• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm thẻ chân trắng

Tôm thẻ chân trắng là đối tượng thủy sản nuôi chủ lực của tỉnh Thanh Hóa với diện tích nuôi thả hơn 300 ha, hàng năm đạt sản lượng từ 3.000 đến 3.500 tấn tôm thương phẩm.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của gia đình anh Mai Văn Tạc, xã Nga Tân (Nga Sơn).

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh tại các xã Hoằng Yến, Hoằng Phụ (Hoằng Hóa); Quảng Nham, Quảng Chính (Quảng Xương); Hải Ninh, Xuân Lâm, Trúc Lâm, Thanh Thủy (Tĩnh Gia)... Tuy nhiên, những năm gần đây, việc nuôi tôm gặp phải nhiều khó khăn do thời tiết và một số tác nhân khác khiến dịch bệnh xảy ra nhiều. Để ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh, một bộ phận người nuôi đã sử dụng thuốc, các chất hóa học không an toàn, gây ảnh hưởng đến môi trường cũng như sức khỏe con người. Nhằm hạn chế tình trạng trên, nhiều hộ nuôi tôm đã chú trọng đầu tư trang thiết bị hiện đại, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao để nuôi tôm thẻ chân trắng đạt hiệu quả kinh tế.

Điển hình trong nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao phải kể đến anh Trần Văn Lợi, thôn Tân, xã Quảng Nham (Quảng Xương). Là người có thâm niên hơn 20 năm trong nghề nuôi tôm, anh Lợi đã cần mẫn nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm từ thực tế để ứng dụng công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng trong nhà kính với tổng diện tích 1 ha, gồm 6 ao nuôi. Trong đó, diện tích ao lắng 5.000m2, còn lại là diện tích nuôi tôm. Hệ thống ao lắng dùng để bơm nước biển vào, nuôi một số loại cá như cá đối mục, cá diêu hồng, cá vược vừa tăng thêm thu nhập vừa làm sạch nước nhờ cá ăn tạp chất, vi khuẩn gây hại trong nước. Từ đó, nguồn nước trong ao lắng được bơm vào các ao nuôi tôm bảo đảm chất lượng theo yêu cầu. Tổng chi phí ban đầu cho 1 ha nuôi tôm trong nhà kính lên đến hàng tỷ đồng, bao gồm xây ao lắng, xây nhà bao phủ các ao nuôi, lót bạt đáy ao, lắp hệ thống quạt oxy đáy...

Toàn bộ ao nuôi tôm đều thiết kế kiểu ao nổi. Thay vì đào ao sâu theo phương pháp truyền thống, anh Lợi chỉ đào sâu khoảng 30cm, sau đó xây bờ cao lên trên mặt đất từ 1,7-2m. Ưu điểm của ao nổi là đón được nhiều gió, nhiều ánh sáng nên hạn chế được rủi ro cho tôm trong điều kiện thời tiết diễn biến thất thường, môi trường không ổn định. Vì mô hình đầu tư khá hiện đại, khép kín nên có thể thả tôm nuôi thâm canh với mật độ khá dày, trung bình từ 200-290 con/m2, sau khoảng 100 ngày thả nuôi có thể thu hoạch, tôm đạt kích cỡ 35-40 con/kg. Bên cạnh đó, mô hình còn ứng dụng công nghệ vi sinh và không sử dụng chất kháng sinh nên tôm nguyên liệu sau khi thu hoạch sẽ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong quá trình nuôi, người nuôi còn chủ động kiểm soát nhiệt độ, môi trường nuôi, hạn chế đến mức thấp nhất các tác động bất lợi ngoài môi trường tự nhiên trong điều kiện nhiệt độ trong ao thay đổi nhanh. Bởi lẽ đó, mô hình nuôi tôm trong nhà kính theo hướng ứng dụng công nghệ cao được đánh giá là ít rủi ro, hạn chế được dịch bệnh và mang lại hiệu quả kinh tế gấp 2-3 lần so với nuôi tôm truyền thống. Bên cạnh đó, phương pháp nuôi tôm trong nhà kính còn tạo điều kiện nuôi thâm canh, chủ động được thời điểm thu hoạch. 11 tháng năm 2018, anh Lợi đã thu hoạch được hơn 20 tấn tôm bán với giá 280.000 đồng/kg loại 40 con/kg.

Ngoài mô hình nuôi tôm trong nhà kính của anh Trần Văn Lợi, nhiều hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh cũng đã chú trọng đầu tư ao ương, ao lắng riêng; mua sắm trang thiết bị như quạt nước, máy bơm, dụng cụ đo môi trường nước và một số dụng cụ thiết yếu khác; thực hiện nuôi thả tôm đúng lịch thời vụ, chú trọng học hỏi, nghiên cứu nâng cao kỹ thuật trong quá trình sản xuất, như: Hộ anh Đỗ Văn Hải ở thôn Bái Trung, xã Hòa Lộc (Hậu Lộc); Nguyễn Văn Hùng, xã Quảng Thái (Quảng Xương); Mai Văn Tạc ở xã Nga Tân (Nga Sơn)... Trước kia, nhiều hộ nuôi không bố trí ao lắng để xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi khiến cho các hộ nuôi tôm không chủ động được nguồn nước bảo đảm chất lượng cho ao nuôi, nhất là trong thời điểm giao mùa, môi trường ao nuôi dễ bị ô nhiễm, dịch bệnh dễ phát sinh. Do đó, khi đầu tư hệ thống ao lắng, nguồn nước sử dụng cho quá trình nuôi tôm sẽ hạn chế được dịch bệnh trên đàn tôm.

Tôm thẻ chân trắng được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định là đối tượng con nuôi chủ lực trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Theo đó, phát triển nuôi tôm chân trắng thâm canh theo hướng công nghệ cao đến năm 2020 đạt 500 ha, năng suất 15 tấn/ha, sản lượng 7.500 tấn; đến năm 2025 là 750 ha, năng suất 15 tấn/ha trở lên, sản lượng 11.250 tấn, trên cơ sở cải tạo, nâng cấp vùng nuôi tôm sú công nghiệp trước đây... Từ những kết quả thực tiễn cho thấy, nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao là mô hình có tính bền vững, hiệu quả kinh tế cao và cần được nhân rộng trong thời gian tới.

Bài và ảnh: Lương Khánh - Báo Thanh Hóa, 13/12/2018

 

Nhấn vào đây để xem tất cả các tin kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng

Thảo luận về kỹ thuật nuôi:

Xem thêm các thông tin có liên quan:

- Kỹ thuật nuôi tôm, cá và các loại thủy sản khác

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang