• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trồng trọt

Lưu ý khi ca cao bị ảnh hưởng hạn - mặn

Ca cao là một trong những cây trồng xen mang lại hiệu quả kinh tế cao, sản phẩm từ ca cao được tiêu thụ ngày một tăng ở trong và ngoài nước.

Trong thời gian gần đây, việc trồng ca cao trong tỉnh đang có chiều hướng phát triển mạnh tại Châu Thành, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm và có xu hướng phát triển mở rộng ra ở các huyện: Thạnh Phú, Chợ Lách, Bình Đại, Ba Tri… Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên diễn biến của hạn - mặn, cũng như tác động của nó đối với cây trồng có phần phức tạp, trầm trọng hơn.

Vì vậy, việc vận dụng các giải pháp nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của hạn - mặn, duy trì khả năng sinh trưởng phát triển cây trồng trong thời điểm này và đảm bảo sự phục hồi nhằm đạt được năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm.

Từ các mô hình khuyến nông đã thực hiện thành công trong những năm qua cũng như một số kinh nghiệm thực tế mà nông dân đã áp dụng có hiệu quả, chúng tôi khuyến cáo một số giải pháp kỹ thuật như sau:

+ Điều chỉnh thời điểm thu hoạch: Ca cao từ khi trổ hoa đến chín thường kéo dài 5-6 tháng. Vì vậy, việc chăm sóc để cây ra hoa, đậu trái tập trung vào đầu mùa mưa khi cây đã phục hồi sau thời kỳ bị ảnh hưởng lợ trong mùa nắng là cần thiết. Hạn chế tối đa việc ra hoa tập trung vào thời điểm trước và trong lúc nước bị nhiễm mặn vì năng suất, chất lượng trái bị giảm và cây dễ bị suy kiệt. Cần mạnh dạn loại bỏ bớt trái non trong lúc cây bị ảnh hưởng của hạn mặn để cây đủ sức ra hoa, tạo trái trong mùa vụ thuận lợi.

+ Điều chỉnh cơ cấu giống phù hợp: Do hàng năm các vùng trồng bị ảnh hưởng lợ vào một thời gian nhất định, nên dễ ảnh hưởng đến thời gian nuôi trái của cây. Vì vậy, cần bố trí các giống chín sớm, có khả năng chống chịu khá như: TD3, TD5, TD8, TD11... cho vùng trồng.

+ Tỉa cành tạo tán: Cần hạn chế tỉa cành, chú ý không tỉa vào cuối mùa mưa hoặc đầu mùa nắng ở những vùng canh tác bị ảnh hưởng sớm của mặn, thiếu nước tưới.

Một số biện pháp kỹ thuật khác cần quan tâm:

* Chuẩn bị trước khi mặn xâm nhập

Cần chuẩn bị tốt hệ thống thủy lợi nội đồng để có khả năng trữ nước ngọt và ngăn chặn nước mặn xâm nhập nhằm kéo dài thời gian sử dụng nước tưới. Bón vôi nên sử dụng vôi có độ hòa tan chậm (đá vôi, vỏ nghêu, sò xay…) với lượng khoảng 500kg/ha, rải đều khắp mặt líp trước khi nước lợ xâm nhập vào vườn, sau đó tưới nước cho thấm vào đất, nhằm tăng tính chống chịu của cây ca cao, góp phần hạn chế tác động của phèn, mặn. Tiến hành bón phân hữu cơ hoai (tối thiểu 5kg/cây), sau đó, dùng lá dừa khô hoặc lá ca cao sau tỉa, cỏ khô có trong vườn ủ lên gốc cây ca cao một lớp dày, bề rộng mặt đậy gốc càng lớn càng tốt. Thực hiện tốt việc đậy gốc ngoài tác dụng giữ ẩm còn giúp hạn chế việc mao dẫn phèn, mặn lên tầng mặt.

* Trong thời gian nhiễm mặn

Ngoài việc đậy gốc cần chú ý tăng cường che mát, đặc biệt là đối với cây trồng năm đầu vì trong thời gian nhiễm mặn gần như hoàn toàn không tưới nước. Cần theo dõi chặt chẽ độ mặn của nguồn nước. Trong trường hợp bắt buộc phải tưới do cây quá suy kiệt do khô hạn, cần chủ động chọn thời điểm nước ít mặn nhất và tưới ngoài vùng rễ tập trung để ẩm độ thấm dần vào vùng rễ. Tuyệt đối tránh việc dùng nước nhiễm mặn tưới trực tiếp vào gốc, rễ cây.

* Phục hồi cây sau thời gian nhiễm mặn

Thông thường, vào đầu mùa mưa, lúc độ mặn trên kênh mương giảm là lúc cây bắt đầu phục hồi. Tuy nhiên, lúc này cần tránh bón phân với lượng lớn phân có hàm lượng đạm, kali cao do cây chưa ổn định về mặt sinh lý. Nên bón phân hữu cơ hoai từ 3-5kg/cây kết hợp bón bổ sung phân giàu chất lân như DAP (50-200 gram DAP/cây/lần bón), phân lân nung chảy.... Khi cây ổn định sinh trưởng thì chuyển sang chế độ bón phân bình thường. Cách bón: Cào lớp lá ủ ra, bón rải đều quanh gốc, sau đó đậy lớp ủ lại. Tránh cuốc xới làm tổn thương rễ nhiều.

Có điều kiện nên bón thêm từ 3-5kg Super Humic + 20-25kg Micromate/ha nhằm cung cấp vi lượng, tăng phục hồi hệ thống rễ, cây bắt phân nhanh, sinh trưởng khỏe. Sử dụng kết hợp các chế phẩm sinh học trong việc bổ sung dinh dưỡng, phòng trừ sâu bệnh, đặc biệt chú ý phun thuốc ngăn ngừa các loại bệnh thường xuất hiện trên ca cao vào vụ như bệnh khô thân (Collectotrichum Gloeosportoides), chết ngược cành (Oncobasidium theobromae), loét, chảy nhựa thân (Phytophthora.sp) bằng các loại thuốc như: Mataxyl; Phytocide, Ridomil, Eddy... Đối với các vườn ca cao chậm phục hồi có thể sử dụng các loại phân bón lá để hỗ trợ tăng trưởng.

Võ Đăng Khoa - Báo Đồng Khởi,  3 / 4 / 2014

Nhấn vào đây để xem các thông tin kỹ thuật trồng cây ca cao

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang