Phòng nhân giống tảo
Bắt đầu từ năm 2012, Công ty TNHH công nghệ sinh học phục vụ đời sống và sản xuât- thương mại và du lịch Thanh Mai đã đầu tư, áp dụng công nghệ sinh học sản xuất ra một loại thực phẩm giàu protein, vitamin tổng hợp có hoạt tính sinh học cao từ giống Tảo xoắn Spirulina – một nguồn dinh dưỡng quý giá của tự nhiên.
Tảo xoắn Spirulina – nguồn dinh dưỡng quý giá
Chuyện kể rằng: Vào những năm 60, một tiến sĩ người Pháp đã đến khảo sát sự đa dạng sinh học tại một vùng hồ ở Châu Phi. Nhà khoa học này không khỏi ngạc nhiên khi thấy đây là một vùng đất cằn cỗi, đói kém quanh năm nhưng những thổ dân rất cường tráng khỏe mạnh, tuổi thọ rất cao. Tìm hiểu khẩu phần ăn của họ, ông đã phát hiện trong thức ăn của họ chủ yếu là một loại bánh được làm từ tảo xoắn Spirulina lấy từ các hồ nước trong vùng.
Spirulina là một loại vi tảo trong thiên nhiên, màu xanh lam, có dạng xoắn hình lò xo (nên có tên gọi làtảo xoắn). Tảo có kích thước rất bé, chỉ khoảng 0,25 mm, chỉ nhìn thấy được qua kính lúp, kính hiển vi. Chúng sống trong môi trường nước giàu chất kiềm và khoáng chất.
Hàm lượng protein trong Spirulina cao nhất trong tất cả các loại thực phẩm hiện nay, chiếm 56-77%. Hàm lượng vitamin vô cùng phong phú. Hàm lượng khoáng chất (sắt, mangan, magie, canxi…) cũng rất cao. Chất đạm trong tảo tổng hợp khoảng 20 loại axit amin mà con người rất dễ hấp thụ và rất cần thiết cho nhu cầu phòng bệnh và phục hồi sức khỏe. Spirulina cũng là nguồn bổ sung đồng loạt nhiều loại sinh tố như A, E, B1, B2, B6, B12, PP với hàm lượng cao hơn cả trong gan bò. Sinh tố A trong tảo là một trong các hoạt chất quan trọng với công năng chống lão hóa và chống ung thư. Các khoáng chất cần thiết cho xương khớp và hệ miễn dịch trong tảo nhiều hơn trong sữa đến 3 lần. Chất béo trong tảo thuộc nhóm Omega-3 là nhóm hữu ích cho cơ thể, có hàm lượng không thua trong dầu, gan cá biển.
Đặc biệt tỷ lệ giữa 3 thành phần: đạm, đường, chất béo rất phù hợp cho tiến trình phát triển của cơ thể. Ưu điểm của tảo Spirulina là có thành phần dinh dưỡng toàn diện. Trong một số trường hợp, người ta chỉ ăn thứ tảo này là đủ sống. Một người dùng 5 gam tảo/ngày là đủ các chất thiết yếu.
Tảo xoắn Spirulina được thế giới nhanh chóng đưa vào nghiên cứu, xây dựng mô hình nuôi trồng tảo, chế biến và chiết xuất để làm thức ăn, dược phẩm, mỹ phẩm. Tảo được sản xuất nhiều nhất ở Mêhico và Mỹ. Trại tảo lớn nhất ở Haoai rộng khoảng 25 ha và gần đây là Trung Quốc 16 ha.
Nhu cầu Tảo Spirulina rất lớn, tuy nhiên sản lượng lại chưa nhiều, nên giá bán những chế phẩm từ tảo xoắn rất đắt. Thị trường nhập tảo nhiều nhất là Nhật Bản, Mỹ và Tây Âu. Ở nước ta tảo xoắn bắt đầu được chú ý nhưng tỷ lệ ngoại nhập vẫn chiếm trên 70% và giá cả còn đắt đỏ.
Hiện nước ta đã có một số cơ sở nuôi trồng tảo xoắn như Vĩnh Hảo ở Bình Thuận, Thuận Hải, Đồng Nai… Riêng cơ sở Vĩnh Hảo, Bình Thuận từ năm 2010 đến nay đã sản xuất 25-30 tấn tảo/năm. Toàn bộ sản phẩm này được Công ty Dược Hậu Giang bao tiêu chế biến thành dạng viên nang, viên nén và một số chế phẩm khác. Còn ở miền Bắc, cho đến năm 2012 sản xuất tảo xoắn vẫn chưa có cơ sở lớn nào được triển khai.
Dự án sản xuất tảo xoắn Spirulina tại Nghệ An
Nắm bắt được thông tin về giá trị của tảo xoắn và nhu cầu trong nước và thế giới đối với loài tảo này, bà Trần Thị Thao-Giám đôc Công ty TNHH Thanh Mai ở xã Quỳnh Long đã quyết định xây dựng dự án “Nuôi trồng sản xuất Tảo xoắn Spirulina”. Đến năm 2011, Công ty Thanh Mai đã được thuê gần 6 ha đất ven biển thuộc Xóm 6, Xã Quỳnh Lương, Huyện Quỳnh Lưu để đầu tư xây dựng và sản xuất.
Qua thông tin đại chúng và của một số giáo sư ở trường Đại Học Vinh, bà Thao được biết giáo sư, tiến sĩ Dương Đức Tiến là một nhà khoa học về công nghệ sinh học, chuyên gia về ngành Tảo Việt Nam. Ông đã tạo được sản phẩm mới giàu dinh dưỡng chiết xuất từ giống tảo địa phương và giống tảo của các khu vực trên thế giới như Nhật Bản, Úc, Châu Phi. Từ năm 1982, ông đã thành lập Bảo tàng giống tảo Việt Nam, là nơi cung cấp giống và tư vấn xây dựng quy trình nuôi tảo. Đến nay giáo sư Dương Đức Tiến đã đi nghiên cứu, hội thảo khoa học về tảo ở 43 nước trên thế giới. Giống Tảo xoắn Spirulina do ông tạo ra làm thực phẩm chức năng, sản phẩm cho chăn nuôi thủy sản, gia súc gia cầm, làm phân bón hữu cơ cho nguồn rau sạch của địa phương.
Giám đốc Trần Thị Thao đã cất công ra Hà Nội tìm gặp giáo sư trình bày ý tưởng xây dựng một cơ sở nuôi trồng sản xuất tảo. Lúc này giáo sư chưa có ý kiến gì mà mời bà đi thăm một cơ sở nhỏ sản xuất tảo ở Đông Anh- Hà Nội. Sau đó không lâu giáo sư mời bà Thao dự hội thảo khoa học về tảo do công ty dược Hậu Giang tổ chức tại Thành phố Vinh - Nghệ An.
Sau đó,, bà mời GS.TS. Dương Đức Tiến về khảo sát vùng đất ven biển Quỳnh Lương - Quỳnh Lưu. Ấn tượng đầu tiên của giáo sư khi đến nơi là một môi trường khí hậu trong lành, chan hòa ánh nắng. Giáo sư đã lấy mẫu nước ở đây về Hà Nội để nuôi thử tảo. Đồng thời trong lúc này bà Thao đã mời Trung tâm Kỹ thuật 1 – Tổng cục Đo lường Chất lượng Trung ương phân tích thẩm định các mẫu đất, mẫu nước nổi, nước ngầm ở các vị trí, độ sâu khác nhau vùng ven biển Xóm 6 - Quỳnh Lương. Các thông số khoa học kỹ thuật về môi trường, đất, nước, các khoáng chất đa lượng, vi lượng và đặc biệt là độ kiềm pH đều đảm bảo phù hợp cho Tảo xoắn Spirulina phát triển.
Tháng 01/2012, giáo sư, TS Dương Đức Tiến chính thức ký hợp đồng hợp tác triển khai dự án nuôi trồng sản xuất tảo xoắn Spirulina với Công ty Thanh Mai. Ông chịu trách nhiệm chính về khoa học công nghệ - chỉ đạo, cố vấn mọi khâu kỹ thuật trong nuôi trồng sản xuất và chế biến sản phẩm Tảo Spirulina. Từ đây Công ty được mang tên đầy đủ là: “Công ty TNHH công nghệ sinh học phục vụ đời sống sản xuất, thương mại và du lịch Thanh Mai”.
Sau khi san lấp giải phóng mặt bằng, Công ty Thanh Mai bắt tay làm đường giao thông, xây hệ thống tường rào bảo vệ, nhà điều hành, phòng thí nghiệm, kho tàng nhà xưởng, hệ thống cấp nước, các bể lọc, hệ thống bể sản xuất tảo ngoài trời. Các phòng ban, bộ phận cũng được thiết lập như phòng môi trường; phòng thí nghiệm; phòng nhân giống cấp I; sản xuất giống cấp II; bộ phận nuôi trồng tảo ngoài trời; bộ phận thu hoạch tảo, xử lý ozon, ly tâm; bộ phận làm khô sấy phun để làm được bột tảo khô; bộ phận đóng gói, sản xuất viên nang, viên nén, thanh trùng và bảo quản sản phẩm; bộ phận kiểm tra chất lượng sản phẩm...
Công ty Thanh Mai đã hết sức cố gắng trang bị phòng thí nghiệm để phục vụ lưu giữ và nhân giống tảo,tiết kiệm được một khoản chi phí lớn cho việc mua giống tảo bên ngoài.
Quy trình sản xuất tảo xoắn Spirulina
Quy trình sản xuất tảo xoăn phải đảm bảo các yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh môi trường. Điều kiện khi sản xuất giống tảo đòi hỏi phải được vô trùng. Các thiết bị, chai lọ nuôi cấy giống phải được thực hiện theo quy trình hấp sấy, tiệt trùng nghiêm ngặt bằng các tủ sấy hiện đại, nồi áp suất, tia cực tím, tủ cấy vi sinh. .
Nguồn giống lưu trữ sau khi được nhân cấy sẽ chuyển cho phòng giống cấp I. Tại đây, tảo giống được chăm sóc theo một chế độ nghiêm ngặt, duy trì liên tục nguồn sục khí ôxy và ánh sáng. Tảo giống cấp I được chăm sóc phát triển từ 3-5 ngày thì nhân ra cho phòng giống cấp II theo tỷ lệ phù hợp. Cũng phát triển trong khoảng 5-7 ngày, giống cấp II được đưa ra bể nuôi ngoài trời.
Kiểm tra chất lượng tảo giống
Hệ thống nuôi tảo ngoài trời rộng khoảng 5000m2. Trước khi triển khai nuôi, công nhân phải cọ rửa đáy bể, thành bể thật kỹ lưỡng. Sau đó bơm nguồn nước lọc thích hợp cho tảo vào bể nuôi. Bổ sung các muối dinh dưỡng, các khoáng chất đa lượng, vi lượng theo công thức. Khi tảo đã được thả vào bể nuôi phải hạn chế tối đa sự xâm nhiễm của gió bụi, các loại côn trùng và chim vào bể, kiểm soát thường xuyên nồng độ kiềm pH (độ pH cho tảo phát triển tốt nhất từ 8,5-9,5)và kiểm tra phân tích hóa nghiệm tỷ lệ nồng độ các loại muối dinh dưỡng, vi lượng để xử lý điều chỉnh, bổ sung sao cho môi trường nuôi tảo được phù hợp nhất, đảm bảo nguồn ánh sáng cho tảo quang hợp và sục khí tạo dòng chảy trong bể. Tảo sinh sản vô tính và phát triển theo cấp số nhân. Tảo phát triển mạnh nhất trong vòng 5-7 ngày.
Khi tảo sinh sản phát triển đạt đỉnh, đối chiếu với các thông số của máy soi màu đạt độ OD thích hợp thì tiến hành thu hoạch tảo. Tảo tươi được rửa lại nhiều lần qua nguồn nước lọc để loại thải tạp chất. Sau đó được các kỹ thuật viên xử lý tảo bằng máy Ozon để diệt khuẩn rồi tiếp tục vận hành qua máy ly tâm để làm khô ráo tảo. Công đoạn cuối cùng là tảo được đưa vào máy sấy phun để trở thành thành phẩm bột tảo khô. Giai đoạn đầu, công nhân làm khô tảo bằng các biện pháp như: Phơi nắng, sấy khô qua dàn máy sấy hút chân không.
Để phù hợp với nhiều đối tượng sử dụng, bột tảo được sản xuất dưới dạng viên nang, viên nén, bánh cốm, siro tảo….
Ngoài công năng bảo vệ, tăng cường sức khỏe cho con người, các thứ phẩm của tảo xoắn còn phục vụ cho nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc gia cầm và làm phân hữu cơ bón cho các loại rau xanh.
Đến nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An và cả khu vực bắc miền Trung mới có cơ sở Công ty Thanh Mai phát triển nuôi tảo Spirulina. Công ty đang có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất để tăng sản lượng bột tảo lên khoảng 10-15 tấn/năm.
Công ty dự kiến sẽ phối hợp với chuyên gia Đức, Ucraina và các nhà khoa học tạo ra những sản phẩm dược liệu như: tảo giàu selen, giàu kẽm….Chlorine E6 là chất phát hiện ung thư và kìm hãm tế bào ung thư.
Dự án trồng sản xuất tảo xoắn Spirulina của Công ty Thanh Mai thực sự là một hướng đi mới, tích cực và táo bạo. Lần đầu tiên ở Nghệ An và miền Trung nghề nuôi tảo xoắn giàu dinh dưỡng theo hướng công nghệ sinh học đã tạo ra một sản phẩm có giá trị kinh tế cao, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động địa phương.
Nhật Quang - Thương Mại Thủy Sản, 03/07/2014
Tảo xoắn Spirulina là nguồn thực phẩm chức năng rất phổ biến ở một số nước phát triển như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đức... nhưng ở Việt Nam còn khá mới mẻ vì phương pháp nuôi trồng cực kì công phu và tốn kém.
Tuy nhiên, với niềm đam mê mạnh mẽ, bà Trần Thị Thao (xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã cất công tìm tòi và bước đầu nuôi và chế biến tảo xoắn Spirulina thành công.
Mô hình mới mẻ
Ở cái tuổi đã ngoài lục tuần nhưng bà Trần Thị Thao, GĐ Cty TNHH Thanh Mai vẫn hoạt bát, nhanh nhẹn. Bà trao đổi cởi mở: “Trước đây tôi tình cờ đọc được thông tin trên mạng về giống tảo này, lúc đó chỉ khá tò mò thôi chứ chưa tính đến chuyện sẽ bắt tay vào làm. Sau này có điều kiện tham gia các cuộc hội thảo công nghệ, được làm quen với các kỹ sư hàng đầu; đặc biệt là GS Dương Đức Tiến, người đã khẳng định tảo xoắn Spirulina hoàn toàn có thể phát triển ở Nghệ An thì tôi mới quyết định làm”.
Một trong những tiêu chí hàng đầu để tảo phát triển chính là yếu tố tự nhiên, cụ thể là điều kiện thời tiết; chính vì thế sau khi đã bàn bạc kĩ lưỡng, bà Thao quyết định nuôi tảo tại xã Quỳnh Lương, nơi hội tủ những tiêu chí cần thiết. Là mô hình mới nên có rất nhiều mối hồ nghi về khả năng thành công, chính vì thế khi bà Thao đứng ra vận động, kêu gọi đầu tư từ các DN cũng như Sở KH-CN thì đáp lại chỉ là những cái lắc đầu.
Khu nuôi tảo Spirulina của Cty TNHH Thanh Mai
Không nản chí, 2 vợ chồng bà quyết thực hiện bằng được giấc mơ đã ấp ủ bấy lâu nay. Sau khi đã hoàn thành xong vấn đề mặt bằng, xây dựng thành công mô hình, việc tối quan trọng hàng đầu là “thu hút” các chuyên gia thành thạo CNSH, bằng mối quan hệ rộng rãi đã tạo dựng được trước đó, ông bà không tiếc tiền mời về gần chục kỹ sư chuyên ngành có thâm niên lâu lăm trong nghề để vận hành mô hình.
Dù bước đầu gặp nhiều khó khăn nhưng dưới sự chỉ đạo của GS Dương Đức Tiến, mọi khó khăn dần được đẩy lùi. Nhìn lại khoảng thời gian 2 năm kể từ khi Cty đi vào hoạt động, bà Thao không giấu được niềm vui: “Chúng tôi xác định khi bắt tay vào làm sẽ gặp muôn vàn khó khăn, may mắn là tình hình ngày một khởi sắc. Đến thời điểm này tôi đã có thể khẳng định Cty đang đi đúng hướng”.
Theo bài Thao, quy trình ươm nuôi tảo Spirulina cực kì chuyên nghiệp và đòi hỏi sự khắt khe rất cao. Sau khi đã kiểm tra kỹ càng điều kiện môi trường thuận lợi, tảo được cấy trong phòng giống cấp 1 với chế độ chăm sóc nghiêm ngặt được duy trì liên tục trong nguồn sục khí oxy và ánh sáng, 3 - 5 ngày sau đưa qua phòng giống cấp 2 theo tỷ lệ chuẩn, để phát triển từ 5 - 7 ngày mới cho ra bể nuôi.
Tảo Spirulina rất “khó tính”, đòi hỏi phải hạn chế tối đa sự xâm nhập từ bên ngoài của các loại vi khuẩn cũng như bụi bẩn, thường xuyên kiểm tra phân tích hóa nghiệm, nồng độ pH cho phù hợp với điều kiện cần có. Đến thời điểm hiện tại, Cty TNHH Thanh Mai đã xây dựng được tổng cộng 15 bể nuôi tảo, trong đó có 12 bể nhỏ và 3 bể to (500 m2/bể).
Từng bước xây dựng thương hiệu
Chưa tính khoản gần chục tỷ đồng thuê mặt bằng trong thời gian 50 năm, tổng số tiền mà vợ chồng bà Thao bỏ ra để nuôi tảo đến thời điểm nay đã ngót nghét 8 tỷ đồng. Chi phí thực sự quá đắt đỏ nhưng không vì thế mà họ sẽ dừng lại.
“Cứ nghĩ xây dựng xong cơ sở, mua giống về nuôi chờ đến ngày thu hoạch là xong, ai ngờ bắt tay vào làm mới phát sinh ra nhiều vấn đề. Nhưng đã xác định làm thì phải sống chết với nghề thôi, chúng tôi sẽ tính toán kỹ càng, nếu thuận lợi sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng thêm diện tích.
Tảo Spirulina khó nuôi nhưng nếu chịu khó tìm tòi thì mô hình này hoàn toàn có thể áp dụng ở nhiều nơi. Hy vọng rằng thành công của chúng tôi sẽ mở ra hướng đi mới cho nghề này, đồng thời chứng minh cho tất cả thấy rằng nông dân cũng có thể làm khoa học”, ông Hoàng Văn Bảo, chồng bà Thao hồ hởi nói.
Những ngày đầu gian khó, nuôi trồng theo cách tự phát, nhưng kể từ thời điểm hoàn thành tất cả thủ tục pháp lý, chính thức cống bố thành lập Cty và tổ chức hội thảo khoa học để giới thiệu sản phẩm đến công chúng, Cty Thanh Mai đã tiến một bước rất dài.
Thương hiệu tảo Spirulina của bà Thao đã được biết đến rộng rãi. Nhiều DN ở Hà Nội, TPHCM... cũng đã chủ động liên hệ để đặt hàng. Hiện giá niêm yết của Cty Thanh Mai là 150.000/100 viên tảo xoắn Spirulina thành phẩm (0,5 gram/viên), trong khi nhãn hiệu tảo xoắn của Hoa Kỳ lên đến 1,4 triệu đ/100 viên, cao gấp 10 lần.
Tảo Spirulina là thực phẩm thiên nhiên chứa rất nhiều Protein, chất khoáng, giàu sắc tố... có tác dụng tốt để hỗ trợ điều trị các bệnh về tim mạch, thiếu máu, thận, phong thấp, chống bức xạ, ung thư và thậm chí cả HIV.
Việt Khánh - Nông Nghiệp VN, 12/09/2013
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.