• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phòng và trị bệnh cá trong mùa lũ

Hiện nay khu vực các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An đang bước vào mùa ngập lũ hằng năm, hiện tại mức nước lũ ở các huyện này tăng nhẹ với cường suất từ 1 đến 3 cm/ngày đêm.

Đây cũng là mùa đánh bắt cá tự nhiên của người dân dưới nhiều hình thức như câu, giăng lưới, đóng đáy, cào … Các loài cá đánh bắt phổ biến là cá linh, cá chốt, cá mè đất và các loại cá đen, cá đồng khác. Sản lượng đánh bắt cá tự nhiên hằng năm khá lớn. Bên cạnh những lợi thế đó, khi nước lũ tràn về, người nuôi cá sẽ gặp rất nhiều trở ngại, do cá nuôi bị các chứng bệnh phổ biến như: bệnh trùng bánh xe, rận cá, ghẻ hay còn gọi là bệnh đốm đỏ.

Nguyên nhân chính của những bệnh này là do nước lũ tràn về làm phát tán mầm bệnh cùng với nguồn nước sông bị ô nhiễm nghiêm trọng từ đồng ruộng tràn vào kênh rạch, gây bất lợi cho cá nuôi. Khi đó cá sẽ có một số triệu chứng như: Cá bỏ ăn, chạy rong vèo, gầy ốm suy yếu, kỳ vi vẩy bị rách, cá nhào lộn và chết hàng loạt… Để giải quyết những trở ngại này, người nuôi cá cần quan tâm phòng bệnh cho cá là trên hết. Đối với ao nuôi: sau mỗi lần thay nước người nuôi phải xử lý nước bằng cách tạt vôi nông nghiệp với liều lượng 3kg/m3 nước để làm cho nước trong sạch. Sau đó, diệt mầm bệnh có trong nước bằng một trong các dung dịch như Iodine 0,5g/m3, hoặc Formol 25ml/m3 nước, hoặc CuSO4 0,5g/m3 nước… Xử lý khí độc tích tụ trong ao nuôi bằng Zeolite với liều lượng 20kg/1000 m2 và rải đều ao. Ngoài ra, người nuôi phải bổ sung Vitamin C 5g/kg thức ăn, nhằm tăng cường sức đề kháng của cá, chống lại môi trường không thuận lợi, thay đổi đột ngột. Đối với các hộ nuôi vèo: để phòng bệnh cho cá người nuôi nên treo vôi CaCO3 trước vèo ở đầu nguồn nước và treo trong vèo, khoảng cách 0,5m/ túi, độ sâu 0,5m với mục đích làm cho nguốn nước được trong sạch, hạn chế sự xâm nhập của mầm bệnh vào trong vèo nuôi cá. Bổ sung Vitamin C 5g/kg thức ăn, để tăng cường sức đề kháng của cá, chống lại môi trường không thuận lợi, biến đổi đột ngột…

Bên cạnh việc phòng bệnh nêu trên, khi bệnh xảy ra thì người nuôi cần chú ý một số cách trị bệnh như sau: Thứ nhất, đối với bệnh trùng bánh xe: Bệnh này do các loại trùng có hình dạng như bánh xe, phát triển cao điểm vào các mùa mưa, lũ. Chúng ký sinh trên da, mang, khoang mũi của cá. Khi cá mới mắc bệnh, mình cá có lớp nhớt màu hơi trắng đục, cá bệnh thường nuổi đầu và thích tập trung nơi nước chảy, thích cọ mình vào thành bể hoặc cây cỏ và có cảm giác ngứa ngáy. Đôi khi cá nhô đầu lên khỏi mặt nước và lắc mạnh đầu. Cá bệnh nặng trông lờ đờ, đảo lộn vài vòng rồi chìm xuống đáy ao và chết. Để trị bệnh, người nuôi có thể dùng Formol với liều lượng 25ml/ m3 nước, tắm cho cá liên tục 2-3 ngày, tắm vào buổi sáng sớm hoặc vào chiều tối. Thứ hai, đối với bệnh rận cá: Bệnh này có đặc điểm là các con rận sẽ bám vào toàn thân cá, hút các chất nhờn làm bị đau, ngứa và cá chạy rần liên tục, nếu bám từ hai con trở lên cá sẽ bị chết. Để trị bệnh, người nuôi dùng Iodine với liều lượng 2g/m3 nước, tắm cho cá liên tục 3-5 ngày kết hợp dùng Oxytetracyline 5g trộn vào 1kg thức ăn cho cá ăn liên tục trong 5-7 ngày. Thứ ba, đối với bệnh ghẻ (còn gọi là bệnh đốm đỏ): Nguyên nhân chính của bệnh này là do cá bị các ký sinh trùng bám vào làm cho cá bị trầy sướt, chạy rong vèo, cá bị sây sát miệng và đuôi, tạo điều kiện thuận lợi để các vi-rút, vi khuẩn tấn công vào cơ thể cá. Cá bệnh thường phần đuôi xuất hiện những vết màu trắng xám sau đó lan dần lên đến thân, xuất hiện những vết ghẻ lở, cá bơi lội lờ đờ, toàn thân bị đen, cá chết. Cách trị bệnh, người nuôi dùng Formol với liều lượng 25ml/ m3 nước, tắm cho cá liên tục 3-5 ngày, kết hợp dùng Oxytetracyline 5g trộn vào 1kg thức ăn cho cá ăn liên tục trong 5-7 ngày. Ngoài ra, người nuôi nên bổ sung thêm vitamin C 5g/kg thức ăn, cho ăn liên tục 7-10 ngày để tăng cường sức đề kháng, kích thích cá ăn mạnh, tăng cường tiêu hóa thức ăn.

Nuôi thủy sản cũng như nuôi các đối tượng kinh tế khác, việc phòng bệnh là trên hết, trị bệnh chỉ là biện pháp cuối cùng khi dịch bệnh bùng phát. Do đó, để cá nuôi không bị các bệnh phổ biến trong mùa lũ, ngày từ bây giờ, người nuôi nên tuân thủ các biện pháp phòng bệnh nêu trên, tuy nhiên, nếu có dịch bệnh xảy ra, người nuôi nên đến các Trạm khuyến ngư vùng Đồng Tháp Mười, hay đến Trung tâm thủy sản Long An để có những hướng dẫn tận tình trong việc phòng và trị bệnh cho cá một cách hữu hiệu và ít tốn kém nhất.

Thành Hổ (Trung tâm Thủy sản Long An) - Long An, 01/10/2009

 

 

Thảo luận về kỹ thuật nuôi:

Xem thêm các thông tin có liên quan:

- Kỹ thuật nuôi tôm, cá và các loại thủy sản khác

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang