• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trồng trọt

Kỹ thuật trồng bòn bon, phòng trừ sâu bệnh hại bòn bon

Phòng trừ sâu bệnh gây hại bòn bon

Bòn bon là loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Hơn nữa, đây là loại cây chịu bóng râm nên thường được trồng xen trong các vườn sầu riêng, măng cụt. Hiện nay, giống bòn bon Thái có chất lượng ngon, ngọt, ít hạt được trồng khá nhiều. Mặc dù bòn bon ít sâu bệnh, song hiện các vườn bòn bon Thái và bòn bon địa phương đang xuất hiện bệnh thối trái và sâu cạp vỏ trái ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và chất lượng trái.

Sâu cạp vỏ trái

Sâu cạp vỏ trái (Tirathaba  ruptilinea) thuộc họ Pyralidae, bộ Lepidoptera.  Sâu gây hại chủ yếu giai đoạn bòn bon mang trái. Thành trùng là một loài bướm màu xám, rìa cánh có vảy màu vàng nhạt, thân dài 10 - 11mm, sải cánh rộng 23 - 25mm. Ấu trùng tuổi nhỏ màu nâu nhạt, tuổi lớn chuyển màu nâu đen, đẩy sức dài khoảng 25mm. Sâu thường gây hại từ giai đoạn trái gần chín sắp thu hoạch. Sâu sống bên trong chùm trái, trú ẩn trong những khe của chùm. Nhận diện sự xuất hiện của sâu khi thấy phân chúng thải ra ngoài. Sâu không chỉ cạp vỏ trái mà còn ăn phần cuống trái làm trái bị khô và rụng, sâu tuổi lớn chúng ăn cả phần thịt trái. Trong mỗi chùm trái thường có từ 1 - 3 con sâu. Loài này gây hại cả trên giống bòn bòn địa phương và bòn bon Thái.

Để phòng trừ sâu cạp vỏ trái nên vệ sinh vườn cho thông thoáng; thăm vườn thường xuyên, nhất là giai đoạn mang trái, quan sát kỹ trong những chùm trái để phát hiện sâu; có thể sử dụng dầu khoáng SK 99 hoặc thuốc trừ sâu sinh học từ vi khuẩn Bacillus thuringiensis (viết tắt là Bt) phun thật kỹ trên những chùm trái vì chúng ẩn nấp bên trong.

Bệnh thối trái

Bệnh thối trái khá phổ biến trên bòn bon. Bệnh do nấm Phytophthora  palmivora gây ra. Chúng thường gây hại trên trái, lá, ít gây hại thân. Bệnh tấn công trên lá, làm lá bị cháy thành từng mảng. Nông dân quan tâm nhất là nấm gây hại trên trái, làm trái bị thối hàng loạt. Triệu chứng đầu tiên có vài chấm nhỏ màu nâu đen trên trái. Sau đó, vết bệnh phát triển lan rộng ra đôi khi thối cả trái và ăn sâu vào thịt trái, làm thịt trái bị nhũn chảy nước, có mùi hôi chua. Khi cây bòn bon nhiễm bệnh sẽ lây lan rất nhanh từ trái này sang trái kia, nhiều khi cả chùm trái đều bị thối trong thời gian rất ngắn. Bệnh làm trái thối hư và rụng sớm. Bệnh thường gây hại ở giai đoạn trái lớn và cả trái bòn bon sau thu hoạch.

Trong mùa mưa, thời tiết nóng, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát sinh và phát triển. Từ các vết bệnh ban đầu sẽ lây lan rất nhanh trong điều kiện có gió, mưa. Nguồn nước tưới trong vườn cũng là yếu tố làm cho nấm phát tán, lây lan.

Để phòng trừ bệnh thối trái trên bòn bon, nông dân cần vệ sinh vườn cây cho thông thoáng, trồng xen với mật độ hợp lý; thu gom những trái bệnh đem tiêu hủy. Khi phát hiện vườn bòn bon xuất hiện bệnh thối trái không nên sử dụng máy phun tưới nước lên tán cây sẽ tạo điều kiện mầm bệnh phát tán và lây lan. Phát hiện bệnh mới chớm phun các loại thuốc hóa học có hoạt chất Metalaxyl, Fosetyl Aluminium…

Chú ý: sâu cạp vỏ và bệnh thối trái thường xuất hiện trễ vào giai đoạn trái lớn nên khi phun thuốc cần chú ý đảm bảo đúng thời gian cách ly để không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Huỳnh Hữu Đoàn - Khoa học phổ thông, 28/09/2018

 

Lưu ý khi trồng bòn bon

Bòn bon (Lansium domesticum) có nguồn gốc từ vùng Tây Mã Lai, là dạng cây trung bình, mọc thẳng đứng cao khoảng 10-15 mét. Bòn bon cho trái kết chùm ở thân và cành, đây là loại cây ưa mát, ưa bóng râm do đó khi trồng nên trồng xen với cây ăn quả khác như măng cụt, chuối, sầu riêng, chôm chôm…

Cây bòn bon ghép 2 tuổi được trồng trong hố kích thước khoảng 60 x 60 x 60 cm. Trong 1 hố trộn thêm 10kg phân hữu cơ hay phân chuồng hoai, sau đó tưới đẫm nước vào hố. Tùy theo từng vùng sinh thái mà chuẩn bị hố trồng khác nhau và hố phải chuẩn bị trước khi trồng cây 20 ngày. Khi bón phân chuồng hoai, ta có thể trộn chung với 250g chế phẩm nấm Vi - ĐK (Trichoderma)/hố, loại nấm Trichoderma phát triển được trong đất sẽ hạn chế được các nấm gây bệnh thối rễ cây con của bòn bon cũng những cây ăn quả khác trong vườn.

Khi cây bắt đầu cho ra quả (khoảng năm thứ 10) thì cần tăng lượng phân bón NPK, sau đó bón ổn định làm 2 lần, một lần trước khi ra hoa và lần hai sau khi kết quả. Vào giai đoạn cho quả cũng có nhiều sâu bệnh quan trọng như thán thư trái, sâu đục quả nhện đỏ và rệp sáp. Tuy nhiên xử lý rệp sáp trên bòn bon rất khó bởi vì cây cho trái mọc thành chùm rất nhiều quả, rệp sáp lại thường sinh sôi ở những kẽ trái mà khi phun thuốc thường ít hiệu quả, khi đó bà con lại càng phun thuốc nhiều lần sẽ làm cho môi trường càng ô nhiễm và không an toàn cho người sử dụng, không đáp ứng được qui trình VIETGAP.

Khi rệp sáp sinh sôi nhiều trên chùm trái còn kéo theo nấm mồ hóng (muội đèn), làm giảm giá trị thương phẩm và người tiêu dùng cũng ngần ngại khi chọn mua sản phẩm. Do đó khi cây bắt đầu cho trái, chúng ta thường xuyên theo dõi vườn.

- Ghi chú ngày ra hoa (từ khi ra hoa đến thu hoạch khoảng 3 tháng), ngày đậu trái.

- Ghi chú ngày phát hiện ra rệp sáp trong vườn.

- Ghi chú vị trí rệp sáp xuất hiện ở cơ quan nào trên cây (gốc, thân, cành, lá, trái).

- Nếu đã xuất hiện rệp sáp thì nên phun thuốc ngay, nhất là khi trái chưa đủ lớn để giao tiếp nhau lúc này phun thuốc rất dễ tiếp xúc với rệp sáp do đó hiệu quả thuốc sẽ nâng cao, hạn chế được việc phun thuốc kéo dài về sau.

- Ghi rõ tên hoạt chất thuốc, tên thương mại và ngày phun thuốc, cũng như lượng thuốc đã dùng.

- Theo dõi và ghi lại ngày rệp sáp bắt đầu chết, ngày nào rệp tái xuất hiện và cần phải xử lý lại.

- Thuốc trừ rệp sáp cây ăn trái có thể sử dụng: VIDIFEN 40 EC, VITHOXAM 350SC… khi phun thuốc nên chỉnh vòi phun mịn đảm bảo thuốc thấm đều trên cây.

- Khi phun cần phải lưu ý thời gian cách ly. Ví dụ thời gian cách ly của VITHOXAM 350SC là 7 ngày nhưng 6 - 7 ngày nữa cũng là ngày thu hoạch, vậy chúng ta không nên phun thuốc thêm nữa dù có rệp sáp phát sinh.

- Lưu ý khi thu hoạch tránh xây xát để vỏ trái không bị thâm đen.

KS. PHẠM MINH TÂM - KS. VÕ NGỌC TRÂN - Nông nghiệp VN, 19/07/2010

www.vietlinh.vn

 

 

 

 

Trồng trọt mùa mưa, bão, lũ

 

 

 

 

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang