• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • Thứ hai, 6/1/2025
  • English Tiếng Việt

Những lợi ích từ chế phẩm sinh học trong nuôi tôm

Chế phẩm sinh học làm việc theo 3 quá trình: khống chế sinh học; tạo ra sự sống; xử lý sinh học. Tác động tương hỗ của 3 quá trình này mang lại lợi ích rất lớn cho nghề nuôi tôm.

Phòng ngừa dịch bệnh: Quá trình khống chế sinh học là những dòng vi khuẩn có ích tác động đối kháng lên dòng vi khuẩn gây bệnh. Những dòng vi khuẩn có lợi sẽ lấn át, kìm chế sự phát triển của sinh vật có hại. Bên cạnh đó, quá trình tạo ra sự sống, các vi khuẩn có lợi sẽ phát triển trong nước hoặc cơ thể tôm. Khi vi khuẩn có lợi phát triển với số lượng lớn trong đường ruột sẽ giúp tôm tiêu hóa thức ăn hiệu quả hơn, lấn át hoặc tiêu diệt vi khuẩn có hại cho đường ruột gây bệnh phân trắng, sưng ruột, ruột vàng... hay vi khuẩn có lợi phát triển nhiều trong nước ao sẽ hạn chế các bệnh phát sáng, đóng rong nhớt. Quá trình xử lý sinh học, vi khuẩn có ích sẽ phân hủy chất hữu cơ, vô cơ có hại trong nước ao, như nitrite, nitrate... làm cho chất lượng nước tốt hơn và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh cho tôm.

Chế phẩm sinh học có tác dụng ngăn ngừa nguồn gây bệnh hơn là trị bệnh. Tuy nhiên, sử dụng chế phẩm sinh học sẽ hạn chế được việc sử dụng kháng sinh, hóa chất độc, tạo ra sản phẩm an toàn, có tính bền vững cao.

Kích thích tôm phát triển: Thức ăn thường chiếm 50-60% chi phí nuôi tôm. Để tăng hiệu quả sử dụng thức ăn, nhiều dòng vi khuẩn có ích được đưa vào cơ thể tôm, giúp tiêu hóa thức ăn, hấp thụ dinh dưỡng, hạn chế độc tố, ức chế vi khuẩn có hại, bảo vệ sức khỏe tôm nuôi. Chế phẩm sinh học được khuyến cáo sử dụng trong mọi giai đoạn của nghề nuôi tôm, từ sản xuất con giống đến nuôi thương phẩm. Điều này giải thích tại sao những con giống được sản xuất dựa trên nền tảng sử dụng chế phẩm sinh học có tỉ lệ sống và sức tăng trưởng cao hơn những con giống bị ảnh hưởng bởi việc sử dụng kháng sinh hay chất hóa học khác. Cũng như vậy, khi tôm còn nhỏ, sức đề kháng yếu, hệ sinh vật ít thì việc bổ sung các “lợi khuẩn” cho tôm, nhất là cho đường ruột rất quan trọng. Các vi khuẩn có ích còn tiết ra các enzym có khả năng phân tách các đa chất thành đơn chất, giúp tôm dễ hấp thụ dinh dưỡng, chống rối loạn tiêu hóa.  

Ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm, chất độc trong ao: Chế phẩm sinh học trong nuôi tôm có vai trò quan trọng, phân hủy các chất hữu cơ và làm giảm đáng kể lớp bùn nhớt, giảm mùi hôi của nước trong ao. Có thể sử dụng chế phẩm sinh học từ giai đoạn cải tạo ao nuôi, trong suốt quá trình nuôi. Bên cạnh đó, chế phẩm sinh học có tính tương thích cao, sử dụng hiệu quả đối với nhiều hình thức nuôi tôm khác nhau, từ quảng canh đến thâm canh, siêu thâm canh, nuôi raceway (nước chảy)… Các vi sinh vật có lợi trong chế phẩm sinh học không chỉ phân hủy sinh học các chất thải hữu cơ, giảm khí độc mà còn giảm được vi khuẩn gây bệnh, xạ khuẩn bằng cách tiêu thụ hết thức ăn của chúng. Đây là một lợi thế sinh học đặc biệt của chế phẩm sinh học, bởi thông thường nếu sử dụng kháng sinh, hóa chất để tiêu diệt vi khuẩn có hại sẽ làm ảnh hưởng đến cả hệ sinh vật có lợi trong ao tôm.

Hiệu quả của một chế phẩm sinh học được đánh giá theo số lượng vi khuẩn có ích trong 1 đơn vị khối lượng, khả năng vi khuẩn sống lại, số lượng vi khuẩn sống lại và thời gian vi khuẩn tái hoạt động khi được đưa vào ao nuôi tôm. Bên cạnh đó, để chế phẩm sinh học đạt hiệu quả cao, cần lưu ý một số yếu tố: tình trạng chất lượng nước, thời điểm, liều lượng… khi sử dụng.

NGỌC NHƯ (tổng hợp) - Báo Phú Yên, 27/8/2013

 

Sử dụng men vi sinh trong nuôi tôm

Việc sử dụng men vi sinh trong nuôi thuỷ sản là hướng đi có ý nghĩa thực tiễn về khía cạnh bảo vệ môi trường và bảo đảm hiệu quả sản xuất.

Qua đó, hạn chế sử dụng thuốc hoá học, hoá chất, kháng sinh trong phòng trừ dịch bệnh mà thay vào đó là tăng cường sử dụng các loại chế phẩm sinh học (men vi sinh), nhằm góp phần đưa nghề nuôi thuỷ sản phát triển bền vững.

Để sử dụng men vi sinh có hiệu quả, người nuôi tôm cần chú ý một số vấn đề sau:

Về thành phần: Trong men vi sinh có 2 thành phần chủ yếu là vi khuẩn có lợi và các chất dinh dưỡng để nuôi vi khuẩn. Chúng gồm các loài như: Bacillus sp, Nitrosomonas, Nitrobacter…; chất dinh dưỡng là các loại đường, muối canxi, muối magie…

Về hình thức: Men vi sinh có 2 dạng, dạng nước và dạng bột (hay dạng viên). Thông thường men vi sinh dạng bột có chứa thành phần vi khuẩn có lợi cao hơn so với dạng nước.

Về chủng loại: Men vi sinh có 2 loại, loại dùng để xử lý môi trường (loài vi khuẩn chủ yếu là Bacillus sp, Nitrosomonas, Nitrobacter…) và loại trộn vào thức ăn cho tôm, cá (loài vi khuẩn chủ yếu là Lactobacillus, các loại enzyme…).

Có 2 cách sử dụng men vi sinh trong nuôi thuỷ sản:

+ Đưa trực tiếp vào nước để vi khuẩn men vi sinh lưu trú trong nước.

+ Trộn men vi sinh vào thức ăn.

* Tác dụng của men vi sinh:

Khi đưa men vi sinh vào môi trường nước ao, các vi khuẩn có lợi sẽ sinh sôi và phát triển nhanh. Hoạt động của các vi khuẩn có lợi sẽ có tác dụng cho các ao nuôi tôm như:

- Phân huỷ các chất hữu cơ trong nước (chất hữu cơ là một trong nhiều nguyên nhân làm môi trường nước bị ô nhiễm), phân huỷ xác tảo chết và làm giảm sự gia tăng của lớp bùn đáy ao.

- Giảm các độc tố trong môi trường nước (do các chất khí độc: NH3, H2S, NO2… phát sinh), sẽ làm giảm mùi hôi trong nước, giúp tôm phát triển tốt.

- Nâng cao khả năng miễn dịch của tôm (kích thích tôm sản sinh ra kháng thể).

- Ức chế hoạt động và phát triển của vi khuẩn có hại (các loài vi khuẩn có lợi sẽ cạnh tranh thức ăn và tranh giành vị trí bám với vi khuẩn có hại). Trong môi trường nước, nếu vi khuẩn có lợi nhiều sẽ kiềm hãm, ức chế, lấn át sự phát triển của vi khuẩn có hại. Hạn chế tối đa sự xuất hiện của các loài vi khuẩn có hại trong ao nuôi tôm.

- Giúp ổn định độ pH của nước, ổn định màu nước do vi sinh vật trong men vi sinh hấp thu chất dinh dưỡng hoà tan trong nước nên hạn chế tảo phát triển nhiều, sẽ giảm chi phí bơm thay nước.

- Trong quá trình hoạt động, vi khuẩn trong men vi sinh có khả năng tiết ra một số chất kháng sinh, enzyme… để kiềm hãm hay tiêu diệt mầm bệnh và tảo độc.

Ngoài ra, men vi sinh khi được trộn vào thức ăn có thể nâng cao khả năng hấp thu thức ăn của cơ thể tôm, làm giảm hệ số tiêu tốn thức ăn và phòng, chống các bệnh nhiễm khuẩn đường ruột cho tôm nuôi.

* Cách lựa chọn men vi sinh:

Thực chất có nhiều sản phẩm men vi sinh với thành phần và định lượng “khủng”, nhưng khi xử lý tại ao không mấy tác dụng hoặc phải tăng liều gấp hai hoặc ba lần so với hướng dẫn sử dụng mà kết quả vẫn không như mong đợi.

Ngay cả khi đếm đủ định lượng vi khuẩn thì cũng chưa chắc là sản phẩm sẽ có hiệu quả trong môi trường ao nuôi thực tế vì phụ thuộc vào khả năng sống và phạm vi hoạt động/kiểm soát của từng loài/dòng vi sinh, lượng oxy, thông số lý hoá của đất và nước, tỷ lệ chất nền hữu cơ trong ao.

Bí quyết của một sản phẩm men vi sinh tốt sẽ ở kỹ thuật công nghệ nuôi cấy vi sinh của nhà sản xuất để bảo đảm các dòng vi khuẩn có lợi hoàn toàn tự nhiên, không biến đổi gien và chất lượng ổn định.

Một số dòng vi khuẩn có lợi có khả năng kiểm soát tốt các thành phần dinh dưỡng trong cột nước để duy trì mật độ tảo ở mức thích hợp và hạn chế tảo độc phát triển, hoặc để ngăn ngừa các loại vi khuẩn hại và mầm bệnh tiềm tàng trong ao.

Đối với đáy ao có siphon hoặc không có siphon cũng rất cần những dòng vi khuẩn mạnh để kiểm soát sự tích tụ đáy ao, hạn chế quá trình yếm khí trong ao, giảm các loại khí độc (NH3, H2S) và hơn thế nữa là có thể hình thành các protein vi khuẩn và các floc để làm nguồn dinh dưỡng tự nhiên cho tôm. Vì thế, người nuôi nên sử dụng kết hợp sản phẩm men vi sinh xử lý đáy và nước để kiểm soát môi trường ao nuôi tốt hơn.

Người nuôi cũng nên lựa chọn các nhà sản xuất có uy tín, chuyên nghiệp và công nghệ vi sinh tiên tiến. Men vi sinh chính là những vi khuẩn sống nên đòi hỏi quy mô thiết bị hiện đại để sản xuất được các sản phẩm thực sự chất lượng cao và ổn định.

Ngoài ra, các nhà sản xuất chuyên nghiệp còn có khả năng truy xuất nguồn gốc mọi thành phần trong sản phẩm từ nhà cung cấp đến người tiêu dùng cuối cùng.

Song song với hiệu quả xử lý của sản phẩm, người nuôi tất nhiên sẽ lưu tâm tính toán đến liều lượng xử lý và chi phí toàn bộ vụ nuôi. Khi đã chọn được một sản phẩm vi sinh tốt, người nuôi cũng cần quan tâm đến cách dùng sản phẩm: tính toán liều chính xác, định kỳ xử lý hoặc chia liều định kỳ nhỏ lại hoặc tăng liều tuỳ theo điều kiện thông số môi trường và quy trình cho ăn. Thường xuyên theo dõi khay thức ăn và kiểm tra bùn đáy ao để xử lý liều vi sinh thích hợp./.

Kỹ sư Trần Ngọc Lãm, Báo Cà Mau, 27/01/2013

 


Các loại hóa chất & thuốc sử dụng trong nuôi trồng thủy sản

 

Thảo luận về kỹ thuật nuôi:

Xem thêm các thông tin có liên quan:

- Kỹ thuật nuôi tôm, cá và các loại thủy sản khác

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang