nuôi phải có kế hoạch điều tiết nước như trước khi mưa to cần phải lấy nước có độ mặn thích hợp vào ao và để mực nước trong ao cao nhất. Trong khi mưa nên tránh các hoạt động làm xáo trộn nước trong ao nuôi và sau khi mưa cần nhanh chóng rút bớt nước ở tầng mặt của ao bằng cách tháo các cánh phai của cống thoát. Những vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến thân thiện môi trường, nuôi theo hình thức đánh tỉa thả bù, người nuôi khẩn trương tận thu các sản phẩm: tôm; cua; cá, tránh thất thoát sản phẩm khi bão lụt xảy ra. Đối với các vùng đất bị chua phèn, rắc vôi quanh bờ phòng nước trôi phèn xuống làm biến động pH ao nuôi. Đồng thời cần chuẩn bị máy phát điện, máy sục khí đề phòng khi điện lưới bị mất. Các vùng nuôi tôm trên cát chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão từ biển đổ vào, người nuôi cần phải quan tâm đến việc củng cố ao nuôi vững chắc, chủ động nguồn nước phục vụ cho sản xuất. Tích cực áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho tôm khi thời tiết thay đổi bất thường.

- Đối với nuôi thủy sản trên biển:

Tiến hành thu hoạch trước mùa mưa lũ nếu cá, tôm đạt kích cỡ thu hoạch. Nếu không thể thu hoạch trước mùa mưa lũ, cần kiểm tra lại lồng bè, tu sửa lại những chỗ xung yếu, củng cố lại các dây neo, tìm vị trí an toàn để di chuyển lồng, bè vào những nơi kín gió, nơi không bị ảnh hưởng nước ngọt, dòng chảy nhẹ để tránh khi bão gió lớn xô đẩy làm vỡ lồng, bè.

TS. Hà Thanh Tùng - Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

Thảo luận về kỹ thuật nuôi:

Xem thêm các thông tin có liên quan:

- Kỹ thuật nuôi tôm, cá và các loại thủy sản khác

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang