Kháng thể là gì?
Khi một sinh vật xâm nhập vào cơ thể động vật thì cơ thể sẽ nhận biết được sự xâm nhập này và sản xuất ra những chất gọi là kháng thể (antibody). Kháng thể có 2 nhiệm vụ:
1. Tiêu diệt vi sinh vật xâm nhập
2. Tồn tại trong cơ thể (máu) trong một thời gian dài để bảo vệ cơ thể chống lại chính vi sinh vật đó trong những lần xâm nhập về sau.
Kháng nguyên là gì?
Kháng nguyên (antigen) là những phần tử đặc biệt kích thích sự miễn dịch của cơ thể, có thể sản xuất ra kháng thể, gây phản ứng miễn dịch.
Không phải kháng nguyên nào cũng kích thích cơ thể sản xuất ra kháng thể. Những kháng nguyên có khả năng gây phản ứng miễn dịch được gọi là kháng nguyên miễn dịch (immunogen), gọi tắt là kháng nguyên.
Kháng nguyên có thể có nguồn gốc từ bên ngoài môi trường (ví dụ: hóa chất, vi khuẩn, virus, vi nấm, vi tảo, động vật nguyên sinh, v.v.) hoặc được tạo ra ngay bên trong cơ thể (ví dụ: các mảnh tế bào, độc tố...). Thông thường kháng nguyên là một protein hay một polysaccharide gắn với một protein chuyên chở.
Vacxin (vaccine) là gì?
Vacxin là những chế phẩm có tính kháng nguyên, được sử dụng với mục đích tạo ra miễn dịch đối với các bệnh truyền nhiễm.
Vacxin được làm từ vi sinh vật (hoặc từ một phần cấu trúc của vi sinh vật) đã bị chết hoặc đã bị làm yếu đi. Vacxin không có khả năng gây bệnh cho cơ thể. Tuy nhiên cần sử dụng đúng hướng dẫn.
Thành phần của vacxin gồm:
- Kháng nguyên: kích thích phát triển hệ miễn dịch cụ thể
- Chất ổn định (stabilizer): đảm bảo đặc tính của của các kháng nguyên, thường là: sucroza, lactoza (đường sữa), albumin, mononatri glutamat (bột ngọt).
- Chất bảo quản: có tác dụng khử trùng. Chất bảo quản phổ biến nhất là thiomersal (một hợp chất thủy ngân hữu cơ), rất độc, hàm lượng thiomersal không được quá 50mcg trong 1 liều. Hiện nay các quốc gia phát triển đều cấm sử dụng thiomersal trong thành phần chất bảo quản. Những chất bảo quản thông dụng khác gồm formaldehyd, phenol, phenoxyethanol và kháng sinh (neomycin, kanamycin, polymyxin).
- Tá dược: tăng khả năng kích thích miễn dịch của kháng nguyên, thường là muối nhôm.
Vacxin hoạt động như thế nào?
Vacxin kích thích sự thích ứng và phản ứng của hệ miễn dịch để sinh ra những tế bào nhớ cụ thể, nhờ vậy hệ miễn dịch có thể phản ứng nhanh hơn nếu bị nhiễm khuẩn sau này.
Phân loại vacxin:
- Vacxin sống: có chứa các vi sinh sống nhưng suy yếu. Những vi sinh suy yếu này thường là được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Khi truyền vào cơ thể, những vi sinh này sẽ sinh sôi nảy nở và hệ miễn dịch sẽ phản ứng bằng cách sinh ra các kháng thể. Ví dụ các loại vacxin chống bại liệt, sở, quai bị, rubella hoặc lao.
- Vacxin bất hoạt: có chứa những con vi sinh bị giết bằng nhiệt độ, bức xạ, tia cực tím, cồn hoặc formaldehyde. Ví dụ một số loại vacxin chống ho gà hoặc viêm gan A.
- Vacxin hóa học: có chứa các thành phần vách tế bào hoặc bộ phận khác của vi sinh. Ví dụ một số loại vacxin chống ho gà, Hib hoặc viêm màng não mủ.
- Vacxin biến độc tố: có chứa các thành phần độc tố bất hoạt, được sản sinh bởi một số vi khuẩn. Những thành phần độc tố này được đưa qua quá trình xử lý đặc biệt để những tính chất độc tố trở thành miễn dịch. Ví dụ các loại vacxin chống uốn ván hoặc bạch cầu.
- Vacxin vector. Những vacxin này được tạo ra bằng kỹ thuật di truyền bằng cách lấy những gen kháng bệnh bên trong vi khuẩn bệnh và cấy nó vào các vi sinh an toàn. Ví dụ các loại vacxin chống viêm gan B và rotavirus.
Ngoài ra, tùy thuộc vào số lượng kháng nguyên, các vacxin được chia ra vacxin đơn và vacxin phối hợp (kết hợp). Vacxin đơn chứa kháng nguyên chống lại một tác nhân gây bệnh (vi sinh vật), vacxin phối hợp chứa kháng nguyên chống lại nhiều hơn một vi sinh vật.
Vacxin đơn được chia ra làm 2 loại: đơn trị và đa trị. Vacxin đơn trị chứa kháng nguyên chống lại một chủng hoặc nhóm (serotype) của một loại vi sinh vật, vacxin đa trị chứa kháng nguyên chống lại nhiều hơn một chủng hoặc nhóm của một loại vi sinh vật.
Việt Linh © biên soạn
Nhấn vào đây để xem tiếp các tin về hệ miễn dịch của tôm, vacxin cho tôm
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.