Ốc bươu vàng là một trong những đối tượng dịch hại nguy hiểm, rất khó phòng trừ. Hiện nay, đa số nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để diệt ốc. Tuy nhiên, phương pháp này sẽ để lại hậu quả khó lường, nếu không sử dụng đúng cách.
Ốc bưu vàng đẻ trứng trên các nhánh lúa
Đại dịch trên ruộng đồng
Thời điểm này, hầu hết diện tích lúa đã đẻ nhánh, làm đòng. Tuy nhiên, nhiều hộ dân phải dặm lại một số diện tích lúa bị ốc bươu vàng cắn phá. Tại huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế hơn 80ha lúa bị ốc bươu vàng phá hại nặng, tập trung ở các xã Quảng Vinh, Quảng Phước, thị trấn Sịa…
Trước sự “xâm nhập” của ốc bươu vàng, hầu hết người dân ở các địa phương đều dùng thuốc để diệt ốc. Bà Vương Thị Đào (thị trấn Sịa) cho biết: “Tui làm 4 sào ruộng, khoảng 2 ngày sau khi làm đất, gieo sạ, tui bơm thuốc diệt cỏ khô rồi dùng thuốc bảo vệ thực vật diệt ốc bươu vàng. Ốc xuất hiện nhiều ở thời điểm tháo nước vào đồng ruộng. Trứng ốc theo nguồn nước chảy vào, sinh sôi, cắn phá những chồi non của lúa mới gieo. Có hai cách diệt ốc, đó là trộn thuốc vào phân bón và phun thuốc trực tiếp lên đồng ruộng. Nếu bắt thủ công, mỗi ngày bắt vài bao, nhiều quá không bắt hết nên phải dùng thuốc. Bơm thuốc xuống, ốc chết ngay lập tức. Không chỉ ốc, các loài cá, cua ở đồng cũng chết theo”.
Theo nhiều nông dân ở huyện Quảng Điền, so với các năm trước, vụ mùa năm nay ốc bươu vàng xuất hiện gấp nhiều lần. Nhiều diện tích lúa của bà con bị phá hoại nghiêm trọng.
Ông Hoàng Vọng, Phó Trưởng phòng NN &PTNT huyện Quảng Điền cho biết: “Sau trận mưa gần cuối tháng 6, ốc bươu vàng xuất hiện dày đặc gây hại mùa màng. Ốc quá nhiều nên bà con thường dùng các loại thuốc như milax, mapponos, tunxai, viniclorua… để diệt. Bây giờ nếu không có biện pháp phòng trừ hữu hiệu, nhiều khả năng ốc bươu vàng sẽ trở thành đại dịch trên đồng ruộng vào năm sau”.
Cần có phương pháp canh tác hợp lý
Ốc bươu vàng sống dưới nước lẫn trên cạn. Chúng có thể sống nhiều tháng trong điều kiện khô hạn bằng cách đóng nắp và vùi sâu trong đất. Khi gặp nước, chỉ sau thời gian ngắn, ốc hoạt động trở lại bình thường. Chúng có thể tồn tại trong môi trường ô nhiễm, thiếu oxy nhờ có ống thở. Loài sinh vật này có tốc độ sinh sản rất nhanh; đẻ trứng thành từng ổ, mỗi ổ từ 200 - 300 trứng trong khoảng 3 giờ. Để tiêu diệt ốc tận gốc, đa số bà con đều chọn cách sử dụng các loại thuốc có độc tính cao. “Thuốc diệt ốc thuộc nhóm độc loại 2, sau khi phun, thuốc sẽ trực tiếp ngấm vào đất, gây hại trực tiếp đến các sinh vật; môi trường nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, ông Vọng cho biết.
Hiện nay, khắp tất cả các đồng ruộng đều có hệ thống kênh mương, dẫn nước ra các ao hồ, thậm chí các vùng nuôi trồng thủy sản. Việc sử dụng thuốc diệt ốc tác động không nhỏ đến môi trường nước. “Thuốc diệt ốc là hóa chất cực độc. Vừa qua, tôm tại huyện Quảng Điền bị chết hàng loại, nguyên nhân là do ô nhiễm nguồn nước. Việc sử dụng thuốc diệt ốc có thể là một tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước tại các khu nuôi trồng thủy sản”, ông Vọng nhìn nhận.
“Nhiều bà con muốn diệt sạch ốc nên dùng thuốc quá mức cho phép trong khi quy định chỉ sử dụng khoảng 500 g/sào. Nguyên tắc khi sử dụng thuốc diệt ốc, bà con phải cắm bảng thông báo ngay tại ruộng, để không cho gia súc, gia cầm tiếp cận khu vực này, song hầu như bà con không thực hiện. Sử dụng thuốc diệt ốc không đúng cách chắc chắn ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng đến kết cấu của đất, hạn chế sinh trưởng của các loại sinh vật khác”, ông Cái Văn Thám, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & BVTV tỉnh cho biết.
Ngoài sử dụng thuốc độc, hiện nay chưa có một biện pháp thực sự hữu hiệu nào để diệt trừ ốc. Các cơ quan chức năng cũng khuyến cáo bà con nông dân hạn chế tối đa sử dụng hóa chất để diệt trừ loài sinh vật gây hại này. Theo ông Hoàng Vọng, để phòng trừ ốc bươu vàng, nông dân cần thực hiện tốt các phương pháp canh tác nhằm hạn chế môi trường sống của ốc. “Ôc bươu vàng chỉ phá hại lúa trong điều kiện môi trường có trũng nước (nước đọng 1cm trở lên) do vậy làm đất kỹ bằng phẳng, tránh chỗ trũng nước. Đây là biện pháp hữu hiệu nhất và không gây ô nhiễm môi trường. Bà con nên bắt ốc và ổ trứng bằng tay vào buổi tối hoặc buổi sáng sớm; đánh rãnh thoát nước cách nhau 10 - 15m, để ốc bươu vàng tập trung vào rãnh, sau đó thu gom bằng tay hay xử lý thuốc diệt ốc thuận tiện hơn”, ông Vọng chia sẻ.
Ông Nguyễn Ngọc Diễn, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết, thời gian qua, Chi cục đã tổ chức các đợt kiểm tra định kỳ và đột xuất các nhà hàng, quán ăn bán ốc bươu vàng. Thông thường các cửa hàng nhập ốc sống, ngâm qua một đêm mới chế biến thành món ăn. “Ốc bươu vàng có hàm lượng đạm cao, nếu bị chết sẽ bốc mùi thối, người sử dụng dễ dàng phát hiện. Nếu sử dụng ốc chết vì hóa chất sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. “Theo ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, muốn đánh giá được mức độ nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe khi sử dụng ốc bươu vàng bị chết do hóa chất cần phải lấy mẫu để kiểm tra, phân tích các loại chất tồn dư và xác định các loại chất đó có ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng hay không.
Ông Cái Văn Thám cho hay: “Lâu nay, chúng tôi chưa phát hiện trường hợp bà con dùng thuốc nằm ngoài danh mục cho phép nhưng bà con thường lạm dụng hóa chất để diệt ốc, làm suy giảm các loài thủy sinh có ích. Thuốc diệt ốc càng đắt thì độc tính càng cao. Bà con cần sử dụng một cách hợp lý để các chất độc này có thời gian phân hủy, hạn chế tác động xấu đến môi trường. Cách phòng trừ ốc an toàn nhất là nông dân phải thường xuyên thăm đồng và có phương pháp canh tác hợp lý, nên bắt ốc bằng thủ công”.
LÊ THỌ - Báo Thừa Thiên Huế, 06/07/2016
Nhấn vào đây để xem thông tin chuyên mục Bác sĩ cây trồng
- Kỹ thuật trồng cây ăn trái, rau màu, cây dược liệu và các loại cây khác
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.