• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Máy cho tôm ăn tự động

Theo ông Txomin Azpeitia Badiola (chuyên gia công nghệ nuôi trồng thủy sản), trong thập niên vừa qua, công nghệ cho ăn tự động đã được ứng dụng rộng rãi tại các quốc gia khu vực Đông Nam Á, đặc biệt phát triển mạnh tại Thái Lan - quốc gia nổi tiếng về nuôi tôm thâm canh với mật độ cao. Lần đầu tiên, máy cho tôm ăn tự động Blue Aqua đã ra đời tại Thái Lan, mang lại nhiều lợi ích cho nghề nuôi tôm.

Ông Txomin Azpeitia Badiola cho biết, do chi phí mua thức ăn chiếm hơn nửa tổng chi phí trong nuôi tôm nên việc sử dụng máy cho ăn tự động giúp tiết kiệm lượng thức ăn sẽ làm giảm chi phí so với việc cho ăn thủ công. Phương pháp cho ăn truyền thống, sử dụng tay để rải thức ăn, thường khó kiểm soát lượng thức ăn thừa, gây ô nhiễm môi trường nước và đáy ao. Ngược lại, việc dùng máy cho ăn tự động sẽ giúp chia nhỏ lượng thức ăn trong ngày thành nhiều lần. Phạm vi rải thức ăn được căn cứ vào đặc tính của loại thức ăn sử dụng và vị trí đặt máy cho ăn tự động trong ao. Cách cho ăn liên tục nhiều lần trong ngày như vậy giúp tôm "bắt" được viên thức ăn trước khi viên thức ăn chìm xuống đáy ao, nhờ đó làm giảm ô nhiễm nguồn nước. Hơn nữa, với máy cho tôm ăn tự động, tất cả các kích cỡ tôm đều nhận được thức ăn.

Ông Liou Hai Hua - Giám đốc bộ phận thức ăn thủy sản Công ty Uni-President giới thiệu máy cho tôm ăn tự động mang nhãn hiệu Uni-President. Photo: Uni-President

Khi sử dụng loại máy này, người nuôi tôm có thể dễ dàng điều chỉnh lượng thức ăn và khoảng cách giữa các lần cho ăn nhằm thực hiện việc rải thức ăn đạt được hiệu quả cao nhất - tôm được ăn đủ, không có thức ăn thừa tích tụ ở đáy ao. Nhìn chung, phương pháp quản lý thức ăn này không những tiết kiệm chi phí sản xuất mà còn đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng của tôm và rút ngắn thời gian nuôi. Tôm phát triển đồng đều nên giảm độ chênh lệch kích cỡ tôm khi thu hoạch.

Không như phương pháp cho ăn thủ công, máy cho ăn tự động làm giảm sự biến động của các chỉ tiêu chất lượng nước như ô xy hòa tan, amoniac, nitric… và làm giảm các khu vực kỵ khí trong ao do làm giảm sự tích tụ chất thải, thức ăn dư thừa. Lắp đặt hệ thống cho ăn tự động khiến chất lượng nước được cải thiện và tôm được cho ăn liên tục nên đảm bảo tôm sẽ khỏe mạnh hơn. Đồng thời, việc cải thiện chất lượng nước cũng giúp hạn chế dịch bệnh, làm giảm nguy cơ tôm chết. Bên cạnh đó, lợi nhuận gia tăng do tiết kiệm được chi phí nhân công và giá thành sản xuất.

Vị trí đặt máy cho tôm ăn tự động trong ao nuôi

Có nhiều cách để lắp đặt máy nhưng cách phổ biến nhất là đặt máy trên các bè tự chế hoặc trên các bục nổi. Trong thực tế, có những hộ nuôi tôm đã đặt máy trên các thùng rỗng hoặc các ống tròn buộc lại, hoặc tận dụng phần nổi của hệ thống quạt nước đã tháo dỡ. Các bè nổi này được cố định dọc theo một hoặc hai cạnh của ao.

Cách thứ hai là đặt máy cho ăn tự động lên các cọc cắm cố định trong ao. Lưu ý: 1-Khoảng cách từ các cọc cắm cố định này đến bờ ao phải lớn hơn bán kính lớn nhất khi máy rải thức ăn, ví dụ nếu bán kính rải thức ăn cực đại của máy là 12m thì phạm vi từ các cọc đến bờ ao phải là 12,5m để đảm bảo thức ăn được rải đều trong ao nuôi; 2-Hệ thống quạt nước phải đặt ngoài quỹ đạo rơi của viên thức ăn. Khoảng cách tối thiểu là 1,5m bên ngoài vùng rải thức ăn nhằm tránh dòng chảy quá mạnh, tôm khó bắt mồi.

Về khoảng cách của máy cho ăn tự động so với mặt ao cũng là vấn đề phải lưu ý. Nếu đặt máy quá cao thì khi máy vận hành, thức ăn sẽ được rải với phạm vi xa hơn. Ngược lại, nếu đặt quá gần mặt nước, phạm vi rải thức ăn bị thu hẹp, tạo nên các khu vực tập trung cho ăn làm ảnh hưởng đến chất lượng nước và sự phân kích cỡ của tôm. Máy cho ăn nên được lắp đặt cao tối thiểu 50cm so với mặt nước trong ao. Khoảng cách này sẽ còn phải dựa vào công suất của máy, loại thức ăn và kích cỡ của viên thức ăn.

Mỗi máy cho ăn tự động có thể đáp ứng được 500-700 nghìn con. Người nuôi cần căn cứ số lượng tôm nuôi trong ao để quyết định số máy cần lắp. Tuy nhiên, ở những ao sử dụng nhiều máy, cần chú ý tránh chồng chéo phạm vi rải thức ăn. Nếu ao quá dài và nước cạn thì nên lắp máy đối diện nhau. Tóm lại, khi lắp đặt máy cho tôm ăn tự động phải lưu ý tới tất cả những điều này. Ngoài ra, cần nghiên cứu số lượng thức ăn cho vào, thương hiệu của sản phẩm thức ăn…

Thời điểm sử dụng máy cho ăn tự động

Trong thời gian đầu của quá trình nuôi, tôm ăn thức ăn bột mịn nên người nuôi có thể sử dụng cách cho ăn thông thường (dùng tay vảy thức ăn khắp bề mặt ao). Hai tuần sau khi thả giống (trong khoảng từ ngày thứ 15-25) là thời điểm phù hợp để bắt đầu sử dụng máy cho tôm ăn tự động. Hình dạng viên thức ăn là dạng mảnh hay dạng viên thì người sử dụng máy cũng cần phải hiệu chỉnh máy để việc cho ăn được thực hiện hiệu quả nhất. Việc hiệu chỉnh này đã được nhà sản xuất chỉ dẫn kỹ trong bảng hướng dẫn để phù hợp với từng loại thức ăn.

Các máy cho ăn tự động có thể hoạt động 24 giờ trong ngày. Nhưng thường được dùng khoảng 10-14 giờ, tránh sử dụng buổi tối vì lúc đó hàm lượng ô xy hòa tan giảm và cũng là thời điểm mà tôm tìm đến thức ăn tự nhiên trong ao.

Chế độ tự động điều khiển máy cho ăn

Hệ thống vi điện tử tích hợp các thông số liên quan đến thức ăn, gồm: chủng loại thức ăn, số lượng thức ăn, thời gian cho ăn và khoảng cách giữa các lần cho ăn. Khoảng thời gian rải thức ăn sẽ được máy tự động xác định. Trong tháng đầu tiên, thức ăn sẽ được rải thường xuyên với lượng thức ăn nhỏ. Thời gian sau, khi tôm đã lớn hơn, lượng thức ăn trong mỗi lần sẽ tăng lên, nhưng số lần cho ăn giảm.

Tuy máy được thiết kế để tự động vận hành nhưng người nuôi cũng cần theo dõi và điều chỉnh lượng thức ăn cho hiệu quả. Cụ thể là: đặt 02 vó cho ăn tại mỗi máy cho ăn tự động (đặt ở phía trước và phía sau cách 15cm so với máy cho ăn). Đối với khu vực rải thức ăn, nên đặt một vó gần và một vó cách 6-8m so với máy. Khẩu phần, thời gian và tần suất cho ăn nên được hiệu chỉnh dựa vào sự quan sát thức ăn còn lại trong các vó kiểm tra. Lượng thức ăn có thể tăng hoặc giảm 2-3% dựa theo nhu cầu ăn của tôm. Có thể định kỳ cân tôm và ước đoán tỷ lệ sống để có thêm thông tin điều chỉnh lượng ăn phù hợp nhất.

Nhật Linh (theo blueaquaint) - Fisternet, 18/12/2013

Thảo luận về kỹ thuật nuôi:

Xem thêm các thông tin có liên quan:

- Kỹ thuật nuôi tôm, cá và các loại thủy sản khác

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang