(Thay mặt bạn đọc, Việt Linh xin cám ơn ông Nguyễn Ngọc Cang - một bạn đọc của web Việt Linh - đã gửi tài liệu này tham gia diễn đàn VẤN ĐỀ HÔM NAY)
Trong nhiều năm gần đây, ngành nuôi tôm đang phát triển một cách mạnh mẽ tại nhiều địa phương trong cả nước. Thế nhưng cùng với sự phát triển về diện tích, dịch bệnh cũng đang trở thành một nỗi lo vì gây nhiều thiệt hại cho nhiều người nuôi tôm. Trong số các bệnh gây nhiều thiệt hại cho bà con nuôi tôm, thì bệnh SEMBV (Systemic etodermal and mesodermal baculovirus ) luôn là nỗi lo vì gây nhiều thiệt hại nhất.
Cũng giống như bệnh MBV (Penaeus monodon - type baculovirus), là một thứ bệnh do virus gây ra, gây chết hàng loạt giai đoạn tôm giống Pls 15-20 và không có thuốc điều trị. Bệnh đốm trắng hay đốm trắng đỏ thân có tên gọi là SEMBV (Systemic etodermal and mesodermal baculovirus) hay WSSV (White-spot syndrome Virus) cũng là một thứ bệnh do virus gây ra và cũng không có thuốc điều trị.
Bệnh đốm trắng hay đốm trắng đỏ thân (SEMBV) gây nhiều thiệt hại cho người nuôi tôm, nhất là những vùng nuôi nuôi tôm không có sự qui hoạch chăt chẽ và hệ thống kênh mương dẫn thoát nước, vì khả năng lây lan của bệnh là rất lớn, có thể gây thành dịch và không có thuốc điều trị. Bệnh đốm trắng (SEMBV) có thể lây lan bằng nhiều con đường khác nhau, từ trong nguồn nước hay từ các giá thể có trong tự nhiên như chim, cá, cua, còng nên rất khó kiểm soát. Tôm bị bệnh đốm trắng (SEMBV) thường có những triệu chứng ban đầu như bơi trên mặt nước, tập trung thành từng đàn quanh bờ ao và sẽ chết hàng loạt trong vòng từ 5 -7 ngày sau đó với những dấu hiệu trên cơ thể như đốm trắng, rụng râu, thân có màu đỏ và trong ruột trống rỗng. Vì không có thuốc điều trị, nên để đối phó với bệnh đốm trắng (SEMBV), các biện pháp ngăn ngừa để kiểm soát bệnh ngay từ khi chuẩn bị ao nuôi và một tinh thần cùng hợp tác giữa những người nuôi tôm trong cùng một khu vực để bệnh không lây lan thành dịch là đều cần thiết nên làm.
Một số biện pháp sau đây là những kinh nghiệm đã được áp dụng thành công tại miền Trung (Ninh thuận) - để kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh đốm trắng (SEMBV) trong nhiều năm qua có thể mang lại nhiều lợi ích cho người nuôi tôm, bao gồm:
Vệ sinh ao nuôi thật tốt sau mỗi vụ mùa. Thường sau mỗi vụ thu hoạch, ao nuôi được bỏ trống cho tới vụ mùa sau, các chất thải hữu cơ trầm tích tầng đáy vẫn tiếp tục phân hủy ngấm sâu vào tầng đất đáy gây ô nhiễm lâu dài cho các ao nuôi tôm do vậy ngay sau khi thu hoạch dù không có tôm cũng cần phải chú ý việc xử lý đáy ao, không chờ cho đến khi vụ nuôi thì mới bắt đầu xử lý.
Nên nuôi tôm trong môi trường khép kín ít thay nước, và nhất là cần thiết phải có ao dự trữ (reservoir), để xử lý nước trước khi đưa vào ao nuôi. Không lấy nước trực tiếp từ các nguồn nước tự nhiên chưa qua xử lý vì có thể mang mầm bệnh ngoài tự nhiên vào ao nuôi. Mực nước trong ao nuôi tôm có thể càng cao càng tốt (có thể cao hơn 1,5 m) vì với mực nước cao như vậy sẽ tạo ra môt môi trường ổn định khi thời tiết thay đổi giúp tôm khỏi bị sốc. Việc sử dụng ao dự trữ ngoài giá trị xử lý nước trước khi đưa vào ao nuôi nó còn giúp ích cho người nuôi tôm giải quyết được vấn đề về độ mặn của nước trong ao nuôi bằng cách chọn lựa thời điểm để lấy nước dự trữ, khi dộ mặn trong ao xuống thấp, lấy nước vào ao dự trữ lúc nước bên ngoài có độ mặn cao và ngược lại. Bằng cách sử dụng ao dự trữ như là một hệ thống điều hòa, người nuôi tôm có thể kiểm soát được độ mặn của nước trong ao ở mức cần thiết (từ 10-25 phần ngàn).
Bảo đảm chắc chắn nguồn nước cung cấp vào trong ao nuôi không có mang mầm bệnh và các động vật ăn thịt khác bằng cách xử lý trước nước trong ao dự trữ.
Chọn giống cẩn thận bằng các biện pháp gây sốc như kiểm tra qua formalin 3ppm và nước ngọt để loại bọ những con bị yếu, không thả giống quá dày, trung bình chỉ nên từ 20-25 con giống Pls 15/mét vuông để nâng cao tỉ lệ sống của tôm, tránh được tình trạng tôm sống ăn thịt tôm chết, có thể nhiễm bệnh, gây thành dịch.
Thường xuyên kiểm tra môi trường nước trong ao nuôi, bảo đảm sự ổn định độ mặn, pH, tảo, oxy hòa tan. Giữ sạch đáy ao tránh cho tôm bị mòn đuôi, đóng rong trên thân và nhất là tránh gây xây xước trên thân tôm, là những cơ hội bệnh xâm nhập.
Cần có một chế độ dinh dưỡng đấy đủ và hợp lý, thường xuyên bổ sung vitamin C và nhất là tuyệt đối không được dùng thức ăn tươi để cho tôm ăn.
Tích cực ngăn chặn các giá thể mang mầm bệnh trong tự nhiên như chim, cá, cua, còng... Vì đó là các nguồn gốc lây lan của bệnh từ bên ngoài vào trong ao nuôi.
Xử lý nước thải bằng các loại hóa chất như chlorine, thuốc tím… trước khi thải nước trong ao nuôi tôm ra ngoài nguồn nước chung.
Và quan trọng nhất là cần có tính cộng đồng giữa những người nuôi tôm kế cận nhau, thường xuyên trao đổi thông tin để quản lý nguồn nước thải, tránh sự lây nhiễm của bệnh mà có thể gây thành dịch.
Kể từ khi bệnh xuất hiện từ năm 1995, đến nay đã có nhiều sự hiểu biết hơn về bệnh đốm trắng (SEMBV hay WSSV). Theo một thông tin tham khảo trên ShrimpNews 1998 Không phải tất cả các dấu hiệu đốm trắng trên thân tôm luôn là dấu hiệu của bệnh đốm trắng (SEMBV) dẫn đến kết quả là là tôm sẽ chết hàng loạt. Một số chuẩn đoán chính xác về bệnh SEMBV chỉ có thể thực hiện bằng máy PCR hay bằng phương pháp xét nghiệm mô tế bào, là những cách làm mà người nuôi tôm khó có thể có điều kiện thực hiện, vì vậy khi nhìn thấy những dấu hiệu đốm trắng trên thân tôm đa số người nuôi tôm thường hoảng hốt vì cho đó là bệnh do virus gây ra mà không biết rằng có thể có những trường hợp sau đây:
1– Nếu tôm bị bệnh trong giai đoạn thả giống từ Pls 15 cho đến 12 gram (khoảng 30-45 ngày tuổi) mà có dấu hiệu bị bệnh, chết quanh bờ ao nuôi thì chắc chắn là bệnh do virus gây ra, ngay cả khi trông chúng có vẻ như bình thường hay chỉ có một vài đốm trắng bên dưới vỏ và khoang bụng. Một dấu hiệu khác dễ dàng để nhận biết là số lượng thức ăn được tiêu thụ giảm đi một cách rõ rệt so với bình thường, vì tôm còn khỏe mạnh trong ao sẽ ăn tôm bị nhiễm bệnh chết dưới đáy ao, làm nghiêm trọng thêm tình hình lây nhiễm trong ao nuôi. Trong trường hợp này thì không có một loại thuốc nào có thể giúp đỡ được cho người nuôi tôm, mọi cố gắng điều trị bệnh đều là vô ích và tốn kém.
2– Khi tôm có những đốm trắng trên vỏ hoặc trên thân những vẫn tiếp tục ăn bình thường thì có thể không phải bị lây nhiễm bệnh đốm trắng, đặc biệt là khi không có tôm bệnh chết quanh bờ ao nuôi. Trong trường hợp này những đốm trắng trên thân tôm có nguyên nhân là do pH trong ao nuôi tôm cao và kéo dài, khiến lượng calci tích tụ trên vỏ tôm làm xuất hiện những đốm trắng trên thân tôm. Để giải quyết vấn đề này, cần thiết làm giảm pH trong ao xuống mức 7, 5 - 8, khi đó những đốm trắng sẽ biến mất và tôm sẽ trong khỏe mạnh trở lại.
3- Khi tôm bệnh hoặc chết tìm thấy dọc theo bờ ao nuôi với những đốm trắng và nâu đen, mang bị dơ và lượng thức ăn tiêu thụ có giảm đi chút ít, tôm có thể bị bệnh do sự lây nhiễm của một số vi khuẩn vào một số cơ quan nội tạng trong cơ thể của tôm những không phải là bệnh đốm trắng. Để giải quyết vấn đề cần thường xuyên thu nhặt tôm bệnh dọc theo bờ ao và cân đối lại các điều kiện về môi trường trong ao nuôi như chất thải lắng dưới đáy ao, mật độ tảo… sẽ giúp cho tôm có thể hồi phục và phát triển.
4– Trong quá trình kiểm tra thường xuyên tôm bằng các vó, nếu thỉnh thoảng có một vài con tôm có những dấu hiệu đốm trắng trên thân trong vó trong khi tôm trong ao vẫn hoạt động bình thường, không tụ tập dọc quanh bờ ao, lượng thức ăn vẫn không thay đổi thì những đốm trắng trên thân tôm đa phần xuất hiện vào cuối chu kỳ chuẩn bị lột vỏ của tôm không phải là bệnh đốm trắng và nó sẽ biến mất khi tôm lột thay vỏ.
Trong các trường hợp nói trên, chỉ có trường hợp đầu là chắc chắn tôm bị bệnh do SEMBV, gây nhiều thiệt hại cho tôm, còn các trường hợp còn lại là do yếu tố môi truờng trong ao nuôi gây ra. Tuy nhiên để xác định được bệnh một cách chính xác, thì chỉ có các phương tiện đầy đủ của các phòng thí nghiệm với các trang thiết bị nhiều khi rất đắt tiền như máy PCR hoặc phải được huấn luyện một cách đầy đủ về chuyên môn như phương pháp cấy mô tế bào thì mới có thể xác định được, trong khi thực tế người nuôi tôm nhiều khi có những kiến thức về môi trường, dịch bệnh còn chưa được trang bị đầy đủ. Do vậy việc phòng ngừa dịch bệnh đối với người nuôi tôm là hết sức quan trọng và cần thiết.
Nguyễn Ngọc Cang
VIETLINH Pte. Official Homepage
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.