• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nuôi thủy sản trước và trong mùa lũ

Trước mùa mưa lũ bà con nuôi thủy sản cần lưu ý một số việc:

- Gia cố, nâng cao đê đập và củng cố lại hệ thống cống bọng.

- Chuẩn bị các phương tiện, dụng cụ như: cao su, bao cát, cừ tràm... để gia cố đê đập kịp thời khi gặp sự cố và cần chuẩn bị lưới mịn để bảo vệ tôm cá nuôi trong mùa lũ.

- Chăm sóc đàn tôm cá khỏe mạnh ở giai đoạn ương và nuôi, tạo con giống có sức sống tốt và độ đồng đều cao để chúng không bị sốc khi lũ về.

- Hạn chế thay nước cho ao nuôi thủy sản trong thời điểm nước dâng đầu mùa và nước rút cuối mùa do lúc này nguồn nước thường bị ô nhiễm từ nước sinh hoạt, nước có nhiều dư lượng thuốc BVTV trên ruộng... và tránh gây xáo động trong môi trường nuôi.

- Không nên thu hoạch đồng loạt ngay sau nước rút để tránh bị rớt giá và làm ô nhiễm nguồn nước do nước thải ra từ các ao nuôi thủy sản.

* Những thuận lợi và khó khăn khi phát triển nuôi thủy sản trong mùa nước nổi. (Tiến sĩ Dương Nhựt Long)

- Thuận lợi: hàng năm khi lũ về với nguồn nước dồi dào nên thức ăn tự nhiên rất đa dạng như các loài phiêu sinh vật, động vật đáy..., thành phần chủng loài tôm, cá, cua, ốc cũng rất phong phú góp phần làm tăng sản lượng khai thác thủy sản nuôi và thủy sản tự nhiên trong vùng.

Hạn chế khi lũ về:

+ Đe dọa trực tiếp đến tài sản, tính mạng của người dân trong vùng.

+ Phá hoại những công trình, hệ thống nuôi thủy sản nếu không được chuẩn bị tốt.

+ Lũ về sẽ cuốn trôi phèn, vật chất hữu cơ phân hủy, độc tố thuốc BVTV từ nội đồng ra kinh rạch làm thay đổi điều kiện môi trường, thậm chí ô nhiễm dẫn đến tôm cá chết hàng loạt.

Biết được những thuận lợi và khó khăn này bà con có thể chuẩn bị những việc cần thiết để khi lũ về không bị thiệt hại mà còn góp phần cải thiện cuộc sống.

* Một số mô hình nuôi thủy sản trong mùa nước nổi:

Nuôi đăng quầng: tôm, cá tra, cá ba sa, cá lóc... cặp bờ sông hay ngay trên ruộng. Có thể tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên từ dòng chảy và nguồn nước thay đổi thường xuyên.

Nuôi thủy sản trên ruộng: luân canh hay xen canh trên đất trồng lúa. Phải chuẩn bị tôn cao bờ bao, lưới mịn...

Nuôi cá lóc trong vèo hay trong mùng lưới: hiện nay khá phát triển ở hai tỉnh đầu nguồn An Giang và Đồng Tháp. Thức ăn chủ yếu là ốc bươu vàng rẻ tiền, dễ kiếm trong mùa nước nổi.

Nhìn chung các mô hình nuôi thủy sản trong mùa nước đều nhằm khai thác nguồn thức ăn phong phú và môi trường nước dồi dào của tự nhiên làm giảm được chi phí sản xuất. Hiện nay, ở quận Ô Môn, huyện Cờ Đỏ - TP Cần Thơ và huyện Thoại Sơn - tỉnh An Giang đã có nhiều bà con nông dân thành công khi thay vụ lúa mùa mưa bằng vụ nuôi thủy sản. Nếu có điều kiện bà con có thể đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.

* Hỏi: Nuôi cá trong ao, lưới, trong mùng, vèo, trên ruộng hay thả nuôi trong ao mương thì cách nào tốt hơn trong mùa lũ? Nên nuôi kết hợp các loại cá nào là thích hợp nhất?

Đáp (Thạc sĩ Lam Mỹ Lan): Trong mùa lũ, nuôi cá như các mô hình kể trên thì cách nào cũng tốt nhưng phải tùy vào điều kiện ở từng vùng nuôi. Vùng có hệ thống đê bao chủ động được nước thì có thể tổ chức hệ thống nuôi là ao mương hay ruộng. Còn nuôi trong mùng lưới thì tùy vào đối tượng nuôi vì điều kiện chật hẹp nên có thể nuôi một số đối tượng có cơ quan hô hấp phụ như cá rô, cá lóc... Nuôi trong mùng lưới mà mật độ thưa sẽ không hiệu quả bằng nuôi trong ao, mương hay ruộng nhưng có một cái lợi là khi nước lũ lên cao thì có thể dâng mùng lưới theo đỉnh lũ để tránh thất thoát cá.

Nuôi ghép các loại cá thì có thể tận dụng được diện tích ao nuôi và nguồn thức ăn tự nhiên. Do đó có thể thả cá nuôi ở các tầng khác nhau trong cùng một ao:

Tầng đáy: cá chép, cá trê, cá tra

Tầng giữa: mè vinh, rô phi, sặc rằn

Tầng mặt: mè trắng...

Mật độ nuôi tùy vào khả năng đầu tư, nếu có khả năng đầu tư thức ăn ngoài thức ăn tự nhiên thì có thể nuôi ở mật độ cao 5 - 7 con/m2, nếu chỉ tận dụng thức ăn tự nhiên thì nên thả thưa 1 - 2 con/m2. Cần chú ý là mùa lũ chỉ kéo dài khoảng 4 tháng nên khi thả nuôi cần chọn con giống có kích cỡ lớn để khi nước rút thì cá có thể đạt kích cỡ thương phẩm.

* Hỏi: Tại sao cá nuôi thường nổi đầu vào buổi sáng, đến khi mặt trời mọc thì lặn hết? Nuôi chung cá mè vinh và mè trắng, buổi sáng cá ngớp khắp mặt ao, thả mồi cá không ăn, nước trong ao sạch sẽ và ra vô thường xuyên. Xin hỏi nguyên nhân và cách khắc phục?

Đáp (Tiến sĩ Trương Quốc Phú): Hiện tượng cá nổi đầu vào buổi sáng rất phổ biến và thường gặp trong các ao nuôi cá chủ yếu là do thiếu oxy trong nước. Thường trong ao nuôi có các loài rong tảo phát triển, vào ban ngày khi có ánh sáng mặt trời thì chúng quang hợp thải ra oxy trong nước cung cấp cho cá nên ban ngày không thiếu oxy, ban đêm không có ánh sáng thì các loài rong tảo này hấp thu oxy làm cho hàm lượng oxy trong nước giảm dần, đến khoảng 5 - 6 giờ sáng thì hàm lượng oxy trong nước thấp nhất, nên lúc này cá ngoi đầu lên mặt nước để lấy oxy trong không khí. Để khắc phục, ta cần chú ý vấn đề rong tảo trong ao nuôi, tảo phát triển càng nhiều thì càng dễ thiếu oxy. Có thể giảm mật độ tảo bằng cách thay nước trong ao.

Tuy nhiên, nếu oxy trong nước thiếu nhẹ tức là cá nổi đầu mà vẫn lội linh hoạt, khi vỗ tay cá sẽ giật mình lặn xuống thì đó là bình thường không cần phải khắc phục. Còn khi cá nổi đầu thành từng đàn thường tập trung ở gốc ao, lờ đờ và không có phản ứng với tiếng động hoặc cá nổi đầu đến sau 8 giờ sáng mà không lặn thì đã thiếu oxy trầm trọng, cần phải thay nước ngay nếu không sẽ dẫn đến chết cá.

Cá mè vinh và mè trắng nuôi trong ao có thay nước thường xuyên nhưng cá vẫn nổi đầu vào buổi sáng là do mật độ cá nuôi trong ao quá cao nên không đủ oxy để thở. Cần sang thưa cá ra để giảm mật độ hoặc cá đến kích cỡ thu hoạch thì nên thu tỉa.

* Hỏi: Nuôi cá rô đồng nên chọn con giống tự nhiên hay giống nhân tạo? Làm sao biết được cá rô phi đơn tính khi đi mua giống?

Đáp (Tiến sĩ Dương Nhựt Long): Giống cá rô đồng tự nhiên: thường giá rẻ (3.000 - 5000 đ/kg), có kích cỡ lớn nhưng không đều, khó chủ động được nguồn giống khi cần và trong quá trình đánh bắt, vận chuyển cá bị xây xát nhiều nên tỷ lệ cá chết cao (40 - 50%).

Giống cá nhân tạo: chủ động tạo ra nguồn giống lớn và kích cỡ con giống đồng đều, đạt năng suất cao qua quá trình nuôi (10 - 20 tấn/ha). Tuy có mất thời gian để ương dưỡng cá nhưng cũng chỉ một thời gian ngắn.

Trong hai nguồn giống thì nên chọn con giống nhân tạo để nuôi sẽ cho hiệu quả cao hơn.

* Nhận biết cá rô phi đơn tính khi mua giống:

- Khi mua giống ở những cơ sở sản xuất giống thì nên quan sát những phương tiện, dụng cụ dùng để sản xuất cá rô phi chuyển giới tính ở cơ sở đó. Sản xuất cá thường theo qui trình: dùng bình vây để lấy trứng cá mẹ, đem ấp nở và đưa ra khai ương, sau đó xử lý bằng hóc môn để cá chuyển giới tính. Nếu cơ sở sản xuất nào có sử dụng đủ các phương tiện này thì bà con có thể yên tâm về chất lượng cá giống chuyển giới tính.

- Ngoài ra, để kiểm tra đánh giá việc chuyển giới tính của cá rô phi thì người ta còn quan sát hình dạng tế bào tuyến sinh dục của cá rô phi sau khi chuyển giới tính: nếu có dạng điểm (có những chấm nhỏ) là cá đực; nếu có dạng hình cầu là cá cái. Phương pháp này khá chính xác nhưng bà con mình khó thực hiện, chỉ ở các viện trường mới làm được điều này.

Hiện nay, khoa Thủy sản - ĐHCT thì có thể giúp đỡ về mặt kỹ thuật cho các cơ sở sản xuất cũng như bà con nông dân để có được con giống cá rô phi chuyển giới tính tốt.

* Hỏi: Nuôi tôm cá trong mùa lũ chỉ cho ăn ốc bươu vàng hay lá khoai lang, khoai mì thì cá có tăng trọng bình thường không? Ruộng nuôi ghép cá chép, trê phi, cá hường, mè hoa thì nên cho cá ăn thêm thức ăn gì?

Đáp (Thạc sĩ Lam Mỹ Lan): Trong ốc bươu vàng chỉ có chứa nguồn đạm động vật. Nếu nuôi ở mật độ vừa phải thì tôm cá có thể ăn thêm các loại thức ăn tự nhiên khác nên tương đối đầy đủ chất dinh dưỡng. Còn nếu nuôi ở mật độ cao, lượng thức ăn tự nhiên không đủ thì cần bổ sung thêm cho tôm cá như thức ăn viên cung cấp một số vitamin và chất khoáng cần thiết cho sự phát triển của chúng.

- Cá ăn lá khoai lang hay khoai mì thì nó chỉ được cung cấp chất xơ nên sẽ thiếu một số chất khác. Cũng giống như trên, nếu nuôi cá ở mật độ cao thì cần phải bổ sung các loại thức ăn khác nhau để cá phát triển tốt vì lượng thức ăn tự nhiên sẽ không cung cấp đủ.

Ruộng nuôi ghép nhiều loại cá thì căn cứ vào đối tượng chính mà bổ sung thức ăn cho phù hợp. Cá chép, cá trê phi... ăn thức ăn có nguồn gốc động vật và nếu tỷ lệ này nhiều thì nên cung cấp thêm thức ăn là ốc bươu vàng, cá tạp, cua... là các loại thức ăn sẵn có trong mùa lũ. Còn cá hường, cá mè hoa có thể ăn mùn bã hữu cơ, phiêu sinh thực vật và một số thực vật thượng đẳng thủy sinh, do đó nên bổ sung cám + bột cá; khi cá nhỏ, tỷ lệ bột cá có thể là 40%, khi cá ở giai đoạn 2 tháng tuổi trở đi thì chỉ cần 20% bột cá. Hiện nay, nuôi ghép ít loài hoặc nuôi đơn sẽ có lời cao hơn so với nuôi ghép nhiều loài.

* Hỏi: Ao đìa nuôi cá không có nước ra vào, mùa mưa cá chết nhiều do phèn từ trên bờ chảy xuống. Dùng vôi bột rải quanh ao, sau đó hòa 1,5 - 2 kg vôi bột/m3 nước trong ao để khắc phục hiện tượng này có được không? Nên làm thế nào là tốt nhất?

Đáp (Tiến sĩ Trương Quốc Phú): Để nuôi cá được thì trước hết là phải có mực nước đạt yêu cầu khoảng 1 - 1,2 m. Hiện tượng rửa trôi phèn từ trên bờ xuống ao gây chết cá thường xảy ra vào mùa mưa. Đặc biệt trong trường hợp không trao đổi nước được và dẫn đến chết cá tức là lượng phèn tương đối lớn và có thể là do ao mới đào. Biện pháp rải vôi hạ phèn cũng có thể áp dụng, nhưng nếu vùng có phèn quá nặng thì biện pháp này không mang lại hiệu quả. Nên cải tạo ao nuôi trong một vài năm hoặc là sau nhiều cơn mưa, kiểm tra lại độ phèn bằng cách đo độ pH, nếu trên 6 thì có thể kết hợp biện pháp bón vôi và bón phân hữu cơ để làm tăng pH (tức giảm phèn). Phân sử dụng là phân hữu cơ như phân chuồng hoặc phân xanh từ lá cây họ đậu, khoai mì... đã ủ hoại mục để bón cho ao nuôi sẽ tránh được hiện tượng xì phèn và cũng giúp cho phiêu sinh vật hoặc rong tảo phát triển góp phần làm giảm phèn. Liều lượng bón khoảng 150 kg phân chuồng và 75 kg phân xanh cho 1.000 m2 ao nuôi. Một biện pháp khác là có thể đắp bờ ao nghiêng về phía ngoài hạn chế nước mưa chảy vào trong ao, tránh hiện tượng dậy phèn.

* Hỏi:

- Sau khi gặt lúa hè thu, để lúa chét trên ruộng nuôi cá có được không?

- Diện tích đất ruộng là 6.000 m2, đào ao xung quanh để nuôi cá thì nên đào sâu và rộng bao nhiêu là vừa?

- Có 1 ha đất ruộng, muốn dụ cá vào đẻ trong mùa lũ thì làm thế nào?

Đáp (Tiến sĩ Dương Nhựt Long): Trong hệ thống nuôi cá kết hợp, đặc biệt là trên ruộng lúa thì việc sử dụng lúa chét để tiếp tục làm thức ăn cho cá là một giải pháp kỹ thuật rất căn bản. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi có thể thả cá ngay trong thời điểm làm lúa hè thu, sau sạ 20 - 25 ngày. Đồng thời với quá trình phát triển của cây lúa thì cá cũng phát triển, khi gặt lúa xong thì cũng cần bón phân nuôi lúa chét để tạo nguồn thức ăn tiếp tục cho cá.

- Đào ao xung quanh ruộng để nuôi cá là mô hình nuôi thủy sản lúa - cá kết hợp. Với 6.000 m2 đất ruộng có thể đào bốn mương bao xung quanh với mặt mương rộng khoảng 3 m, chiều sâu 0,8 - 1,2 m, tỷ lệ 30% diện tích ruộng lúa. Cũng có thể thiết kế một ao liền kề với ruộng lúa (diện tích khoảng 1.000 m2) để vừa ương cá, nuôi cá và khi đầu ra khó khăn thì cũng dễ dàng rút cá từ ruộng xuống trữ trong ao, thiết kế ruộng nuôi theo cách này sẽ hiệu quả hơn.

- Để khai thác hiệu quả 1 ha đất ruộng thì không nên thiết kế hệ thống để dụ cá vào đẻ, bởi vì hao hụt sẽ rất lớn do nguồn cá tạp bên ngoài nhiều và tỷ lệ cá giống thu được sẽ không quá 2% nhu cầu. Nên thiết kế hệ thống trồng lúa kết hợp với nuôi cá hay tôm với mật độ 2 - 3 con/m2 sẽ hiệu quả hơn.

Ban Thư ký Nhịp Cầu Nhà Nông, BCT, 4/7/2004

Với sự tham gia:

+ Tiến sĩ Trương Quốc Phú - Phó Trưởng Khoa Thủy sản, ĐHCT.

+ Tiến sĩ Dương Nhựt Long - Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Nuôi, Khoa Thủy sản, ĐHCT.

+ Thạc sĩ Lam Mỹ Lan - Giảng viên Bộ môn Kỹ thuật Nuôi, Khoa Thủy sản, ĐHCT.

+ Kỹ sư Tiêu Minh Tâm - Trưởng phòng Chuyển giao Kỹ thuật Cty DV BVTV An Giang - đại diện cho đơn vị phối hợp thực hiện chương trình.

 Nhấn vào đây để xem tất cả các thông tin nuôi tôm độ mặn thấp

 Nhấn vào đây để xem tất cả các thông tin kỹ thuật nuôi tôm

 

Thảo luận về kỹ thuật nuôi:

Xem thêm các thông tin có liên quan:

- Kỹ thuật nuôi tôm, cá và các loại thủy sản khác

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang