• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Kháng thể phòng trị bệnh đốm trắng

ASV - chế phẩm phòng chống virus gây bệnh tôm

Sự phát triển ồ ạt nghề nuôi tôm thiếu đảm bảo kỹ thuật đã dẫn đến tình trạng dịch bệnh phát sinh nghiêm trọng. Việc tìm giải pháp kiểm soát hiệu quả dịch bệnh virus ở tôm rất cấp thiết. Tại hội thảo "Nghiên cứu khoa học phục vụ nghề nuôi trồng thủy sản các tỉnh phía Nam" do Bộ Thủy sản và Trung tâm Khoa học tự nhiên & công nghệ quốc gia tổ chức tại TP.HCM ngày 20 và 21-12-2002, tiến sĩ Văn Thị Hạnh ở phòng thí nghiệm công nghệ tế bào động vật, Viện Sinh học nhiệt đới (Trung tâm Khoa học tự nhiên & công nghệ quốc gia), cho biết đã nghiên cứu thành công chế phẩm gây miễn dịch thụ động ngăn ngừa được bệnh virus ở tôm.

Cơ chế kháng bệnh của tôm bị hạn chế so với động vật có xương sống do sự khác biệt tiến hóa biểu hiện ở chỗ không có và không sáng tạo ra được kháng thể đáp ứng lại kháng nguyên lạ xâm nhập. Huyết tương (hemocyte) là các tế bào bảo vệ nguyên thủy, có khả năng thực bào các tác nhân lạ; các phân tử lectin có hoạt tính miễn dịch. Lectin là các phân tử glycoprotein có khả năng gắn với tiểu phần đường của các phân tử khác, đặc biệt ở các tác nhân lạ. Vi khuẩn, virus hay độc tố cũng có thể có lectin bề mặt. Các phân tử lectin này một mặt có thể giúp nối kết tác nhân lạ với huyết bào tôm, hoạt hóa chúng, làm tăng hoạt động thực bào và hoạt tính kháng khuẩn; mặt khác vi khuẩn hay virus cũng có thể sử dụng lectin để sáp nhập vào tế bào tôm ở vị trí các thụ thể (receptor), khởi đầu cho quá trình nhiễm.

Tóm lại, tôm cũng có sự đáp ứng tế bào và thể dịch đối với tác nhân virus nhưng không có tế bào tạo ra kháng thể và không có sự bảo vệ đặc hiệu chống lại tác nhân gây bệnh. Vì vậy sự nhiễm virus tồn tại dai dẳng trong đời sống của tôm.

Từ năm 1995 đến nay, tiến sĩ Văn Thị Hạnh và các cộng sự đã tiến hành nghiên cứu tác nhân virus gây bệnh ở tôm sú trên cơ sở sử dụng kỹ thuật nuôi cấy tế bào in vitro. Nhờ có công cụ tế bào và các phương pháp nghiên cứu virus ổn định, nhóm đã phát triển được một số virus gây bệnh phổ biến ở tôm như virus hội chứng đốm trắng (WSSV), đầu vàng (YHV), đỏ đuôi hay còn gọi là hội chứng Taura (TSV) ... làm nguồn kháng nguyên gây tạo miễn dịch ở gà để thu nhận kháng thể từ trứng (gà bảo vệ thế hệ sau của chúng bằng cách truyền các kháng thể của mẹ từ huyết thanh đến lòng đỏ trứng trong suốt thời kỳ đẻ trứng) tạo chế phẩm ức chế virus gây bệnh ở tôm sú (ASV).

Lượng kháng thể hình thành được tích lũy chủ yếu trong lòng đỏ trứng (được gọi là IgY). Cho đến nay, nhóm nghiên cứu đã gây tạo miễn dịch thành công với hai loại kháng nguyên virus là WSSV và YHV để tạo ra kháng thể đặc hiệu đối với loại virus này. Sau sáu tháng gây tạo miễn dịch, một con gà có thể cho 5.000mg kháng thể bán tinh sạch hoặc 2kg lòng đỏ trứng có chứa kháng thể đặc hiệu. Tiến sĩ Hạnh cho rằng nếu không có phương pháp này thì dù có thành công trong việc tạo ra nguồn kháng nguyên cũng khó ứng dụng thực tế được, vì đối với tôm không thể sử dụng kháng huyết thanh để tiêm như các động vật khác được.

Chế phẩm từ nguyên liệu là lòng đỏ trứng gà siêu miễn dịch cho tôm ăn định kỳ khoảng 2-3 tuần một lần (mỗi lần cho ăn ba ngày liền, lượng chế phẩm cho ăn tính bằng 20% lượng thức ăn hàng ngày) để phòng ngừa virus gây bệnh. Một số nghiên cứu trong phòng thí nghiệm với tôm từ 30-45 ngày tuổi nhằm khảo sát khả năng tồn tại miễn dịch thụ động ở tôm có sử dụng ASV cho thấy khi cho tôm ăn 20% chế phẩm ASV liên tục trong bảy ngày trước hoặc ngay sau khi gây nhiễm virus liều thử thách, tôm có tỷ lệ sống là 70-80% sau 30 ngày gây nhiễm và không thay đổi sau 50 ngày theo dõi tiếp tục. Nếu không được ăn ASV tôm chết 100% trong vòng 17-23 ngày. Kết quả cũng cho thấy nếu tôm chịu đựng được qua ngưỡng gây chết ở liều thử thách thì sẽ sống và phát triển hoàn toàn bình thường. Việc cho ăn ASV trước khi thử thách với virus vẫn bảo vệ được 80% tôm sống chứng tỏ khả năng tồn tại miễn dịch thụ động của tôm nhờ sự có mặt của các globulin miễn dịch có trong chế phẩm ASV.

Để khẳng định kết quả này, nhóm đã tiến hành thí nghiệm ở bể composite tại Trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ & Sở Khoa học công nghệ & môi trường tỉnh Sóc Trăng. Kết quả cho thấy nếu sử dụng ASV thì tỷ lệ tôm sống lên đến 70% so với 45% nếu không cho ăn ASV. Đặc biệt ASV cũng đã được sử dụng tại trại nuôi tôm của ông Nguyễn Văn Giá, ấp 15, Vĩnh Hậu, Vĩnh Lợi, Bạc Liêu. Tổng diện tích tôm nuôi không sử dụng ASV làm đối chứng là 8ha, thả làm hai đợt thì tôm không thu hoạch vì bị dịch bệnh chết đồng loạt trong vòng một tháng sau khi thả. Trong khi đó tổng diện tích nuôi tôm có sử dụng ASV là 5,2ha, đều duy trì được từ 5,5-6 tháng, tôm đạt trung bình 30con/kg, năng suất bình quân 4tấn/ha.

Kết quả này đã mở ra một triển vọng mới trong điều trị bệnh virus ở tôm. Đặc biệt đây là chế phẩm được sản xuất theo phương pháp công nghệ sinh học nên không có hóa chất, kháng sinh, độc tố và lại bổ dưỡng vì lòng đỏ trứng gà là nguồn đạm dinh dưỡng rất tốt. Từ kết quả này, Viện Sinh học nhiệt đới đã chính thức đề nghị Bộ Thủy sản cho phép thử nghiệm chế phẩm ASV trên diện rộng. Bộ Thủy sản cũng rất quan tâm tới vấn đề này và sắp tới sẽ cho tiến hành khảo sát hiệu quả ức chế virus của chế phẩm ASV trên đồng ruộng và sử dụng trong đề tài về nuôi tôm sạch bệnh do Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I chủ trì.

Khắc Thi, Tuổi trẻ - 19/01/2003

 

Anti-WSD: kháng thể phòng trị bệnh đốm trắng

Thành phần:

Kháng thể đốm trắng HGKT-SN >= 1:4000 phụ gia.

Chế phẩm Anti-WSD được sản xuất bằng công nghệ sinh học, chứa hàm lượng kháng thể cao kháng các chủng gây bệnh đốm trắng, được phân lập và tuyển chọn từ tôm bị bệnh đốm trắng tại Việt Nam.

Công dụng:

Kháng thể Anti-WSD có tác dụng phòng trị bệnh đốm trắng ở tôm sú.

Cách dùng:

Sau khi trộn kháng thể với thức ăn theo tỷ lệ, rồi trộn với dầu mực theo tỷ lệ 1 lít cho 100kg thức ăn.

Liều dùng:

Liều trị: 3g Anti-WSD trộn với 1kg thức ăn, dùng liên tục 10 ngày. Sau đó quay lại sử dụng liều phòng.

Liều phòng: 1g Anti-WSD trộn với 1kg cho ăn 1 ngày 3 bữa: sáng, chiều và đêm. Sau 5 ngày cho ăn lặp lại 1 lần.

Bảo quản: Để nơi khô, thoáng mát, để tủ lạnh dùng được lâu hơn.

Hạn dùng: 1 năm kể từ ngày sản xuất.

Quy cách đóng gói: Gói 50gr - 10 gói/ hộp, 100 gói/thùng.

Liên hệ: Công ty cổ phần Phát triển công nghệ nông thôn

Khu công nghiệp An Khánh, Hoài Đức, Hà Tây

Điện thoại: 034.650676

Thảo luận về kỹ thuật nuôi:

Xem thêm các thông tin có liên quan:

- Kỹ thuật nuôi tôm, cá và các loại thủy sản khác

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang