• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Kỹ thuật nuôi tu hài thương phẩm

Có 2 hình thức nuôi chính: nuôi trong lồng treo trên bè hoặc giàn treo cố định, gọi tắt là "nuôi treo” và nuôi trên mặt bãi tự nhiên hoặc bãi cải tạo, gọi tắt là "nuôi đáy".

Mùa vụ thả giống: Từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm.

Thời gian nuôi đạt đến cỡ thương phẩm (trên 50 gram/con) từ 1 năm trở lên.

Mỗi hình thức nuôi đều được thực hiện qua 5 bước. Sau đây là hướng dẫn chi tiết từng bước của các hình thức nuôi khác nhau.

1. Kỹ thuật nuôi nuôi treo

1.1. Lựa chọn địa điểm

Địa điểm được lựa chọn phải có độ sâu nhất định, độ sâu thấp nhất khi nước triều xuống trung bình khoảng 3m. Độ mặn quanh năm của nước từ 28‰ trở lên. Độ trong của nước trên 2,5 m. Nước lưu thông tốt, thành phần thực vật phù du phong phú, nước không bị ngọt hoá, không chịu ảnh hưởng của nguồn nước thải

1.2. Gia công lồng và giàn treo

• Lồng nuôi:

- Cắt lưới bao thành sao cho đủ để lót hết toàn bộ phía trong thành lồng.
- Cắt lưới lót đáy sao cho đủ lót hết đáy và gập vuông góc lên thành lồng với chiều cao 12 cm.
- Dùng kim và chỉ nilon khâu cả 2 lớp áp sát và cố định vào thành lồng như đã làm đối với lồng ương.
- Làm quang treo lồng bằng loại dây lớn hơn, hình thức như đã làm đối với lồng ương.
- Cắt lưới 2a = 20mm làm nắp lồng (nếu lồng có sẵn nắp nhựa thì không cần làm nắp lưới).

• Giàn treo cố định:

Nếu không có bè thì làm giàn treo cố định. Vật liệu và cách làm giàn treo cố định làm giống như giàn treo trong phần ương giống. Giàn có thể làm nhiều hàng song song với nhau và vuông góc với dòng nước chảy.

Đặc biệt lưu ý là giàn phải ở nơi có độ sâu trên 5 m so với mép sóng hoặc dưới mức nước ròng nhất (mặt 0 Hải đồ) 0,5 m.

1. 3. Kỹ thuật thả giống

Cỡ giống thả có dài vỏ 20-25 mm. Mật độ: từ 30-50 con/lồng, tương đương 200-300 con/m2.

Trình tự thả giống:
- Cho cát vào lồng dày 7-8 cm.
- Treo lồng dưới nước sao cho mặt lồng vẫn không chìm dưới mặt nước.
- Lấy ngón tay chọc xuống cát làm thành các lỗ phân đều trên mặt cát và thả vào mỗi lỗ 1 con. Không được thả những con giống đã bị vỡ vỏ.
- Buộc nắp lồng và từ từ thả lồng xuống độ sâu quy định:
+ Với bè: Thả sâu 2,5 -3,5 m.
+ Với giàn cố định: đáy lồng cách mặt bãi từ 0,3-0,5 m.

1.4. Quản lý, chăm sóc

- Mỗi tháng kéo lồng lên 2 lần vào ngày thuỷ triều ròng nhất và dùng bàn chải đánh rửa sạch mặt ngoài lồng. Loại bỏ hết những vật lạ ở trong lồng ra ngoài.
- Lấy tay bới cát xuống đến độ sâu 1/2 độ dầy của lớp cát, nếu phát hiện chỗ có cát màu đen, dấu hiệu ở đó có thể có một số tu hài bị chết, phải loại bỏ tu hài chết và thay cát mới.
- Kiểm tra dây treo lồng và nắp lồng, nếu bị cua hoặc cá làm rách lưới hoặc có nguy cơ đứt dây thì phải thay ngay. Bên ngoài lồng nếu có nhiều hà, sun bám, dùng dao xây cạy, đẽo bỏ hết.
- Kiểm tra giàn, nếu cọc và giằng ngang bị hà và sun bám làm hư hỏng, phải thay ngay.
- Nuôi treo trên bè, khi có mưa phải thả lồng xuống độ sâu tối đa có thể. Sau mưa chờ cho độ mặn trở lại bình thường hãy kéo lồng lên ở mức quy định.
- Sau mưa 1 ngày, cần kiểm tra nếu có sự cố phải xử lý ngay.
- Kiểm tra sinh trưởng mỗi tháng 1 lần, làm như chỉ dẫn ở phần ương giống.
- Từ tháng thứ 2 trở đi, tăng dần cát vào lồng đến 10 hoặc 15 cm. Nếu lồng có chiều cao 30 cm thì độ dầy của cát có thể tới 20 cm.

1.5. Thu hoạch 

Có thể thu tỉa hoặc thu toàn bộ và thả vào một giai đặt dưới nước trước khi vận chuyển đến thị trường.

2. Kỹ thuật nuôi đáy

2.1. Lựa chọn địa điểm

Chọn địa điểm nuôi có các điều kiện môi trường thích hợp với sinh thái của tu hài: độ mặn 29 - 30‰, đáy cát có pha lẫn các mảnh vụn vỏ của động vật thân mềm như vỏ hầu, sò, điệp; độ trong cao từ 2,5 – 3m, nước lưu thông tốt, không tù đọng. Không bị ảnh hưởng của nguồn nước ngọt vào mùa mưa lũ, không chịu ảnh hưởng của nguồn nước thải sinh hoạt và công nghiệp. Địa điểm nuôi tu hài thích hợp nhất cũng cần chú trọng tới nguồn thức ăn tự nhiên, nơi có thành phần thực vật phù du phong phú và đa dạng.

2.2. Chuẩn bị vật liệu và xây dựng bãi nuôi

Xây dựng ô nuôi trên bãi tự nhiên có chất đáy phù hợp:

Bãi tự nhiên nếu nền đáy là cát thô có pha mảnh vụn vỏ nhuyễn thể và đặc biệt đã có tu hài tự nhiên phân bố.

Xây dựng ô nuôi:

- Chờ lúc thuỷ triều có mức nước ròng nhất (0-0,3 m) đóng cọc theo từng hàng thẳng, mỗi cọc cách nhau 1,5-2,0 m để tạo ra hình dáng các ô nuôi.
- Dùng tre hoặc gỗ cây buộc giằng ngang thân và đầu các cọc lại với nhau để tạo ra mỗi ô nuôi có diện tích từ 6m2 - 20m2 (tuỳ địa thế của bãi).
- Dọn hết rong rêu, đá sỏi trong lòng các ô nuôi và san phẳng bề mặt bãi.
- Nếu ô nuôi có diện tích lớn thì cứ cách 1m đặt 1 hàng đá hộc theo chiều dọc để làm lối đi trong lòng các ô nuôi.
- Dùng lưới nilon bao xung quanh từng ô riêng biệt. Với độ cao từ 0,8 m -1 m (tính từ mặt bãi tự nhiên).
- Chân lưới vùi xuống cát ở phía trong ván hoặc phên ngăn cát. Giềng trên của lưới được cố định vào các cây giằng ngang.

Xây dựng ô nuôi trên nền bãi tự nhiên có chất đáy không phù hợp:

Bãi nuôi được chọn có nền bãi là cát mịn không phù hợp cho tu tài sinh sống thì bắt buộc phải cải tạo.

Xây dựng ô nuôi:

- Chờ khi có thủy triều có mức nước ròng nhất (0-0,3 m) đóng cọc theo từng hàng thẳng, mỗi cọc cách nhau 1,5-2 m để trạo ra hình dáng các ô nuôi (chữ nhật hoặc hình vuông). Mỗi ô nên có diện tích 10-20 m2.
- Dùng tre hoặc cây gỗ buộc giằng ngang thân và đầu các cọc lại với nhau.
- Dùng ván hoặc phên tre ngăn cát chắn xung quanh ô nuôi.
- Dùng bả săm hoặc lưới cước 2a = 2 mm trải kín toàn bộ bề mặt ô nuôi.
- Vận chuyển cát thô có pha mảnh vụn vỏ nhuyễn thể từ nơi khác đến đổ vào ô nuôi và san phẳng. Cát có độ dày 20 cm.
- Dùng lưới nilon bao xung quanh ô nuôi với độ cao 0,8 m- 1 m (tính từ mặt bãi). Chân lưới vùi xuống cát.

2. 3. Kỹ thuật thả giống

- Chờ lúc thủy triều có mức nước ròng nhất (0 - 0,3 m), dùng 1 que nhỏ chọc xuống bãi tạo thành các lỗ, mỗi lỗ thả 1 con giống.
- Mật độ 100 con/m2 (mỗi con cách nhau 10 cm).

2.4. Quản lý, chăm sóc

- Khi thuỷ triều ròng nhất, kiểm tra lưới bao quanh đề phòng lưới bị rách hoặc bị tuột các nút buộc thì phải xử lý ngay.
- Đi nhẹ trên các hàng đá hộc trong ô nuôi, quan sát kỹ các lỗ tu hài và vớt hết rong rêu (nếu có).
- Định kỳ kiểm tra sinh trưởng 1 lần/tháng.

2.5. Thu hoạch

- Có thể thu tỉa hoặc thu toàn bộ bằng cách tìm lỗ để đào như đối với bắt tu hài ngoài tự nhiên.
- Tu hài thu lên được giữ trong giai đặt dưới nước trước khi vận chuyển đến thị trường.

BBT, Khuyến nông VN, 30/06/2014

Thảo luận về kỹ thuật nuôi:

Xem thêm các thông tin có liên quan:

- Kỹ thuật nuôi tôm, cá và các loại thủy sản khác

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang