Tôm bị bệnh gan, tụy
Môi trường thạch để chẩn đoán vi khuẩn gây bệnh gan tuỵ? (1/8/2013)
Trần văn Bé - Cần giờ: Tôi rất quan tâm đến bệnh hoại tử gan tuỵ.
Hiện tại có nhiều công ty nói có cách chẩn đoán bệnh bằng môi trường thạch. Tuy nhiên, những gì chúng ta biết từ Ts.Trần Hữu Lộc là tác giả của nghiên cứu bệnh hoại tử gan tuỵ và nhóm nghiên cứu của ông với TS.Lightner ở trường ĐH Arizona thì hiện tại không thể phát hiện vi khuẩn gây bệnh bằng môi trường thạch được. Tôi vừa đọc được bài viết này trên Aquanetviet.
Tôi mong các nhà khoa học có giải thích cặn kẽ để bà con hiểu biết thêm. Có thể xác định chủng vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây bệnh Hoại tử gan tụy (EMS/AHPNS) bằng phương pháp nuôi cấy trên môi trường thạch?
Vào ngày 01 tháng 5 năm 2013, Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu (Global Aquaculture Alliance-GAA) báo cáo rằng tiến sĩ Donald Lightner cùng cộng sự tại Đại học Arizona, đã tìm ra nguyên nhân của hội chứng tôm chết sớm (EMS), một căn bệnh làm thiệt hại cho ngành ngành công nghiệp nuôi tôm một tỷ đô la một năm.
Nhóm nghiên cứu của TS.Lightner đã phát hiện thấy rằng EMS được gây ra bởi một chủng duy nhất của một loài vi khuẩn tương đối phổ biến đó là, Vibrio parahaemolyticus. Vi khuẩn được lây truyền qua đường miệng (orally), sau đó chúng xâm nhập vào đường tiêu hóa tôm, tạo ra độc tố gây phá hủy mô, làm rối loạn chức năng của gan tụy và cơ quan tiêu hóa của tôm.
Sau khi tác nhân gây bệnh Hoại tử gan tụy trên tôm được công bố, có rất nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh việc làm thế nào để chuẩn đoán sớm mầm bệnh để tránh thiệt hại cho người nuôi tôm. Theo như cách nghĩ thông thường thì bệnh do vi khuẩn chúng ta có thể phân lập và định danh chúng trên môi trường thạch. Tuy nhiên, trường hợp vi khuẩn gây bệnh Hoại tử gan tụy trên tôm hoàn toàn khác, chúng ta có thể phân lập và cả định danh loài vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus này bằng phương pháp phân lập trên môi trường thạch, nhưng không chắc chắn là chủng vi khuẩn này có độc tố hay không và có phải là tác nhân gây bệnh hay không vì có rất nhiều dòng khác nhau thuộc loài Vibrio parahaemolyticus. Hiện tại, phương pháp chuẩn đoán chính xác chủng vi khuẩn gây bệnh Hoại tử gan tụy vẫn đang được nhóm nghiên cứu do TS.Trần Hữu Lộc đứng đầu triển khai ở trường Đại học Arizona.
1. Về loài vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus
Loài vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus này hết sức phổ biến trong môi trường nước lợ/mặn và cả trên tôm; do đó, tôm bệnh hay không bệnh, đều có thể mang vi khuẩn này. Cộng đồng khoa học thế giới đã phân biệt có đến hàng trăm dòng Vibrio parahaemolyticus khác nhau thuộc loài này, tuy nhiên chỉ có một thiểu số các dòng có mang độc lực để có thể gây bệnh (trên người) như nhân loại đã biết và dòng vi khuẩn gây bệnh EMS trên tôm là một trong số các thiểu số đó do tôi và các đồng nghiệp ở trường ĐH Arizona, Mỹ xác định (Loc Tran et al., 2013). Điều này tương tự như việc vi khuẩn Escherichia coli là hết sức phổ biến trong đường ruột của người nhưng chỉ có thiểu số các dòng của loài vi khuẩn này gây được bệnh, ví dụ như Escherichia coli O157:H7. Có rất nhiều dòng vi khuẩn cùng loài sống hạnh phúc trong đường ruột của vật chủ nhưng không gây bệnh được gọi là “commensal bacteria”. Việc phát hiện vi khuẩn V. parahaemolyticus một cách chung chung không được coi là cách chẩn đoán phát hiện bệnh EMS. Do đó, vấn đề cốt lõi trong chuẩn đoán bệnh Hoại tử gan tụy hiện nay là tìm được dòng vi khuẩn mang độc lực. Với kỹ thuật hiện tại, chúng tôi làm được điều này; nhưng để kỹ thuật có thể được phổ biến rộng rãi đến bà còn, chúng tôi cần tiếp tục nghiên cứu các phương pháp khác như PCR và ELISA để xác định chính xác dòng gây bệnh cho công tác chẩn đoán.
2. Về môi trường thạch chọn lọc vi khuẩn
Một số loại môi trường thạch phổ biến (ví dụ TSA- Tryptic Soy Agar + NaCl) có thể cho phép hầu hết loại vi khuẩn Vibrio thông thường mọc. Một số môi trường chọn lọc như TCBS (Thiosulfate-citrate-bile salts-sucrose) cho phép chọn lọc các nhóm vi khuẩn dựa trên các đặc điểm sinh hoá khác nhau. Tuy nhiên, môi trường TCBS chỉ có thể phân loại vi khuẩn Vibrio thành hai nhóm: có sử dụng và không sử dụng đường sucrose. Một số nỗ lực sâu hơn để tìm các loại môi trường thạch ví dụ TSA + Triphenyltetrazolium Chloride nhằm phân biệt 2 loài vi khuẩn khá gần nhau về đặc điểm sinh hoá như 2 loài V. parahaemolyticus và V. alginolyticus thì lại không giúp phân biệt các loài vi khuẩn phổ biến khác như V. vulnificus và V. fluvialis... Do đó, hiện tại KHÔNG có một loại môi trường thạch nào có thể chỉ cho phép 1 loài vi khuẩn mọc và để dịnh danh vi khuẩn dựa vào môi trường thạch. Do đó, không thể có một môi trường thạch chỉ cho phép vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus mọc. Chúng ta có thể dùng các phương pháp sinh hóa hoặc phân tử để xác định đến mức độ loài của vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus, nhưng hoàn toàn không xác định được độc lực của chủng vi khuẩn này cũng như nó có phải là tác nhân gây bệnh Hoại tử gan tụy hay không nếu không có những nghiên cứu sâu hơn.
Bà con có thể tìm hiểu thêm về bệnh dịch EMS/AHPNS hay còn gọi là Bệnh hoại tử gan tụy trên tôm dựa trên các ấn phẩm khoa học do chúng tôi xuất bản và đã được cộng đồng khoa học thế giới xác nhận. Trong các nghiên cứu này, chúng tôi nhấn mạnh rất rõ rằng chỉ có dòng đặc biệt của Vibrio parahaemolyticus mới có khả năng gây bệnh hoại tử gan tụy. Do đó, phương pháp xác định dòng vi khuẩn này đang được tiếp tục tiến hành nghiên cứu trước khi có thể công bố cho cộng đồng khoa học thế giới và đến với bà con nuôi tôm. Hiện tại chúng tôi đang ráo riết nghiên cứu để tìm phương pháp chẩn đoán đúng sự hiện diện của vi khuẩn gây bệnh.
Trong thời điểm hiện tại, chúng tôi chỉ có thể khuyến cáo bà con thực hiện các phương pháp thực hành nuôi tốt được ban hành bởi các cơ quan chức năng, ví dụ như áp dụng an toàn sinh học trong trại nuôi, trại nuôi có đủ diện tích ao lắng, xử lý nước ao đúng phương pháp, thực hiện việc tẩy trùng xử lý ao đúng phương pháp khi xảy ra dịch bệnh, và đặc biệt là các phương pháp giúp giảm thiểu thiệt hại do bệnh trong vùng dịch ví dụ như nuôi rải vụ, nuôi luân canh và nuôi ghép với các đối tượng thuỷ sản khác như cá rô phi hay cá măng,...
Hiện tại, một phương pháp phát hiện nhanh và sớm vi khuẩn này ở giai đoạn tôm bố mẹ và tôm giống là cần thiết hơn để phòng ngừa bệnh. Hy vọng chúng ta sẽ sớm có giải pháp toàn diện để phòng ngừa và điều trị bệnh này trong thời gian sớm nhất.
© Trần Hữu Lộc, Triệu Thanh Tuấn, www.aquanetviet.org
Tham khảo thêm: Loc Tran, Linda Nunan, Rita M. Redman, Leone L. Mohney, Carlos R. Pantoja, Kevin Fitzsimmons, Donald V. Lightner. Determination of the infectious nature of the agent of acute hepatopancreatic necrosis syndrome affecting penaeid shrimp. Dis Aquat Org.
Vol. 105: 45–55, 2013. doi: 10.3354/dao02621.
Thảo luận, ý kiến: gửi email đến: vietlinhsg @ gmail.com hoặc nhấn vào đây
XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU VIỆT & CHƯƠNG TRÌNH MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM (OCOP)
Nhấn nút để liên kết:
Anh Đỗ Đức Trung: "Vua" nuôi dê đất Sông Trầu
Anh Nguyễn Đình Thuận làm giàu nhờ trồng cây vú sữa tím
Anh Nguyễn Văn Cường nuôi lợn lãi 500 triệu đồng/năm
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.