• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trồng trọt

Bác sĩ cây trồng

BÁC SĨ CÂY TRỒNG

Xem:

Hướng dẫn sử dụng bẫy bả chua ngọt bẫy trưởng thành sâu keo, sâu cắn gié hại lúa, ngô

Phòng trị bệnh cho cây trồng bằng thảo dược và các chế phẩm sinh học

Điện Biên: Diễn biến châu chấu tre và các biện pháp ứng phó

Xác định các loài sâu hại cây lâm nghiệp

Bí quyết phòng trừ phi hóa dịch hại trong vườn (phần 1)

Các loại côn trùng và dịch hại thường hay hiện diện và gây hại trong vườn rau, hoa hoặc cây ăn trái, đe dọa đến sinh trưởng và phát triển của cây. Vì vậy, những người làm vườn cần nghiên cứu tập tính sinh hoạt, cách gây hại của chúng. Bài viết này nhằm cũng cấp những biện pháp phòng trừ tổng hợp IPM, trong đó nhấn mạnh biện pháp phòng trừ sinh học và hữu cơ.

 

1. Kiến

Các nhà khoa học cho rằng có khoảng trên 14.000 loài kiến trên khắp thế giới. Một số loài trong đó rất hữu ích, giúp người làm vườn phòng trừ sinh học. Một số loài lại cắn cơ thể con người rất đau và độc. Một số loài lại phá hại cây trồng, vì thế, phòng trừ kiến tập trung vào nhóm kiến này. Thường những loài kiến đen nhỏ lục lọi tìm kiếm thức ăn, khi thấy chỉ một vài con kiến thì có khả năng đã có dấu vết đường đi ở đó và cả một đoàn kiến đang di chuyển trên đường đi quen biết của chúng.

Trong vườn rau, kiến “trông coi” rầy mềm (aphid), thậm chí có thể dịch chuyển những con rầy mềm này đặt vào những cây trồng phù hợp nhằm hút dịch ngọt do rầy mềm tiết ra sau khi chúng hút nhựa cây. Rệp bông (Mealy bug) và rệp vảy (Scale) là những loài côn trùng có cơ thể mềm khác tiết dịch ngọt hấp dẫn kiến đến thu nhặt. Kiến tạo thành những đường hầm và làm tổ trong đất vườn làm xói mòn rễ cây và phá hại mọi thứ trong vườn khi không được phòng trừ.

Mục đích phòng là chính nên dùng thuốc xua đuổi hơn là tiêu diệt chúng bởi vì khi kiến bị tấn công, một số kiến tập hợp trứng của chúng và di chuyển đến vị trí khác. Vì thế mục tiêu chúng ta là làm cho chúng di chuyển tổ đến nơi khác mà không gây hại cây vườn.

Sau đây là một số phương pháp để xua đuổi kiến:

- Hàn the (borac, natri tetraborat) có thể sử dụng như là thuốc trừ sâu thiên nhiên, nhưng chú ý giữ xa trẻ em, động vật trong nhà. Khi dùng chú ý che mắt, mũi, đeo găng tay và rửa sạch sau khi làm xong. Borac trộn với bơ đậu phộng hoặc là những thứ ngọt như mật ong, làm cho kiến thích ăn và mang thức ăn đó vào tổ cho cả đàn cùng ăn nhằm tiêu diệt cả đàn kiến.

- Ngoài ra chất điatômit (đá tảo diatomite) dùng rải trên lối đi của kiến có thể tiêu diệt chúng do làm mất nước khi chúng đi về tổ.

- Cũng có thể dùng dung dịch gồm tỏi, tiêu cay, xà phòng, dầu thực vật, dầu lửa và nước phun trừ kiến nhưng tốn nhiều thuốc vì chúng quá nhiều.

- Thấm nhẹ dung dịch gồm một ít mứt, mật ong hoặc nước đường (có thể thêm borac) trên nền cây bị nhiễm rầy mềm (aphid). Như vậy sẽ giữ kiến lại, trong khi chúng ta thiết lập một số bọ rùa (ladybugs) tiêu diệt rầy mềm. Không cần phun xịt trừ kiến vì chúng ta chỉ trừ kiến trên cây, trong khi chúng có cả đàn dự trữ dưới mặt đất có thể nhanh chóng xuất hiện trở lại.

- Gọt vỏ quả dưa leo trên lối đi của kiến làm cho chúng tránh xa một thời gian do chúng có bản tính tự nhiên không thích dưa leo.

- Khi thấy tổ kiến, có thể rải một hoặc các thứ sau: tiêu đen, bột quế hoặc bột ớt, muối có thể làm cho kiến trở thành mê loạn, điên cuồng mà bỏ đi nơi khác.

- Dùng nước đun sôi dội lên kiến nhưng tránh hư hại cây. Có thể dùng nước nóng rót vào tổ diệt kiến chúa, nhưng thường khó vì chúng làm tổ rất sâu và ngăn không cho nước mưa và nước lụt tràn vào.

2. Rầy mềm (Aphid)

Lá của cây đại hoàng (Rheum officinale) có tính độc đối với rầy mềm, do đó, trà nấu từ lá cây này gây độc cho động vật, côn trùng như là bét, rầy mềm, ruồi trắng (white fly), sâu bướm v.v… Có thể dùng nước sôi dội vào lá cây đại hoàng đã nghiền rồi ngâm vài ngày. Sau đó lọc, thêm ít bột xà phòng và pha loãng như pha trà loãng rồi xịt trên cây bị nhiễm. Phun lập lại sau khoảng 10 ngày.

Cũng có thể dùng tỏi hoặc ớt để phun xịt.

3. Chim

Hầu hết chim có lợi vì ăn sâu bọ, đặc biệt trong mùa nhân giống vì chúng có nhu cầu ăn nhiều protein. Một số loài chim gây hại xé lá cây làm tổ, ăn trái chín, làm hỏng mái nhà…

Một số biện pháp xua đuổi chim:

- Treo các đĩa CD cũ phản chiếu ánh sáng làm cho chim nghi ngờ không dám đến.

- Làm bù nhìn đuổi chim.

- Rắn giả: Rắn cao su đồ chơi gắn vào vườn nơi dễ nhìn thấy làm cho chim e sợ.

- Vật đuổi chim siêu âm: Vật đuổi chim siêu âm này phóng ra nhiều âm thanh cao thấp như là tiêng kêu thất thanh, tiếng dã thú, hoặc tiếng kêu kinh hoàng... mà con người không nghe được nhưng sẽ làm cho chim khiếp sợ và cho động vật khác tránh xa. Vật đuổi chim siêu âm này có bán ở các nước phát triển.

- Ngoài ra còn nhiều cách khác...

4. Sâu bướm

Để ngăn cản bướm đêm và ấu trùng trên cây bắp, cây ăn trái, cây họ cải bắp (cây bông cải xanh, cải bina, cải bắp, súp lơ...), chỉ đơn giản phun với một hỗn hợp mật đường. Trộn 1 thìa lớn mật đường với 1 lít nước nóng, cộng thêm 1 thìa nhỏ xà phòng lỏng và cho vào bình phun. Phun lên lá, từ trên chóp cây đến gôc cây để diệt ấu trùng sâu bướm và các loài rệp khác.

Đồng thời cũng sử dụng tỏi và lá cây đại hoàng phun xịt như đối với rầy mềm (aphid).

5. Sâu tai (Earwigs)

Nếu sâu tai ăn trên cây, nhằm loại bỏ côn trùng này bằng cách vò nhàu một số tờ báo cũ rồi đặt trong một chậu đất. Đem chậu này đặt trong vườn. Con sâu tai sẽ ẩn náu trong những tờ báo một khi chúng nghỉ ăn. Đến sáng sớm, lấy những tờ báo ra và và giật mạnh làm cho những con sâu tai này văng ra nơi khác hoặc rớt vào sô nước nóng đặt sẵn phía dưới để tiêu diệt chúng.

6. Bọ chét

Gồm bọ chét nhà và bọ chét vườn. Nhằm ngăn cản bọ chét ngoài việc sử dụng điatomit và phun xịt chất này trên giày và vớ khi bước vào vườn có nhiễm bọ chét. Cách này giúp ngăn chận bọ chét (nhiễm với chó, động vật trong nhà) sẽ không đi vào cơ thể người. Điatômit gồm một lượng lớn hóa thạch cực nhỏ, tảo cát (diatom) vỡ vụn. Nó trông giống như bột và không gây hại cho động vật và người. Nó có tác dụng tiêu diệt côn trùng nhỏ và bọ chét, rệp bằng cách bám vào cơ thể chúng và làm mất nước. Nó thường được sử dụng trong các si lô tồn trữ hạt lương thực vì thế nó có thể có sẵn ở các đại lý. Nó an toàn cho người và động vật khi ăn vào bụng để diệt giun sán, nhưng nó là bột rất mịn nên tránh hít thở vào.

Ngoài ra, cây bạc hà có mùi hăng, là cây có mùi khó chịu trồng gần cửa và trong vườn xua đuổi bọ chét. Có thể dùng xà bông làm từ cây này dùng để tắm bảo vệ tránh bọ chét cho động vật và chó mèo nuôi trong nhà.

7. Rệp bột (Mealy bugs)

Loại côn trùng này có nhiều và hại nhiều loại cây vườn. Chúng có cơ thể mềm, có màu hồng nhạt và màu trắng, hoặc xám trắng. Là loại côn trùng hút nhựa cây tương tự như loài rệp vảy (Scale). Cây trong vườn, trong nhà rất dễ nhiễm loại côn trùng này vì ở môi trường bị che khuất. Trong vườn thì chúng thích nhà lưới, và cây trồng gần hoặc trong điều kiện được che bớt mưa, nắng, ánh sáng…

Rệp bột được nhân đàn nhanh chóng và hút nhựa cây gây ra rối loạn sinh trưởng và lùn cây. Chúng dễ tiêu diệt bằng tay hoặc dùng miêng bông gòn nhúng cồn chấm nhẹ vào. Chúng có một lớp sáp mỏng bao bọc cơ thể. Vì thế những thứ mà có thể đốt cháy như cồn, rượu mạnh, có thể diệt chúng do làm mất nước. Làm chết ngạt bằng cách dùng dầu nóng cũng có hiệu quả. Cũng có thể dùng các chất phun xịt như đối với rệp vảy (bên dưới).

8. Rệp vảy (Scale)

Có rất nhiều loài rệp vảy và có màu sắc khác nhau. Trong vườn phát hiện ra chúng bằng cách nhìn kỹ vào cành, lá nơi chúng thường bám đầy và có vảy màu đen, nâu hoặc xanh. Trong vài trường hợp, có thể bất ngờ khi nhận thấy trong thời gian ngắn cây trồng bị nhiễm còi cọc và chết. Vì vậy cần khống chế rệp vảy càng sớm càng tốt khi phát hiện. Rệp vảy tụ tập trên lá, cuống, thân, chích hút nhựa cây làm cây lùn và còi cọc rồi chết.

Nấm có màu đen gọi là bồ hóng mọc trên dịch ngọt do rệp vảy tiết ra. Nấm này làm cho cây mọc yếu và có hình dạng khó nhìn. Kiến cũng thích dịch ngọt của rệp vảy và sẽ giúp cho rệp vảy càng nhiều càng tốt cho kiến.

- Vài con rệp vảy có thể dùng tay diệt, dùng dao hoặc bàn chải diệt, nhưng phải kiểm tra thường xuyên để phòng trừ.

- Pha chế thuốc hữu cơ diệt trừ rệp vảy (Đây là giải pháp phòng trừ dịch hại trong vườn bằng hữu cơ không độc hại cho người và môi trường). Thành phần gồm: Tỏi, tiêu cay, xà phòng, dầu thực vật, dầu lửa và nước. Đừng để dung dịch này trong nhà. Tùy theo độ mạnh dung dịch có thể diệt chuồn chuồn và kiến. Pha chế dung dich như sau: 2-3 củ tỏi (khoảng 6-10 tép tỏi mỗi củ), 6 hoặc 12 muỗng bột tiêu hoặc 1 – 2 muỗng bột ớt cay, 1 muỗng dầu thực vật, 1 muỗng cà phê xà phòng lỏng, 7 tách nước (2-3 tách dùng để trộn còn lại đổ đầy sau đó). Đổ toàn bộ thành phần trên vào một dụng cụ trộn và lọc qua vải hoặc qua dụng cụ lọc cà phê hoặc bộ lọc nhỏ hơn. Rót dung dịch đã lọc vào bình phun để sử dụng. Số còn lại cho vào chai lọ đậy kín và cho vào tủ cất giữ , chú ý có dán nhãn, tránh dùng nhầm.

Dùng dung dịch này phun diệt rệp vảy, nó diệt ấu trùng cũng như làm chết ngạt thành trùng có bọc lớp sáp mỏng trên thân.

Cũng có thể pha trộn ¼ muỗng cà phê dầu thực vật, 2 muỗng sođa bicacbonat và 1 muỗng xà phòng lỏng vào khoảng 10 lít nước phun 1 lần/tuần trong vòng 3 tuần hoặc cho đến khi diệt hết rệp vảy.

9. Ruồi trắng (White fly): Ruồi trắng là một loài côn trùng nhỏ có cánh (Hemiptera: Aleyrodidae). Loài ruồi này gồm khoảng 1500 giống khác nhau. Thân thường có phấn và sáp bao che, lại hay bám vào mặt sau của lá cho nên khó lòng diệt trừ.

Ruồi sinh sản nhanh, chỉ trong một thời gian ngắn chúng đã lan tràn khắp vườn, làm cho cây bị úa lá và bị nhiễm trùng nhiễm nấm. Ruồi trắng hút hút nhựa cây già lẫn cây non, chúng tiết ra một chất mật, dẫn đường mang kiến và rệp đến. Sau khi có cánh chúng di chuyển sang một cây khác bất kể là giống cây nào và ruồi trắng là kẻ truyền bệnh và vi rút từ cây này sang cây khác.

Phòng trừ:

- Gió làm cho ruồi trắng tránh đi xa nơi khác.

- Tưới nước cho cây với vòi phun mạnh cũng có tác dụng làm chúng biến mất tạm thời.

- Trộn khoảng 1 – 2 muỗng cà phê bột giặt trong một lít nước hoặc trộn đều một nửa ly trà dầu giấm trong 1 lít nước với một ít bột giặt phun vào cây bị nhiễm ruồi trắng cả mặt dưới lá làm cho chúng bị dính cánh mà không bay được.

- Ruồi trắng còn bị hấp dẫn bởi màu vàng, do đó lấy một chất liệu có tính dính như là dầu bôi trơn vazơlin, dầu thầu dầu, nhựa cây thiên nhiên. Treo một túi nilon có màu vàng sáng , bôi chất liệu dính vào mặt ngoài của bao nilon rồi buộc vào cọc hoặc bôi chất dính vào chậu nhựa có màu vàng hoặc sơn lớp dính lên trên tấm ván có màu vàng sáng để nhử ruồi trắng bay vào và mắc kẹt dính ở đó.

- Nếu cần, lay động thân cây bị nhiễm ruồi trắng làm cho chúng rơi vào chậu nhựa màu vàng có bôi chất dính làm chúng rơi vào để tiêu diệt.

- Thường các nơi bán cây và các vật dụng làm vườn đều có bán những cuộn giấy hay những miếng giấy hay nhựa có trét keo. Hãy treo những giấy này ở các góc tối, ruồi trắng sẽ bị mầu vàng thu hút và bám vào trước khi tìm lá cây để đẻ trứng. Những miếng keo này sẽ bị khô trong vòng 2 tháng nên cần thay đổi miếng keo mới.

10. Bù bạch:

Bù lạch còn gọi là bọ trĩ, là một loại côn trùng rất nhỏ nhưng phá hại trầm trọng trong vườn. Những bọ trĩ trong vườn cực nhỏ nạo khoét những tế bào bề mặt lá và chích hút diệp lục tố. Những tế bào bị đào lõm không khí lọt vào có màu trắng bạc và nhìn mỏng như giấy. Sau đó chuyển thành màu hơi nâu, nhăn nheo và có những đốm đen là những con bọ trĩ đang nhảy trên đó. Một số loài bọ trĩ còn truyền bệnh vi rút, chẳng hạn vi rút gây bệnh héo rũ cà chua cho nhiều loại cây và rau.

Cần dọn sạch cỏ dại là nơi cư trú của bọ trĩ. Bọ trĩ thường ở qua mùa đông trong tán lá gần mặt đất rồi chuyển sang cây thích hợp trong mùa tới. Dùng dung dịch nước tỏi phun trừ bọ trĩ. Ngoài ra còn nhiều loại côn trùng (thiên địch) ăn thịt sống ở nhiều nước khác nhau có thể phòng trừ sinh học bọ trĩ. Trong đó, bọ mắt vàng (Chrysopa spp.) là đối tượng thiên địch tốt cho phòng trừ sinh học.

11. Nhện đỏ

Có hàng triệu loài nhện chưa biết tên, nhiều loài tương tự như bọ trĩ. Trong vườn có loài nhện 2 đốm thường gọi thông thường là nhện đỏ bởi vì trong điều kiện thời tiết lạnh chúng thay đổi từ màu xanh nhạt với 2 đốm đỏ sang màu cam hoặc màu đỏ, trông giống một con nhện đỏ thu nhỏ.

Giống như bọ trĩ, nhện đỏ chích hút chất diệp lục từ lá cây. Nhện đỏ để lại các đốm trắng mờ khi cây bị hại và không có màu đen như con bọ trĩ. Trong trường hợp nhiễm nặng một mạng nhện óng ánh như tơ thấy rõ ràng, mạng nhện được tiết ra do nhện đỏ để tự bảo vệ kẻ thù và chống lại chất độc, những mạng nhện này có thể bao phủ toàn thân cây.

Dùng các loài nhện thiên địch ăn thịt trong tự nhiên để trừ nhện đỏ. Các loài nhện ăn thịt, ong ký sinh, bọ rùa và bọ mắt vàng đều là những thiên địch ăn thịt nhện đỏ. Dùng phân ủ hoặc lớp bổi phủ gốc để kích thích nhện có ích nhằm cân bằng sinh thái.

Dùng xà phòng phun diệt trừ loài nhện đỏ. Phun hàng tuần cho đến khi nhện đỏ biến mất, sau đó phun hàng tháng tránh cho chúng không quay trở lại. Ngoài ra cũng dùng những loại hỗn hợp hữu cơ khác như dùng phun trừ loài sâu bướm trên đây.

12. Chuột nhắt

Trường hợp chuột từ vườn vào nhà phá rối, cần phải chú ý dọn dẹp thức ăn, đồ uống trong nhà cẩn thận. Không để rơi vãi thức ăn, thức ăn phải đậy kín trong tủ và dọn sạch các mẩu thức ăn thừa.

Ngăn cản chuột xâm nhập bằng dầu bạc hà cay hoặc dầu khuynh diệp – dùng vải hoặc bông gòn thấm dầu rồi đặt nơi chuột thường lui tới. Nếu đặt bẫy, dùng mồi bơ đậu phộng, phó mát, hoặc bánh mì…

13. Chuột đồng

Không giống như chuột chù (chuột chũi), chuột đồng chỉ ăn rễ và vỏ cây hơn là ăn côn trùng và giun. Nên dùng bẫy chuột để diệt trừ chuột đồng. Mồi cài bẫy là những thức ăn phải có mùi thơm hấp dẫn chuột, rồi đặt bẫy theo lối đi của chuột. Nếu cần, nên đặt bẫy trong một chiếc hộp chỉ chừa 1 lỗ cho chuột đi vào nhằm tránh con vật khác hoặc trẻ em mắc bẫy. Nên đặt vào ban đêm, duy trì kiểm tra, dịch chuyển chỗ đặt bẫy và thay mồi cho đến khi bắt được chuột.

14. Sên

Con sên có tập tính giống như ốc sên nhưng toàn thân mềm, nhớt không có vỏ cứng bao bọc. Chúng cắn phá cây non, chú ý phòng trừ bằng cách kiêm tra vào lúc tối giống như kiểm tra ốc sên. Trường hợp môi trường ẩm ướt hoặc sau khi mưa, sên thường xuất hiện nhiều. Không dùng tay để bắt vì chúng nhớp nháp khó chịu (khác với ốc sên). Nên dùng xẻng xúc chúng vào một cái thau ,rồi đem chúng đặt vào nơi không nguy hại.

Nếu cần có thể dùng muối rải lên sên hoặc ốc sên để diệt trừ. Cần mang theo đèn pin khi đi vào vườn, tránh làm tổn thương cây trồng.

Ốc sên và sên không thích cát, vì chúng không thích đi qua cát. Rải 1 lằn cát rộng khoảng 1 cm quanh vườn, quanh các hố cây cũng có tác dụng ngăn chặn chúng vào phá cây vườn.

Không cần phun thuốc để trừ sên như đối với côn trùng.

15. Ốc sên

Đối với ốc sên phương pháp phòng trừ gần giống như đối với sên. Cũng có thể dùng rượu bia rót vào một chảo cạn đặt trong vườn để bẫy sên và ốc sên trong vườn vào buổi tối. Có thể dùng dấm thay cho bia, rót vào chảo như trên cũng có tác dụng tốt.

Ngoài ra còn dùng vỏ trái bưởi hoặc vỏ cam rỗng và lật úp vỏ đặt quanh vườn cũng có tác dụng hấp dẫn sên và ốc sên tụ tập vào. Sáng sớm vào vườn để thu nhặt ốc sên và sên ẩn náu dưới vỏ cam và vỏ bưởi để diệt trừ.

16. Bệnh mốc sương, nấm mốc, nấm, một số bệnh khác…

Cây trồng mà nhiễm nấm, mốc sương như các loại đậu, bí, dưa leo, dưa chuột… có thể dùng sữa nguyên kem phun một vài ngày trên tán lá cho tới khi nấm mốc sương hết.

Nếu những mảng nhỏ của bệnh mốc sương màu trắng chỉ mới bắt đầu, có thể tiêu hủy ngăn chặn lan rộng bằng cách dùng dung dịch sữa pha loãng với một phần nước.

Nếu tình trạng khó phòng trừ, có thể ngắt bỏ tán, lá bị bệnh hoặc toàn bộ cây tiêu hủy.

Hiện tượng cây con chết do nguyên nhân nhiễm nấm bệnh trong điều kiện ẩm ướt gọi là bệnh thối rạp "Damping off" do những loài nấm Phytophthora và Pythium gây ra. Cây con của nhiều loài rau, đậu như rau diếp bị bệnh đột ngột đổ rạp xuống và thối rữa. Đó là do điều kiện ẩm ướt, chật chội (mật độ cây dày) hoặc quá nhiều than bùn có thể gây ra bệnh này. Vì vậy, kiểm soát bệnh này bằng cách giữ mặt đất khô sau khi tưới, thậm chí có thể rải một lớp cát trên mặt đất. Cát giữ đất khô cũng sẽ giúp phòng trừ một loại ruồi nhuế (Sciarid Fly) hay còn gọi là muỗi nấm (Fungus gnats). Loài này có màu đen và rất nhỏ bé, bò và bay chung quanh và phía trên mặt đất. Chúng đẻ trứng và ấu trùng của chúng sẽ gây hại cây con do ăn phần rễ của cây.

Cũng có thể dùng trà hoa cúc La Mã để làm làm thuốc trừ nấm bằng cách pha một tách trà hoa cúc La Mã và ngâm trong vòng 10 phút. Khi đã nguội, có thể phun trên những lá nhiễm bệnh nấm nói trên kể cả trên ngọn và dưới gốc để diệt trừ.

Có thể dùng bột cây quế rắc chung quanh cây và đất cũng giúp phòng trừ nấm bệnh.

Nếu có điều kiện làm phân ủ lá chè sẽ rất hiệu quả. Phân ủ với lá chè giúp cân bằng vi sinh vật và vi khuẩn trong đất, chống lại sinh vật gây bệnh và giúp các vi sinh vật có ích hoạt động khỏe mạnh cũng như cung cấp dinh dưỡng cho cây giúp phát triển tốt và kháng bệnh.

Một cách nữa là có thể dùng nước phân chuồng để phun phòng trừ bệnh trên. Phân chuồng hoai mục có chứa rất nhiều vi sinh vật có ích. Các vi sinh vật này có thể phòng trừ các nấm gây bệnh cây. Phân chuồng này gồm phân động vật ủ với xác bã thực vật. Cách làm: Đổ 4 lít nước phân chuồng vào thùng có 20 lít nước và quấy đều, để chỗ ấm cho lên men trong 3 ngày, sau đó lọc để phun.

Trên đây là một vài phương pháp sử dụng các chất hữu cơ để phòng trừ côn trùng và dịch hại trong vườn nhà. Tuy nhiên, nông dân cần chú ý, dù sử dụng nguyên liệu thiên nhiên nhưng không nên để bay vào mắt, hoặc chạm tay vào mắt khi pha trộn để phun. Cần dán nhãn lên chai đựng dung dịch phun và để tránh xa trẻ em.

Nguyễn Công Thành - Viện KH Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam

 

 

 

SINH VẬT HẠI LÚA ĐÔNG XUÂN VÀ QUI TRÌNH SẢN XUẤT LÚA VỤ ĐÔNG XUÂN 2007-2008

Thành phố Hồ Chí Minh có tổng diện tích sản xuất lúa gần 18.000 ha với 3 vùng rõ rệt: vùng chịu ảnh hưởng thuỷ triều (sản xuất 1 vụ lúa), vùng sử dụng nước mưa (sản xuất 2 vụ lúa) và vùng sử dụng nước kênh đông (sản xuất 3 vụ lúa), trong đó vụ mùa là vụ có diện tích cao nhất (khoảng 18.000 ha) và vụ đông xuân thường đạt năng suất cao nhất (>4 tấn/ha).

Diện tích lúa đông xuân hàng năm từ 7.000 ha – 9.000 ha với những đặc trưng như sau:

- Sản xuất tập trung tại huyện Củ Chi (vùng sử dụng nước kênh đông, vùng ven sông Sài Gòn) và 1 phần huyện Hóc Môn, quận 9.

- Thời vụ xuống giống chủ yếu trong tháng 12 để thu hoạch trong tháng 3 năm sau nhằm tránh các đợt rầy di trú lớn trong năm và tránh ngập nước vào đầu vụ, thiếu nước ở cuối vụ.

- Có khoảng trên 20 giống lúa được gieo trồng trong vụ và chỉ có từ 3-5 giống có diện tích gieo trồng > 10%.

I. DỰ BÁO TÌNH HÌNH SINH VẬT HẠI LÚA ĐÔNG XUÂN 2007-2008

Trong vụ đông xuân các giống lúa được gieo trồng phổ biến tại thành phố thường là giống có phẩm chất gạo ngon, dễ bán…tuy nhiên các giống này thường nhiễm rầy nâu và nhiễm bệnh đạo ôn. Do vậy trong vụ đông xuân 2007-2008 cần lưu ý đặc biệt rầy nâu – bệnh do rầy nâu làm môi giới lan truyền và bệnh đạo ôn (cháy lá).

1. Rầy nâu:

Rầy nâu trưởng thành vào đèn trùng với thời điểm có các đợt gió bão nên diễn biến rầy nâu vào đèn khá phức tạp đặc biệt là ở huyện Củ Chi.

- Trong vụ đông xuân, mỗi tháng sẽ có 1 lứa rầy và đỉnh cao mật số rầy xuất hiện ngay từ lứa thứ nhất; tuy nhiên do xuống giống không tập trung và diễn biến thời tiết phức tạp nên nếu đủ nước và có mưa trái mùa thì đỉnh cao rầy nâu gây hại có thể rơi vào tháng 2 năm 2008 khi mà phần lớn diện tích lúa đông xuân đã xuống giống đang giai đoạn đẻ nhánh đến trổ.

- Giống lúa đông xuân là giống ngắn ngày (100 ngày) và trên một cánh đồng sẽ có rất nhiều trà lúa, giống lúa xen kẻ lẫn nhau nên rất khó có khả năng rầy nâu bộc phát thành dịch trên diện rộng nhưng sẽ gây cháy chòm, cháy lõm cục bộ nếu không phòng trị kịp thời.

- Diện tích có thể nhiễm rầy nâu trong vụ đông xuân 2007-2008 ước khoảng 20% diện tích (1.000 ha) và tập trung vùng sử dụng nước kênh đông (huyện Củ Chi).

2. Bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá (VL-LXL):

- Bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá vẫn còn và phân bố rãi rác trên địa bàn thành phố, vì vậy nguy cơ rầy nâu chích hút và lây lan bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá từ vụ mùa 2007 sang vụ đông xuân 2007 - 2008 vẫn còn.

- Dự báo các diện tích lúa xuống giống xen lẫn trong lúa mùa và xuống giống trước các đợt rầy nâu di trú lớn (đợt tháng 11, đợt tháng 12/2007) đều có nguy cơ nhiễm bệnh ở các mức độ khác nhau.

- Diện tích có thể nhiễm bệnh VL, LXL khoảng 200 ha, tập trung ở huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn.

3. Bệnh đạo ôn (cháy lá):

- Thời tiết lạnh dần sáng sớm có nhiều sương mù, ngày nắng yếu sẽ rất thích hợp cho bệnh đạo ôn phát sinh gây hại, nhất là các giống dễ nhiễm, các khu vực thường nhiễm bệnh năm trước và trà lúa gieo sạ quá dầy.

- Các giống nhiễm bệnh đạo ôn: VD20, ST3, OM 1490, IR 65610, Trâu Nằm.

4. Ốc bươu vàng:

- Ốc bươu vàng vẫn là dịch hại thường xuyên trong ruộng lúa và ốc chỉ gây thiệt hại nặng ở diện tích lúa dưới 10 ngày tuổi, nếu có mật độ 5-7 con/m2.

- Các khu vực chịu ảnh hưởng thuỷ triều và vùng sử dụng nước kênh đông là những khu vực sẽ bị ốc tấn công và gây hại, tập trung ở huyện Củ Chi.

5. Sinh vật hại khác:

Ngoài ra cũng cần lưu ý các đối tượng sinh vật hại có thể phát sinh gây hại cục bộ như sâu cuốn lá nhỏ, rầy cánh trắng, bọ trĩ, sâu phao, chuột, bệnh khô vằn, tuyến trùng rễ, bệnh vàng lá chín sớm …

II. QUY TRÌNH SẢN XUẤT LÚA ĐÔNG XUÂN

1. Vệ sinh đồng ruộng:

- Để tiêu diệt triệt để nguồn bệnh trước khi gieo sạ lúa vụ sau phải thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh đồng ruộng, như: cày, trục vùi lúa chét, dọn sạch cỏ bờ ruộng, mương dẫn nước.

- Biện pháp diệt cỏ dại, lúa chét:

* Cày bừa chôn cỏ, lúa chét hoặc dùng phảng chặt cỏ dại, lúa chét trước; xong cày lật chôn cỏ dại, lúa chét.

* Sử dụng thuốc diệt cỏ: Star, Sofit, Sirius…

* Sàng sẩy loại bỏ hạt cỏ lẫn trong giống dùng gieo sạ.

* Sử dụng phân hữu cơ đã ủ hoai, để tránh hạt cỏ còn sống trong phân.

- Đối với ruộng lúa đã nhiễm bệnh vụ mùa phải thực hiện xong công tác vệ sinh đồng ruộng trước khi xuống giống vụ đông xuân từ 20-30 ngày.

2. Thời vụ:

- Thời vụ gieo trồng vụ đông xuân: 1/10/2006 đến 31/03/2007, tuy nhiên tháng 11, tháng 12 là thời điểm xuống giống lúa thích hợp nhất để tránh rầy di trú vào cuối tháng 11 và tránh ngập nặng vào đầu vụ thiếu nước ở cuối vụ.

- Thời điểm xuống giống của từng cánh đồng cần căn cứ vào số liệu bẫy đèn và phải đảm bảo có thời gian cách ly tối thiểu giữa vụ mùa và vụ đông xuân là 15-20 ngày và từ 1-3 ngày sau khi rầy vào đèn rộ để khi rầy di trú nhiếu nhất thì lúa chưa gieo cấy và khi đến đợt rầy di trú của tháng sau thì lúa và mạ đã trên 25 ngày tuổi.

3. Giống lúa:

- Sử dụng giống xác nhận, kháng rầy nâu, sạch bệnh, sạch hạt cỏ, phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương.

- Các giống lúa được Cục Trồng trọt khuyến cáo sử dụng trên địa bàn thành phố trong vụ đông xuân 2007-2008: VND 95-20, VND 99-3, OMCS 2000, OM 2717, OM 2718, IR64, …

4. Lượng giống:

Tùy vào chân đất, chất lượng hạt giống và phương pháp gieo sạ mà định lượng giống sử dụng:

- Đối với sạ hàng: từ 70-100 kg/ha/vụ.

- Đối với sạ lan : từ 90-120 kg/ha/vụ.

5. Quản lý nước:

- Trong tuần đầu tiên sau sạ, chỉ cần giữ mực nước ruộng từ bão hoà đến cao khoảng 1 cm.

- Mực nước trong ruộng sẽ được giữ cao khoảng 1-3 cm theo giai đoạn phát triển của cây lúa và giữ liên tục cho đến khi bón phân lần 2, giai đoạn này nước là nhu cầu thiết yếu để cây lúa phát triển, cũng nhằm hạn chế sự mọc mầm của các loài cỏ.

- Giai đoạn cây lúa từ 25-40 NSS, cây lúa đẻ nhánh rộ đến đẻ nhánh tối đa và phần lớn số chồi vô hiệu thường phát triển trong giai đoạn này. Giữ mực nước trong ruộng từ bằng mặt đất đến thấp hơn mặt đất 15 cm (đặt ống nhựa có đục lỗ bên hông, bên trong có chia vạch 5cm để theo dõi mực nước bên trong ống). Cách điều tiết này sẽ làm phơi lộ mặt ruộng vì vậy còn gọi là kỹ thuật tưới “ướt khô xen kẻ”.

- Giai đoạn từ 40-45 NSS, đây là giai đoạn bón phân lần 3, cần đưa nước vào khoảng 1-3 cm trước khi bón phân nhằm để tránh phân bị ánh sáng làm phân huỷ và phân bị bốc hơi, nhất là phân đạm.

- Giai đoạn 60-70 NSS, đây là giai đoạn lúa trổ do vậy cần giữ mực nước trong ruộng cao 3-5 cm liên tục trong vòng khoảng 10 ngày để đủ nước cho cây lúa trổ, vì có nước trong ruộng sẽ tạo cho nhiệt độ trong ruộng không quá nóng, cây lúa thụ phấn dễ dàng, hạt lúa không bị lép hay lửng.

- Giai đoạn 70 NSS đến thu hoạch, đây là giai đoạn lúa ngậm sữa - chắc xanh và chín, chỉ cần giữ mực nước từ bằng mặt đất đến thấp hơn mặt đất 15 cm; và phải “xiết nước” 10 ngày trước khi thu hoạch để mặt ruộng được khô, dễ thu hoạch.

6. Dặm tỉa:

Nên cấy dặm sớm từ 14-18 ngày sau sạ vào những chỗ bị chết hay bị mất cây để đảm bảo mật độ cây trong ruộng lúa được đồng đều.

7. Sử dụng phân bón:

7.1. Quy trình bón phân (lượng phân bón cho 1 ha lúa): Nếu sử dụng phân đơn, có thể áp dụng cách bón như sau:

- Trước sạ: Bón lót phân hữu cơ + 200kg super lân.

- Thúc lần 1 (8-10 ngày sau sạ ): 50kg urê.

- Thúc lần 2 (18-20 ngày sau sạ): 60kg urê.

- Thúc lần 3 (bón đón đòng 35 ngày sau sạ): 50kg KCl + 50 kg urê. Nếu sử dụng phân hỗn hợp, có thể áp dụng cách bón như sau:

- Bón trước sạ: Bón lót phân hữu cơ + 200 kg super lân

- Bón thúc lần 1 (8-10 ngày sau sạ): 120 kg NPK (20-10-10) hoặc 150 kg NPK (16-16-8). - Bón thúc lần 2 (18-20 ngày sau sạ): 140 kg NPK (20-10-10) hoặc 170 kg NPK (16-16-8). - Bón thúc lần 3 ( bón đón đòng 35-40 ngày sau sạ): 50 kg urê.

Lưu ý: Tùy theo chân đất có thể tăng giảm lượng phân cho phù hợp.

7.2. Sử dụng bảng so màu lá lúa để bón phân đạm:

a. Thời điểm tiến hành so màu:

- Bón thúc lần 1: Không cần dùng bảng so màu.

- Bón thúc lần 2: lúc 18-20 ngày sau sạ và sau đó cách 2-3 ngày so lại.

- Bón thúc lần 3: khoảng 35 ngày sau sạ và sau đó cách 2-3 ngày so lại.

b. Cách thực hiện so màu lá lúa:

- Nên so màu vào cùng thời gian trong ngày, có thể từ 8-10 giờ sáng hoặc từ 2-4 giờ chiều.

- Chỉ một người thực hiện việc so màu lá lúa trong suốt vụ lúa.

- Khi so màu lá lúa nên xoay lưng về phía mặt trời để che mát cho lá lúa, dễ thấy màu sắc hơn.

- Chọn khoảng 20 lá lúa (lá cao nhất trong bụi lúa) của 5 điểm khác nhau trên ruộng, đặt phần lá lúa ở khoảng 1/3 đến 2/5 chóp lá lúa lên khung màu trong bảng so màu, ghi nhận số khung màu của từng lá, sau đó tính trị số trung bình của 20 lá được so màu.

- Nếu trị số trung bình ở dưới khung màu chuẩn (khung màu chuẩn là khung số 3 đối với lúa sạ) là thiếu đạm, tiến hành bón đạm theo lượng đã tính.

- Tùy theo điều kiện canh tác từng vụ thực hiện so màu để bón thúc lần 2 và lần 3 có thể sớm hoặc muộn hơn.

8. Bảo vệ thực vật cây lúa đông xuân:

8.1. Rầy nâu:

a. Các biện pháp phòng:

- Sử dụng giống kháng rầy;

- Gieo, cấy lúa vào thời gian có thể né rầy: thường mỗi tháng có một đợt rầy vào đèn rộ kéo dài từ 5-7 ngày; để né rầy thì gieo sạ ngay sau đỉnh cao rầy vào đèn, như vậy lúa non sẽ tránh được rầy trưởng thành truyền bệnh;

- Để bảo vệ cây lúa non, sau khi sạ cấy nên cho nước vào ruộng và tiếp tục duy trì mực nước thích hợp để hạn chế rầy nâu chích hút thân cây lúa.

b. Điều tra phát hiện rầy nâu:

- Từ ngày thứ 5-7 sau khi rầy vào đèn rộ là thời điểm kiểm tra trứng rầy để dự báo tỷ lệ nở, thời gian rầy nở rộ để chuẩn bị diệt trừ.

- Từ ngày thứ 7-10 sau khi rầy vào đèn rộ là bắt đầu có rầy cám, nên kiểm tra đồng ruộng hàng ngày để xác định mật số rầy, thời điểm phòng trừ, biện pháp phòng trừ phù hợp có hiệu quả.

- Từ ngày thứ 13-15 sau khi rầy vào đèn rộ là rầy non xuất hiện rộ và đạt tuổi 2, tuổi 3 (rầy đã chuyển màu nâu) nên tiến hành trừ rầy nếu có mật độ cao.

c. Trừ rầy ruộng nhiễm bệnh VL, LXL:

- Giai đoạn lúa từ sau gieo sạ đến 20 ngày: nếu phát hiện rầy nâu xuất hiện thì phun thuốc trừ rầy.

- Giai đoạn từ sau 20 ngày đến trổ chín: nếu phát hiện rầy ở tuổi 1-3, hoặc rầy trưởng thành chiếm đa số trong ruộng với mật số từ 3 con/dảnh trở lên thì phun thuốc trừ rầy. d. Trừ rầy ruộng không nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá:

- Giai đoạn lúa từ sau gieo sạ đến 20 ngày: nếu phát hiện rầy nâu xuất hiện thì phun thuốc trừ rầy.

- Giai đoạn từ sau 20 ngày đến trổ chín phun thuốc trừ rầy cần dựa vào kết quả phân tích hệ sinh thái ruộng lúa:

* Tỷ lệ rầy nâu/thiên địch: 5-7 rầy/0 thiên địch.

* Tuổi rầy phổ biến: tuổi 2, tuổi 3.

đ. Loại thuốc, liều lượng sử dụng:

- Thuốc trừ rầy Butyl 400 SC: Liều dùng 200ml/ ha (20cc/ 1.000 m2). Nồng độ pha 4-5ml/ bình 8 lít.

- Thuốc Bascide 50ND: Liều dùng 1,5 lít/ ha (150ml/1.000m2). Nồng độ pha 40ml/ bình 8 lít.

- Lượng nước thuốc phun: 400 lít nước/ha khi lúa giai đoạn mạ - đẻ nhánh và 600 lít nước/ha khi lúa giai đoạn trổ.

e. Kỹ thuật:

- Trước khi phun thuốc nếu có điều kiện nên cho nước ngập để rầy di chuyển lên cao, xịt dễ trúng rầy hơn.

- Phun thật kỹ ở phần gốc lúa và nên rẽ hàng với khoảng cách mỗi vạt luá từ 1-2 mét.

8.2. Bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá (VL-LXL):

- Vận động nông dân tích cực xuống giống “ né rầy”.

- Tuyên truyền, vận động nông dân khi làm cỏ bón phân cho lúa nên kết hợp nhổ bỏ cây lúa nhiễm bệnh VL,LXL.

- Phun thuốc trừ rầy nâu tại các ruộng lúa nhiễm nặng bệnh VL, LXL (diện tích có tỷ lệ cây bệnh giai đoạn đẻ nhánh >10% và giai đoạn đòng >20%).

- Bắt buộc tiêu huỷ diện tích nhiễm bệnh VL-LXL với tỉ lệ 30-70% mà xuất hiện rầy nâu.

8.3. Chuột:

Đặc biệt lưu ý các khu đồng ruộng gần vùng đất bỏ hoang là nơi chuột trú ẩn và gia tăng mật số trong quần thể. Phòng trừ chuột ngay từ đầu vụ. Có thể áp dụng các biện pháp như đào hang, dùng bẫy lồng, bẫy sập để bắt chuột hoặc dùng bẫy bả bằng các loại thuốc diệt chuột thông dụng. Không dùng điện để bẫy chuột.

8.4. Sâu cuốn lá nhỏ:

Sâu cuốn lá có thể phát sinh mạnh và gây hại cho lúa đông xuân giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng. Thành phần thiên địch của sâu cuốn lá nhỏ hiện nay rất nhiều trên đồng ruộng, do vậy không nên phun thuốc trong giai đoạn 40 ngày đầu sau sạ. Nhiều loại thuốc hóa học có thể trừ được sâu cuốn lá: Netoxin, Padan, Sherpa, Cyperin…

8.5. Bệnh đạo ôn (cháy lá):

- Dùng giống kháng hoặc giống ít nhiễm bệnh.

- Gieo sạ mật độ vừa phải.

- Bón cân đối phân N, P, K. Không bón quá nhiều đạm. Khi lúa bị bệnh phải ngưng bón đạm và không để ruộng ở tình trạng khô nước.

- Đối với các giống nhiễm cần phun ngừa bệnh đạo ôn cổ bông trước khi lúa trổ để tránh thiệt hại.

- Sử dụng các loại thuốc trừ bệnh đạo ôn thông dụng như Fuji-One, Trizole, Tilt…

8.6. Bệnh đốm vằn:

- Gieo sạ mật độ vừa phải.

- Bón cân đối phân N, P, K, không nên bón quá thừa đạm, quá muộn.

- Trên ruộng thường bị đốm vằn nên tăng cường bón Kali. Nếu phát hiện bệnh phải ngưng bón đạm và phun thuốc trừ bệnh ngay.

- Dùng các loại thuốc: Anvil, Rovral…

8.7. Ốc Bươu vàng:

- Để ngăn ốc vào ruộng lúa, ruộng rau muống, rau nhút có thể dùng bạt nylon vây quanh ruộng mạ hoặc đặt lưới chắn ốc ở các miệng cống.

- Ở những khu vực đang có nhiều ốc nên cấy mạ già và nhiều tép, nếu ruộng sạ thì tăng thêm lượng giống để bù đắp lượng giống do ốc ăn.

- Trên ruộng lúa chủ động được nước cần vét rãnh nhỏ dọc theo dọc bờ và định kỳ tháo cạn nước ruộng, ốc sẽ theo nước di chuyển tập trung vào các rãnh nên có thể bắt ốc dễ dàng.

- Trên các ruộng lúa không chủ động nước có thể dẫn dụ ốc để bắt bằng cách thả những thức ăn ốc thích như lá thân cây đu đủ, lá khoai mì, thầu dầu. …để ốc tập trung lại, thu bắt.

- Cắm những cành cây, que nhỏ trong ruộng cao hơn mặt nước, ốc sẽ tập trung leo lên đẻ trứng trên những que này, thu và tiêu hủy trứng ốc.

- Chỉ sử dụng thuốc trừ ốc ở những vùng không nuôi trồng thuỷ sản và đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật ghi trên nhãn, đặc biệt ruộng phải giữ được mực nước nông từ 3 cm đến 5 cm trong vòng 3 đến 5 ngày sau khi rãi thuốc.

KS. Nguyễn Thị Lệ Thoa (Chi cụC BVTV TPHCM)


Trừ ốc bươu vàng

Biện pháp cơ học :

1.Đặt lưới mắt cáo bằng kim loại, bằng lưới nilon hay bằng tre nứa ở cống, bộng dẫn nước để ngăn chặn ốc lây lan, đồng thời cũng dễ thu gom. Nên đặt lưới sớm ngay từ đầu vụ đến khi thu hoạch.

2.Bắt ốc và thu gom ốc bằng tay. Nên bắt ốc sớm và liên tục từ lúc sạ đến 2, 3 tuần sau, nên bắt lúc sáng sớm hay chiều mát vì lúc này ốc linh hoạt và dễ thấy. Ốc thu gom có thể dùng để ăn hay bán cho các trại nuôi vịt, nuôi cá bè, nuôi tôm… Giá thu mua trung bình 1 kg ốc hiện nay khoảng 500 – 1.000 đồng.

3.Vét rãnh trên ruộng để khi tháo nước, ốc gom xuống rãnh dễ thu gom.

4.Cắm cọc rải rác trên ruộng để ốc lên đẻ rồi thu gom bằng tay.

Biện pháp canh tác:

1.Ở An Giang, nông dân có kinh nghiệm không đưa nước vào ruộng sớm, chỉ giữ ruộng đủ ẩm, để hạn chế OBV di chuyển và gây hại.

2.Giai đoạn chuẩn bị làm đất nếu cày bừa kỹ, cày sâu thì có thể diệt OBV so với không cày. Ở Quảng Trị, sau khi thu hoạch nông dân tiến hành cày lật để hạn chế OBV ở vụ sau, do vào thời điểm sau thu hoạch ốc chưa kịp vùi sâu xuống lớp đất bên dưới.

3.Cho nước vào ruộng sớm (trước khi sạ) để nhử ốc trồi lên, sau đó tiến hành cày diệt ốc.

4.Đốt rơm rạ sau khi thu hoạch cũng góp phần diệt ốc.

5.Bón lót NPK kết hợp với vôi ( 500 kg/ha) để diệt ốc.

6.Cấy mạ già, cấy dầy, tăng lượng giống sạ.

Biện pháp sinh học:

1.Thả vịt ăn ốc: Vừa đỡ tốn kém chi phí thức ăn cho vịt, vừa cải thiện phẩm chất trứng, phân vịt còn bồi dưỡng cho đất. Có thể thả vịt sau khi bừa lần cuối rồi dẫn nước vào ruộng hay thả vịt ngay sau khi thu hoạch, 1.000 m2 chỉ cần thả 20 con vịt giúp làm giảm đáng kể OBV. Ở Thái Lan, chủ ruộng phải trả tiền cho những người nuôi vịt chạy đồng thay vì mua thuốc diệt ốc.

2.Thả cá: Ở những vùng ngập nước và khó rút cạn thì mô hình lúa – cá là biện pháp tốt nhất để làm giảm thiệt hại do OBV. Tùy điều kiện, như ở Cần Thơ thả 3 con/1m2 bề mặt nước các loài cá trê lai, cá chép, cá trắm đen. Kết quả quan sát sau 3 tháng cho thấy mật số ốc giảm 90%.

Biện pháp dùng thuốc thảo mộc :

Có thể sử dụng các loài cây sau:

- Lá cây trúc đào : 30 – 40 kg lá/ha.

- Hạt xoan ta : 20 – 30 kg hạt/ ha.

- Rễ cây thuốc cá : 30 – 40 kg rễ/ha.

Rễ, lá và hạt của các cây trên được phơi khô, nghiền nhỏ rồi rắc đều trên ruộng được giữ ở mức nước 3 – 5 cm.

Dẫn dụ sinh học :

Ở Cambodia nông dân dùng cây xương rồng, chặt thả xuống nước, nhựa cây dẫn dụ ốc làm ốc say, nổi lên mực nước giúp thu nhặt ốc dễ dàng hơn. Ở Việt Nam, nông dân ta dùng cành lá đu đủ, lá thầu dầu, lá mướp, xơ mít, thân lá khoai mì … bỏ xuống nước để dẫn dụ ốc bu đến và sau đó thu gom.

Sử dụng ốc để làm phân bón :

Ở Thái Lan người ta dùng ốc + rỉ đường + rau, quả phế thải để làm phân bón phun lên lá hay tưới vào gốc.

Biện pháp hóa học: Dùng vôi, đồng (CuSO4) và thuốc hóa học theo hướng dẫn của cán bộ BVTV.

(Nguồn tin: NNVN)


 

Hỏi: Cây mãng cầu bị nhiều sâu bệnh phá hoại, xin cho biết cách phòng trừ hiệu quả.

Trả lời: Mãng cầu thích hợp vùng đất thịt pha cát, tầng canh tác dày, chịu khô hạn, nếu tưới đủ nước mùa khô sẽ sai trái. Để đạt năng suất cao, ngoài việc chọn giống, bón phân... phải chú ý sâu bệnh gây hại.

1. Rệp sáp phấn (RSP) chích hút làm lá bị quăn, trái bị chai hoặc rụng và tiết ra mật ngọt, tạo điều kiện nấm bồ hóng phát triển, cây sinh trưởng kém. RSP gây hại nặng vào mùa nắng. Phòng trị: thu hoạch xong, tỉa cành cho thoáng vườn, bỏ cành bị nhiễm. Khi thấy mật số rệp sáp cao, dùng thuốc trừ sâu ít gây hại thiên địch: Dragon 585EC, Sago - Super 20EC, Trebon, Supracide Dimenate 40EC… Phun 2 lần liên tiếp cách nhau 7 - 10 ngày, theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

2. Sâu đục trái: Thành trùng là loài bướm màu nâu xám, cánh trước màu xanh ánh kim loại. Sâu non màu đen, mới nở đã đục trái (ngoài vỏ trái có phân sâu). Phòng trị: Bỏ trái sâu, dùng thuốc Sherzol EC:pha 20 ml/bình 8 lít nước phun khi trái cỡ ngón út, hoặc các loại thuốc trừ sâu: Secsaigon 25EC, Vovinam 2,5 EC, Fenbis 25 EC, Trebon…. Phun kỹ vào trái, không phun tràn lan cả vườn.

3. Bọ vòi voi gây hại bông mãng cầu: Con trưởng thành là bọ cánh cứng màu nâu lợt, đầu kéo dài ra trước tựa như vòi. Con cái đẻ trứng vào vết đục trên cánh hoa mãng cầu. Thành trùng và ấu trùng đều ăn, đục phá cánh hoa, hoa bị đen và khô. Phòng trừ: dùng thuốc trừ sâu có tính xông hơi mạnh nhằm đuổi con trưởng thành và diệt ấu trùng: Dragon 585EC: 10ml/bình 8 lít (l) nước. Sago - Super 20 EC 35ml/bình 8l nước. Pyrinex 20 EC 40ml/bình 8l. Phun lúc cây trổ hoa và xuất hiện bọ vòi voi.

4. Bệnh thán thư: Là bệnh nguy hiểm nhất, hại cả lá, ngọn, hoa và quả, tạo các đốm nâu hình tròn, viền vàng, lâu hóa thành các vòng đen đồng tâm chứa các bào tử nấm. Trên ngọn, bệnh làm khô búp, hoa và quả non bị bệnh thì khô đen và rụng, quả lớn bị khô đen một phần. Phòng trị: phun ngừa khi trái nhỏ đến trước thu hoạch 10 ngày và định kỳ nửa tháng/lần, sử dụng thuốc: Bendazol 50 WP 25g/8l. Carbenzim 500FL 15ml/8l. Hexin 5 SC 15 - 20ml/8l. Lunasa 25 EC 5ml/8l.

5. Bệnh thối rễ: Do nấm Fusarium Solani, cây sinh trưởng kém, lá vàng và rụng, quả ít và nhỏ. Nấm Fusarium Solani sống trong đất phá hại bộ rễ, hạn chế sự hấp thu nước và chất dinh dưỡng cung cấp cho cây. Bị hại nặng lâu ngày bộ rễ bị hư hại làm cây bị chết. Phòng trị: Không để vườn đọng nước mưa. Sử dụng Alpine 80WDG phun ít nhất 3 lần vào đầu, giữa và cuối mùa mưa (thuốc lưu dẫn tốt để giữ bộ rễ). Hàng năm dùng thuốc Bordeaux hoặc các loại thuốc gốc đồng tưới vào gốc 2 - 3 lần, bón thêm vội vào xung quanh gốc.

KS Võ Thiên Thanh, 7/2008

 


Hỏi: Sầu riêng thường xảy ra hiện tượng thối trái, thối thân, chảy nhựa vào mùa mưa. Xin cho biết cách phòng trị?

Trả lời: Sầu riêng (Durio zibethinus Murr) thuộc họ gòn (Bombaceae) là loại cây gỗ cao 15-20m, được trồng từ hạt hay ghép, có thể sinh trưởng và phát triển trên nhiều loại đất khác nhau, nhưng thích hợp nhất là đất có tầng canh tác sâu, dễ thoát nước. Không trồng sầu riêng trên đất sét nặng, vì rễ sầu riêng rất mẩn cảm với nước ngập, dễ bị bệnh.

Do vậy trong mùa mưa, nhất là những tháng mưa nhiều, đất ẩm lâu cần phải có phương pháp phòng trừ bệnh hiệu quả nhằm bảo vệ cây sầu riêng. Một số phương pháp phòng trị sâu bệnh quan trọng thường gặp:

- Các loại sâu bệnh hại: Sâu đục quả gây hại từ lúc trái non đến chín. Sâu non đục vào đến lớp cơm, ảnh hưởng đến chất lượng trái và nấm bệnh xâm nhập vào trái. Cần thu dọn trái bị hại đem tiêu hủy; khi thấy sâu trưởng thành xuất hiện, phun thuốc Diaphos 50EC, pha 20-30cc/bình 8 lít nước hoặc SecSaigon 25EC (nhãn xanh) pha 20-25 cc/bình 8 lít nước. Phun lặp lại trong thời gian quả đang lớn.

- Bệnh thối gốc chảy nhựa (Phythopthora palmivora): Là bệnh hại thường gặp trong mùa mưa, tấn công toàn thân và rễ gần mặt đất, lây nhiễm lên trên và cả trái. Bệnh làm vỏ cây bị hóa nâu, sau thối và chảy nhựa. Bệnh nhẹ làm vàng lá, nặng làm chết cả cây. Phòng trị: Cạo sạch vết bệnh, dùng Mexyl MZ 72WP pha nồng độ 30g/lít nước quét lên vết bệnh. Dùng Alpine 80WDG phun toàn bộ cây. Pha với nồng độ 25-30gr/8 lít nước .

- Bệnh thối rễ (Pythium complectens): Bệnh mới bắt đầu, cây có triệu chứng sinh trưởng kém, sau đó lá nhỏ lại, biến vàng và rụng. Hiện tượng rụng lá từ trên ngọn xuống các lá dưới, cây bị nặng ngọn cây trụi lá, khô cành. Lâu ngày dẫn đến cây chết. Dùng Copforce Blue 51 WP phun toàn bộ cây.

Chú ý: Sản phẩm trên có vai trò rất quan trọng đối với việc phòng trị bệnh hại sầu riêng. Khi sử dụng không pha chung mà nên phun luân phiên, thời gian phun thuốc ít nhất 2 lần/6 tháng mùa mưa.

Dinh dưỡng: Vấn đề dinh dưỡng có vai trò quan trọng đến sự tăng cường sức đề kháng của cây, nhất là việc bổ sung các nguyên tố trung lượng, vi lượng mà trong quá trình chăm sóc, bón phân còn thiếu. Nên bổ sung bằng loại phân bón lá cao cấp Polyfeed 15.15.30 cho cây, bổ sung Calcium Nitrate để hạn chế hiện tượng múi bị sượng. 

KS Bùi Khánh Trường, 9/2007

 

 

 

 

 

Trồng trọt mùa mưa, bão, lũ

 

 

 

 

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang