• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Công nghệ sản xuất giống ốc hương

Ốc hương là loài động vật thân mềm, thuộc lớp chân bụng, phân bố rải rác dọc ven biển miền trung. Ốc hương còn là đặc sản biển, có giá trị dinh dưỡng và xuất khẩu cao. Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 (Bộ Thủy sản) đã nghiên cứu thành công quy trình sản xuất giống và nuôi ốc hương thương phẩm.

Kỹ thuật sản xuất ốc hương giống

- Nuôi vỗ đàn ốc bố mẹ: Chọn những ốc được khai thác tự nhiên có kích thước hơn 50 mm, khỏe mạnh. Nuôi vỗ trong bể xi-măng có dung tích 15-20 m3, mật độ 10-15 con/m2, đáy cát dày 5-10 cm; thức ăn là cá, ghẹ, mực, sò, trai với lượng thức ăn bằng khoảng 5-7% trọng lượng ốc nuôi.

- Thu trứng và ấp trứng: Các bọc trứng được thu vào buổi sáng. Lựa chọn, rửa sạch và xử lý bằng thuốc tím 10 ppm, sử dụng sục khí và thay nước hằng ngày.

- Ương ấu trùng nổi: Mật độ ương 100-120 con/l. Thay nước hằng ngày 40-60% thể tích bể. Thức ăn là hỗn hợp tảo đơn bào, với mật độ sử dụng tăng dần, cho ăn hai lần/ngày.

- Ương ấu trùng bò: Cát sàng qua lớp lưới, rửa sạch sau khi xử lý bằng thuốc tím 10 ppm, cho vào bể một lớp dày 1-2 cm. Cho ấu trùng bò ăn bằng cá và ốc con. Thay nước hằng ngày 1/2 đến 1/3 thể tích bể, sử dụng sục khí thường xuyên.

- Ương ốc giống: Dán ống nhựa chung quanh thành bể cách đáy bể 40-50 cm và cấp nước thấp hơn ống 4-10 cm. Ðáy bể rải cát mịn dày 2-3 cm, sục khí phân đều khắp bể. Mật độ ương 10-15.000 con/m2, với cỡ giống < 10.000 con/kg; 7.000 - 10.000 con/m2, với cỡ giống 5-7.000 con/kg. Cho ăn bằng tôm, ghẹ băm nhỏ ở tháng đầu, sau đó cho ăn thịt cá, tôm, ghẹ, nhuyễn thể hai mảnh vỏ cắt nhỏ, với lượng thức ăn bằng 20-25% trọng lượng ốc, cho ăn hai lần/ngày. Thay 80-100% nước hằng ngày, loại bỏ thức ăn thừa; sục rửa hoặc thay đáy từ tháng thứ hai trở đi.

- Thu hoạch và vận chuyển ốc giống: Ốc hương giống thu hoạch khi đạt cỡ 15-20 mm (5-7.000 con/kg). Ốc giống vận chuyển bằng hai cách: dùng bao ni-lon bơm ô-xy, đóng kín vào thùng xốp, giữ nhiệt độ 24-25oC; đóng khô, giữ nhiệt độ 24-25oC trong suốt quá trình vận chuyển. Mỗi thùng xốp có thể vận chuyển được 10 kg ốc giống.

 

Nhân giống ốc hương ở Bình Định

Ốc hương là loài thủy sản sống trong môi trường nước biển tự nhiên, có độ mặn khoảng 30-34 phần ngàn, có nhiều ở một số tỉnh ven biển miền Trung. Lâu nay ngư dân chỉ biết khai thác từ tự nhiên. Vài 3 năm trở lại đây Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 (Bộ Thủy sản) đã cho sinh sản nhân tạo thành công ốc hương và chuyển giao quy trình nhân giống, cung cấp giống bố mẹ và nguồn giống tảo lục làm thức ăn cho ấu trùng cho các tỉnh. Tiếp nhận quy trình này, Trạm Thực nghiệm Giống nuôi trồng thủy sản Cát Tiên (thuộc Trung tâm khuyến ngư và Nghiên cứu ứng dụng thủy sản Bình Định) đã nhân giống ốc hương thành công.

Quy trình nhân giống:

Ốc bố, mẹ khai thác trong tự nhiên được chọn mua về từ một số tỉnh có nguồn giống tốt (Huế, Phan Thiết, Khánh Hòa ...) cỡ ốc từ 15-20 con/kg, đạt tiêu chuẫn màu sắc tươi sáng khỏe mạnh. Những nhà chuyên môn khi trông ốc trưởng thành di chuyển nhìn các gai sinh dục trên các xúc tu có thể phân biệt được con đực - cái. Nhưng thông thường trong một quần thể ốc hương sống trong tự nhiên thì tỷ lệ giới tính là 1-1.

Sau khi đem từ tự nhiên về phải có sự thuần hóa về nhiệt độ từ 28-30 độ C như nhiệt độ trong trại nuôi. Độ mặn của bể nuôi từ 30-34 phần ngàn, độ pH từ 7-7,5. Đáy bể lót một lớp cát sạch, dày 5cm, luôn luôn duy trì mực nước từ 30-50cm. Cứ 1 m vuông bể thả từ 1-3 kg ốc bố mẹ, có sục khí thường xuyên 24/24 giờ, thức ăn của ốc hương là cua, ghẹ, tôm và một số loài nhuyễn thể tươi sống khác. Chúng ưa sống trong môi trường trong sạch nên phải thường xuyên thay nước hàng ngày và cứ 10-15 ngày thay cát một lần.

Ốc trưởng thành, sau khi nuôi vỗ từ 7-10 ngày thì tự phối giống và đẻ. Thường mùa sinh sản từ tháng 2 đến tháng 6 hàng năm. Trứng sau 4-5 ngày thì nở ra ấu trùng Verliger.

Ương nuôi ấu trùng Verliger

Ấu trùng nhỏ li ti bơi lội tự do trong nước. Thức ăn của chúng là tảo lục. Loại tảo này được Viện Nghiên cứu và nuôi trồng thủy sản 3 lấy từ trong tự nhiên, rồi chọn lọc, phân lập, lưu giữ giống gốc trong phòng thí nghiệm. Sau đó cung cấp cho các nơi để nhân giống, nuôi trong bể, làm thức ăn cho ấu trùng ốc. Cứ khoảng 1 triệu ấu trùng thì cần 3-5 m khối tảo lục, nuôi với mật độ sinh thái cực đại. Ngoài tảo lục còn cho ấu trùng ăn thức ăn nhân tạo (thức ăn tổng hợp) 2 lần/ ngày. Sau 15-17 ngày ấu trùng biến thái sang ốc con - thường bám vào đáy bể. Giai đoạn này cho ăn cua ghẹ, ốc ... tươi xay nhỏ. Từ 15-20 ngày sau chuyển thành ốc con thực thụ và được chuyển sang bể ương. 20 ngày đến 1 tháng sau thì đưa vào nuôi thương phẩm.

Thức ăn cho ốc hương nuôi thương phẩm hoàn toàn bằng cá tạp, ghẹ, cua tạp ... với mức độ phát triển bình thường thì sau từ 4-6 tháng ốc đạt từ 140 - 160 con/kg là bán được. Nếu tính ra tiêu tốn 3-4kg thức ăn cho mỗi kg ốc. Theo giá hiện nay là 160.000 - 240.000đ/kg thì người nuôi ốc hương có thu nhập rất cao.

KS Phan Thanh Việt - Trưởng trạm cho biết năm 2005 Trạm có kế hoạch xuất 20 vạn ốc hương giống phục vụ cho thị trưởng nuôi thương phẩm trong và ngoài tỉnh.

Thực tế năm 2004 ở Bình Định đã có 4 hộ ở xã Hoài Hải (Hoài Nhơn) nuôi ốc hương thương phẩm (mua giống từ Khánh Hòa). Vì qui mô nuôi còn nhỏ, lẻ nên chưa tạo được thị trường tiêu thụ mạnh mẽ.

Hoàng Lân, KHPT, 22/7/2005

 

Ương giống ốc hương

Chuẩn bị bể ương:

Bể ương cọ rửa, tẩy trùng bằng chlorin nồng độ 100ppm, rửa sạch bể bằng nước biển sạch, để khô. Dùng ống nhựa dán xung quanh thành bể, cách đáy bể 50cm để ngăn không cho ốc bò lên khỏi mặt nước. Bố trí sục khí đều trong bể. Khí điều chỉnh vừa đủ, không qúa mạnh hay qúa yếu.

Mật độ ương:

Mật độ ương xác định theo kích cỡ ốc giống: kích cỡ từ 1.000-4.000 con/kg thì mật độ ương 1.000-3.000 con/m2; kích cỡ từ 4.000-7.000 con/kg thì mật độ ương 3.000-5.000 con/m2; kích cỡ càng lớn thì mật độ ương càng dày hơn, chẳng hạn dưới 10.0000 con/kg nên ương với mật độ từ 10.000-15.000 con/m2.

Quản lý, chăm sóc:

Trong tháng đầu, thức ăn cho ốc là thịt tôm, ghẹ băm nhỏ. Lượng thức ăn vừa đủ, không dư, cho ăn 1-2 lần/ngày. Sang tháng thứ 2, cho ốc ăn thịt cá, tôm, ghẹ, nhuyễn thể 2 vỏ cắt nhỏ. Lượng thức ăn bằng 20-25% trọng lượng ốc. Hàng ngày thay 50-80% nước, kết hợp với cho ăn vừa đủ, vớt sạch thức ăn thừa. Sục rửa cát hoặc thay cát đáy thực hiện từ tháng thứ 2 trở đi khi ốc con đã đủ lớn.

Thu hoạch ốc giống:

Khi ốc giống đạt kích thước từ 15-20mm, khối lượng 5000-7000 con/kg thì thu hoạch chuyển ra nuôi lớn trong ao, đăng hoặc lồng trên biển. Rút cạn nước bể ương, dùng miếng nhựa xúc cả ốc và cát sàng qua các cỡ mắt lưới khác nhau để phân loại ốc. Cân tổng số ốc và cân mẫu ốc mỗi loại. Xác định số lượng ốc để thả nuôi cho đúng mật độ. 

TS. Nguyễn Thị Xuân Thu (PGĐ TT Nghiên cứu Thủy sản III)

 

Sôi động thị trường ốc hương giống

Sau khi đề tài khoa học cấp nhà nước cho ốc hương sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm của trung tâm nghiên cứu thủy sản (NCTS) 3 (Bộ thủy sản) thành công, nhiều hộ dân ở huyện Vạn Ninh nắm bắt thời cơ nuôi được 2-3 vụ ốc hương thương phẩm đạt hiệu quả kinh tế khá cao. Hiện nay nhiều người dân trong tỉnh đang ráo riết đi tìm mua giống ốc hương để nuôi. Do vậy, thị trường ốc giống diễn ra rất sôi động ở các địa phương ven biển.

Qua nghiên cứu tài liệu và mô hình trại sản xuất giống ốc hương của Trung tâm NCTS 3, so sánh với cách thức nuôi đẻ của một số người đang làm, có mấy vấn đề cần phải quan tâm khi xây dựng trại: Nguồn nước lấy từ biển vào các hồ chứa phải trong sạch, không bị nhiễm bẩn, Xây dựng các bể ươm ốc dài và thấp để dễ quan sát và chăm sóc ốc (làm theo các hồ giống tôm sú là không kiểm soát được, dẫn đến hao hụt: 50%, có khi 80% số lượng ấu trùng); Hệ thống trại phải thoáng mát nhưng tuyệt đối tránh nước mưa; Mọi thao tác sang chuyển ốc con trong bể phải nhẹ nhàng, tránh va chạm mạnh ốc sẽ bị vỡ...

Bỏ tôm đi làm ốc.

Năm 2002, trên lãnh thổ Việt Nam chỉ có duy nhất ai sản xuất giống ốc hương ở đảo Trí Nguyên, TP. Nha Trang. Sau đó, nhiều lớp tập huấn của Trung tâm NCTS 3 chuyển giao quy trình cho ốc hương để nhân tạo đến với những người nuôi thủy sản. Ðến thời điểm này, chưa có một cơ quan chức năng nào thống kê được trong toàn tỉnh có bao nhiêu trại sản xuất giống ốc hương. Bởi vì nhiều trại sản xuất tôm sú giống bị thua lỗ, thấy ốc hương làm ra được bao nhiêu thì tiêu thụ hết bấy nhiêu, nên chuyển sang làm giống ốc hương ngày càng nhiều.

Tôi có hai người chị ở thị trấn Vạn Giã, suốt 3 tháng nay cứ đi lại, hỏi han về chuyện xây trại sản xuất ốc hương. Có lần chị bảo với tôi: "Em vào Trung tâm NCTS 3 tìm cho chị một người đứng ra làm kỹ thuật để liên kết sản xuất ốc giống''.

Tìm không ra cán bộ kỹ thuật, chị tôi vào trại người bạn đã sản xuất ốc thành công để học 3 ngày về mọi thao tác kỹ thuật cho ốc hương sinh sản và nuôi ấu trùng, ốc con... Ngày14-10-2002, tôi đã thấy chị có ốc bố mẹ bỏ trong hồ. Không chỉ chị tôi mà nhiều người ở huyện Vạn Ninh suốt ngày, suốt đêm cứ loay hoay cách xây dựng hồ, trại cho sản xuất giống ốc hương. Riêng ở Vạn Lương và Vạn Hưng đã có gần 15 trại sản xuất giống ốc hương, trở thành địa phương có số lượng trại sản xuất giống ốc hương lớn nhất nước ta. Có trại đã tung ra thị trường 200 - 400 nghìn con, lãi 30 - 40 triệu đồng, nhưng có trại thất bại. 

Lần mò tìm mua ốc bố mẹ

Con ốc hương khác hẳn hoàn toàn tôm sú bố mẹ, nơi nào chúng cũng sinh sống và phát triển được. Ốc hương có nhiều nhất từ tỉnh Bình Thuận trở vào Bà Rịa - Vũng tàu, Kiên Giang. Những năm trước như dân khai thác ốc tự nhiên rất nhiều. Khi thị trường Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan... ăn mạnh ốc hương thì số lượng khai thác xuất khẩu nhiều, ốc lớn trở nên khan hiếm. Đặc biệt, năm 2001 - 2002 số người sản xuất ốc giống tăng đột biến. Do vậy, vấn đề ốc hương bố mẹ được nhiều người quan tâm. Năm 2000, 1kgốc bốmẹ/20 con 40.000 - 60.000 đồng, năm 2002 đã lên 120.000 - 160.000 đồng/kg. Thế nhưng, việc mua được ốc giống không dễ dàng chút nào. Các chủ trại ốc giống phải lần mò vào các vùng dân cư ven biển phía Nam tìm mua ốc bố mẹ. Nếu không có điều kiện đi mua thì phải đặt các lái buôn, thời gian 5 - 15 ngày mới có ốc. Nhưng không phải lúc nào cũng như ý muốn, bởi vì trên thực tế có nhiều người xảo trá, họ đi mua số ốc đã đẻ nuôi lại một vài ngày ở ngoài biển, sau đó đưa đi bán. Ðại bộ phận các trại sản xuất ốc hương giống đều mới mẻ, chưa có kinh nghiệm. Thường thì người bán trộn vào 50% số ốc đã đẻ và ốc chưa đẻ. Ông Nguyễn Ngọc Ánh, chủ trại sản xuất giống ốc hương ở xã Vạn Hưng, Vạn Ninh cho biết: "nhìn bằng mắt thường không xácđịnh được ốc đẻ hay chưa đẻ. Theo kinh nghiệm của tôi, ốc có màu tươi sáng là mới đánh bắt ở biển, còn ốc có màu sẫm, sần sùi là ốc nuôi lâu ngày trong hồ đẻ''.

Những vấn đề cần quan tâm khi mua con giống

Từ đầu năm đến nay, nhu cầu sử dụng con giống ốc hương của người nuôi trồng thủy sản ở tỉnh ta rất lớn, nhưng Trung tâm NCTS 3 và các trại sản xuât ốc giống tư nhân không đáp ứng nổi. Ở huyện Vạn Ninh có nhiều người đã làm xong lồng mà không xoay đâu ra ốc giống để nuôi. Các trại sản xuất đều làm ở trại tôm sú nên bình quân mỗi trại chỉ đạt 50.000 - 100.000 con/2 - 3 tháng. Vì vậy, có ai quen thân với chủ trại mới mua được vài chục nghìn con giống, còn không vẫn cứ chờ dài. Giá 1kg ốc hương/14.000con là 4,2 triệu đồng, 10.000 con/kg là 3 triệu đồng, 5.000 con/kg 1,5 triệu đồng. Tại các trại sản xuất giống ốc hương, giá bán từ 10.000- 15.000 con/kg. Tiến sĩ Nguyễn Thị Xuân Thu, Phó Giám đốc Trung tâm NCTS 3 (tác giả của công trình khoa học cho ốc hương sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm) cho biết: ''Nuôi ốc hương trên 11.000 con/kg sẽ bị hao hụt nhiều, vì ốc còn rất nhỏ, sức chịu đựng với môi trường ngoài biển thấp". Ốc giống cỡ 1.000 - 8.000 con/kg nuôi ở lồng với mức nước 1 - 3m, ít sóng biển là an toàn nhất. Chú ý khi mua phải xem kích cỡ của ốc để làm lưới cho phù hợp, tránh tình trạng ốc quá nhỏ mà làm lưới thưa ốc sẽ lọt ra ngoài. Trong quá trình ươm ốc nhỏ cần theo dõi kỹ, thường xuyên làm vệ sinh đáy lồng. Anh Lê Viết Xuân nuôi ốc ở xã Vạn Hưng, Vạn Ninh cho hay: ''Nếu như lồng nuôi ốc luôn sạch sẽ, không có thức ăn dư thừa, ốc sẽ ăn khỏe và nhanh lớn''. Anh mua ốc giống 8.000 con/kg, nuôi 20 ngày đạt 1.000 con/kg và sau 4 tháng đã thu hoạch đạt 100 con/kg (Anh Xuân thả nuôi 60.000 con, trừ chi phí còn lãi 20 triệu đồng). Nhiều người đặt câu hỏi, ốc hương có nuôi ở đìa như tôm sú được không? Hiện nay, Trung tâm NCTS 3 đang còn nuôi thực nghiệm tại Xuân Tụ, Vạn Hưng. Vấn đề nuôi trồng chưa được kết luận, đánh giá hiệu quả kinh tế như thế nào, bà con không nên nôn nóng nuôi ốc hương ở đìa. Nếu như được nuôi con gióng thì nuôi ở đăng,lồng trên biển, thời gian nuôi được rút ngắn, hiệu quả kinh tế cao.

Theo Khánh Hòa

 

Thảo luận về kỹ thuật nuôi:

Xem thêm các thông tin có liên quan:

- Kỹ thuật nuôi tôm, cá và các loại thủy sản khác

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang