1. Hiện trạng sản xuất, kinh doanh thuốc, hoá chất, chế phẩm sinh học
1. Các cơ sở sản xuất và nhập khẩu thuốc thú ý thuỷ sản
Theo Quyết định 17/2002/QÐ- BTS ngày 4/5/2002 của Bộ Thuỷ sản ban hành danh mục thuốc thú y thuỷ sản được phép sử dụng và hạn chế sử dụng trong nuôi trồng thuỷ sản, hiện tại có 326 loại được phép lưu hành trên thị trường, trong đó :
- Loại được sử dụng thông thường là 308 loại gồm :
+ Loại có chứa hoạt chất kháng sinh là 90 loại;
+ Loại có thành phần là hoá chất và khoáng chất là 66 loại;
+ Loại có thành phần là chế phẩm sinh học và vitamin là 152 loại.
Do các loại thuốc trên thuộc nhiều hãng sản xuất ở cả trong nước và ngoài nước với tên thương mại khác nhau, vì vậy, chủng loại thuốc thực chất tăng lên rất nhiều.
- Loại thuốc hạn chế sử dụng gồm 18 loại, trong đó đa số là loại thuốc có chứa hoạt chất kháng sinh.
Việc cung cấp các loại thuốc nêu trên là do cơ sở sản xuất trong nước và các cơ sở nhập ngoại.
Tình hình các cơ sở sản xuất trong nước như sau:
Tổng số cơ sở sản xuất thuốc tính đến ngày 15/7/2002 là 66 cơ sở; bao gồm công ty cổ phần, công ty TNHH, liên doanh và cơ sở tư nhân. Số cơ sở sản xuất thuốc đa số tập trung tại Tp.Hồ Chí Minh, Cần Thơ, đồng Nai, Bình Dương, Khánh Hoà và một vài tỉnh khác. Số lượng thuốc sản xuất mới đáp ứng một phần nhu cầu dùng trong phòng, trị bệnh; xử lý môi trường; kích thích tôm sinh trưởng.
Chủ doanh nghiệp hoặc người phụ trách kỹ thuật đa số có bằng chuyên môn phù hợp, phần lớn là bác sĩ thú y. Họ đã tiếp cận nhanh với thị trường trong nước và thị trường khu vực để có chiến lược sản phẩm của mình. Ða số các sản phẩm sản xuất lưu hành trên thị trường có mẫu mã đẹp. Nội dung ghi nhãn hàng hoá được thể hiện trên bao bì với thương hiệu riêng dễ phân biệt, nhận biết.
Còn đối với cơ sở nhập khẩu thì :
Về đặc điểm cơ sở vật chất và lực lượng kỹ thuật tương tự như những nhà sản xuất trong nước nêu trên, song thế mạnh của họ là nguồn vốn và am hiểu thị trường trong khu vực nên họ nhanh chóng nhập được những loại thuốc mới hoặc nhập nguyên liệu về để phân phối cho các cơ sở sản xuất trong nước.
Chủng loại hàng nhập và các nước nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2002 được thể hiện ở 1 cửa khẩu tại Tp. Hồ Chí Minh như sau :
- Kiểm tra nhập khẩu :
+ Chế phẩm sinh học : 10.563 kg và 110 lít;
+ Hoá chất xử lý môi trường : 4.881.537 kg;
- Thuốc phòng trị bệnh tôm : 27.662 kg.
- Nguồn gốc nhập :
+ Chế phẩm sinh học : Anh : 2,71%; Mỹ 24,32%; Thái Lan 44,57%; Trung Quốc 28,40%.
+ Hoá chất : Anh 0,3%; ấn Ðộ 0,4%; Ðài Loan 3,25%; Inđônêxia 4,6%; Mỹ 0,05%; Thái Lan 86,85%; Trung Quốc 4,55%.
+Thuốc phòng trị bệnh tôm : ấn Ðộ 0,45%; Ðài Loan 24,73%; Pháp 6,51%; Thái Lan 68,31%.
Như vậy, đứng đầu danh sách xuất khẩu hàng vào Việt Nam là Thái Lan, kế sau là Trung Quốc và Ðài Loan. Những hàng nhập này đều đạt yêu cầu kỹ thuật, có thể cho lưu hành trên thị trường trong nước.
2. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ thuốc thú y thuỷ sản
Hiện nay có hàng trăm cơ sở kinh doanh thuốc thú y thuỷ sản. Những tỉnh có nuôi tôm phát triển thì số đại lý cũng tăng theo tương ứng. Thường các cơ sở đại lý có đặc điểm chung :
- Kinh doanh thuốc thú y thuỷ sản cùng với thuốc thú y của ngành nông nghiệp;
- Kinh doanh thuốc kết hợp kinh doanh thức ăn thuỷ sản hoặc ngư lưới cụ;
- Làm đại lý cho nhiều hãng sản xuất hoặc nhập khẩu thuốc.
Chính sự kết hợp kinh doanh như vậy đã tạo sơ hở cho các cơ sở sản xuất, nhập hàng lậu gây khó khăn trong việc kiểm tra của các cơ quan chức năng.
Ðầu năm 2002, Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản có Quyết định số 262/QÐ- BTS ngày 13/3/2002 thành lập tổ công tác kiểm tra việc thực hiện Quyết định 01/2002/QÐ- BTS tại 12 tỉnh trọng điểm : Quảng Ninh, Hải Phòng, Ðà Nẵng, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tp. Hồ Chí Minh, Ðồng Nai, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Ðoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo Sở Thuỷ sản các tỉnh, sau đó cùng chi cục các tỉnh đi kiểm tra thực tế tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc.
2. Kết quả kiểm tra cho thấy :
* Quyết định 01/2002/QÐ- BTS được các địa phương ủng hộ triệt để. Chỉ trong 1 tháng, các địa phương đã tuyên truyền cho mọi người dân, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc thú y thuỷ sản hiểu rõ nội dung Quyết định 01/2002/QÐ- BTS, Công văn số 72/BVNL- NL của Cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản hướng dẫn thực hiện QÐ 01/2002/QÐ- BTS. Hầu hết các cơ sở nêu trên đã hiểu nội dung quyết định nêu trên để có biện pháp điều chỉnh cho hợp lý. Cụ thể đã thu hồi những loại thuốc có thành phần kháng sinh và hoá chất bị cấm, đồng thời triển khai ghi nhãn mác hàng hoá theo quy định. Nhìn chung các cơ sở sản xuất đã chấp hành QÐ 01/2002/QÐ- BTS. Những mẫu thuốc do đoàn công tác lấy kiểm nghiệm sau khi có quyết định nêu trên đều không chứa kháng sinh cấm sử dụng;
* Ðối với cơ sở kinh doanh họ đã được tuyên truyền nội dung quyết định, đa số các cơ sở đã có cam kết không lưu hành các loại thuốc cấm sử dụng và không bán thuốc ngoài danh mục, song trên thực tế kiểm tra của đoàn công tác và của các chi cục cho thấy :
- Một số cơ sở vẫn vi phạm các quy định của Bộ Thuỷ sản như vẫn bày bán các loại thuốc có chứa kháng sinh cấm sử dụng theo QÐ 01/2002/QÐ- BTS. Ða số vi phạm quy chế ghi nhãn hàng hoá như không có ngày sản xuất, hạn sử dụng, không ghi tiếng Việt, không có địa chỉ cơ sở sản xuất. Nhiều tỉnh các đại lý vẫn bán thuốc ngoài danh mục do Bộ Thuỷ sản quy định.
Qua kiểm tra ở một số địa phương cho thấy như sau :
- Khánh Hoà : Kiểm tra 4 cơ sở kinh doanh thuốc cho 35 công ty với 229 loại; trên địa bàn tỉnh còn lưu hành 201 loại không nằm trong danh mục thuốc sử dụng thông thường, có 10 loại thuốc có chứa chloramphenicol;
- Long An : Hiện có 175 sản phẩm, trong đó có 69 loại thuốc cải tạo môi trường, 49 loại thuốc phòng trị bệnh tôm cá, 57 loại thuốc kích thích sinh trưởng; có 14 loại không có nhãn mác theo quy định; đặc biệt có 2 loại thuốc đang nhập khảo nghiệm nhưng vẫn bày bán (Bomd, Bioyeast);
- Bến Tre : Kiểm tra 32 cơ sở, đã sử lý 12 cơ sở vi phạm QÐ 01/2002/QÐ- BTS và vi phạm quy chế ghi nhãn hàng hoá.
3. Ðánh giá chung
* Sản xuất, nhập khẩu thuốc, hoá chất, chế phẩm sinh học đã và đang có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nuôi tôm phát triển. Ðã hạn chế được dịch bệnh phát sinh, cải tạo môi trường nuôi tôm và kích thích tăng trưởng của tôm.
* Ða số các nhà sản xuất, kinh doanh thuốc thú y thuỷ sản đã có nhận thức đúng đắn trong việc (bày bán) các loại thuốc theo quy định của Bộ Thuỷ sản; chấp hành tốt quy định của Bộ Thuỷ sản và chính quyền địa phương trong quản lý thuốc thú y thuỷ sản.
Bộ Thuỷ sản, UBND các tỉnh đã có những quyết định đúng đắn nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở an tâm sản xuất, đồng thời giúp cơ quan quản lý chuyên ngành hoàn thành nhiệm vụ kiểm tra các nhóm hàng hoá được phân công.
Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc thú y thuỷ sản vẫn còn một số nhược điểm cần khắc phục, đó là:
- Hiện tại hệ thống văn bản pháp luật về quản lý thuốc thú y thuỷ sản còn thiếu và chưa đồng bộ; chậm ban hành chế tài xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý sản xuất kinh doanh thuốc thú y thuỷ sản; việc cấm sử dụng 1 số kháng sinh theo Quyết định 01/2002/QÐ- BTS nhưng chưa có hướng dẫn sử dụng chất thay thế đã ảnh hưởng tới tập quán dùng kháng sinh trong nuôi thuỷ sản của người dân;
- Thiếu kinh phí cho việc kiểm tra chất lượng nhà nước về thú y thuỷ sản. Theo nhiệm vụ được phân công việc kiểm tra nhà nước về thú y thuỷ sản do hệ thống bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản đảm nhiệm. Khi lấy mẫu kiểm tra định kỳ thì kinh phí phân tích mẫu do cơ quan kiểm tra nhà nước về thuốc thú y trả. Thực tế nguồn kinh phí đó chưa được phân bổ thường xuyên nên việc đánh giá chất lượng thuốc thú y thuỷ sản gặp khó khăn;
- Biên chế cán bộ và trang thiếy bị kiểm dịch cho các chi cục còn hạn chế, vì vậy việc kiểm tra thường xuyên sản phẩm của các cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc thú y thuỷ sản gặp khó khăn;
- Hiện tại số phòng kiểm nghiệm để phục vụ giám định chất lượng hàng hoá của Bộ Thuỷ sản còn ít. Các phòng kiểm nghiệm của các chi nhánh Nafiqacen thiếu thiết bị phân tích các chỉ tiêu về chế phẩm sinh học và kháng sinh cấm sử dụng, vì vậy đã hạn chế trong việc kiểm tra chế phẩm sinh học nhập khẩu và lưu thông trên thị trường.
4. Biện pháp chính trong thời gian tới
Ðể quản lý tốt việc sử dụng thuốc thú y thuỷ sản trong thời gian tới, cần tiến hành một số biện pháp sau :
- Cần có sự phối hợp giữa Cục bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản với Trung tâm Khuyến ngư TW, Vụ Khoa học công nghệ, Nafiqacen để tuyên truyền phổ biến tới dân về biện pháp sử dụng thuốc an toàn; phân biệt thuốc được phép lưu hành và thuốc ngoài luồng để người dân lựa chọn dùng trong nuôi trồng thuỷ sản;
- Bộ Thuỷ sản khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo nghị định sử phạt hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản để giúp công tác kiểm tra, sử lý vi phạm trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh thuốc thú y dễ dàng thuận lợi.
- Cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản sẽ phối hợp với các vụ chức năng hướng dẫn quy chế khảo nghiệm thuốc mới nhập, mới sản xuất để quản lý chắc nguồn thuốc lưu thông;
- Các Sở Thuỷ sản cần hướng dẫn các chi cục trong dự trù nguồn kinh phí cho công tác kiểm tra thường xuyên chất lượng thuốc thú y thuỷ sản;
- Ðề nghị Bộ Tài chính và các Sở Tài chính cân đối ngân sách hàng năm cho việc kiểm tra chất lượng hàng hoá theo pháp lệnh chất lượng hàng hoá hiện hành;
- Bộ Thuỷ sản nên khảo sát 1 số phòng kiểm nghiệm có thiết bị và phương pháp phân tích phù hợp với đội ngũ kiểm nghiệm viên có kinh nghiệm của các cơ quan ngoài ngành để bổ sung cho việc giám định hàng hoá thuỷ sản thuận lợi.Trích tham luận của Cục BCNL Thuỷ sản tại Hội nghị phát triển nuôi tôm tạo sản phẩm an toàn VSTP khu vực miền Trung và miền Nam 7/2002
Tap chí KHNCTS 9/2002
Các loại hóa chất & thuốc sử dụng trong nuôi trồng thủy sản
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.