Trong nuôi trồng thủy sản, các đối tượng con nuôi thuỷ sản là những động vật biến nhiệt, có nhiệt độ cơ thể thay đổi theo nhiệt độ môi trường, khi rét đậm, rét hại kéo dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các động vật thuỷ sản, nhất là một số đối tượng chịu rét kém như: Rô phi, diêu hồng, chim trắng, trôi ấn Độ, ếch, tôm càng xanh ... thường dễ bị chết gây thiệt hại về kinh tế cho người nuôi thủy sản. Để chủ động trong công tác chống rét cho con nuôi thủy sản, người nuôi cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:
1. Quản lý ao nuôi:
- Đối với đàn cá nuôi lưu giữ qua đông nên chọn ao ở nơi khuất gió, có cây cối hoặc nhà che chắn. Nếu ao ở hướng gió thì nên đào ao sâu ở hướng Bắc để làm nơi cho cá trú ngụ trong mùa rét.
- Đối với nuôi thương phẩm: Nếu cá đã đạt kích cỡ thương phẩm thì bà con nên chủ động thu hoạch tránh thiệt hại do rét gây ra.
- Luôn luôn giữ mực nước từ 1,5 – 2 m. Mặt ao thả bèo tây, khoảng 2/3 diện tích ao được ngăn lại tránh tản đều khắp ao hoặc trồng chuối theo hàng về phía Bắc để chắn gió.
- Làm sọt tránh rét: Tạo một góc ao sâu về phía Bắc, dùng các sọt đan bằng tre lấy rơm rạ dùng nước vôi phun vào sát trùng, phơi thật khô ấn đầy vào sọt, cắm cọc đơm sọt xuống đáy ao. Sau 10 - 15 ngày thấy rơm rạ đã bị phân hủy thì vớt lên tránh gây ô nhiễm môi trường ao nuôi.
- Đối với những ao nuôi có diện tích nhỏ, bể nuôi lưu giữ cá thì làm giàn trên mặt ao, bể và che phủ bằng bạt nilon để tăng khả năng giữ nhiệt độ.
2. Chế độ chăm sóc, cho ăn:
- Thời điểm trước khi mùa đông đến cần tăng cường bổ sung dinh dưỡng cho cá để cá khỏe, có sức đề kháng với bệnh tật và tăng khả năng chống chịu được với thời tiết lạnh kéo dài bằng cách cho cá ăn đầy đủ thức ăn đảm bảo về số lượng và chất lượng.
- Khi nhiệt độ nước xuống dưới 180C, nên giảm 1/2 lượng thức ăn cho cá ăn. Khi nhiệt độ nước xuống thấp dưới 140C cần ngừng cho cá ăn vì ở ngưỡng nhiệt độ đó động vật thủy sản gần như ngừng bắt mồi, nếu đưa thức ăn xuống sẽ gây ô nhiễm môi trường ao nuôi.
- Khi nhiệt độ từ 140C trở lên, tranh thủ cho cá ăn vào thời điểm nhiệt độ cao nhất trong ngày, bổ sung thêm vitamin C, B.complex vào thức ăn nhằm tăng sức đề kháng cho cá với lượng dùng từ 3 - 5g/kg thức ăn. Với thức ăn công nghiệp nên chọn loại cám có hàm lượng đạm cao từ 28% trở lên để giúp cá hồi phục sức khỏe sau thời gian chống rét.
- Định kỳ 2 lần/tháng sát khuẩn môi trường nước bằng vôi bột, với hàm lượng 1 – 2 kg vôi bột/100m2
- Khi thấy nước ao bị ô nhiễm, nên sử dụng các loại chế phẩm sinh học làm sạch nước cho ao nuôi như EM, Bioflock, BKC, VICATO...
- Trong suốt thời gian trú đông, tuyệt đối không được dùng lưới, các loại phương tiện đánh bắt cá, tránh cá bị xây sát dẫn đến bị nhiễm bệnh.
- Dọn sạch cỏ, rác trong ao và thức ăn thừa ở nơi cho cá ăn. Thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để có hướng xử lý kịp thời khi có thay đổi bất thường xảy ra.
3. Phòng và trị một số loại bệnh
Nhiệt độ thấp trong mùa đông là nguyên nhân làm cho một số loại bệnh phát triển gây bệnh cho cá.
Bệnh ngoại kí sinh: Cá bị bệnh, màu sắc cá trở nên nhạt, cá thích tập trung ở nơi có đường nước chảy vào. Bệnh xuất hiện khi mật độ nuôi dày, điều kiện vệ sinh kém, thời tiết lạnh và mưa kéo dài.
Phòng, trị bệnh: Thả nuôi mật độ vừa phải, tránh để ao bị ô nhiễm, dùng chế phẩm sinh học chiết xuất từ lá xoan hoặc cây trâm bầu để trị bệnh.
Bệnh đốm đỏ: Thân và vùng bụng bị xuất huyết, vảy dựng lên, các gốc vây xuất huyết và ứ nước vàng. Bụng cá trương to chứa dịch và đỏ bầm, cá bơi lội lờ đờ chậm chạp, ít ăn hoặc bỏ ăn.
Phòng, trị bệnh: Không nuôi mật độ quá dày, cho ăn đầy đủ về số lượng và chất lượng, môi trường ao nuôi luôn giữ ổn định và sạch sẽ. Định kỳ 15 ngày tạt vôi bột với lượng 3 kg/1.000 m3 (vôi hoà tan trong nước tạt đều khắp ao).
Bệnh nấm thủy mi: Khi nấm mới ký sinh, mắt thường khó nhìn thấy, phần cuối của sợi nấm đâm sâu vào thịt cá, phần đầu của sợi nấm lơ lửng trong nước. Khi bệnh phát triển nhiều xuất hiện những đám bông màu trắng, gây cho cá ngứa ngáy, cá thường tập trung ở những nơi có nước chảy.
Phòng bệnh: Luôn giữ môi trường sống thuận lợi cho cá, nhất là vào những lúc trời lạnh, không để cá suy dinh dưỡng (thiếu ăn), không nuôi mật độ quá dày hoặc làm cá xây xát.
Trị bệnh: Dùng thuốc tím (KMnO4) tạt đều xuống ao liều 3 - 5 g/m3 nước, hoặc dùng muối ăn tắm cho cá trong 15 phút.
Lưu ý: khi dùng thuốc phòng, trị bệnh:
+ Không thay nước ao, cần giữ môi trường nước sạch và ổn định.
+ Không kéo cá, dồn cá.
+ Không cho cá ăn trước 1 ngày trước khi cho cá ăn thuốc phòng trị bệnh.
+ Lượng thức ăn trộn với thuốc giảm bằng một nửa so với ngày bình thường để bảo đảm cá sử dụng hết thức ăn.
Trung Kiên (Trung tâm Khuyến nông Ninh Bình) - Báo Ninh Bình, 9/12/2019
Lưu ý nuôi trồng thủy sản trong mùa đông
Xem thêm: Lưu ý nuôi trồng thủy sản trong mùa đông: Nếu sau khi thả giống lại gặp những cơn mưa bất thường, ngay lập tức dùng vôi bột rải đều trên khắp bờ, mặt ao với lượng 2kg/100m2 để khắc phục tình trạng pH giảm đột ngột làm tăng độc tính của khí H2S
Chống rét cho cá
Mùa đông miền bắc nhiệt độ thường xuống rất thấp, trời rét kéo dài sẽ khiến cho một số giống cá, tôm chịu rét kém như: rô phi, chim trắng, tôm càng xanh... chết hàng loạt. Để khắc phục tình trạng này, xin giới thiệu một số biện pháp chống rét cho cá, tôm dưới đây.
Chống rét giữ giống qua đông
Để chuẩn bị cá, tôm giống cho vụ đông xuân, việc chống rét bảo vệ tôm, cá giống qua đông là rất quan trọng. Ngay từ tháng 7 - 8, các trại cá, tôm giống nước ngọt phải tiến hành cho đẻ nhân tạo đợt cuối. Sau đó, lấy cá bột ương thành cá hương, cá giống càng to càng tốt, tiến hành chống rét giữ giống bằng hai cách:
- Những trại cá, tôm giống có hệ thống nhiệt cần chuẩn bị tẩy dọn các bể ương. Đến cuối tháng 1 đầu tháng 12, bắt cá hương, cá giống rô phi, tôm càng xanh, cá chim trắng ương dưới ao lên, đưa vào bể nang nhiệt giữ cá tôm ở nhiệt độ từ 22 - 250C với mật độ dày và có sục ô xy. Đến cuối tháng 2 đầu tháng 3 có thể đem cá, tôm giống ra nhân nuôi hoặc bán cho dân nuôi tôm, cá thương phẩm.
- Những nơi không có điều kiện nâng nhiệt độ thì vào cuối tháng 10 cần tiến hành chọn lại cá giống bố mẹ, sau đó đưa sang nuôi tại ao giữ nước, kín gió, có độ sâu từ 1,2 - 1,5 m đã được tẩy dọn sạch. Đối với cá rô phi và cá chim trắng phải tích cực cho ăn để cá béo và có thể chống rét tháng 11 và 12. Dùng các sọt rơm cắm chìm xuống đáy ao nơi sâu nhất để cá chui vào tránh rét. Trên mặt nước nên thả kín bèo về phía bắc, ngoài ra, có thể dùng nylon phủ kín mặt ao để chống rét cho cá, tôm.
Chống rét cho cá thịt
Tháng 11 và 12 hằng năm, sau khi tiến hành thu hoạch, cần chọn lại các loại tôm càng xanh, cá rô phi, cá chim trắng chưa đủ cỡ thu hoạch để tiến hành chống rét và nuôi tiếp. Cần chọn một ao có diện tích khoảng 1 sào, độ sâu từ 1,2 - 1,5m, kín gió, có nguồn nước bơm vào khi trời rét được dọn vệ sinh sạch sẽ. Đưa cá, tôm giống đã được chọn lựa vào ao nuôi với mật độ 2 - 4 con/m, tiếp tục cho ăn bằng thức ăn công nghiệp, thức ăn tinh vào những ngày ấm để cá tăng khả năng chịu rét. Dùng sọt đựng rơm thả xuống đáy ao để cá, tôm chui vào trú đông. Trên mặt ao thả bèo kín 1/2 ao về phía bắc, nếu có điều kiện có thể dùng nylon phủ kín mặt ao. Đến cuối tháng 2 đầu tháng 3, đưa cá, tôm này ra thả vào ao nuôi sẽ rất nhanh lớn.
Hiện nay, phong trào nuôi cá rô phi, cá chim trắng, tôm càng xanh hàng hóa phục vụ xuất khẩu ở miền bắc đang ngày một tăng mạnh. Tuy nhiên vấn đề giữ giống và chống rét cho các loại cá, tôm chịu rét kém này lại rất nan giải. Vì vậy, việc thực hiện các biện pháp chống rét như trên sẽ giúp nông dân an tâm trong việc giữ giống và chuẩn bị tốt cho vụ nuôi trồng đầu năm đạt năng suất cao.
ĐOÀN QUANG SỬU (Báo Nông thôn ngày nay) - E-Nhân dân, 16/12/2003
Chống rét cho cá
Để giúp bà con nông dân, ngư dân tham khảo, thực hiện việc chống rét cho cá. Xin giới thiệu kỹ thuật chống rét cho cá tôm, nhất là cá rô phi đơn tính phục vụ cho nuôi xuất khẩu vào đầu năm 2004.
Chọn và chuẩn bị ao nuôi
– Ao chống rét cho cá tôm những tháng mùa đông cần chọn ao kín gió, có diện tích từ 1 –2 sào, nằm ngang với hướng gió bắc, đất pha cát ao sâu từ 1,3 – 1,4m đáy ít bùn. Có nguồn nước sông ngòi sạch, cấp và thoát nước dễ dàng.
Tháng 10, tháng 11 hàng năm tát hết nước, bắt hết cá tạp: Cá rô, cá quả, dọn sạch cây cỏ ven bờ, bốc bùn lấp hết hang hốc, dùng 50 – 60kg vôi bột/sào, rắc khắp ao để phơi nắng 1 –2 ngày, diệt hết côn trùng gây bệnh cho cá, bón lót 150–200kg phân/sào ao. Tháo nước vào sâu 1,2 – 1,3m để sau 7 – 10 ngày thả cá giống vào nuôi.
Thả giống và nuôi chống rét
– Cá tôm phải chống rét là các giống cá rô phi đơn tính, cá chim trắng, tôm càng xanh là những giống mới nhập về nuôi ở Việt Nam. Khả năng chịu rét còn kém khi nhiệt độ xuống 8 – 120C kéo dài, cá không chịu nổi sẽ chết.
– Các loại cá, tôm trên một số nhập về chậm nuôi ương còn nhỏ, một số cho đẻ vụ thu cá mới ương, một số loài cá nuôi thịt chưa đạt yêu cầu xuất khẩu đều được chọn đưa vào ao nuôi chống rét.
– Cá đưa vào ao nuôi phải được tuyển chọn những con khỏe mạnh, đều con không xây sát, bệnh tật để tránh cá mắc bệnh trước khi thả, cá được tắm nước muối 3 phần nghìn trong 2 – 3 phút.
– Đối tượng nuôi: Chủ yếu là cá rô phi đơn tính, cá chim trắng. Mật độ thả với cỡ cá 300 – 400 con/kg thì thả 5.000 – 10.000 con/sào Bắc bộ. Thời gian thả vào cuối tháng 10, đầu tháng 11. Thả chủ yếu là cá rô phi đơn tính 70%, còn 30% cá chim trắng. Nếu cá to thì mật độ thả thưa hơn.
Chống rét và chăm sóc cá
– Để chống rét cho cá có thể áp dụng 2 phương pháp:
+ Che ao bằng nilon, cá đưa vào ao chống rét vẫn chăm sóc cho ăn bình thường bằng cám Con cò theo định kỳ vào sáng và chiều theo quy trình nuôi cho cá béo khỏe tăng khả năng chống rét. Sang tháng 12, tháng 1 trời rét đậm dùng tre làm giàn trên mặt ao che phủ nilon kín để tăng khả năng giữ nhiệt độ cho ao. Dưới ao bơm nước sâu từ 1,4 – 1,5m. Mặt ao thả bèo tây 2/3 sao về phía bắc chắn gió bắc.
+ Làm sọt cho cá tránh rét. Các ao chống rét cho cá tạo một góc ao về phía bắc sâu, dùng các sọt đan bằng tre lấy rơm rạ dùng nước vôi phun vào sát trùng, phơi thật khô ấn đầy vào sọt cắm cọc dìm xuống đáy ao, lúc trời rét cá chui vào tránh rét trên mặt ao thả 2/3 bèo tây về phía bắc, thường xuyên bơm nước giữ cao 1,4–1,5m.
Cá nuôi những ngày ấm hoặc buổi trưa trời nắng cần cho cá ăn, lượng cho ăn phải tùy thuộc vào sức ăn mà tăng hoặc giảm để cá khỏe mạnh, có khả năng chống rét.
Thu hoạch cá đưa ra nuôi thành cá thịt
Để tranh thủ thời gian nuôi sớm thời vụ, mùa xuân có nhiều thức ăn, cá lớn nhanh đạt tiêu chuẩn xuất khẩu trước vụ rét năm sau. Vào cuối tháng 2 chuẩn bị sang mùa ấm cần thu hoạch cá tôm giống này bằng cách kéo lưới hoặc tát cạn thu hoạch cá tôm giống này đưa ra ao hồ đã chuẩn bị nuôi thành cá thịt.
Với kỹ thuật chống rét trên, vụ rét năm 2003 nhiệt độ xuống thấp 8 – 12oC kéo dài từ 7 – 10 ngày. Song nhiều gia đình ở Bắc Ninh đã giữ được đàn cá giống chim trắng nuôi cho năm sau.
NNVN, 5/11/2004
Nhấn vào đây để xem tất cả các thông tin kỹ thuật về NTTS mùa lạnh
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.