Thuốc trừ cỏ là phương tiện diệt cỏ dại được sử dụng rất phổ biến trong lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp và vệ sinh phát quang, vì vậy khối lượng thuốc trừ cỏ đưa vào môi trường chiếm khối lượng rất lớn và tương quan với mức độ tiềm tàng gây hại đáng kể cho con người và môi trường sinh thái động-thực vật. Do đó, dù các loại hoạt chất trừ cỏ đã được chọn lọc theo hướng ít gây ảnh hưởng xấu nhưng vẫn là nguồn chất độc nên nhất thiết phải được sử dụng sao cho an toàn. Chính vì vậy, việc sử dụng thuốc trừ cỏ được khuyến cáo cần tuyệt đối áp dụng theo nguyên tắc “4 đúng”.
Thuốc trừ cỏ là những loại hóa chất được điều chế tổng hợp (phần lớn) hoặc chiết xuất tự nhiên khi tiếp xúc với cỏ dại sẽ gây ra các rối loạn quá trình trao đổi chất, ức chế quá trình quang hợp sinh trưởng, ngăn cản hình thành các chất dinh dưỡng cần thiết như acid amin, acid béo … đối với cỏ dại, từ đó tạo ra tác dụng diệt cỏ. Theo đặc điểm của các loại cỏ dại có thể phân loại thuốc trừ cỏ như sau:
- Dựa vào thời kỳ sinh trưởng của cỏ dại có thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm dùng diệt cỏ khi cỏ chưa nảy mầm hoặc chỉ mới nảy mầm (với số lá chỉ dưới 1 lá rưởi) như Acotab 330EC, Butan 60EC, Meco 60ND, Sofit 300ND, Butoxim 60EC, Rifit 500EC, Ronstar 25EC … và thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm dùng diệt cỏ khi cỏ đã nảy mầm, đang tăng trưởng (thường cỏ đã có trên 3 lá) như Savior 10WP, Whip'S 7,5EC, Ricozin 30EC, Nominee 10SC, Century 6,85G, Butanil 55EC, Cantanil 550EC, Vitamil 60ND, Rafele 350EC, Sunrice 15WDG, Basta 6SL, Vilapon 80BTN, Sindax 10WP, Anco 720ND, Onecide 15ND, AK 720DD, Clincher 10EC, Almix 20DF…
- Dựa vào đặc điểm hình thái cỏ dại có 2 loại là cỏ 1 lá mầm (lá hẹp) và cỏ 2 lá mầm (là rộng), còn dựa vào đặc điểm thực vật học thì có 3 nhóm: cỏ họ hòa bản, họ chác lác và họ lá rộng; theo đó có thuốc trừ cỏ 1 lá mầm chỉ diệt nhóm cỏ 1 lá mầm, thuốc trừ cỏ 2 lá mầm chỉ diệt nhóm cỏ 2 lá mầm, thuốc trừ cỏ lá rộng, thuốc trừ cỏ lá kim (lá hẹp), thuốc trừ cỏ chọn lọc hay phổ hẹp thì chỉ diệt một số nhóm cỏ nhất định (như 2,4-D trừ cỏ lá rộng và cỏ họ chác lác hoặc Sofit 300 ND trừ nhóm cỏ họ hòa bản và cỏ họ chác lác), thuốc trừ cỏ không chọn lọc hay phổ rộng diệt được tất cả các nhóm cỏ (như Butanil 55EC trừ được cỏ lồng vực, đuôi phụng, cỏ chác, cỏ lác, cỏ mồm, rau mác bao, cỏ xà bông, rau mương... hoặc như Round 480EC, Gramoxone 20SL...). Ngoài ra, dựa vào chu kỳ sinh trưởng của cây cỏ còn có thể phân loại thuốc trừ cỏ hằng niên (diệt loại cỏ sau khi nảy mầm, ra hoa, tạo hạt sẽ lụi tàn trong vòng một năm và thường vào mùa khô) và thuốc trừ cỏ đa niên (diệt loại cỏ có khả năng sinh sản vô tính mạnh, có thân ngầm và thân bò trên mặt đất, tái sinh kéo dài).
- Dựa vào cơ chế tác động của thuốc đối với cỏ dại có thuốc trừ cỏ nội hấp (thuốc xâm nhập vào hệ thống rễ của cây cỏ và lưu dẫn bên trong cây cỏ) và thuốc trừ cỏ tiếp xúc (thuốc tiếp xúc và thấm qua lá non, chồi non, bao lá mầm, lóng thân... của cây cỏ).
Theo cách phân nhóm như trên, trước tiên người sử dụng cần nắm rỏ đối tượng cỏ dại muốn diệt trừ để lựa chọn loại thuốc phù hợp, thí dụ như khi muốn phát quang cỏ dại ở các công trình đường giao thông, nhà, xưởng … cần sử dụng loại thuốc trừ cỏ không chọn lọc (phổ rộng) để diệt được nhiều loại cỏ và có hiệu lực kéo dài. Kế đến, cần luôn lưu ý trong bất kỳ trường hợp sử dụng thuốc trừ cỏ nào cũng đều phải áp dụng chặt chẽ nguyên tắc "4 đúng", cụ thể như sau:
(1) Đúng thuốc,cầnchọn loại thuốc phù hợp với đối tượng cỏ dại muốn diệt, bao gồm yêu cầu ít độc hại đối với người, động vật và môi trường. Tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc cấm, thuốc không rõ nguồn gốc, không rõ thành phần, không có trong danh mục thuốc trừ cỏ được phép lưu hành. Thí dụ dùng thuốc diệt cỏ dại trong ruộng lúa thì không được sử dụng loại thuốc trừ cỏ phổ rộng, thuốc trừ cỏ 1 lá mầm để tránh cùng lúc gây hại cho lúa do lúa là nhóm thực vật 1 lá mầm và mẫn cảm với các loại thuốc trừ cỏ phổ rộng. Ngoài ra, không nên tự ý hỗn hợp nhiều loại thuốc trừ cỏ khi phun cũng như không nên kết hợp pha chung với thuốc trừ sâu, trừ bệnh.
(2) Đúng lúc, cần sử dụng loại thuốc phù hợp với tình trạng cỏ dại tại thực địa. Thí dụ, sử dụng thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm trên ruộng lúa sau khi làm đất, cỏ chưa mọc, tương tự như khi trừ cỏ trên ruộng trồng các loại đậu như đậu phộng, đậu nành …Ngược lại, trong các vườn cây ăn trái thì sử dụng các loại thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm do cỏ đã và đang mọc thường xuyên. Ngoài ra, thời điểm phun thuốc cũng cần phù hợp với điều kiện thời tiết, như lúc trời sắp đổ mưa, có gió lớn hay lúc nắng quá gắt đều nên tạm ngưng để tránh thuốc bị rửa trôi, phát tán, dễ gây độc cho người sử dụng.
(3) Đúng nồng độ và liều lượng, cần phân biệt nồng độ là độ pha loãng của thuốc tính bằng đơn vị %, gram, ml; còn liều lượng là số lượng thuốc tối thiểu cần sử dụng trên đơn vị diện tích 1 ha hoặc 1.000 m2 tính bằng đơn vị lít, kg. Nồng độ và liều lượng các loại thuốc trừ cỏ luôn được ghi trên nhãn thuốc, người sử dụng cần đọc kỹ và tuân thủ thực hiện đúng để đảm bảo hiệu quả thuốc và an toàn cho người sử dụng và môi trường xung quanh. Ngoài ra cần chú ý luôn dùng nước sạch khi pha thuốc trừ cỏ để đảm bảo thuốc không bị giảm tác dụng.
(4) Đúng cách, cần phun hay rải thuốc theo đúng hướng dẫn của từng loại thuốc để đảm bảo hiệu quả tác động lên cỏ dại, thí dụ khi phun cho các loại cây cây ăn trái có quả treo thấp như dưa hấu, cà chua, ớt … cần hạ vòi phun sát phía dưới để hạn chế thuốc tiếp xúc với phần xanh của cây trồng.
Cần nhắc lại, bản chất thuốc trừ cỏ là các hóa chất có tính độc, mặc dù phần lớn thuốc trừ cỏ lưu hành hiện nay thuộc nhóm III và IV có độ độc thấp nhưng người sử dụng cũng cần xem biểu tượng hoặc băng màu trên nhãn thuốc để biết cụ thể mức độc của thuốc. Thí dụ: Các loại thuốc Anco 720ND, CO-2,4D 720ND, AK 720DD, Gramaxon 20SL thuộc nhóm độc I, có nghĩa là cực độc. Các loại thuốc Dual 720ND, Gesapax 500DD... thuộc nhóm III, độ độc ở mức khá. Các loại thuốc Butanil 55EC, Meco 60EC, Vibuta 62ND, Butoxim 60EC, Butan 60EC, Michelle 62ND, Saviour 10WP, Sindax 10WP, Sofit 300ND, Glyphosan 480DD, Shoot 41AS, Spark 16WSC, Dream 480SC... thuộc nhóm IV, mức độ độc thấp. Dù vậy, trong bất kỳ trường hợp sử dụng loại thuốc trừ cỏ nào đi nữa thì người sử dụng vẫn cần nhớ luôn tuân thủ nguyên tắc "4 đúng" để đảm bảo hiệu quả tác dụng trên đối tượng cỏ dại và yêu cầu an toàn cho người và môi trường./.
Lương Lễ Dũng - Cổng TTĐT tỉnh Long An, 15/11/2018
* Xem tiếp: Vật tư nông nghiệp
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.