• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trồng trọt

Phòng chống bệnh chổi rồng, phục hồi vườn nhãn

Tiến bộ mới trong việc phòng chống bệnh chổi rồng, phục hồi vườn nhãn tại Đồng bằng sông Cửu Long

Theo Tiến sĩ Hồ Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay, Trung tâm đang khuyến khích nông dân áp dụng những tiến bộ khoa học mới trong việc phòng chống bệnh chổi rồng, phục hồi vườn nhãn bị bệnh tại Đồng bằng sông Cửu Long, giúp bà con nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Đáng chú ý, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam đạt được kết quả khảo nghiệm "Đánh giá hiệu quả của phân bón lá Risopla II và Risopla V đến khả năng hồi phục cây nhãn bị bệnh chổi rồng", thực hiện trên vườn nhãn tỉnh Tiền Giang trong năm 2013 với 3 đối tượng: nhãn tiêu huế 10 năm tuổi, nhãn tiêu huế 12 năm tuổi và nhãn tiêu huế 14 năm tuổi. Kết quả mang lại khả quan. Khi phun Risopla II ở hai thời điểm sau khi cắt cành và phun trên lá cơi đọt I và cơi đọt 2 hoặc phun giai đoạn lá non cơi đọt 1 và cơi đọt 2 đều có khả năng hạn chế bệnh chổi rồng. Ngoài ra, khi phun Risopla II ba lần vào thời điểm nhú hoa, 7 ngày và 14 ngày sau khi nhú hoa còn giúp gia tăng chiều dài phát hoa và tăng số trái trên phát hoa. Riêng đối với rải Risopla V vào gốc không gây ngộ độc cho cây nhãn.

Tiến sĩ Hồ Văn Chiến cho biết, trước khi có quy trình quản lý bệnh chổi rồng chính thức trên nhãn, bà con có thể sử dụng chế phẩm Risopla II và Risopla V hạn chế bệnh chổi rồng trên nhãn bằng cách phối trộn chế phẩm Risopla V với phân hóa học để bón vào đất, phun Risopla II sau khi cắt cành, đồng thời phun chế phẩm Risopla II ba lần vào thời điểm nhú hoa và sau khi nhú hoa như trên nhằm tăng năng suất nhãn. Trước mắt, từ kết quả khảo nghiệm tốt như trên, khuyến khích nhà vườn áp dụng, phòng chống bệnh chổi rồng hiệu quả và phục hồi vườn nhãn để tăng nguồn nông sản xuất khẩu, tăng lợi nhuận, ổn định cuộc sống cho bà con.

Bệnh chổi rồng do nhện lông nhung môi giới truyền bệnh đã phát thành dịch và gây thiệt hại nặng trên diện rộng cho các vườn nhãn Đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn từ 2009 đến nay. Toàn vùng đã có 7 tỉnh công bố dịch với diện tích nhiễm trên 29.000 ha. Với việc khảo nghiệm thành công "Đánh giá hiệu quả của phân bón lá Risopla II và Risopla V đến khả năng hồi phục cây nhãn bị bệnh chổi rồng" đã thêm sự chọn lựa giải pháp phù hợp để phòng chống, phục hồi vườn nhãn bị bệnh chổi rồng cho nhà vườn.

Văn Kỳ Thanh - Tiền Giang, 12/2013

 

Bệnh chổi rồng

Tại huyện Châu Thành (Hậu Giang), một số nhà vườn bước đầu thành công với phương pháp “phòng trừ tổng hợp”, hiệu quả đạt từ 80-90% chổi rồng gây hại trên cây nhãn.

Ông Nguyễn Văn Nam, ở ấp Phước Hòa, xã Đông Phước A là một trong những hộ nghiên cứu và áp dụng thành công phương pháp phòng trừ tổng hợp trên cây nhãn.

Ông Nam cho biết: “Chổi rồng được xác định do nhện lông nhung làm tác nhân truyền bệnh nên người dân tìm mọi cách để tiêu diệt loài dịch hại nguy hiểm này. Ban đầu, do không nắm được phương pháp nên khó tiêu diệt và mức độ ảnh hưởng ngày càng nhiều. Đã có nhiều nông dân đốn nhãn để chuyển qua trồng cam sành. Gần đây các nhà vườn đã tham khảo và chọn cách phòng trừ nhện lông nhung bằng phương pháp tổng hợp theo gợi ý của các nhà khoa học và bước đầu mang lại kết quả khả quan”. 

Theo ông Nam, sau khi phát hiện nhãn nhiễm bệnh, nhà vườn tiến hành cưa bỏ tất cả các cành trong vườn, sau đó đem đi thiêu hủy để diệt mầm bệnh. Khoảng 3-4 ngày sau, khi chồi non vừa nhú lên, bà con sẽ phun một số loại thuốc trừ sâu, bọ trĩ, nhện… để bảo vệ chồi tránh nhện tấn công, cách một tuần tiếp tục phun lần hai và phun thêm một lần cuối ở tuần kế tiếp. Khi lá nhãn đã già thì khả năng tấn công của nhện lông nhung sẽ hạn chế. Bên cạnh việc quản lý chồi non, các nhà vườn cần chú ý về chế độ bón phân cân đối và luôn tạo độ ẩm cho cây để tăng tính đề kháng. Thường xuyên vệ sinh thân nhãn nhằm tạo sự thông thoáng và hạn chế nhện ẩn núp. Việc phun xịt phải thực hiện đồng loạt và luân phiên thay đổi thuốc nhằm tránh hiện tượng kháng thuốc. 

Sau thời gian áp dụng phương pháp phòng trừ tổng hợp nhện lông nhung, vườn nhãn của ông và nhiều người dân nơi đây dần hồi phục trở lại từ 80-90% so với ban đầu.

Ông Nam bộc bạch: “Mặc dù không được như ban đầu, nhưng đây cũng là tín hiệu đáng mừng, giúp cho các nhà vườn trồng nhãn cảm thấy an tâm vì có được nguồn thu nhập”. Với 5 công nhãn đang cho trái, ông Nam ước tính năng suất vụ này đạt trên 9 tấn khi thu hoạch.

Anh Trần Văn Đức, cán bộ khuyến nông xã Đông Phước A, cho biết: Để phòng trừ nhện lông nhung thành công bằng phương pháp tổng hợp đòi hỏi các nhà vườn phải đồng loạt thực hiện thì mới dập tắt được dịch. Nếu chỉ một vài hộ thực hiện thì chỉ phòng trừ được một mùa, các vụ sau phải tiến hành làm lại do các cây xung quanh đã lây lan nên tốn nhiều chi phí. Ngành nông nghiệp địa phương đang phổ biến và vận động người dân đồng loạt áp dụng phương pháp này nhằm đem lại kết quả cao. Nếu vào thời điểm bùng phát dịch (năm 2011), toàn xã có 98ha vườn nhãn bị nhiễm bệnh, thì sau thời gian ngắn áp dụng phương pháp mới, tỷ lệ đã giảm trên 50%.

Tuy nhiên, điều khó khăn của các nhà vườn là chi phí thuê nhân công cắt cành quá lớn, bình quân 1ha người dân phải trả từ 10-12 triệu đồng. Anh Trần Văn Sơn, ở cùng ấp Phước Hòa, cho hay: “Mấy mùa liên tiếp, nhãn của gia đình không cho trái vì bệnh chổi rồng nên cuộc sống gặp khó khăn. Khi được các nhà vườn đi trước hướng dẫn biện pháp phòng trừ, gia đình cũng áp dụng theo, nhưng chỉ thực hiện được 2/4 công nhãn vì không có tiền thuê nhân công cưa cành”. Sau thời gian áp dụng, hiện 2 công nhãn của anh đã khôi phục lại khoảng 80% và đang cho trái tốt, anh đang dự định sẽ áp dụng phương pháp này cho 2 công còn lại vào mùa sau.

HỮU PHƯỚC, Báo Hậu Giang, 16/04/2012

www.vietlinh.vn

 

Diệt nhện lông nhung trị bệnh “chổi rồng” trên nhãn

Theo Sở Nông nghiệp - PTNT, nhằm xác định tác nhân và các yếu tố liên quan gây bệnh “chổi rồng” để có biện pháp phòng trị hiệu quả, giúp người trồng nhãn giảm thiệt hại, dưới sự hỗ trợ của Viện Cây ăn quả miền Nam, từ giữa năm 2009, Chi cục Bảo vệ thực vật Vĩnh Long đã triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu bệnh chổi rồng trên cây nhãn và đề xuất biện pháp phòng trị”.

Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy: Nhện lông nhung có thể là tác nhân gây bệnh “chổi rồng” trên nhãn và cũng rất có thể là trung gian truyền bệnh của một loại virus nào đó chưa được báo cáo trước đây. Các giống nhãn thường mắc bệnh này như nhãn tiêu da bò, Idor, chưa thấy bệnh xuất hiện trên giống nhãn long, xuồng cơm vàng. Bệnh thường xuất hiện và gây hại trên những vườn nhãn thiếu chăm sóc.

Để quản lý bệnh “chổi rồng” trên cây nhãn, tạm thời áp dụng các biện pháp tổng hợp về giống, về canh tác và bằng thuốc hóa học. Trước hết, nên sử dụng giống nhãn xuồng cơm vàng có giá trị thương phẩm cao, chống chịu tốt bệnh này để trồng hay ghép đổi giống lên giống nhãn tiêu da bò đang nhiễm nặng, đặc biệt là các vùng có bệnh có mật độ cao. Vật liệu nhân giống phải sạch bệnh, tuyệt đối không sử dụng giống (nhánh chiết, mắt ghép) từ những cây và những vườn có triệu chứng “chổi rồng”, mà chỉ sử dụng giống sạch bệnh làm vật liệu nhân giống, tránh vận chuyển các vật liệu nhãn xuất xứ từ những khu vực bị nhiễm bệnh hoặc không rõ ràng sang khu vực khác. Trong canh tác, thực hiện tưới phun nước đẫm ướt lên tán cây. Biện pháp này cũng làm hạn chế tốt mật số nhện lông nhung và các côn trùng chích hút trên tán cây. Bón phân cân đối, tránh bón nhiều đạm làm lá phát triển nhiều dễ tạo điều kiện tốt cho nhện lông nhung phát triển dẫn đến bệnh nhiều và nặng hơn. Nên xử lý ra hoa đồng loạt để phun thuốc bảo vệ tốt hơn.

Sau thu hoạch tiến hành cắt tỉa, loại bỏ cành kém hiệu quả, giúp cây thông thoáng và ra chồi lá mới sẽ cho năng suất cao hơn trong vụ kế tiếp, vừa loại bỏ được mầm bệnh, nhất là nhện cư trú trên lá non, lá già. Riêng những cành, lá có triệu chứng “chổi rồng”, tiến hành cắt tỉa hết cành, nhánh, phát hoa, chồi ngọn và cây con bị nhiễm bệnh, chú ý cắt tỉa dưới vị trí có triệu chứng nhiễm bệnh trên 50 cm hoặc tỉa toàn bộ nhánh nhỏ để tạo tán lại. Nên tỉa và tiêu hủy đồng loạt trên toàn khu vực nhiễm bệnh. Sau đó tiếp tục khống chế quần thể nhện lông nhung bằng biện pháp hóa học để bảo vệ các đợt lá non và tiếp tục cắt chồi bệnh nếu thấy triệu chứng bệnh xuất hiện trở lại. Biện pháp này nên thực hiện triệt để và thường xuyên. Nên phối hợp một số loại thuốc hơn là phun đơn lẻ từng loại thuốc để phun thuốc trừ nhện, như phối hợp giữa Cypermethrin với dầu khoáng DC Tron Plus hoặc SK Enpray 99 hay thuốc gốc Diafenthiuron (Pegasus 500SC) với dầu khoáng. Cũng có thể sử dụng thuốc trừ nhện gốc lưu huỳnh (Kumulus) để phòng trừ nhện. Nên luân phiên các loại thuốc có gốc thuốc khác nhau để tránh tính kháng thuốc của nhện. Trong vùng có bệnh mật độ cao hay vùng có tiền sử nhiễm bệnh, nên tiến hành phun thuốc trừ nhện và những côn trùng khác vào giai đoạn ra lá, đọt non hoặc lúc chuẩn bị tượng hoa. Phun thuốc định kỳ từ khi nhú đọt non đến khi lá lụa chuyển từ màu nâu đỏ sang màu xanh đọt chuối.

MỸ TRUNG - Báo Vĩnh Long, 20/07/2010

www.vietlinh.vn

 

 

 

 

Trồng trọt mùa mưa, bão, lũ

 

 

 

 

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang