Tôm giống tốt là yếu tố rất quan trọng để đạt năng suất cao trong khi nuôi và phòng tránh được các loại bệnh gây ra cho tôm.
Tiêu chuẩn lựa chọn:
- Con giống phải đồng đều, cùng kích cỡ, khoảng 12mm.
- Tôm sú có 6 đốt ở bụng, các đốt này càng dài càng tốt và tôm sẽ lớn nhanh. Tôm có đuôi, râu hình dáng chữ V và góc hai râu sát nhau như góc chữ V là tôm khoẻ.
- Các chân ở phần đuôi gọi là chân đuôi hay đuôi, khi bơi xoè rộng, khoảng cách giữa 4 chân ở phần đuôi càng xa càng tốt...
- Cơ thịt bụng tôm co đều đặn, căng bóng mới tạo được dáng vẻ đẹp cho tôm.
- Không có vật lạ như nấm, vi khuẩn, hay nguyên sinh động vật bám ở chân, bụng, đuôi, vỏ và mang tôm. Những vật lạ này sẽ làm tôm bị ngạt và không lột xác được.
- Màu sắc tôm tươi sáng, vỏ mỏng, có màu tro đen đến đen, đầu thân cân đối là con giống tốt.
- Tôm bơi ngược dòng rất khoẻ khi đảo nước trong chậu hoặc bám chắc khi bị dòng nước cuốn đi. Nếu có 10 trong số 200 con thả mà trôi theo dòng nước là giống tôm yếu, tôm xấu. Tôm phàm ăn, ăn tạp, chân ngực bắt giữ mồi tốt là con giống tốt.
- Tôm có khả năng chịu đựng tốt khi dùng formol. Số tôm bị chết ít (5/150 con) khi dùng formol 1cc/10 lít nước, đó là giống tốt.
Sau khi chọn lựa tôm giống theo các tiêu chuẩn trên, trước khi thả tôm vào ao, phải tắm vô trùng cho tôm rồi thả tôm giống vào ao hoặc ương tiếp 15- 20 ngày, sau đó tuyển chọn tiếp lần nữa mới thả nuôi sẽ đảm bảo hơn.
Tuyển chọn lại những con tôm khoẻ, xoè đuôi ra hết cỡ khi bơi. Những con thích bơi ngược dòng nước thả vào ao là tốt nhất. Mật độ thả trung bình 5- 7 con/m2 với nuôi quảng canh và 30 - 50 con nếu nuôi thâm canh.
NTNN, 8/9/2003
Cách chọn tôm sú giống tốt
Chuyên trang đồng bằng sông Cửu Long có nhận được thư của ông Trần Văn Phú (xã Vĩnh Tiến – Vĩnh Châu – Sóc Trăng), ông Trần Mạnh Giỏi (xã An Minh Bắc - huyện An Minh - Kiên Giang), ông Lê Hoài Vọng (Thạnh Phú - Bến Tre), chị Trần Thị Diệu (thị trấn Mỹ Long - Cầu Ngang – Trà Vinh). Bà con hỏi: Làm thế nào để biết con tôm sú giống tốt? Xin trả lời:
Với những “đại gia” nuôi tôm công nghiệp (như Công ty SEACO Sóc Trăng của anh em ông Lưu Thống Nhứt với cả ngàn hécta mặt nước) thì họ đầu tư rất nhiều công sức, tiền bạc cho việc chọn lựa tôm sú giống, từ lấy vài chục mẫu ở các cơ sở nổi tiếng, gởi cơ quan chuyên môn kiểm định nghiêm ngặt đến đặt hàng, tổ chức vận chuyển về điểm nuôi v.v… Riêng bà con nuôi qui mô nhỏ (dù mô hình công nghiệp hay quảng canh, tôm-lúa…) ít điều kiện hơn có thể làm theo cách sau để tìm mua tôm sú giống đáng tin cậy hầu giảm rủi ro.
1- Tuyệt đối không mua tôm giống trôi nổi của những người không có giấy phép hành nghề cung cấp tôm sú giống. Không mua tôm sú giống của những điểm cung cấp có giấy phép nhưng “lô hàng” đang chào bán lại không chứng minh được đã qua sự kiểm dịch và đồng ý cho phân phối của cơ quan chuyên môn.
2- Quan sát thấy tôm sú giống tỏ ra linh hoạt, khỏe mạnh, phân bổ đều trong bể nuôi, hình dáng thon dài, ruột đầy thức ăn (khả năng bắt mồi tốt), tỉ lệ tòe đầu nhỏ hơn 10%. 3- Kiểm tra khả năng thích nghi trong môi trường thay đổi nồng độ mặn bằng cách thả một ít tôm giống vào nước đã giảm một nửa độ mặn thông thường. Sau 1-2 giờ nếu thấy số tôm giống bị “sốc” chết chỉ chiếm từ 0 – 10% (tốt), 11-35% (khá), trên 35% là tôm giống không tốt.
Đối với tôm giống kém chất lượng, nhiều nơi thương lái đưa ra “chiêu”: cho nợ 50% tới khi thu hoạch mới thanh toán dứt điểm. Xin bà con đừng ham rẻ vì công sức, tiền của bỏ ra lớn nhưng kết quả rất có thể là trắng tay, hoặc chỉ vừa đủ trả 50% tiền nợ còn lại! Tôm chết rồi, thương lái có nhiều lý do đổ thừa mà cách dễ nhất là đổ thừa cho… ông Trời: “Thời tiết không thuận lợi”.
KIỀU PHONG - SGGP, 30/3/2005
Cách chọn tôm giống tốt
Những năm qua, một số hộ nuôi tôm thành công nhờ mua tôm từ những trại sản xuất giống có chất lượng. Kinh nghiệm cho thấy, nếu chưa có mối quan hệ tốt với một trại đáng tin cậy, người nuôi tôm nên dựa vào một số chỉ tiêu biểu hiện mối liên quan giữa chất lượng tôm giống và sự sinh trưởng của tôm để lựa chọn được con giống tốt. Đây là yếu tố ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng tôm, góp phần không nhỏ để người nuôi trồng tránh được thiệt hại không đáng có.
Tôm bột khỏe khi bơi sẽ thấy cơ thể thẳng, phản ứng nhanh với tác động bên ngoài (ví dụ: vỗ vào thành thau hay chậu chứa tôm) và chủ động bơi ngược dòng khi khuấy nước. Khi dòng nước trở lại trạng thái yên tĩnh, tôm sẽ có khuynh hướng bám vào thành nhiều hơn là bị nước cuốn vào giữa thau hay chậu. Tôm bột không khỏe sẽ lờ đờ, không phản ứng và cơ thể cong vẹo khi bơi lội. Khó ước lượng được chính xác giai đoạn phát triển của tôm bột. Sự phát triển này không những chỉ ảnh hưởng bởi thời gian từ lúc biến thái thành tôm bột mà còn bị ảnh hưởng bởi điều kiện nuôi. Vì lý do đó, việc xác định tuổi tôm cũng rất khó khăn nên người ta thường dựa vào chiều dài con tôm để chọn tôm giống. Tuy nhiên, nên tránh những đàn tôm tuy đạt kích cỡ nhưng phát triển chậm. Tốt nhất nên chọn tôm có chiều dài từ 11 - 13mm và từ 15 ngày sau khi biến thái thành tôm bột trở lên. Tôm chọn phải có kích thước đồng đều, nếu có kích thước nhỏ không nên vượt quá tỉ lệ 5%.
Màu sắc của tôm bột cũng là chỉ tiêu để đánh giá chất lượng tôm giống. Tuy nhiên, không có nhiều dấu hiệu về ảnh hưởng của giai đoạn lột vỏ đến màu sắc tôm. Sự xuất hiện tế bào sắc tố ở nhánh chân đuôi làm cho đuôi tôm xòe ra chính là dấu hiệu rất tốt về giai đoạn phát triển. Nếu chân đuôi không hiện diện sắc tố, có thể làm cho chân đuôi khép lại, đó là tôm bột chưa phát triển đầy đủ để thả nuôi. Nếu được, nên quan sát tôm dưới kính hiển vi và đánh giá sự căng phồng của các tế bào sắc tố ở phần bụng. Ở tôm bột khỏe, các tế bào sắc tố thường xuất hiện dưới dạng những đốm nhỏ có dạng hình sao. Ở tôm bột yếu, các tế bào sắc tố thường lan rộng làm thành những vạch nối tiếp nhau phía dưới phần bụng.
Để tránh chọn tôm giống có mầm bệnh, ngoài xem xét phần cơ và bề dày của đốt bụng thứ sáu, phụ bộ và chủy tôm phải có hình dạng bình thường, không bị ăn mòn hay có màu đen; các chân, râu phải nguyên vẹn. Tôm bị đóng rong do động vật nguyên sinh hay vi khuẩn được coi là dấu hiệu của chất lượng kém. Sự hiện diện của sinh vật này cũng bị ảnh hưởng bởi giai đoạn tôm lột vỏ. Nếu phần lớn tôm bột bị đóng rong là dấu hiệu của chất lượng nước ương xấu và tôm không lột vỏ thường xuyên. Tỷ lệ sinh vật bám cao luôn gặp ở tôm dưới đáy bể. Tôm khỏe mạnh, mặc dù bị một ít sinh vật bám vẫn có thể nuôi sau khi xử lý. Điều quan trọng là không chỉ xem xét tôm yếu mà còn phải lưu ý tới sự bơi lội chủ động của tôm.
VŨ CA (Theo tài liệu của Trung tâm Khuyến ngư) - WKH, 2/08/2005
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.