• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nuôi ốc hương

Theo tính toán của người dân, cứ 1 kg (khoảng 1 vạn con) ốc hương giống nuôi trong một lồng (diện tích 3x4 m), sau 5 tháng sẽ cho 80-100 kg ốc thương phẩm. Đó là tính vụ đầu, còn những vụ sau, số lãi còn sẽ tăng cao hơn do không phải đầu tư tiền lồng và một số phương tiện nuôi khác. Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là nơi có nhu cầu ốc hương khá cao.

Hiện, xã Xuân Tự (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) là nơi nuôi ốc hương nhiều nhất nước. Toàn xã có khoảng 500 lồng nuôi, ước đạt sản lượng khoảng 100 tấn ốc thương phẩm. Ở tỉnh Phú Yên, ốc hương mới được nuôi thí điểm giữa năm nay tại thôn Vũng Rô, xã Hòa Xuân Nam (huyện Tuy Hòa) với 6 hộ nuôi, tổng số lượng trên 20 vạn con ốc giống. Tại huyện Sông Cầu, một số người dân ở các vùng Hòa Lợi, Vũng Chào cũng nuôi loại ốc này vụ đầu tiên

Tuy nhiên, một khó khăn cho nghề nuôi ốc hương là thị trường xuất khẩu ốc hương còn giới hạn, chủ yếu là Trung Quốc; còn Đài Loan và Nhật thì tiêu thụ không nhiều.

Người lao động, 06/11/2002

 

Chuyện con ốc hương ở Vạn Ninh

Gần 2 năm nay, nghề nuôi óc hương ở Vạn Ninh được người nuôi trồng thủy sản chú ý. Bởi lẽ, nghề nuôi óc hương có thời gian nuôi trồng ngắn, chi phí đầu tư thấp nhưng hiệu quả kinh tế rất cao so với nghề nuôi tôm hùm lồng. Hiện nay, toàn huyện đã có khoảng 80 lồng nuôi ốc hương, và số lồng nuôi sẽ phát triển nhiều hơn trong thời gian tới.

Nghề nuôi ốc hương ở Vạn Ninh bắt đầu xuất hiện từ năm 1999, kể từ khi Trung tâm Nghiên cứu thủy sản III bắt tay vào nghiên cứu công trình khoa học cấp Nhà nước: "Sản sinh nhân tạo giống ốc hương". Trong quá trình nghiên cứu, ốc hương đã được Trung tâm đưa về nuôi khảo nghiệm ban đầu rất khả quan, sau khoảng 4 tháng nuôi, ốc rất nhanh lớn, thu được 300kg ốc thương phẩm.

Thấy nuôi ốc hương có lãi, người dân ở nông thôn Xuân Tự, xã Vạn Hưng thì thi nhau nuôi ốc hương, từ đó số lồng nuôi tăng lên dần, lên gần 80 lồng. Năm nay bà con nơi đây được mùa ốc hương, số hộ thu lãi từ vài chục triệu đồng trở lên không hiếm. Anh Bình, một hộ nuôi ốc hương được đánh giá là có "thâm niên": về nghề này cho biết: "Nghề nuôi ốc hương "sướng" hơn nhiều so với nghề nuôi tôm hùm lồng. Ốc hương có thể nuôi theo nhiều dạng khác nhau: Nuôi lồng, nuôi đìa, nuôi đăng. Mỗi lồng nuôi có diện tích khoảng 25m2, thả 1.000 con ốc giống. Chi phí làm lồng nuôi hương rất rẻ, chỉ tốn 1 - 1,2 triệu đồng, trong khi đó lồng nuôi tôm hùm phải tốn từ 2,5 - 3 triệu đồng. Thời gian nuôi ốc hương chỉ khoảng 4 tháng, nhanh thu lãi sớm thu hồi vốn. Trong khi đó, nuôi tôm hùm lồng phải mất 2 năm mới thu hoạch nhưng lãi lại không bằng nghề nuôi ốc hương. Gia đình tôi nuôi 7 lồng ốc hương. Sau 4 tháng nuôi, mỗi lồng chi phí khoảng 30 triệu đồng, gồm: Tiền làm lồng, tiền đầu tư con giống, chi phí thức ăn... Ốc hương thương phẩm trên thị trường đang "khan", giá giao động từ 150 - 165nghìn đồng/kg. Mỗi lồng, gia đình tôi thu hoạch 4 tạ ỗc thịt, thu về khoảng 60 triệu đồng, tính lãi khoảng 30 triệu đồng. Hiện nay, ốc hương bán rất chạy trên thị trường. Ngoài tiêu thụ các nhà hàng, khách sạn trong nước, ốc hương còn được xuất khẩu sang Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan..."

Nghề nuôi ốc hương ở Vạn Ninh đang phát triển mạnh nhưng vấn đề giống phục vụ cho nuôi trồng còn quá "khan"! Do đây là nghề mới nhưng số hộ nuôi ốc quá nhiều nên các trại sản xuất ốc giống cho người nuôi trồng. Được biết, nuôi ốc hương phải qua 3 giai đoạn: Đẻ, ương, nuôi thành ốc thịt. Giai đoạn ốc đẻ khoảng 2,5 tháng, giai đoạn ương từ 10 - 15 ngày, sau đó ốc hương con mới được nuôi thành ốc thương phẩm. Hiện nay, toàn huyện mới chỉ có 4 cơ sở cho ốc đẻ, 2 cơ sở ương. Mỗi cơ sở cho ốc đẻ trên địa bàn huyện sản xuất một đợt khoảng 20 vạn con ốc giống, còn nhiều hao hụt, tính ra lượng ốc giống trên địa bàn huyện chỉ đủ cung cấp cho 40 lồng nuôi. Do vậy, số lồng nuôi còn lại phải "chạy đôn chạy đáo" đi tìm con giống. Nhưng do nghề mới, tìm nguồn ốc giống đâu có dễ! Thế là "cuộc chiến" vè ốc giống diễn ra.

Cũng như một số cơ sở sản xuất giống ốc hương khác , mùa ốc hương năm nay, anh Nguyễn Ngọc Châu ở thôn Tân Đức, xã Vạn Lương "mở cờ trong bụng" vì giống ốc hương đang khan hiếm. Cơ sở sản xuất ốc hương giống của anh mới xây dựng hơn 3 tháng, đầu tư 120 triệu đồng, nhưng đã sản xuất được khoảng 25 vạn con ốc giống. Anh dự địínhau khi ương 10 ngày mới bán, vì ốc chưa ương chỉ có giá 220 đồng/con, trong khi đó ốc ương xong giá lên 350 đồng/con. Hiện nay, trại của anh đã có nhiều đơn đặt hàng mua ốc giống nhưng anh chưa dám nhận. Anh tính, với giá ốc giống như hiện nay, sau khi xuất bán, trừ đi vốn đầu tư hơn 20 triệu đồng, còn thực lãi trên 50 triệu đồng.

Một vấn đề cần quan tâm hiện nay, đó là, cùng với nghề nuôi tôm hùm, nghề nuôi ốc hương còn mang tính tự phát, chưa có sự quy hoạch nên vấn đề ô nhiễm môi trường nuôi chắc chắc sẽ xảy ra khi nghề này phát triển ồ ạt. Bởi thức ăn con tôm hùm và ốc hương còn mang tính tự phát, chưa có sự quy hoạch nên vấn đề ô nhiễm môi trường nuôi chắc chắn sẽ xảy ra khi nghề này phát triển ồ ạt. Bởi, thức ăn con tôm hùm và ốc hương đều là thức ăn tươi sống (cá, ốc, hàu, sò...). Điều này dẫn đến môi trường bị ô nhiễm, dịch bệnh xảy ra. Năm ngoái, tôm hùm ở thôn Xuân Tự đã là một minh chứng.

 Nghề nuôi ốc hương ở Vạn Ninh còn mới mẻ nhưng đã có nhiều triển vọng. Trong tương lai nghề này, sẽ giúp cho người dân Vạn Ninh thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu bằng chính công sức của mình. Muốn vậy, chúng ta cần phải quản lý, quy hoạch những vùng chuyên canh nuôi ốc hương từ bây giờ, tránh nuôi tràn lan, ồ ạt, từ đó gây ô nhiễm môi trường nuôi, để rồi nhận lấy hậu quả đáng tiếc.

Theo Khánh Hòa

 

Ốc hương đang... lên hương

Năm 2000 ở huyện Vạn Ninh, đi đâu cũng nghe người dân bàn tán về chuyện nuôi ốc hương xuất khẩu. Những ''ông trùm'' tôm hùm cũng trực tiếp đến hoặc điện thoại tới Trung tâm Nghiên cứu thủy sản (NCTS) III (BộThủy sản) để hỏi cụ thể về giống và kỹ thuật nuôi. Vừa qua, chúng tôi đã gặp Tiến sĩ Nguyễn Thị Xuân Thu - Phó Giám đốc Trung tâm NCTS III, tác giả của công trình khoa học (CTKH) cho ốc hương (Babyloniareolata, link 1807) sinh sản nhân tạo để tìm hiểu thêm mô hình nuôi ốc hương thương phẩm còn rất mới mẻ ở Việt Nam. Hiện nay ốc hương đang... lên hương.

CÔNG TRÌNH KHOA HỌC ÐÃ ÐI VÀO CUỘC SỐNG

     Năm 1998, Tiến sĩ Nguyễn Thị Xuân Thu cùng các cộng sự bắt tay vào nghiên cứu CTKH cấp Nhà nước ''Sinh sản nhân tạo giống ốc hương''. Năm 1999, từ phòng thí nghiệm, ốc hương giống được đưa về nuôi ở vịnh Vân Phong (huyện Vạn Ninh), Cam Ranh, Nha Trang và một số tỉnh lân cận. Kết quả thu được 300kg ốc thương phẩm. Năm 2000, Trung tâm triển khai nuôi ở nhiều dạng khác nhau: nuôi lồng (như nuôi tôm hùm lồng), nuôi đìa, nuôi đăng... thu hoạch được 3.000kg ốc thương phẩm. Chị Nguyễn Thị Châu (Vạn Ninh), năm 2000 được Trung tâm NCTS III cung cấp 4.000 con giống ốc hương, nuôi trên diện tích 50m2 sau 5 tháng nuôi, thu được 374kg ốc thịt (tỷ lệ ốc sống đạt 93,3%), doanh thu 32.530.000 đồng, trừ chi phí còn lãi 19.650.000 đồng. Năm 2001, chị Châu mở rộng diện tích nuôi gấp đôi với 9.000 con giống, thu lợi nhuận rất cao. CTKH cho ốc hương sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm của Trung tâm NCTS III đã được Bộ Thủy sản nghiệm thu tháng 4-2001 và được đánh giá là công trình xuất sắc. Xuất sắc ở chỗ thời gian nghiên cứu ở phòng thí nghiệm đến khi triển khai nuôi thực địa rất ngắn, hiệu quả kinh tế cao. Mặt khác, trên thế giới chưa có nước nào cho ốc hương đẻ nhân tạo và nuôi thương phẩm thành công như Việt Nam.

LỢI ÍCH CỦA ỐC HƯƠNG

Lâu nay ngư dân trong tỉnh coi nuôi tôm hùm lồng là ''số một'', vì giá thành tôm thịt cao nhất so với các loại hình nuôi trồng thủy sản. Thế nhưng hiện nay người nuôi trồng rất thích nuôi ốc hương lồng, bởi chi phí nuôi thấp (làm một lồng nuôi tôm hùm chi phí 2,5 - 3 triệu đồng, nhưng làm một lồng nuôi ốc hương chỉ tốn 1 - 1,3 triệu đồng), dễ chăm sóc và quản lý nuôi được ở nhiều vùng, thời gian nuôi ngắn (2 - 3 tháng với ốc tự nhiên), khả năng rủi ro ít, giá cả ổn định, lợi nhuận cao. Qua thời gian nuôi ở huyện Vạn Ninh chưa thấy dịch bệnh xảy ra trên ốc hương nuôi lồng. Thức ăn của ốc là các loại cá giã cào, nếu nuôi gần các lồng tôm hùm sẽ tận dụng thức ăn dư thừa của tôm cho ốc ăn. Làm theo cách này có hai cái lợi: giảm tiền mua thức ăn cho ốc và môi trường nước không bị ô nhiễm vì thức ăn tôm hùm thải ra. Ðiều hấp dẫn nữa đối với người nuôi ốc hương là lợi nhuận cao. Nuôi 100kg ốc giống, trừ chi phí còn lãi 20 triệu đồng. Anh Bình ở Xuân Tự- Vạn Hưng đã đầu tư nuôi mấy tấn giống, dự kiến khi thu hoạch sẽ lãi mấy trăm đồng. Do vậy, nhiều địa phương trong tỉnh đã đến Vạn Ninh học cách nuôi ốc hương.

Thị trường tiêu thụ ốc hương rất lớn. Hiện nay, nguồn ốc Việt Nam không đủ để sang Trung Quốc, Hồng Kông, Ðài Loan dưới dạng tươi sống, giá ốc thịt từ 120.000 - 130.000 đồng/kg tại lồng. Thị trường  trong nước cũng rất hấp dẫn, các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội... bắt đầu thưởng thức loại đặc sản này.

NHU CẦU VỀ CON GIỐNG RẤT LỚN

     Xuất phát từ lợi ích nhiều mặt của ốc hương, hiện các hộ nuôi tôm hùm lồng ở huyện Vạn Ninh đều muốn kết hợp nuôi ốc hương với tôm. Song đáng tiếc giống ốc hương không có nhiều để nuôi. Trung tâm NCTS III, đơn xin mua giống xếp từng chồng. Tiến sĩ Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết: ''Nhu cầu về con giống ốc hương của người dân trong tỉnh rất lớn. Thời gian qua, Trung tâm không đáp ứng nổi, vì Trung tâm chỉ là nơi nghiên cứu, không có cơ sở để tổ chức sản xuất với số lượng lớn''. Năm 2001, huyện Vạn Ninh bắt đầu phát nghề nuôi ốc hương. Bà con vào tận Bình Thuận, Ninh Thuận để mua ốc hương bắt tự nhiên để đưa về nuôi. Riêng Xuân Tự, xã Vạn Hưng đã sử dụng 18 - 20 tấn ốc giống (trên 10 triệu con), ốc thương phẩm đạt 80 - 90 tấn, doanh thu khoảng 10 tỷ đồng. Tuy nhiên nguồn ốc khai thác tự nhiên không đáng là bao so với nhu cầu. Ở thời điểm này, huyện Vạn Ninh có rất nhiều người đã làm xong lồng nuôi, nhưng không mua được giống để thả nuôi. Anh Lê Văn Hoan, ở Xuân Tự - Vạn Hưng chuyên đi mua giống ốc hương ở Bình Thuận đưa về Vạn Ninh bán cho biết "Bà con đặt mua giống rất nhiều, mỗi người nuôi cần 2-5 tạ giống, nhưng lượng ốc giống quá ít, mua dược 1-2 tạ về phải chia đều mỗi người một ít".

     Theo kinh nghiệm của nhiều người nuôi ốc ở Vạn Hưng, lồng nuôi ốc hương phải to hơn lồng nuôi tôm hùm (kích thước 4x8m là vừa). Trong lồng đổ một lớp cát dày càng tốt, nếu chọn được các bãi cát để đặt nuôi lồng nuôi là tốt nhất. Chú ý nuôi với mật độ thưa, ốc mới phát triển nhanh, khoảng 16 nghìn con giống nuôi lồng có diện tích 30-40m2, nhiệt độ nước thích hợp từ 20-300C, độ sâu 2-5m. Ốc hương còn nuôi ở đìa sát bờ biển.

CẦN CÓ GIẢI PHÁP MANG TÍNH CHIẾN LƯỢC.

Ốc hương khai thác tự nhiên và xuất khẩu đã mấy năm nay, nhưng nuôi ốc hương thương phẩm thì còn rất mới mẻ. Vấn đề bức xúc nhất hiện nay là đầu tư xây dựng trại sản xuất giống ốc hương, để đáp ứng nhu cầu của người nuôi và rút kinh nghiệm về mô hình nuôi tôm lồng không có qui hoạch tổng thể dẫn đến nhiều vấn đề phức tạp. Ngành Thủy sản cần tham mưu cho tỉnh thiết lập các vùng nuôi chuyên canh ốc hương, tránh những vùng cửa sông vùng nước ngọt ra biển mạnh, ốc hương không thích nghi với nước có độ mặn dưới 32o/oo; Đồng thời phối hợp với Trung tâm NCTS III tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật nuôi ốc hương cho ngư dân để đạt hiệu quả kinh tế cao. Các doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh  mặt hàng thủy sản cần tìm hiểu thị trường và trực tiếp thu mua ốc hương xuất khẩu để ổn định giá cả cho người nuôi. Nếu làm tốt những vấn đề trên, tin rằng thời gian không xa, biển Khánh Hòa sẽ trở thành một vùng nuôi ốc hương mang tính bền vững, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Khánh Hòa

Thảo luận về kỹ thuật nuôi:

Xem thêm các thông tin có liên quan:

- Kỹ thuật nuôi tôm, cá và các loại thủy sản khác

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang