• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bảo vệ con nuôi thủy sản trong giai đoạn giao mùa

Trong thời điểm giao mùa như hiện nay, biên độ giao động nhiệt giữa ngày và đêm lớn. Sự chênh lệch này làm cho đối tượng nuôi dễ bị sốc, giảm sức đề kháng. Các yếu tố môi trường bị biến động theo chiều hướng xấu, khiến cho đối tượng nuôi dễ bị các tác nhân gây bệnh tấn công, làm bùng phát dịch bệnh gây thiệt hại cho người nuôi. Để duy trì ổn định môi trường ao nuôi và nâng cao sức đề kháng, ngăn ngừa bùng phát dịch bệnh trên đối tượng nuôi thủy sản, người nuôi thực hiện một vài giải pháp kỹ thuật trong giai đoạn giao mùa như sau:

Quản lý môi trường ao nuôi:

Hiện nay, các ao nuôi đã bước vào giai đoạn cuối vụ nuôi, phân cá cũng như thức ăn dư thừa làm nước ao nuôi đặc mầu, phì dưỡng nghiêm trọng. Do đó, ngay tại thời điểm này tốt nhất là nên thay 1/3 lượng nước trong ao. Nguồn nước lấy vào nên được lọc qua túi lọc có kích thước mắt lưới 2a=0,1mm và được treo túi thuốc sát khuẩn tại đầu nguồn nước. Duy trì mực nước trong ao từ 1,8-2 m nước để ổn định nhiệt và các yếu tố môi trường khác trong ao nuôi.

Đối với các ao nước tù đọng, không chủ động thay nước được hoặc các ao nuôi thâm canh, người nuôi nên định kỳ 1 tuần/lần sử dụng chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường nước, kiểm soát mật độ tảo, ổn định độ pH và độ kiềm, giảm hàm lượng khí độc H2S, NH3, NO2- và kiểm soát mật độ vi khuẩn Vibrio.

Sát khuẩn môi trường nước ao nuôi: Khi mật độ vi khuẩn trong nước ao nuôi cao, xử lý nước bằng các biện pháp như thay một phần nước, sử dụng Vikato; TCCA; Cholorin hoặc Iodin với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, nên tạt vào khoảng 8-9 giờ sáng. Sử dụng vôi bột hòa lỏng tạt xuống ao nuôi với lượng 3-5kg/100m3 nước tùy theo mức độ đặc màu của nước, 2-4 tuần 1 lần để diệt bớt tảo.

Định kỳ 2 tuần/lần, sử dụng các chế phẩm sinh học giúp phân giải mạnh xác tảo tàn, thức ăn thừa, chất hữu cơ trong nước, ổn định độ pH của nước, gián tiếp làm tăng ôxy hòa tan trong nước, giảm các độc tố trong môi trường nước giúp vật nuôi phát triển tốt.

Tăng cường quạt khí đặc biệt lúc nửa đêm về sáng nhằm đảm bảo đủ khí ôxy trong ao, đáp ứng nhu cầu của đối tượng nuôi và các phản ứng hóa học xảy ra trong ao. Vào cuối các buổi chiều, tiến hành gạn váng tảo ở cuối ao để tạo độ thông thoáng mặt nước, ôxy được hòa tan nhiều hơn.

Vùng nuôi có độ kiềm thấp có thể dùng 20kg Dolomit/3.000m3 trộn với 16kg rỉ đường mật/3.000m3 đậy kín, ủ 12 giờ, không thêm nước. Sau đó rải đều trên mặt ao, nếu hôm sau đó chưa đạt nên tạt thêm đến khi đạt trị số 90-180mg/l mới ngừng.

Dự trữ nước sạch trong ao lắng để cung cấp hoặc thay thế một phần ao nuôi khi cần thiết; Bổ sung nước khi mực nước trong ao thấp hơn 1,5m hoặc thay nước khi các thông số môi trường nằm ngoài giới hạn thích hợp, nước ao nuôi có màu xanh đậm, vàng đen, đen hoặc có nhiều váng bọt nổi trên mặt nước.

Khi trời mưa nhiều, tạo rãnh thoát nước và bón vôi quanh ao trước và sau khi trời mưa nhằm phòng tránh hiện tượng pH, độ mặn, độ kiềm trong ao giảm đột ngột và nguy cơ tràn cống thoát nước gây thất thoát con nuôi.

Chăm sóc đối tượng nuôi:

Tính lượng thức ăn cho ăn hàng ngày chính xác, tránh dư thừa gây lãng phí và ô nhiễm môi trường nuôi. Tăng cường sức đề kháng cho đối tượng nuôi bằng cách bổ sung Vitamin C, khoáng, vi sinh đường ruột, chất bổ gan và trộn thức ăn cho đối tượng nuôi.

Có thể tăng sức đề kháng cho cá bằng thảo dược, cây ngoài tự nhiên như cắt nhỏ thân cây chuối rồi cho cá ăn. ép lấy nước cây cỏ mực nghiền nhỏ cho cá ăn cả bã với khẩu phần 3 kg/100kg cá/ngày. Tỏi xay thật nhỏ trộn vào thức ăn với liều lượng 100- 300 g/100kg cá, cho ăn liên tục 1 tuần. Cây nghể băm nhỏ, nấu kỹ lấy nước, bỏ bã, sau đó trộn vào thức ăn. Cho cá ăn 300g thân, lá tươi/100kg cá trong 3- 6 ngày liên tục (lưu ý cây nghể có tính nóng vì vậy không nên cho quá liều lượng). Cây rau sam cho cá ăn với liều lượng 1,5- 3 kg/100kg cá, trước khi cho cá ăn, cần rửa sạch rau sam bằng nước muối.

Tuyệt đối không sử dụng các loại kháng sinh để phòng bệnh. Đối với những ao nuôi cá có biểu hiện bị nhiễm khuẩn, lở loét nên sử dụng kháng sinh không thuộc danh mục cấm do Bộ Nông nghiệp & PTNT quy định. Tuân thủ đúng liều dùng và thời gian dùng thuốc theo hướng dẫn của nhà sản xuất, phối trộn vào khẩu phần ăn hàng ngày của cá.  Thường xuyên quan sát các hoạt động của cá để có biện pháp xử lý kịp thời.

Trong suốt quá trình nuôi nên phòng bệnh cho đối tượng nuôi là tốt nhất, vì khi bị bệnh việc điều trị rất khó khăn, tốn kém và hiệu quả không cao. Vì vậy người nuôi cần phải thực hiện tốt quy trình nuôi dưỡng, chăm sóc cho cá.

Trên đây là một vài biện pháp kỹ thuật quản lý môi trường và nâng cao sức khỏe cho đối tượng nuôi thủy sản. Mong bà con thực hiện tốt để bảo vệ con nuôi của mình.

Nguyễn Minh Huệ (Chi cục Thủy sản Ninh Bình) - Báo Ninh Bình, 4/11/2019

 

Nhấn vào đây để xem tất cả các thông tin kỹ thuật về nuôi thủy sản mùa mưa, bão, lũ

Xem thêm: Một số khuyến cáo khi nuôi cá lồng bè trước mưa giông lớn ở miền Bắc

Thảo luận về kỹ thuật nuôi:

Xem thêm các thông tin có liên quan:

- Kỹ thuật nuôi tôm, cá và các loại thủy sản khác

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang