• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Biện pháp hạn chế tôm chết do virus đốm trắng

Hiện nay chưa có biện pháp nào chữa trị được bệnh virus đốm trắng trên tôm nuôi, vì vậy phòng ngừa vẫn là cách hữu hiệu nhất… 

Triệu chứng: Tôm bị bệnh đốm trắng do virus thường biểu hiện một số triệu chứng bệnh lý như tôm có hiện tượng dạt vào bờ, giảm ăn, quan sát trên thân tôm thấy xuất hiện những đốm trắng tròn nằm dưới lớp vỏ kitin ở giáp đầu ngực hoặc toàn thân. Thân tôm xuất hiện màu hồng tím. Tôm chết hàng loạt và có thể chết 100% chỉ trong 3 đến 5 ngày sau khi có dấu hiệu bệnh. 

Biện pháp hạn chế: Bệnh đốm trắng chủ yếu lây truyền theo chiều ngang. Virus này lây từ giáp xác (cua, còng…) nhiễm bệnh đốm trắng từ môi trường bên ngoài ao hoặc ngay trong ao nuôi tôm. Vì vậy, khi chuẩn bị ao cần tiêu diệt hết các vật trung gian truyền bệnh bằng vôi hoặc hóa chất. Vét sạch bùn đáy, rải vôi, phơi khô đáy ao 5 đến 7 ngày. Lấp các lỗ ở bờ ao để làm cho cua, còng hết nơi trú ẩn. Khi cấp nước vào ao nuôi cần lọc qua túi lọc nhiều lớp, để ngăn trứng và ấu trùng của các loài cá, giáp xác vào ao nuôi trở thành vật truyền bệnh. Sau đó, cần phải tiến hành diệt tạp trong nước trước khi thả nuôi để diệt một số loài cá dữ và cá mang bệnh. 

Bệnh đốm trắng không có khả năng lây theo chiều thẳng đứng vì các noãn bào (trứng) nhiễm virus đốm trắng thì không chín (thành thục) được. Nhưng trong quá trình đẻ trứng, tôm mẹ có thể thải ra các virus đốm trắng từ trong buồng trứng, do đó ấu trùng tôm dễ dàng nhiễm virus ngay từ giai đoạn sớm. Việc xét nghiệm tôm giống âm tính với virus đốm trắng trước khi thả nuôi là một trong những mắt xích quan trọng khống chế và hạn chế thiệt hại do bệnh này gây ra. Khi mua con giống nhất thiết phải qua kiểm dịch, xét nghiệm và nên mua tại các cơ sở uy tín để đảm bảo chất lượng. Tôm sú bố mẹ hiện nay chủ yếu vẫn là khai thác từ tự nhiên nên con giống mang mầm bệnh là điều khó tránh khỏi. Bệnh đốm trắng thường xuất hiện vào mùa xuân hoặc đầu hè, nhất là khi nhiệt độ trong ngày biến động lớn (nhiệt độ biến động giữa ngày và đêm, sáng, chiều…). Trong quá trình chăm sóc, hạn chế việc gây stress cho tôm, khi tôm bị stress sẽ làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh này. Quản lý tốt các yếu tố môi trường, khí độc… đồng thời tăng cường dinh dưỡng cho tôm, nhất là vào những thời điểm giao mùa hoặc có mưa nắng, thất thường kéo dài. Sử dụng chế phẩm sinh học để duy trì môi trường ao nuôi, sử dụng Vitamin C, men vi sinh trộn vào thức ăn nhằm tăng sức đề kháng cho tôm nuôi là một lựa chọn có hiệu quả. Tuyệt đối không sử dụng thức ăn tươi sống cho tôm ăn vì đây là một trong những nguyên nhân gây bệnh tiềm tàng. Thực hiện an toàn sinh học trong suốt quá trình nuôi như sử dụng lưới ngăn chim, rào ngăn động vật sẽ giúp hạn chế lây lan dịch bệnh từ vùng này đến vùng kia hoặc từ ao nuôi này sang ao nuôi khác. 

Trong trường hợp ao tôm bị đốm trắng, thực hiện các biện pháp cách ly ngay. Nếu tôm đã đạt kích cỡ thương phẩm thì thu hoạch sớm để tránh thiệt hại, vì bệnh có thể gây cho tôm chết rất nhanh; tôm còn nhỏ và phát hiện bệnh mới xảy ra, chỉ vài con dạt bờ thì dùng formol 30-50ppm để giết những con tôm đã nhiễm bệnh, tránh trường hợp những con tôm khác ăn thịt sẽ khiến bệnh lây lan rất nhanh. Tôm chết phải đem đi xa khu vực nuôi, chôn cùng với vôi bột, không vứt tôm bị đốm trắng ra môi trường bên ngoài. Nếu tôm còn nhỏ, bị bệnh đã nặng, cần dùng các chất thuốc sát trùng liều cao, tiêu diệt virus trước khi thải bỏ. Dùng formol 50-70ppm hoặc Chlorine 50-100ppm để tiêu diệt toàn bộ (hủy ao). Khi có dấu hiệu bệnh virus đốm trắng, người nuôi cần báo ngay cho cán bộ thủy sản địa phương hoặc cơ quan chức năng để xử lý kịp thời, tránh tình trạng bệnh lây lan rồi mới công bố dịch.

NGỌC NHƯ - Báo Phú Yên, 22/4/2014

 

Phòng ngừa bệnh đốm trắng

Mức độ thiệt hại trên tôm nuôi giai đoạn đầu thả giống ở Sóc Trăng đã lên hơn 1.400 ha. Sau gần 2 tháng thời tiết lạnh bất thường, hiện tượng bệnh đốm trắng bùng phát mạnh, gây thiệt hại lớn cho người nuôi, nhiều nhất là thị xã Vĩnh Châu. Xuất phát từ nguyên nhân này mà tiến độ thả nuôi chậm lại để xử lý ao nuôi, thả thăm dò để theo dõi diễn biến thời tiết. 

Nhiệt độ giảm thấp là nguyên nhân bệnh đốm trắng bùng phát, điều này cho thấy mầm bệnh luôn tiềm ẩn , khi có điều kiện thuận lợi sẽ bùng phát thành dịch. Ngành chuyên môn khuyến cáo bà con nuôi tôm không nôn nóng mà thực hiện tốt các biện pháp xử lý ao nuôi, đặc biệt là ao nuôi bị thiệt hại do bệnh đốm trắng gây ra trong thời gian vừa qua, để hạn chế tối thiểu mầm bệnh phát sinh sau khi thả lại.

“Mùa lạnh ngừa đốm trắng, mùa nắng phòng gan tụy” là điều người nuôi tôm đều rất am hiểu khi đã trải qua nhiều năm thất bại và thời điểm lạnh kéo dài vừa qua bệnh đốm trắng bùng phát thành dịch, thiệt hại nặng nhất là các vùng nuôi trọng điểm của thị xã Vĩnh Châu, mức độ thiệt hại trên 30%, cá biệt có vùng thiệt hại đến 70%, như Vĩnh Hiệp, Hòa Đông. Hiện nay, Sóc Trăng cũng chỉ mới thả giống được hơn 4.500 ha, hầu hết bà con đang tập trung cải tạo, xử lý ao nuôi an toàn trước khi thả giống.

Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, đối với ao nuôi bị thiệt hại phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp xử lý, ít nhất hơn 40 ngày sau xử lý mới thả giống lại. Do giá tôm đang ở mức rất cao, nên người nuôi tôm luôn nôn nóng, tuy nhiên mầm bệnh đốm trắng còn tiềm ẩn trên tôm giống nên bà con phải hết sức thận trọng, từ xử lý ao đến chọn giống tôm nuôi an toàn, sạch bệnh. Trạm khuyến nông các địa phương khuyến cáo bà con nên  chọn thời điểm thả giống sau tháng 3, do hiện nay nhiệt độ vẫn còn thấp vào ban đêm, nhưng nóng vào ban ngày, mức chênh lệch nhiệt độ quá cao giữa ngày và đêm sẽ không thuận lợi để thả giống, mà bà con cần tập trung cải tạo ao nuôi. Ông Trần Minh Trí, Trưởng Trạm khuyến nông thị xã Vĩnh Châu cho biết: Thời tiết quá khắc nghiệt, môi trường ao nuôi, vùng nuôi xuống cấp, khi điều kiện thời tiết thuận lợi thì mầm bệnh bùng phát…Thời gian qua, bệnh đốm trắng qua xét nghiệm ở các vùng nuôi thị xã chiếm đến 90%. Tình hình này, chúng tôi khuyến cáo bà con Vĩnh Châu nên tạm ngưng, theo nhận định thì thả lại vào tháng 3 để nuôi an toàn hơn.

Bà con nuôi tôm có bước chuẩn bị ao nuôi khá tốt, các biện pháp khử độc, sát trùng cũng được thực hiện nghiêm ngặt, nhằm hạn chế bệnh phát sinh như giai đoạn đầu vụ vừa qua. Mặt khác bà con còn ứng dụng nhiều quy trình nuôi an toàn sinh học để giảm áp lực môi trường. Đây là bước tiến bộ mới ở Sóc Trăng trong tình hình nuôi tôm nước lợ gặp khó khăn trong những năm vừa qua. Nạo vét, khử trùng đáy ao, nuôi nước trước khi thả giống, hay mô hình lấy nước từ ao nuôi cá  rô phi vào nuôi tôm để hạn chế sử dụng hóa chất xử lý ao đang từng bước được nhân rộng ở hầu hết các quy trình trong vụ nuôi năm 2014.

Trần Đề là vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh trọng điểm của Sóc Trăng, bà con đã ứng dụng tốt quy trình kỹ thuật chăm sóc tiên tiến, nhưng mức độ thiệt hại cũng chiếm đến 9%. Huyện đang tập trung nhiều biện pháp đối phó để giữ ổn định cho vùng nuôi sau giai đoạn tác động xấu của biến đổi thời tiết vừa qua. Hiện nay biên độ chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm quá cao, nhiệt độ thấp nhất vào ban đêm dưới 22 độ C vẫn đang giai đoạn mầm bệnh đốm trắng có điều kiện phát sinh, do vậy ngành Nông Nghiệp khuyến cáo người nuôi nên thận trọng. Yếu tố thời tiết luôn có những biến đổi bất thường, mà đây là nguyên nhân tạo ra nguy cơ mầm bệnh bùng phát, do vậy mà giải pháp thả giống mang tính thăm dò là hướng đi rất phù hợp được nhiều hộ nuôi áp dụng.

Đối với diện tích đang nuôi, bà con cần tập trung nhiều biện pháp kỹ thuật cần thiết để tăng sức đề kháng cho tôm giúp vượt qua giai đoạn biến động xấu của thời tiết. Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp Hội tôm Mỹ Thanh cho biết: Chúng tôi vận động người nuôi nên chú trọng ý thức cộng đồng trong nuôi tôm. Cụ thể là cộng đồng bảo vệ môi trường.

Người nuôi tôm không chỉ ứng phó với mức độ ô nhiễm môi trường vùng nuôi, mà phải ứng phó với nguy cơ dịch bệnh và những biểu hiện cực đoan của biến đổi khí hậu. Từ năm 2012, người nuôi tôm đã rút ra được nhiều kinh nghiệm ứng phó với dịch bệnh, thận trọng hơn trong nuôi tôm, từ khâu cải tạo, xử lý ao đến biện pháp thả thăm dò, ứng dụng tốt các các quy trình nuôi an toàn sinh học. Đây là biểu hiện tích cực để thích ứng với diễn biến phức tạp, khó lường của thời tiết, môi trường. 

Văn Hòa - Phát thanh truyền hình Sóc Trăng, 5/3/2014

 

Biện pháp phòng và khắc phục bệnh thân đỏ đốm trắng ở tôm sú

Ở tôm sú, bệnh thường hay gặp nhất, khó ngăn ngừa và điều trị là bệnh thân đỏ đốm trắng. Theo các công trình nghiên cứu, tất cả các giai đoạn phát triển của tôm đều có thể nhiễm bệnh này. Giai đoạn phát triển mạnh nhất là từ tháng nuôi đầu tiên đến tháng nuôi thứ hai trong ao nuôi tôm thịt. Gây bệnh đốm trắng ở tôm sú do một loại virus có tên khoa học Systemic Ectodermal and Mesodorma Baculoviras (SEMBV). Virus này nhiễm cảm ở một số mô của nhiều cơ quan khác nhau có nguồn gốc trung bì và ngoại bì như: mang, lớp biểu bì mô của vỏ, thần kinh, dạ dày và một số cơ quan khác trên con tôm. Trên thực tế, dù có phương pháp ngăn ngừa tốt như thế nào thì điều kiện tôm bị virus SEMBV vẫn tồn tại, đôi lúc người nuôi điều trị bằng thuốc và hóa chất cũng không ổn. Bởi vậy, việc có thể làm là ngăn chặn, tránh lây lan từ ao nuôi này sang ao nuôi khác.

Các kết quả nghiên cứu cho biết, hiện nay bệnh đốm trắng ở tôm sú có 3 nguyên nhân gây bệnh, đó là do nhiễm virus, do môi trường và nhiễm khuẩn. Tôm bị nhiễm bệnh đốm trắng do môi trường và nhiễm khuẩn có thể xử lý, khắc phục được, còn tôm bị nhiễm bệnh do virus SEMBV thì chưa có biện pháp hữu hiệu để điều trị. Tôm sú bị nhiễm bệnh đốm trắng có những dấu hiệu như: tôm dạt vào bờ; trên thân tôm xuất hiện nhiều các đốm trắng tròn to, nhỏ khác nhau; khả năng tiêu thụ thức ăn bị giảm sút nghiêm trọng, đa phần tôm dạt vào bờ đều có ruột rỗng, không có thức ăn; tôm chết hàng loạt, có thể chết hết từ 5 - 7 ngày sau khi bị nhiễm bệnh.

Nhiều công trình nghiên cứu đã tìm ra các loại hóa chất để diệt virus SEMBV gây bệnh thân đỏ đốm trắng ở con tôm sú như: Formaline (70ppm), thuốc tím (10ppm), acid phoraccitic (8ppm)… Về nguyên tắc, nếu xử lý các loại hóa chất này xuống ao nuôi đang có tôm bị nhiễm bệnh thì có thể tiêu diệt được virus SEMBV, tôm bị nhiễm bệnh vẫn có thể nuôi cho đến khi thu hoạch. Nhưng trên thực tế, điều này rất tốn kém và không hiệu quả. Vì vậy, biện pháp phòng bệnh có vai trò rất quan trọng trong nuôi trồng.

Để phòng bệnh, ao trước khi đưa vào nuôi phải được tẩy dọn kỹ, vét sạch chất thải từ vụ nuôi trước để lại, phơi đáy ao từ 5 - 7 ngày, dùng Fomaline để tẩy diệt virus trong ao và các mầm bệnh khác; chọn tôm giống khỏe bằng phương pháp PCR; không thay nước trực tiếp từ biển, mỗi ao nuôi cần phải có một ao chứa nước riêng biệt, trước khi đưa vào nuôi phải được xử lý bằng Fomaline 10ml/m3 hay Clorine 10 - 15ml/m3 ngay trong ao chứa; hàm lượng oxy hòa tan phải lớn hơn 3mg/l, độ pH từ 7,5 - 8,5; ngăn chặn và loại bỏ tất cả các loài giáp xác trong ao nuôi và trong ao chứa bằng biện pháp tẩy dọn, diệt tạp và lọc nước kỹ trước khi đưa vào ao; giữ nền đáy ao sạch sẽ trong suốt chu kỳ nuôi và cho thức ăn tổng hợp có bổ sung một lượng vitamin C từ 2 - 4g/kg thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm.

Nếu phát hiện tôm bị nhiễm bệnh thân đỏ đốm trắng do nhiễm virus, trong trường hợp tôm đã đạt kích cỡ thương phẩm thì nên thu hoạch ngay, sau đó dùng Fomaline hay Clorine liều cao để xử lý nước trong ao trước khi xả ra môi trường. Trong trường hợp tôm chưa đạt kích cỡ thương phẩm thì nên dùng Fomaline phun trực tiếp xuống ao với nồng độ từ 15 - 30ml/m3 để tiêu diệt virus tự do ngoài môi trường và tiêu diệt luôn cả những con tôm bị nhiễm virus, sau đó cần xử lý tôm chết và tiến hành thay nước sạch. Khi tôm bị nhiễm bệnh đốm trắng do độ pH cao thì có thể tìm mọi cách làm giảm độ pH cho phù hợp từ 7,5 - 8,5 như: thay nước mới, dùng Fomaline với nồng độ từ 3 - 4 (ppm), dùng vôi để ổn định độ pH nước trong ao nuôi. Trong trường hợp tôm bị nhiễm bệnh đốm trắng do cảm nhiễm vi khuẩn thì biện pháp khắc phục duy nhất là thu gom tôm chết, tôm yếu dạt vào bờ; cải thiện ao nuôi bằng cách làm sạch đáy bằng máy sục khí và ổn định sự phát triển của tảo; dùng Fomaline có nồng độ từ 10 - 15ml/m3 phun xuống ao để tiêu diệt vi khuẩn ngoài môi trường, sau 12 giờ tiến hành thay nước sạch và cho tôm ăn liên tục 5 ngày kết hợp với kháng sinh Furazolidon hoặc Oxytetracylin với liều lượng 40 - 50mg/kg tôm/ngày.

Ngày nay, để phát hiện tôm bị nhiễm bệnh đốm trắng, người ta thường dùng phương pháp kiểm tra bằng máy PCR theo từng thời kỳ. Nếu máy cho kết quả (+) thì ao nuôi đã bị nhiễm bệnh, kết quả (-) thì ao nuôi đang trong thời kỳ an toàn. Khi phát hiện ra tôm bị nhiễm bệnh đốm trắng, điều vô cùng quan trọng là phải có biện pháp ngăn chặn, không cho lây sang các ao khác. Biện pháp này sẽ giảm được thiệt hại rất nhiều đối với nghề nuôi tôm sú.

TRUNG HÙNG (Theo tài liệu của Trung tâm Khuyến ngư Khánh Hòa) - Web Khánh Hoà, 30/3/2004

Thảo luận về kỹ thuật nuôi:

Xem thêm các thông tin có liên quan:

- Kỹ thuật nuôi tôm, cá và các loại thủy sản khác

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang