• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

VietGap trong nuôi trồng thủy sản: Các khía cạnh kinh tế-xã hội

Hướng dẫn áp dụng VIETGAP đối với nuôi thương phẩm cá tra (P. hypophthalmus), tôm sú (P. monodon) và tôm chân trắng (P. vannamei)

HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG VIETGAP

ĐỐI VỚI NUÔI THƯƠNG PHẨM CÁ TRA (PANGASIANODON HYPOPHTHALMUS), TÔM SÚ (PENAEUS MONODON) VÀ TÔM CHÂN TRẮNG (PENAEUS VANNAMEI)
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1617/QĐ-BNN-TCTS ngày 18 tháng 7 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

 


Tiêu chuẩn

Hướng dẫn thực hiện

5

Các khía cạnh kinh tế-xã hội

5.1

Điều kiện làm việc

5.1.1

Thực hiện đúng chuẩn mực tuân thủ về sử dụng lao động và điền các thông tin theo Biểu 14.

5.1.2

Nếu cơ sở nuôi có sử dụng lao động từ 15-18 tuổi, phải có lịch giao việc theo ngày, trong đó ghi rõ việc của từng ngày. Công việc giao cho những người này phải là những công việc đơn giản, nhẹ nhàng ví dụ như cho tôm, cá ăn, nhặt cỏ, vớt tôm, cá chết v.v..; không giao cho những người này các công việc nặng như mang vác thức ăn nặng, khiêng máy quạt nước, tạt thuốc hóa chất độc hại, kéo dây điện khi trời mưa, khiêng nặng trên cầu trơn trượt v.v..

5.1.3

Chủ cơ sở nuôi phải ký hợp đồng lao động với người làm thuê theo đúng quy định của Luật lao động.
Hết giờ làm việc, người lao động được tự do quản lý thời gian nghỉ của họ, được ra ngoài cơ sở nuôi và làm công việc khác theo ý muốn. Chủ cơ sở nuôi không được giữ lại dù là một phần tiền lương, thưởng, tài sản hoặc giấy tờ của người lao động để buộc họ tiếp tục làm việc. Hợp đồng lao động cần phải ghi rõ những điều khoản này.

5.1.4

Người lao động tại cơ sở nuôi có quyền được thành lập hoặc tham gia tổ chức bảo vệ quyền lợi của họ, như công đoàn hay thỏa ước tập thể có lợi cho người lao động theo quy định của Luật Lao động.
Thoả ước lao động tập thể là văn bản thoả thuận giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động về các điều kiện lao động và sử dụng lao động, quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên trong quan hệ lao động. Thoả ước tập thể do đại diện của tập thể lao động và người sử dụng lao động thương lượng và ký kết theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng và công khai.

5.1.5

Phải xây dựng Nội quy trong đó ghi rõ những điều khoản về chống phân biệt đối xử về chủng tộc, địa vị, nguồn gốc quê quán, tôn giáo, khuyết tật, giới tính, tuổi tác hoặc bất kỳ điều kiện nào có thể là căn nguyên của tệ phân biệt đối xử. Nội quy này phải được dán ở nơi dễ nhìn thấy và phát cho công nhân mỗi người một bản để họ đọc và hiểu biết cụ thể.

5.1.6

Chủ cơ sở nuôi phải có bản Cam kết và thực hiện đúng cam kết tôn trọng người lao động, không đánh đập, chửi bới, coi thường, xúc phạm nhân cách người lao động; không trừ tiền công của người lao động nếu họ vi phạm nội quy mà chỉ áp dụng các hình thức kỷ luật khác.
Kết quả kiểm tra khẳng định không có bằng chứng về việc chủ cơ sở nuôi xâm phạm thân thể, đạo đức, tinh thần, trừ lương công nhân do vi phạm nội quy.

5.1.7

Người lao động không bị ép làm thêm giờ, trừ khi họ có đơn tự nguyện.
Phải có Bảng chấm công giờ làm thêm và việc làm thêm chỉ xảy ra trong những điều kiện đặc biệt, chứ không thường xuyên ví dụ như do tôm, cá thiếu oxy về đêm phải chạy quạt nước hay do mưa bão nên phải thức đêm canh đầm ao. Phải thường xuyên kiểm tra để đảm bảo tổng số giờ làm việc không vượt quá số giờ Nhà nước quy định (Luật Lao động hiện hành quy định việc làm thêm không quá 200 giờ/người/năm)
Việc làm thêm phải được trả công và số tiền công trả cho mỗi giờ làm thêm phải ghi rõ trong hợp đồng lao động.

5.1.8

Cơ sở nuôi phải có các dụng cụ rửa tay, nước uống, nhà ăn, bếp ăn và thức ăn đảm bảo vệ sinh, sạch sẽ cho người lao động.

5.2

An toàn lao động và sức khoẻ

5.2.1

Phải có Nội quy về an toàn lao động và bảo vệ sức khỏe phù hợp với điều kiện của cơ sở nuôi như: quy định khi làm việc phải mặc bảo hộ, khi pha thuốc/hóa chất phải đeo găng và khẩu trang, dọn vệ sinh v.v..
Phải lập Bản đánh giá về các mối nguy và giải pháp xử lý đối với sức khỏe, sự an toàn của người lao động và phải cập nhật mỗi khi có thay đổi. Nội dung của Bản đánh giá bao gồm:
- Các mối nguy chính đối với sức khỏe, sự an toàn của người lao động, các rủi ro đã được nhận diện như khi có lụt, bão, cháy, sét đánh, điện giật v.v..
- Các giải pháp đối phó với tai nạn phải viết thành quy trình. Ví dụ khi có tai nạn xảy ra thì việc đầu tiên là sơ cứu, băng bó vết thương, cầm máu, sau đó đưa đi bệnh viện bằng ô tô, ghe xuồng v.v.. Nếu tai nạn xảy ra tại cơ sở nuôi phải có biên bản theo quy định của Luật Lao động.
- Giải pháp và quy trình đối phó với các trường hợp khẩn cấp, các kế hoạch dự phòng và thiết bị bảo hộ lao động phải được viết thành văn bản, có giả định và phương án đối phó nếu các rủi ro trên xảy ra.
- Các phương án dự phòng khi xảy ra tai nạn, mất an toàn sức khỏe, các mối nguy v.v.. cũng phải được viết thành quy trình. Ví dụ như thang bị gãy thì phải có ghế thay thế, cửa cháy thì có lối thoát hiểm v.v..

5.2.2

Chủ cơ sở nuôi phải có bình nước uống đun sôi hoặc bình nước uống tiệt trùng đóng sẵn cho người lao động.
Chỗ ở cho người lao động (nếu có) phải đảm bảo an toàn, không bị dột khi mưa, không bị ẩm mốc hay có các sinh vật gây hại như rắn, côn trùng độc v.v.. Đối với lao động nữ, chỗ ở của họ phải có khóa.

5.2.3

Chủ cơ sở nuôi phải tự tập huấn (khi có các tài liệu hướng dẫn đã chuẩn hóa) hoặc thuê cán bộ chuyên môn hướng dẫn về sức khỏe và an toàn cho người lao động.
Các thiết bị bảo hộ lao động phải được đặt tại nơi dễ lấy để người lao động sử dụng khi vận hành sản xuất tại cơ sở nuôi.
Người lao động phải thể hiện sự thành thạo công việc thông qua đánh giá trực quan. Các tài liệu hướng dẫn hoặc bằng chứng về việc tập huấn/ hướng dẫn an toàn lao động phải có sẵn ở cơ sở nuôi.

5.2.4

Mỗi khi có tai nạn xảy ra, chủ cơ sở nuôi phải lập Biên bản ghi rõ ngày giờ, loại tai nạn, mức độ nghiêm trọng, hành động xử lý (ví dụ như đưa đi viện, băng bó tại chỗ, mời bác sỹ hay người lao động tự giải quyết rồi thanh toán tiền thuốc, tiền viện phí cho họ v.v..)
Phải giữ lại các bằng chứng về những hành động của chủ cơ sở nuôi giải quyết vấn đề sau tai nạn (hóa đơn thanh toán tiền thuốc, thẻ bảo hiểm tai nạn …) .
Tập huấn hoặc nhắc nhở công nhân để khi kiểm tra họ có thể nhớ để trả lời đầy đủ, trung thực và có trách nhiệm.

5.3

Hợp đồng và tiền lương (tiền công)

5.3.1

Chủ cơ sở nuôi phải ký hợp đồng lao động đối với tất cả người lao động có thời gian làm việc thường xuyên theo quy định của Luật Lao động. Hợp đồng phải được lập thành 2 bản, mỗi bên giữ một bản.
Chủ cơ sở nuôi có trách nhiệm giải thích cho người lao động về từng điều khoản trong hợp đồng để họ hiểu trước khi ký vào.

5.3.2

Thời gian thử việc tối đa là 01 tháng và phải được ghi rõ trong hợp đồng lao động theo quy định của Luật Lao động.

5.3.3

Chủ cơ sở nuôi phải trả lương cho công nhân không thấp hơn lương tối thiểu quy định của Nhà nước theo từng thời điểm cụ thể và mức lương phải ghi rõ trong hợp đồng lao động và bảng nhận lương hàng tháng.
Phải lưu tất cả hợp đồng lao động, bảng thanh toán lương và người lao động xác nhận thông tin ghi là khớp với thực tế họ được trả.

5.3.4

Thực hiện chấm công và lưu Bảng chấm công ghi số giờ làm việc của từng lao động.

5.3.5

Chủ cơ sở nuôi phải trả tiền lương hoặc tiền công cho người lao động bằng tiền mặt hoặc theo một hình thức tiện lợi nhất đối với người lao động. Không trả lương bằng sản phẩm (như trả bằng tôm, cá, khoai, lúa v.v..) khi chưa được sự chấp thuận của người lao động.

5.4

Các kênh liên lạc

5.4.1

Phải có hòm thư góp ý tại cơ sở nuôi để người lao động có kênh bày tỏ những mong muốn, nguyện vọng, khó khăn của họ. Hàng ngày chủ cơ sở nuôi phải kiểm tra hòm thư, lưu hồ sơ và trả lời một cách xây dựng, có trách nhiệm. Không được trù dập người đóng góp ý kiến.
Trong trường hợp không có hòm thư góp ý, chủ cơ sở nuôi có thể tổ chức các cuộc họp định kỳ hàng tháng với người lao động và ghi biên bản cuộc họp để đối thoại và giải quyết các các vấn đề liên quan đến quyền lao động và các điều kiện làm việc ở cơ sở nuôi.
Biên bản họp, các thư gửi đến hòm thư góp ý phải lưu để kiểm tra và công nhân xác nhận các thông tin này khi được phỏng vấn.

5.4.2

Phải lập Sổ theo dõi về các khiếu nại về những khó khăn mà người lao động đưa ra trong các cuộc họp hay qua hòm thư góp ý. Thông tin trong Sổ theo dõi phải ghi chi tiết đến ngày, giờ, ý kiến. Đồng thời, phải ghi lại cả những trả lời, phản hồi và hành động giải quyết của chủ cơ sở nuôi với các khiếu nại của người lao động.

5.5

Các vấn đề cộng đồng

5.5.1

Chủ cơ sở nuôi phải tổ chức họp định kỳ hàng năm đối với những hộ nuôi xung quanh hoặc những hộ không nuôi tôm, cá nhưng bị ảnh hưởng không tốt từ nuôi tôm, cá (ví dụ như lúa bị nhiễm mặn, nguồn nước bị ô nhiễm, mâu thuẫn giữa lao động làm thuê với thanh niên địa phương v.v..).
Khi tổ chức họp với cộng đồng, cần có chương trình họp cụ thể và ghi biên bản họp. Biên bản họp phải có chữ ký xác nhận của đại diện chính quyền và ít nhất một tổ chức đoàn thể địa phương hoặc một tổ chức xã hội dân sự có uy tín.
Cuộc họp cần diễn ra trên cơ sở tôn trọng, xây dựng và có sự thỏa hiệp. Chủ cơ sở nuôi phải có những cam kết và hành động giải quyết mâu thuẫn hoặc bồi thường thiệt hại đối với các hộ nuôi liền kề và cộng đồng xung quanh (nếu có).
Biên bản họp, cam kết và hành động cụ thể giải quyết tranh chấp phải được lưu hồ sơ để khi kiểm tra và khi được phỏng vấn, cộng đồng xung quanh xác nhận các thông tin trong biên bản là đúng thực tế.

 

Về lại trang: Hướng dẫn áp dụng VIETGAP đối với nuôi thương phẩm cá tra (P. hypophthalmus), tôm sú (P. monodon) và tôm chân trắng (P. vannamei)

Thảo luận về kỹ thuật nuôi:

Xem thêm các thông tin có liên quan:

- Kỹ thuật nuôi tôm, cá và các loại thủy sản khác

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang