• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trồng trọt

Cần tăng cường phòng trừ rệp sáp gây hại cà phê

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Nông, thời gian qua, do thời tiết trên địa bàn tỉnh diễn biến bất thường đã tạo môi trường cho rệp sáp phát triển gây hại trên cây cà phê ở một số địa phương như Đắk Mil, Chư Jút, Krông Nô…Trong đó, tại các huyện Chư Jút, Krông Nô, rệp sáp đã xuất hiện trong vườn cà phê với tỷ lệ từ 3-5%/1 cành. 

Để phòng trừ rệp sáp có hiệu quả, theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh thì bà con nên tỉa cành tạo sự thông thoáng cho vườn cây. Đồng thời, ngoài cắt bỏ những cành bệnh nặng, sát đất đem đi tiêu hủy tránh bệnh lây lan, phát sinh thì việc dọn sạch cỏ, rác xung quanh gốc cà phê để kiến khỏi trú ngụ mang mầm bệnh đi những cây khác cũng rất cần thiết.

Vào mùa khô tưới nước đầy đủ cho cây, những chỗ bị rệp nhiều nên cho vòi nước phun thẳng vào, rửa trôi bớt rệp, tạo độ ẩm trên cây giảm mật số rệp. Ngoài ra, bà con cũng cần thường xuyên thăm vườn kịp thời phát hiện bệnh rệp sáp. Nếu rệp xuất hiện dù mật độ ít, bà con cũng phải diệt trừ ngay, vì rệp sinh sản rất nhanh.

Người dân xã Nam Dong (Chư Jút) đang tăng cường diệt trừ rệp sáp trên cây cà phê.

Theo khuyến cáo của Viện Khoa học kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên, trước mắt, nếu vườn cây có tỷ lệ rệp sáp thấp thì bà con nông dân nên sử dụng các biện pháp phòng trừ sinh học bảo vệ môi trường bằng cách tạo điều kiện sinh tồn cho các loài ong ký sinh, bọ ăn thịt như bọ rùa, bướm, ruồi… là thiên địch tấn công rệp sáp. Một biện pháp nữa là canh tác phi hóa học bao gồm hun khói được khuyến cáo để hạn chế phát triển của rệp sáp, trồng cây che bóng để ngăn chặn rệp sáp lây lan.

Mặt khác, dùng xà phòng trừ sâu là sản phẩm có bán trên thị trường hiện nay, nhưng bà con cũng có thể tự làm bằng cách sử dụng chất xà phòng rửa chén nhưng không dùng xà phòng có tẩm dầu thơm và chất phụ gia có thể ảnh hưởng cây. Trộn xà phòng với ít nước phun lên cây. Ngoài ra, bà con có thể sử dụng những đồ gia vị như tỏi, gừng, ớt…để tạo chất phòng trừ rệp sáp theo hướng hữu cơ  một cách an toàn. Người dân có thể dùng 1 củ tỏi, 1 củ hành và 1 muỗng ớt bột trộn và nghiền nhỏ bằng dụng cụ nghiền nhà bếp chế biến thành bột nhão, rồi rót khoảng 1 lít nước khuấy đều và ngâm khoảng 1 giờ, sau đó lọc qua vải thưa rồi cộng thêm 1 muỗng xà phòng rửa chén và tiếp tục khuấy đều sau đó phun đều những cây bị rệp gây hại...

Đối với biện pháp hóa học, khi thấy rệp sáp trên lá, quả, người dân cần phun thuốc kỹ để thuốc thấm qua lớp sáp, mới diệt được rệp. Bà con cần thường xuyên kiểm tra 10 ngày/lần để phát hiện sự xuất hiện, mật số của rệp sáp để có biện pháp xử lý kịp thời vì chúng sinh sản rất nhanh, phun thuốc 2 lần, mỗi lần cách nhau từ 7-10 ngày để diệt tiếp lứa rệp non còn sót lại.

Đối với rệp sáp trên lá và chùm quả, người dân nên dùng các loại thuốc đặc trị sau đây để phun ướt đều trên cây, phun 2 lần cách nhau 7-10 ngày để diệt tiếp lứa non mới nở như Oncol 20EC, Nurelle D25/2,5EC (25-30ml/bình 8 lít), Cori 23EC (20ml/bình 8 lít), Mospilan 3EC 15ml/bình 8 lít), Elsan 50EC (30ml/bình 8 lít), Applaud 10WP 920-30ml/bình 8lits) hoặc Applaud 25EC (8-12ml/bình 8 lít) và dầu khoáng Citrole 96,3EC (40ml/bình 8 lít).

Với rệp sáp hại rễ nên dùng Fipronil (Supergen 800 WG); Thiamethoxam (Fortaras 25 WG); Phenthoate (Elsan 50EC); Oncol 20EC theo hướng dẫn tưới vào vùng rễ ở gốc. Bên cạnh đó, còn có hoạt chất Chlorpyrifos Ethyl: có tác dụng tiếp xúc, vị độc và xông hơi; hoạt chất Bufroferin là thuốc sinh học, tác dụng ức chế sự lột xác của nhóm rầy rệp, mất khả năng sinh sản và trứng không nở được.

Nếu đất khô, trước khi tưới thuốc 1 ngày thì bà con nên tưới nước cho ẩm đất vùng rễ sẽ giúp thuốc ngấm nhanh và sâu hơn. Ngoài ra, người dân có thể xới đất quanh gốc sâu 10cm rồi rải 20-30g/gốc thuốc Lorsban 15G rồi phủ đất và tưới nước đủ ẩm cho ngấm thuốc để diệt hết rệp sáp ở gốc và vùng rễ.

Quan trọng hơn là người trồng cà phê cần phát hiện sớm để trừ rệp vì tác hại thứ cấp của rệp sáp, cũng như rệp vảy xanh, vảy nâu là chúng tạo điều kiện cho nấm, bồ hóng phát triển bám trên lá, quả và cành dẫn tới cây giảm khả năng quang hợp, ảnh hưởng đến năng suất của vườn cây.

Văn Tâm - Báo Đắk Nông, 20/02/2014

 

Phòng trừ một số bệnh hại cây cà phê

Cà phê là một trong năm cây chủ lực của Đồng Nai, vào thời điểm thời tiết nóng ẩm dễ phát sinh nhiều loại sâu bệnh gây hại. Theo Chi cục Bảo vệ thực vật, nếu phòng trị bệnh theo các phương pháp sau, nông dân sẽ hạn chế và diệt được nhiều loại sâu bệnh hại cây cà phê. 

1/ Bệnh rệp sáp

- Rệp sáp cái trưởng thành hình bầu dục, không cánh, dài 4mm, thân phủ lớp sáp trắng. Rệp đực dài khoảng 3mm, có cánh, không có sáp trắng. Rệp sáp sống tập trung thành từng đàn, gây hại quanh năm. Chúng gây hại nhiều bộ phận của cây cà phê như kẽ lá, chồi non, cuống của chùm hoa, chùm quả, gốc cây. Trên chùm hoa và quả, rệp hút nhựa làm cuống hoa, quả khô rụng. Mùa khô, rệp bò xuống gốc cây, chích hút nhựa ở rễ và gốc làm cây phát triển kém, còi cọc, lá vàng chết từ từ.

- Để phòng trừ bệnh rệp sáp nên tỉa cành tạo sự thông thoáng cho vườn cây. Đồng thời, cắt bỏ những cành bệnh nặng, sát đất đem đi tiêu hủy tránh bệnh lây lan và phát sinh. Dọn sạch cỏ, rác xung quanh gốc cà phê để kiến khỏi trú ngụ mang mầm bệnh đi những cây khác. Vào mùa khô tưới nước đầy đủ cho cây, những chỗ bị rệp nhiều nên cho vòi nước phun thẳng vào, rửa trôi bớt rệp, tạo độ ẩm trên cây giảm mật số rệp.

- Thường xuyên thăm vườn kịp thời phát hiện bệnh rệp sáp. Nếu rệp xuất hiện dù mật độ ít cũng phải diệt trừ ngay, vì rệp sinh sản rất nhanh. 

- Khi thấy rệp sáp trên lá, quả phun thuốc kỹ để thuốc thấm qua lớp sáp, mới diệt được rệp. Phun thuốc 2 lần, mỗi lần cách nhau từ 7-10 ngày để diệt tiếp lứa rệp non còn sót lại. Có thể dùng nước rửa chén pha 15-20 ml/bình 8 lít phun ướt đều nơi rệp sáp bám rồi ngày sau mới phun thuốc đặc trị sẽ hiệu quả hơn. Các loại thuốc có thể dùng diệt rép sáp: Fipronil (Supergen 800 WG); Thiamethoxam (Fortaras 25 WG); Phenthoate (Elsan 50EC)... 

- Nếu thấy rệp sáp xuất hiện ở gốc thì tưới ẩm gốc trước 1 ngày, sau đó rải thuốc hạt Basudin 10G ở gốc rễ.

 2/ Bệnh rỉ sắt 

- Bệnh này thường gây hại trên lá. Khi lá bị bệnh sẽ vàng và rụng hàng loạt, sau đó cành khô, cây sinh trưởng kém, năng suất giảm. Bệnh rỉ sắt do nấm Hemileia vastatrix gây ra. Bệnh phát triển mạnh trong mùa mưa và những vườn có nhiều cây che bóng.

- Cách phòng trừ bệnh hiệu quả nhất là tỉa cành cho cây thông thoáng, vệ sinh sạch sẽ vườn cà phê, thu gom cành bệnh, rác trong vườn đem đi tiêu hủy để diệt mầm bệnh. Ngoài ra, cân đối bón phân đầy đủ cho cây để cây phát triển tốt tăng khả năng kháng bệnh. 

- Khi phát hiện bệnh phải tiến hành phun xịt thuốc ngay để trị bệnh. Khi phun thuốc nên phun ướt đều cả hai mặt lá, nếu bệnh nặng phun 2 lần, mỗi lần cách nhau 5-7 ngày. 

- Nhóm thuốc trị bệnh rỉ sắt thích hợp nhất là Carbendazim (Arin 25 SC); Bennomyl (Binhnomyl 50WP, Plant 50 WP); Bromuconazole (Vectra 100 SC, 200 EC)... 

3/ Bệnh nấm hồng 

- Bệnh chủ yếu gây hại nơi phân cành giáp với thân. Nơi bị bệnh có một lớp bột màu hồng nhạt, rất mịn, đó là các bào tử nấm bệnh. Vết bệnh lớn dần chạy dọc theo cành và sau đó lan dần hết cả cành. Khi vết bệnh đã cũ thì chuyển sang màu trắng xám. Lá trên các cành bị nhiễm bệnh bị úa vàng, tiếp đến lá và quả sẽ bị rụng. Nếu bị bệnh nặng cành sẽ chết khô. 

- Bệnh này thường xuất hiện trong các vườn rậm rạp, thời tiết nóng, ẩm độ cao. 

- Cách phòng trừ: Dọn sạch cỏ dại trong vườn, tỉa cành tạo sự thông thoáng cho cây. Bón cân đối phân NPK và tăng cường bón phân hữu cơ ủ hoai mục. 

- Khi bệnh mới phát sinh nên dùng các nhóm thuốc đặc trị như: Trichoderma spp (Fulhumaxin 6.15 SC); Carbendazim (Arin 25 SC), Eugenol ( Genol 0.3 DD, 1.2 DD)... 

4/ Bệnh khô cành, khô quả (bệnh thán thư) 

- Bệnh khô cành, khô quả do nấm Colletotrichum coffeanum hoặc C.gloeosporioides gây ra. 

- Khi bệnh mới xuất hiện trên lá thường là những vết đốm tròn màu nâu, sau lan rộng chuyển màu nâu xám. Các vết bệnh liên kết với nhau thành mảng khô trên phiến lá hoặc dọc theo mép lá. Nếu nấm bệnh xuất hiện trên quả sẽ tạo những đốm nâu lõm, sau đó quả khô đen và rụng. Bệnh trên cành sẽ tạo ra các vết nâu lõm làm vỏ biến màu nâu đen rồi khô dần. Trường hợp bệnh nặng, nấm xâm nhập ra cả thân làm rụng lá, cành trơ trụi, khô đen. 

- Bệnh thường phát sinh gây hại từ giai đoạn cà phê ra hoa đến khi quả già và trong thời tiết ẩm thấp, mưa nhiều. Bệnh thường phát triển nhanh, nặng ở các vườn cà phê chăm sóc kém và thiếu phân bón. 

- Phòng trừ bệnh bằng cách bón phân đầy đủ và cân đối N, P, K. Cắt tỉa những cành lá bị bệnh nặng đem đi tiêu hủy. 

- Các nhóm thuốc trị bệnh hiệu quả Ningnanmycin (Niclosat 2SL, 4SL, 8SL); Trichoderma spp. (Fulhumaxin 6.15 SC); Carbendazim (Arin 25 SC)... 

Nguyệt Hạ (Báo Đồng Nai, 08/07/2010)

 Nhấn vào đây để xem tất cả các thông tin kỹ thuật trồng cây cà phê

 

 

 

Trồng trọt mùa mưa, bão, lũ

 

 

 

 

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang