• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thay đổi quy trình nuôi tôm kỹ thuật tiên tiến

Ở vùng nuôi tôm ven biển ĐBSCL vừa trải qua đợt hạn, mặn lịch sử trong 90 năm qua. Theo đó, người nuôi tôm bị thiệt hại nặng nề do độ mặn tăng cao, xảy ra dịch bệnh, tôm chết… Điều này người nuôi cần nhanh chóng thay đổi quy trình nuôi tôm kỹ thuật tiên tiến để đạt hiệu quả kinh tế cao.

Từ đầu năm 2016 đến nay, người dân ở tỉnh Sóc Trăng thả tôm giống trên 11.700ha, với hơn 4,5 triệu con giống (tôm thẻ trên 8.000ha, tôm sú trên 3.700ha), đạt hơn 26% kế hoạch và bằng 79% so với cùng kỳ 2015. Nhưng diện tích thiệt hại hơn 1.947ha, chiếm 16,5% diện tích thả của toàn tỉnh. Bà Quách Thị Thanh Bình, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, cho biết, từ giữa tháng 5-2016 đến nay xuất hiện mưa đầu mùa. Bà con nuôi tôm ở Mỹ Xuyên và Vĩnh Châu bắt đầu thả nuôi nhiều. Tuy nhiên diện tích thả tôm nuôi bị thiệt hại còn chiếm tỷ lệ khá cao. Nguyên nhân tôm chết nhiều khả năng do ảnh hưởng xâm nhập mặn, độ mặn tăng cao gây "sốc" môi trường và bệnh đốm trắng, gan tụy. Hiện nay, bà con đang vào vụ thả giống đợt 2 với diện tích còn lại khá lớn. Do đó người nuôi tôm đối mặt thách thức mới có thể xảy ra là chất lượng tôm giống và giá tăng.

Vùng nuôi tôm ven biển đang vào vụ thả giống.

PGS TS Trương Quốc Phú, Trưởng Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ, nhận định: Năm 2012-2013 và những năm tiếp theo sau đó có điểm chung là tôm nuôi bị thiệt hại chủ yếu do: bệnh hoại tử gan tụy cấp do vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus và bệnh đốm trắng do virus WSSV gây ra. Bệnh hoại tử gan tụy cấp thường xảy ra vào đầu vụ trong thời tiết nắng nóng và bệnh đốm trắng thường xảy ra vào cuối vụ khi bị các đợt mưa dầm hoặc gió mùa Đông Bắc bắt đầu thổi. Tuy nhiên, có sự khác biệt khá rõ về dịch bệnh xảy ra trong năm 2012-2013 và những vụ tôm của các năm sau, đặc biệt là vụ tôm năm 2015, 2016. Trong vụ tôm năm 2012-2013 bệnh hoại tử gan tụy cấp gây thiệt hại rất nặng nề ở đầu vụ nuôi, tỷ lệ diện tích nuôi tôm bị thiệt hại do bệnh đốm trắng rất thấp so với diện tích bị thiệt hại do bệnh hoại tử gan tụy cấp. Nhưng cuối vụ thì hầu hết nông dân trúng mùa và được giá. Trong khi đó, các năm tiếp theo gần đây bệnh hoại tử gan tụy cấp và bệnh đốm trắng xảy ra rải rác và tỷ lệ thiệt hại do hai bệnh này là gần như nhau. Ngoài ra, trong những năm gần đây, trong các vùng nuôi tôm xuất hiện một số bệnh mới gây hiện tượng tôm chậm lớn, như: bệnh vi bào tử trùng (EHP), bệnh Laem Singh Virus (LSNV)… Tuy các bệnh này không gây chết tôm nhưng cũng gây thiệt hại đáng kể cho người nuôi tôm.

Mặt khác, ở một số tỉnh trong vùng ĐBSCL, diện tích nuôi tôm công nghiệp tăng quá nhanh trong khi quy trình kỹ thuật nuôi không có nhiều thay đổi. Điều này dẫn đến môi trường bị ô nhiễm, dịch bệnh xuất hiện thường xuyên và trầm trọng hơn. Hiện nay, phần lớn nông dân áp dụng quy trình nuôi hở, nước và bùn thải cuối vụ nuôi hầu như được thải trực tiếp ra sông rạch, điều này làm cho môi trường xung quanh bị ô nhiễm và mầm bệnh phát tán rộng hơn. Theo PGS TS Trương Quốc Phú, mặc dù các cơ quan quản lý và các nhà khoa học khuyến cáo khi ao tôm bị bệnh, nông dân không được xả nước và bùn ra môi trường mà phải xử lý khử trùng để tránh mầm bệnh lây lan. Tuy nhiên, việc này không được thực hiện nghiêm. Nước của ao tôm bệnh bị xả ra kênh rạch, một số hộ nuôi khác kế cận lại lấy nguồn nước này vào ao nuôi khiến dịch bệnh phát sinh trên diện rộng. "Để nuôi tôm bền vững và hạn chế dịch bệnh phát sinh, người nuôi tôm cần phải thay đổi quy trình kỹ thuật nuôi tiên tiến hơn. Hiện nay đã có một số quy trình kỹ thuật cao được áp dụng ở nước ta đó là quy trình nuôi tuần hoàn, quy trình biofloc… Điểm mấu chốt của các quy trình này là có hệ thống xử lý chất thải và tái sử dụng nước, hoàn toàn không xả chất thải ra môi trường xung quanh. Nếu các quy trình này được áp dụng rộng rãi thì chúng ta hoàn toàn có thể hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra" - PGS TS Trương Quốc Phú nói.

Vào đầu mùa mưa năm 2016, theo dự báo, dưới tác động của hiện tượng La Nina sẽ có nhiều mưa hơn, có thể xuất hiện nhiều đợt mưa dầm và nhiệt độ sẽ giảm nhanh. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến vụ tôm chính năm nay. Nhiệt độ và độ mặn giảm là hai yếu tố cần được đặc biệt lưu ý. Bởi, nhiệt độ và độ mặn giảm nhanh sẽ gây sốc cho tôm, sức khỏe của tôm bị suy giảm tạo điều kiện cho mầm bệnh tấn công gây bệnh cho tôm, đặc biệt là bệnh đốm trắng và các bệnh do virus khác. PGS TS Trương Quốc Phú khuyến cáo: Để hạn chế rủi ro do bệnh, người nuôi tôm cần thực hiện một số biện pháp sau: Giữ mức nước trong ao đủ sâu, khoảng 1,5m hoặc sâu hơn. Mực nước sâu sẽ giúp nhiệt độ và độ mặn ít biến động hơn. Áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp, trong đó có bốn khâu quan trọng như nhau: Cải tạo và xử lý tốt ao nuôi vào đầu vụ; chọn giống tốt; tăng sức đề kháng cho tôm bằng cách cho tôm ăn đầy đủ và bổ sung các chất làm tăng sức đề kháng của tôm (vitamin C, β-glucan, MOS…); cuối cùng là quản lý môi trường ao nuôi ổn định, trong đó chú ý đến các yếu tố nhiệt độ, pH, độ mặn và các khí độc trong ao...

HỮU ĐỨC - Báo Cần Thơ, 15/06/2016

Nhấn vào đây để xem tất cả các bài viết về nuôi thủy sản mùa mưa, bão, lũ

Thảo luận về kỹ thuật nuôi:

Xem thêm các thông tin có liên quan:

- Kỹ thuật nuôi tôm, cá và các loại thủy sản khác

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang