• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thảo luận, hỏi đáp và Ý kiến bạn đọc

Khái niệm về tảo

Tảo là những thực vật bậc thấp, cơ thể chưa có sự phân hóa thành thân, rễ, lá (những dấu hiệu của thực vật bậc cao) nên cơ thể chúng được gọi chung là tản. Cơ thể chúng có chứa sắc tố quang hợp, chúng có khả năng quang tự dưỡng sử dụng năng lượng mặt trời chuyển những chất vô cơ thành dạng đường đơn giản. Tản có cấu trúc rất đa dạng: đơn bào, tập đoàn hay đa bào.

1. Các dạng hình thái của tản:

Tản của tảo có thể có các hình  dạng cấu trúc sau đây:

- Dạng đơn bào: Tế bào hình trái xoan, hình quả lê hay gần như hình cầu, êlip....... Tản có thể là đơn bào hay thành tập đoàn, cấu tạo từ một số hay nhiều tế bào giống nhau về hình thái và chức năng.

Dạng đơn bào này có thể gặp trong cả quá trình sống của những tảo đơn giản hay ở giai đoạn sinh sản (bào tử và giao tử) của những tảo có tổ chức cao  hơn

- Dạng hạt: tế bào không có roi, thường hình cầu, đôi khi hình khác, tế bào đơn độc hay liên kết trong tập đoàn.

- Dạng sợi: gồm các tế bào liên kết nhau thành sợi đơn hay phân nhánh. Các tế bào trong sợi phần lớn giống nhau hay đôi khi một số tế bào ở gốc hay ở ngọn có hình dạng và cấu  tạo khác biệt.

- Dạng bản: được hình thành từ dạng sợi trong quá trình cá thể phát sinh của tảo. Ở đây các tế bào phân chia theo cả chiều ngang và chiều dọc, kết quả tạo nên dạng bản có hình lá rộng hay hẹp. Nhiều tảo ở biển (như Tảo nâu, Tảo đỏ) có cấu trúc này.

- Dạng ống: thường gặp ở một số tảo mà cơ thể dinh dưỡng của chúng chỉ là một tế bào khổng lồ có kích thước tới hàng chục centimét thậm chí hàng vài mét, chứa nhiều nhân và không có vách ngăn thành các tế bào riêng rẽ. Dạng ống có thể đơn hoặc phân nhánh hình cành.

2. Ðặc điểm cấu tạo tế bào

Vách tế bào của tảo phần lớn được cấu tạo bởi cellulose và pectin, một vài loài tảo vách có thấm thêm silic (như Khuê tảo, Tảo vàng ánh) hoặc cacbonat canxi (Tảo vòng). Mỗi tế bào có một nhân hay đôi khi nhiều nhân (ở Tảo dạng ống). Trong chất nguyên sinh có những bản (thylakoids) chứa diệp lục và các sắc tố khác được bao bọc lại gọi là lạp. Lạp có hình dạng khác nhau, ổn định với từng giống riêng rẽ hay là với các nhóm phân loại lớn, có thể có dạng bản, giải xoắn, hình sao, mạng lưới, đĩa, hạt.

Ở một số tảo như Tảo lục, trong lạp có các thể đặc biệt gọi là hạt tạo bột (pyrenoid), là những thể protein hình cầu hay có góc, xung quanh tập trung các hạt tinh bột hay hiđrat cacbon là chất dự trữ chính của Tảo lục, ngoài ra còn có những giọt lipide ở trong hoặc ngoài lạp (như ở các tảo khác).

Ðối với những tảo có cấu trúc đơn bào, trong tế bào của chúng chứa đầy chất nguyên sinh và không có không bào với dịch tế bào. Nhưng với những loài sống ở nước ngọt, trong chất nguyên sinh ở phần đầu tế bào chứa một hay một vài không bào co bóp, có chức phận thải các sản phẩm

thừa trong trao đổi chất ra ngoài tế bào, và điều chỉnh sự thẩm thấu của tế bào.
Nhiều dạng đơn bào còn có roi (2 hoặc 1 roi, ít khi 4 hoặc nhiều hơn) xuất phát từ gốc ở phía trước của tế bào, làm nhiệm vụ vận chuển. Quan sát dưới kính hiển vi điện tử nhận thấy roi là một bó gồm 11 sợi, với 2 sợi ở giữa và 9 sợi ở xung quanh (cấu trúc này giống với cấu trúc roi ở các nhóm sinh vật khác, trừ vi khuẩn roi chỉ có một sợi đơn). Sau cùng, ở nhiều tảo đơn bào còn có một chấm đỏ ở đầu cùng tế bào gọi là điểm mắt. Ðiểm mắt có hai phần: phần có màu và phần không màu. Ðiểm mắt là cơ quan thụ cảm với kích thích của ánh sáng, trong đó phần không màu có dạng lồi
ở 2 phía giữ vai trò một thấu kính tập trung các tia sáng.

3. Sinh sản

3.1. Sinh sản sinh dưỡng: thực hiện bằng những phần riêng rẽ của cơ thể thường không chuyên hóa về chức phận sinh sản. Ở các tảo đơn bào sinh sản sinh dưỡng thực hiện bằng cách phân đôi tế bào; ở các tảo tập đoàn thì tách ra thành các tập đoàn nhỏ hay hình thành tập đoàn mới ở bên trong tập đoàn (như ở Volvox); các tảo dạng sợi sinh sản sinh dưỡng bằng cách phát triển một đoạn tản được tách rời khỏi tản cũ được gọi là Tảo đoạn. Một số ít tảo có tạo thành cơ quan chuyên hóa của sinh sản sinh dưỡng như hình thành chồi ở Tảo vòng (Chara).

3.2. Sinh sản vô tính: thực hiện bằng sự hình thành các bào tử chuyên hóa, có roi hoặc không có roi. Các bào tử được hình thành trong bào tử phòng (túi bào tử). Bào tử nẩy mầm thành tản mới. 

3.3. Sinh sản hữu tính: thực hiện bằng sự kết hợp của những tế bào chuyên hóa gọi là giao tử. Tùy theo mức độ giống nhau hay khác nhau của các giao tử mà phân biệt 3 hình thức sinh sản hữu tính là đẳng giao, dị giao và noãn giao. Hợp tử được hình thành sau khi kết hợp giao tử hoặc thụ tinh sẽ nẩy mầm trực tiếp thành tản mới hoặc qua giai đoạn trung gian.

Ở một số tảo chưa tiến hóa (như ở bộ Volvocales) quá trình hữu tính tiến hành bằng sự kết hợp toàn vẹn của cả cơ thể (gọi là sự toàn giao = hologamy). Ngoài ra một số tảo khác lại có quá trình sinh sản hữu tính đặc biệt theo lối tiếp hợp (zygogamy) giữa 2 tế bào sinh dưỡng và không tạo thành giao tử (như ở Rong nhớt Spirogyra). 

Sự xen kẽ thế hệ (hay giao thế hình thái) ở tảo có thể là đồng hình hoặc dị hình.

4. Môi trường phân bố

Ở đâu có nước ở đó có tảo.Tảo thường sống ở trong nước ngọt hay nước mặn, trôi nổi tự do trong lớp nước ở trên mặt, có trong thành phần của các sinh vật phù du (plankton), cũng có khi chúng sống bám vào đáy hay các giá thể khác ở dưới nước hoặc nằm tự do ở dưới đáy, tham gia vào nhóm sinh vật đáy (benthos). Nhiều tảo còn sống trên cạn (trên đất, đá, thân cây...), sống trên băng tuyết...

Một số hình ảnh Tảo đang được sử dụng phổ biến hiện nay:

http://sinhhocvietnam.com/vn/modules.php?name=Forums&file=album_cat&cat_id=1

 

Vũ Thành Lâm sưu tầm và biên soạn


Vũ Thành Lâm

Bảo tàng giống chuẩn Vi sinh vật Việt nam
Vietnam Type Culture Collection
Đại học quốc gia Hà Nội 
Tel: 04. 9110402  Fax: 04.7547407
Vietnam Type Culture Collection lab.
Center of Biotechnology
http://www.biotechvnu.edu.vn
Vietnam National University,Hanoi
Ad: E2 building 144 Xuan thuy Road Cau giay Distric, Ha noi Vietnam


Mọi thắc mắc xin gửi về: vietlinh.kythuat@gmail.com hoặc Lamvt@vnu.edu.vn

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang