Trong những năm gần đây, người nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa Vũng Tàu) bị thiệt hại do dịch bệnh, do nguồn nước mặn cung cấp cho ao nuôi trong mùa mưa liên tục bị thiếu hụt. Để cải thiện tình hình này, nhiều hộ nông dân trong huyện áp dụng phương pháp ương nuôi tôm trong nhà vèo và thu được kết quả khả quan.
Khu nhà vèo ương tôm thẻ chân trắng của ông Tịnh.
Trong khi nhiều hộ nông dân Xuyên Mộc treo ao vì không còn đủ nguồn vốn hoặc chỉ thả nuôi cầm chừng, thì một số hộ khác đã tìm tòi và mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi tôm mới, có kế hoạch phòng chống bệnh dịch và chủ động nguồn nước nuôi tôm. Đó là trường hợp ông Đỗ Lương Tịnh (ở ấp Ông Tô, xã Phước Thuận) áp dụng thành công phương pháp nuôi mới và bước đầu đã mang lại hiệu quả tốt. Trong 8 tháng đầu năm 2013, gia đình ông đã thu 2 đợt với tổng sản lượng gần 100 tấn tôm thẻ chân trắng thương phẩm. Theo giá thị trường hiện nay dao động khoảng 90 -100.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lợi nhuận hơn 6 tỷ đồng.
Có được kết quả đó là nhờ ông Tịnh tổ chức tốt quy trình công nghệ khép kín. Trước hết là thiết kế ao vèo khoảng từ 1.000 - 3.000m2/ao. Ao ương được lót bạt đáy chống rò rỉ, phía trên có che kín lưới lan, chống sự xâm nhập của các loài động vật hay côn trùng, đồng thời giữ nhiệt độ trong ao ổn định, xung quanh che kín bằng vỏ thùng phuy sắt loại bỏ từ các công trình xây dựng. Khu nuôi cũng được bảo vệ nghiêm ngặt chống sự xâm nhập của vật nuôi hay địch hại như chuột, rắn… Công nhân và người ngoài muốn vào khu ương nuôi nhà vèo phải đi qua khu khử trùng tại cổng để hạn chế tối đa việc lây nhiễm các mầm bệnh giữa các ao nuôi.
Tôm thẻ chân trắng giống được ương nuôi trong ao vèo đến 25-30 ngày tuổi, mật độ 800-1.000 con/m2. Trong thời gian này, tôm được chăm sóc kỹ lưỡng, được cung cấp oxy liên tục; sau thời gian ương, tôm đạt kích cỡ theo yêu cầu thì sẽ được thả ra ao lớn. Ao nuôi tôm thịt cũng được thiết kế bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật, không chỉ xử lý nước, môi trường bảo đảm các tiêu chuẩn quy định mà còn được trải bạt từ đáy lên cao hơn bờ ao khoảng 50cm để ngăn không cho cua, còng hay các con vật gây hại vào ao; phía trên che lưới rào ngăn chim cò xuống ao. Điều quan trọng là trong ao vèo cũng như ao nuôi đều có hệ thống oxy đáy chạy suốt trong quá trình thả tôm nuôi, bảo đảm lượng oxy cho tôm nuôi mật độ cao.
Theo ông Tịnh, nuôi tôm theo quy trình mới mặc dù chi phí đầu tư ban đầu tốn kém, nhưng cái lợi thì lớn hơn rất nhiều. Thứ nhất là các khâu quản lý, chăm sóc, theo dõi sức khoẻ tôm giống và chi phí thuốc, hoá chất, thức ăn giai đoạn này tốn kém ít, do chủ động kiểm soát được môi trường, nguồn nước và nhiệt độ của ao vèo, đặc biệt là là nguồn nước còn thiếu tại khu vực trên vào mùa mưa. Thứ hai là đối với tôm thẻ chân trắng nuôi công nghiệp, từ 20 - 30 ngày tuổi là giai đoạn dễ sinh dịch bệnh và hao hụt nhiều nhất. Nếu chăm sóc tốt, xử lý đúng quy trình và tôm vượt qua được giai đoạn này thì khả năng thắng lợi rất cao, vì khi thả ra ao lớn tôm đã đủ sức khoẻ. Mặt khác tôm đủ lớn nên khâu kiểm soát thức ăn được chính xác và chặt chẽ hơn, ngược lại, nếu thấy chất lượng tôm giống phát triển không tốt hoặc bị bệnh thì người nuôi có thể huỷ bỏ tại ao vèo, vì vậy chi phí không nhiều, đặc biệt là không ảnh hưởng đến môi trường của ao nuôi và các khu vực xung quanh.
Hiện đã có một số hộ nông dân và doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản ở ấp Ông Tô đang áp dụng và nhân rộng mô hình trên tại địa bàn. Tuy nhiên, thực tế người dân nuôi tôm công nghiệp tại địa bàn huyện Xuyên Mộc hiện nay đang gặp một số khó khăn như chưa tiếp cận được nguồn vốn từ các ngân hàng, thiếu nước mặn vào mùa mưa… Vì vậy, để sớm khôi phục và ổn định lại sản xuất, rất cần có các chính sách hỗ trợ tài chính tích cực của Nhà nước và các ngành chức năng. Đồng thời tăng cường công tác tập huấn, quan trắc và cảnh báo môi trường nước, chuyển giao quy trình kỹ thuật tiên tiến, làm kênh mương cung cấp nguồn nước mặn vào mùa mưa cho người dân, kịp thời giúp cho người dân ứng dụng tốt vào sản xuất trong các mùa vụ tiếp theo.
NGUYỄN THI (Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Bà Rịa Vũng Tàu) - 12/09/2013, Báo Bà Rịa Vũng Tàu
Tôm giống từ 10-15 ngày tuổi thả nuôi rất dễ chết (tỉ lệ sống chỉ đạt khoảng 80%), gây tổn thất không nhỏ cho nông dân. Để khắc phục nhược điểm này, ông Nguyễn Văn Long (xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa Vũng Tàu) đã áp dụng phương pháp ương dưỡng tôm giống trước khi thả nuôi, nâng tỷ lệ sống của tôm giống đến hơn 95%.
Ông Nguyễn Văn Long kiểm tra vỉ sục khí trong bể ương dưỡng tôm giống.
Để chuẩn bị con giống thả nuôi trên diện tích 1ha, ông Long sử dụng bể xi măng có diện tích khoảng 700m2 để ương dưỡng 900.000 con giống tôm thẻ chân trắng 10 ngày tuổi. Hiện nay mới vào giai đoạn giữa kỳ ương dưỡng nhưng tôm ăn mạnh, lớn nhanh. Theo ông Long, số lượng con giống này sau khi ương dưỡng trong bể 25 ngày tuổi sẽ đạt trọng lượng 2.000 con/kg, khi đó mới thả tôm ra ao nuôi. “Sau khi ương dưỡng trong bể một thời gian nhất định, con tôm đã đủ lớn có khả năng chịu đựng trước sự thay đổi bất lợi của môi trường ao nuôi, hạn chế tỷ lệ hao hụt con giống”, ông Long nói. Với cách làm như trên, ông Long tính toán lượng tôm giống qua các lần ương dưỡng trước đây chưa lần nào hao hụt đến 5%.
Được biết, hiện nay phần lớn người nuôi tôm thẻ chân trắng sử dụng con giống từ 10-15 ngày tuổi, thả trực tiếp vào ao nuôi nên tỷ lệ hao hụt rất cao. Do giai đoạn này tôm còn nhỏ, khả năng chống chịu với sự biến đổi môi trường chưa tốt nên dễ bị chết, tỷ lệ hao hụt đến gần 20%. “Với cách nuôi của tôi, số lượng tôm hao hụt giảm. Ngoài ra, chi phí xử lý môi trường trong bể ương cũng thấp hơn rất nhiều so với ngoài ao nuôi”, ông Long cho biết.
Theo tính toán của ông Long, nếu trên diện tích 1ha chi phí xử lý để ổn định độ kiềm và PH trong giai đoạn đầu (25 ngày đầu) thả giống mất khoảng 20 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí này trong bể ương dưỡng chỉ mất gần 2 triệu đồng. Lý giải về việc này, các kỹ sư của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh cho biết, ao nuôi nền đất dễ xảy ra hiện tượng xì phèn cùng với nhiều tác động khác (mưa, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm lớn) làm môi trường luôn biến động, hơn nữa do khối lượng nước lớn nên chi phí xử lý ổn định môi trường luôn cao hơn trong bể.
Tuy nhiên, việc ương dưỡng trong bể cũng có nhược điểm là mật độ tôm cao, do đó cần phải cung cấp đủ lượng oxy cần thiết để tôm phát triển tốt. Ông Long cho biết, nên sử dụng hệ thống oxy đáy (sục khí từ đáy ao), vì giai đoạn này tôm còn nhỏ chủ yếu phân bố ở tầng đáy. Theo quy trình của ông Long, trên diện tích 700m2 bể ương, ông sử dụng 15 vỉ sục khí đáy. Vỉ sục khí được sử dụng các ống hơi khoanh tròn xoắn ốc có đường kính 47cm thả chìm xuống đáy ao. Trên mặt bể được che chắn toàn bộ bằng lưới (loại thường dùng che khi trồng hoa phong lan). Việc che chắn này để nhằm mục đích không cho chim trời, cua, ếch, nhái… tiếp cận với ao ương hạn chế việc lây truyền mầm bệnh từ môi trường bên ngoài. “Lưới cũng giúp hạn chế ánh nắng mặt trời rọi trực tiếp vào bể, hạn chế sự phát triển của tảo giúp cho môi trường bể ương luôn ổn định, tôm phát triển nhanh”, ông Long nói.
TRẦN ÂN PHONG - Báo Bà Rịa Vũng Tàu, 28/08/2013
Nhấn vào đây để xem tất cả các thông tin kỹ thuật tôm giống
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.