• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chăn nuôi

Những sai sót cần tránh khi sử dụng vắc – xin trong chăn nuôi

Trong thực tế tiếp xúc với bà con chăn nuôi nhiều nơi rất thường nghe các thắc mắc tại sao đã tiêm phòng vắc-xin cho heo, gà, bò… nhưng vẫn mắc phải dịch bệnh ? Đây thực sự là câu hỏi mà các nhân viên kỹ thuật rất khó trả lời chính xác, đầy đủ vì có rất nhiều yếu tố chủ quan và khách quan làm giảm hoặc mất tác dụng của vắc-xin, nhất là đối với các cơ sở chăn nuôi quy mô nhỏ, trung bình dễ gặp phải. Cách tốt nhất và thực tế nhất là không đi tìm nguyên nhân vì sao khi đã gặp phải mà là ngăn ngừa các nguyên nhân có thể gây ra khi sử dụng vắc-xin, cụ thể là người chăn nuôi cần nắm thật vững các yêu cầu khi sử dụng bất kỳ loại vắc-xin nào cho vật nuôi.

​​Trước tiên, chúng ta cần nhắc lại về nguyên lý và tính năng của tất cả các loại vắc-xin đều được điều chế từ mầm bệnh (vi khuẩn, siêu vi khuẩn) nhưng đã làm cho chúng bị mất hoặc giảm độc lực, nghĩa là không còn khả năng gây bệnh mà lợi dụng chúng như một "kháng nguyên" đưa vào cơ thể vật nuôi để tạo tác động nơi vật nuôi theo phản ứng sinh lý tự nhiên tự sản sinh ra "kháng thể" để chống lại, tuy nhiên như đã nói kháng nguyên mầm bệnh từ vắc-xin đưa vào vốn không có khả năng gây bệnh nên kháng thể do vật nuôi tự tạo ra không bị tiêu hao mà duy trì ở một lượng nhất định để trở thành nguồn lực sẳn sàng bảo vệ vật nuôi khi gặp mầm bệnh thực tấn công.

Ngoại trừ một số bệnh chỉ cần tiêm vắc-xin một lần duy nhất, phần lớn là cần tiêm lại sau một khoảng thời gian nhất định, do theo thời gian lượng kháng thể phòng hộ hay kháng thể miễn dịch trong cơ thể vật nuôi đã tự sản sinh ra sau khi được tiêm vắc-xin sẽ giảm dần và đến một thời điểm nhất định cần phải được tiêm phòng trở lại (tái chủng) để gia tăng lượng kháng thể này đủ mức bảo vệ vật nuôi. Như vậy, một trong các sơ sót thường gặp, nhất là ở các nơi chăn nuôi quy mô nhỏ và chưa có nhiều kinh nghiệm là có tiêm phòng lần đầu nhưng lại thiếu tái tiêm phòng các lần sau theo hướng dẫn sử dụng của loại vắc-xin đó.

Đối với các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, hầu hết đều định kỳ lấy mẫu máu của đàn gia súc, gia cầm để kiểm tra kháng thể miễn dịch nhằm xác định thời điểm cần thiết tiêm phòng vắc-xin là phương pháp sử dụng vắc-xin hữu hiệu nhất; riêng đối với các cơ sở chăn nuôi quy mô trung bình và nhỏ thì thường không có điều kiện thực hiện công việc nêu trên nên giải pháp thực tế là cần tìm hiểu kỹ và thực hiện đúng, đầy đủ các yêu cầu về số lần và thời điểm tiêm phòng của từng loại vắc-xin.

Thứ hai, thời điểm tiêm phòng nhất thiết phải theo đúng hướng dẫn của nơi sản xuất từng loại vắc-xin cụ thể. Đây là nguyên tắc nhất quán, tuy nhiên cũng không có nghĩa là bó buộc tuyệt đối vì để vắc-xin phát huy tác dụng tạo kháng thể miễn dịch cao và ít gây phản ứng nơi vật nuôi thì chỉ nên tiêm vắc-xin vào lúc vật nuôi có thể trạng tốt, không tiêm cho vật nuôi nghi ngờ mắc bệnh hoặc đang lúc điều trị bệnh nào đó, hoặc đối với gia súc mang thai cũng nên hạn chế tiêm vắc-xin vào các ngày đầu kỳ hoặc cuối kỳ của thai trình. Chung quy, có thể gia giảm một vài ngày so với thời điểm yêu cầu tiêm phòng dựa vào tình trạng thực tế nêu trên. Ngoài ra, vào những ngày nắng nóng nên tiêm vào lúc sáng sớm hay chiều mát, ngược lại lúc thời tiết lạnh nên tiêm vào khoảng giữa trưa.

Thứ ba, cần nắm rõ đặc điểm, tính chất của từng loại bệnh truyền nhiễm và loại vắc-xin tương ứng để sử dụng phù hợp. Thí dụ: Đối với bệnh lở mồm long móng đều gây ra trên heo và trâu, bò nhưng loại vắc-xin sử dụng và thời điểm tiêm có khác nhau; cụ thể trâu, bò cần sử dụng loại vắc-xin đa giá 3 typ virus có thể gây bệnh là O, A và Asia 1; trong khi đó đối với heo có thể sử dụng vắc-xin 1 typ virus O. Tương tự, vắc-xin cúm gia cầm tiêm phòng cho gà và vịt có khác nhau về thời điểm tiêm.

Thứ tư, cần thực hiện đúng đường cấp vắc-xin theo hướng dẫn của từng loại vắc-xin (như nhỏ mũi, nhỏ mắt, uống, tiêm dưới da, tiêm bắp …). Nếu thực hiện sai thì gần như vắc-xin không mang lại tác dụng nào cả, thậm chí có thể gây phản ứng không tốt cho vật nuôi, giả sử như tiêm nhầm vắc-xin dịch tả gà lớn cho gà con.

Thứ năm, khi mua vắc-xin cần chú ý kiểm tra tình trạng vắc-xin, bao gồm: thời hạn sử dụng, trạng thái chai, lọ chứa vắc-xin (không nứt, vỡ, nút đậy còn nguyên vẹn…), tình trạng nhãn mác (rõ ràng, không rách, không có dấu tẩy xóa…), trạng thái chất chứa bên trong chai, lọ (như vắc-xin dạng đông khô thì chất chứa khô ráo, không chảy nước, không dính vào thành chai, lọ hoặc như vắc-xin dạng nhủ dầu phải có màu trắng sữa đồng nhất, không bị tách thành các lớp khác nhau, không đóng vón). Nếu có các dấu hiệu bất thường, thiếu sót tuyệt đối không sử dụng.

Thứ sáu, cần thực hiện đúng yêu cầu bảo quản vắc-xin tại nơi bán và tại cơ sở chăn nuôi. Đây là yêu cầu rất quan trọng vì nếu bảo quản không đúng với hướng dẫn thì vắc-xin rất dễ giảm hoặc mất hẳn tác dụng, điều đáng ngại là trong thực tế lưu hành mua bán vắc-xin hiện nay là khâu dự trữ, bảo quản vắc-xin tại các nơi bán chưa được kiểm soát chặt chẽ, nhất là trong các trường hợp chiết bán lẻ vắc-xin theo nhu cầu của người mua. Do đó, người chăn nuôi thường xuyên mua vắc-xin; nhất là khi mua lẻ; tại các đại lý cần chọn các nơi có trang bị phương tiện bảo quản vắc-xin tốt. Về nguyên tắc, hầu hết các loại vắc-xin phải được giữ ở nhiệt độ lạnh từ 2-8 độ C và tránh ánh sáng chiều trực tiếp là các điều kiện mà chỉ cần nơi bán hoặc người mua vắc-xin dự trữ không đáp ứng thì hiệu lực vắc-xin sẽ giảm. Trong thực tế, đa phần bà con chăn nuôi quy mô nhỏ thường mua và sử dụng ngay trong ngày nên cần lưu ý bảo quản kỹ vắc-xin trong khoảng thời gian mua, vận chuyển về nơi chăn nuôi, cụ thể cần thực hiện yêu cầu đặt chai, lọ chứa vắc-xin trong bao ni-lông sậm màu (để ngăn ánh sáng rọi qua), gói bao này lại bằng một lớp giấy rồi đặt vào thùng vận chuyển giữ lạnh bằng nước đá.

Thứ bảy, khi lấy vắc-xin ra khỏi phương tiện bảo quản, hoặc từ tủ lạnh cất giữ vắc-xin trước đó hoặc từ thùng nước đá chứa vắc-xin vừa mua về cần đặt chai, lọ vắc-xin ở môi trường bên ngoài 10-15 phút để nhiệt độ vắc-xin trở lại bình thường cân bằng với nhiệt độ môi trường bên ngoài rồi mới sử dụng, nếu sử dụng quá sớm lúc vắc-xin còn lạnh sẽ làm giảm tác dụng và trong một số trưởng hợp có thể gây áp-xe ở nơi tiêm. Khi đã rút vắc-xin ra khỏi chai, lọ để sử dụng thì số vắc-xin còn lại sẽ bắt đầu có những biến đổi sau khoảng 2 giờ, vì vậy thao tác tiêm phòng vắc-xin cần thực hiện nhanh, nhất là trong trường hợp tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi số lượng lớn; đồng thời số vắc-xin thừa nên hủy bỏ (chôn, đốt). Nếu cất giữ trở lại trong tủ lạnh càng nhiều lần thì hiệu quả càng giảm do thay đổi nhiệt độ.

Thứ tám, các loại vắc-xin đều có hướng dẫn đầy đủ về định lượng liều lượng sử dụng cho từng loại vật nuôi; do đó, người sử dụng cần nắm thật rõ yêu cầu này và thực hiện chính xác, rủi ro sử dụng thấp hơn liều hướng dẫn làm giảm tác dụng tạo kháng thể, còn sử dụng cao hơn vừa tốn kém vừa có thể gây ra các phản ứng mẩn cảm nơi vật nuôi.

Thứ chín, việc sử dụng các phương tiện cấp vắc-xin (ống nhỏ mũi, kim tiêm, ống tiêm…) không sạch, bị nhiễm trùng, kim tiêm không đúng kích cỡ … cũng làm giảm hiệu lực vắc-xin và còn có thể gây hiện tượng nhiễm trùng nơi tiêm. Do đó, cần chú ý khâu sát trùng phương tiện cấp vắc-xin và trong trường hợp tiêm vắc-xin cho các nhóm gia súc, gia cầm khác nhau về độ tuổi, giai đoạn sinh trưởng, sinh sản cần thay kim tiêm riêng cho mỗi nhóm.

Trong thực tế vắc-xin có hiệu lực thấp hoặc không có hiệu lực còn có thể do lỗi của nơi sản xuất, tuy nhiên hiện nay với công nghệ sản xuất vắc-xin hiện đại và sự kiểm tra giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y nên nguyên do này hiếm khi xảy ra. Vì vậy, người chăn nuôi cần tập trung vào các lưu ý: Nắm thật rõ vắc-xin phòng từng loại dịch bệnh, áp dụng đúng và đầy đủ lịch trình tiêm phòng, cách thức bảo quản và sử dụng sẽ giúp đảm bảo hiệu quả vắc-xin trong việc bảo vệ đàn vật nuôi./.

Lương Lễ Dũng - Cổng TTĐT tỉnh Long An, 15/11/2018

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang