Với lợi thế có nguồn nước khoáng Vĩnh Hảo lâu năm, lượng mưa ít, ánh sáng dồi dào… huyện Tuy Phong trở thành một trong số ít vùng đất của cả nước, phù hợp với điều kiện sinh trưởng và phát triển của tảo. Đến nay thương hiệu tảo Vĩnh Hảo đã được nhiều người biết đến.
Trải qua nhiều năm hình thành, chia tách, Công ty Cổ phần Tảo Vĩnh Hảo (xã Vĩnh Hảo, Tuy Phong) lúc đó cũng chỉ là một phân xưởng của Xí nghiệp Nước suối Vĩnh Hảo. Việc nuôi trồng, sản xuất tảo của công ty gặp không ít khó khăn, do điều kiện sản xuất và tiêu thụ không mạnh, sản phẩm bán ra chưa có thương hiệu trên thị trường. Đến năm 2003, Xí nghiệp sản xuất tảo được bán cho Công ty Cổ phần Nước khoáng Vĩnh Hảo, trở thành đơn vị liên doanh với Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang và Ngân hàng Việt Á.
Ông Nguyễn Văn Kiệt- Phó Giám đốc sản xuất (Công ty Cổ phần tảo Vĩnh Hảo) cho biết: “Trước khi liên doanh, công nghệ sản xuất tảo được đánh giá là khá lạc hậu, cơ sở vật chất nghèo nàn. Do đó, Ban điều hành công ty, ban kỹ thuật và các chuyên gia đã dựa trên những tài liệu, kinh nghiệm sản xuất cũ để xây dựng công nghệ mới, tương đối hiện đại. Bên cạnh đó, do có nguồn vốn đầu tư khá lớn từ các đơn vị liên doanh, và hệ thống đại lý rải đều trên toàn quốc, nên đến nay công ty đã mở rộng cơ sở vật chất, với diện tích 5.000 m2, quy mô 20 bể nuôi. Xưởng thu hoạch được xây dựng với thiết bị hút chân không và một xưởng sấy phun (2 máy), do đó năng suất và chất lượng dần được nâng cao. Bình quân 1 ngày đêm, công ty đạt công suất 150kg tảo thành phẩm”. Một cán bộ kỹ thuật của công ty cho biết: “Công nghệ nuôi trồng tảo vốn rất khó khăn và phức tạp, đòi hỏi cao về dinh dưỡng, ngoại cảnh như ánh sáng, nhiệt độ. Hàng ngày, chúng tôi đều phải lấy mẫu, kiểm tra các thông số về hàm lượng các chất để nuôi trồng tảo, lượng phân bón, đo đạc ánh sáng… Nếu nhiệt độ quá cao (trên 35 độ), sẽ gây tổn thương tế bào, ảnh hưởng đến sự phát triển của tảo”. Vì vậy, tất cả các bể nuôi (ngoài trời) đều có mái che và guồng tát (cánh quạt nước) để lưu tốc dòng chảy, đáp ứng điều kiện để tảo sinh trưởng. Tùy theo sự hấp thu của tảo, cán bộ kỹ thuật sẽ bổ sung thêm các loại chất dinh dưỡng như đạm, lân, kali, sắt… hàng ngày, để tảo phát triển trong môi trường nước”. Theo quy trình, sau khi thả giống khoảng 7 ngày, tảo đã bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu, sau đó thu hoạch theo dạng cuốn chiếu ở các bể nuôi. Bình quân mỗi ngày công ty thu được 80-120 kg tảo tươi (tương đương với 40 kg thành phẩm). Tảo sau khi được nghiền mịn, sẽ tạo thành dịch tảo. Nhờ hệ thống sấy phun, chúng sẽ được bơm lên bồn sấy, gia nhiệt ở nhiệt độ khoảng 5000C độ C, và tạo thành hạt thành phẩm. Tiếp theo, tảo đưa vào phòng vô trùng bằng tia cực tím. Hiện tại, tất cả các sản phẩm của Công ty tảo Vĩnh Hảo đều được Công ty Dược Hậu Giang bao tiêu sản phẩm, với giá tảo bột hiện có trên thị trường, khoảng 540 ngàn đồng/kg.
Nói về hướng phát triển trong thời gian tới, ông Kiệt cho biết thêm: Chúng tôi đang từng bước đa dạng hóa sản phẩm, bằng cách chiết xuất một số hoạt chất từ tảo. Qua đó, mở rộng thêm công dụng của tảo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Song song đó, đơn vị tiếp tục nghiên cứu và sản xuất tảo giống tại chỗ để nhân rộng diện tích nuôi trong thời gian tới”.
K.HẰNG - Báo Bình Thuận, 21/05/2010
Vĩnh Hảo (Tuy Phong - Bình Thuận) được biết đến là vùng nắng gió quanh năm và là một trong số ít nơi có lượng mưa thấp nhất cả nước. Có khí hậu khắc nghiệt như vậy, song bù lại Vĩnh Hảo đang sở hữu nguồn nước khoáng thiên nhiên giàu hàm lượng Bicarbonat rất phù hợp cho một loài tảo lam sinh trưởng. Đó là tảo Spirulina mà cách đây 35 năm (1979), Viện Sinh vật học Việt Nam đã chính thức chuyển giao công nghệ sản xuất và nuôi trồng với quy mô tập trung. Đến năm 2008, Công ty CP Tảo Vĩnh Hảo được thành lập, đồng thời tiến hành triển khai dự án nuôi trồng, chế biến tảo Spirulina trên diện tích 5 ha cùng sản lượng khoảng 30 tấn/năm…
Bể nuôi tảo Spirulina tại Công ty cổ phần tảo Vĩnh Hảo.
Quy trình nhân giống
Với toàn bộ dây chuyền công nghệ được kiểm soát theo “Hệ thống về thực hành tốt nuôi trồng và thu hái dược liệu GACP - WHO 2003 cho phạm vi: Nuôi trồng và sản xuất tảo Spirulina do Viện Tiêu chuẩn Anh BSI chứng nhận”, hiện đặc sản này đem lại giá trị kinh tế rất cao. Theo Công ty CP Tảo Vĩnh Hảo, dự kiến sản lượng tảo thành phẩm trong năm 2014 sẽ đạt 30 tấn và có thể đem về doanh thu cho doanh nghiệp khoảng 17.000 triệu đồng. Được biết thời gian qua, sản phẩm thương mại từ tảo Spirulina nuôi trồng tại Vĩnh Hảo đều do Công ty CP Dược Hậu Giang chế biến và xúc tiến tiêu thụ trên toàn quốc… Sản phẩm “Tảo Spirulia” của Công ty CP Tảo Vĩnh Hảo với công dụng là thực phẩm chức năng cũng vừa tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Bình Thuận năm 2014. Và sản phẩm này đã nhận số phiếu bình chọn tối đa của tất cả thành viên Ban giám khảo, đồng thời còn được đề cử là sản phẩm tiêu biểu của Bình Thuận tiếp tục tham gia bình chọn cấp khu vực phía Nam trong thời gian tới.
Tảo Spirulina - sản phẩm vừa được công nhận tiêu biểu của Bình Thuận.
Đó cũng là niềm tự hào của đặc sản vùng nắng gió.
Đ.QUỐC - Báo Bình Thuận, 14/8/2014
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.