• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trồng trọt

Cách phòng trị nhện đỏ hại cây cam sành

Gia đình tôi trồng được một vườn cam sành, gần đây không rõ tại sao nhiều lá bánh tẻ và lá non bị  biến dạng phồng rộp lên như bánh tráng nướng, phiến lá biến thành màu vàng xanh loang lổ, lá không phát triển lên được, nhìn kỹ thấy ở mặt dưới của lá có những con vật  nhỏ li ti như con mạt gà, màu hồng, màu đỏ... bò lăng xăng. Tôi đã xịt nhiều loại thuốc nhưng không thấy bớt. Xin cho biết đây là chứng bệnh gì, cách chữa trị? (Nguyễn Như Long, Châu Thành, Bến Tre)  

Trả lời: Qua mô  tả của bạn, kết hợp với những gì mà chúng tôi hiểu biết được về sâu bệnh hại trên cây có múi nói chung và cây cam sành nói riêng ở một số vùng chuyên canh cây ăn trái ở Tiền Giang và Bến Tre trong thời gian gần đây, chúng tôi cho rằng hiện tượng trên cây cam sành nhà bạn là do con nhện đỏ gây ra. Ngoài cây cam sành như bạn đã thấy, con nhện đỏ này còn gây hại cho nhiều cây thuộc nhóm cây có múi như chanh, quýt, quất... và nhất là trên cây bưởi.  

Trên hoa nhện chích hút nhựa của nụ và cuống của đài hoa, nếu nặng nụ hoa có thể bị rụng. Trên trái nhện chích hút dịch của vỏ trái non, làm vỡ các túi tin dầu sau này tạo thành các vết sần sùi màu nâu xám và thô nhám như có phủ một lớp cám bên ngoài vì thế có người gọi là “bệnh da cám”. Ở các tỉnh phía Nam nhện đỏ thường hại nhiều trong mùa khô.  

Để hạn chế tác hại của nhện đỏ bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau đây:

- Không nên trồng quá dày làm cho vườn cam bị um tùm rậm rập, không thông thoáng, tán bị che phủ nhiều.  

- Bón phân dứt điểm thành từng đợt và phải bón cân đối giữa đạm, lân, kali. Nếu vườn nhà bạn thường bị nhện gây hại nhiều thì nên tăng cường bón thêm phân lân và kali.  

- Tỉa bỏ những cành, lá không cần thiết bên trong tán cây để tán cây luôn luôn được thông thoáng.  

- Nếu vườn của bạn thường bị nhện gây hại nặng thì cứ mỗi đợt cây ra đọt, lá non nên phun xịt 3 lần thuốc trừ nhện: lần 1 khi cây vừa nhú đọt non, lần hai khi đọt non ra rộ và lần ba khi lá non bước sang giai đoạn bánh tẻ. Khi cây đã bước vào giai đoạn cho trái thì cứ mỗi một đợt ra bông kết trái bạn cũng nên phun xịt 3 lần thuốc: Lần 1 lúc nụ hoa ra rộ, lần 2 sau khi tượng trái rộ khoảng 1 tuần và lần 3 cách lần 2 khoảng 10 ngày.  

Do nhện đỏ có tính nhờn kháng thuốc rất nhanh vì thế bạn không nên phun xịt một loại thuốc kéo dài nhiều lần (dù thuốc có hiệu quả rất cao), mà phải luân phiên bằng một trong những loại thuốc sau đây: Danitol 10EC; Nissorun 5EC; Comite 73EC; Ortus 5 EC; Kelthane 18,5EC; Microthiol 80WP...khi xịt nhớ xịt ướt đều tất cả  những vị trí có nhện bu bám.  

WAG, 5/11/2004

www.vietlinh.vn

 

Phòng bọ xít hại quả cam quýt

Vào mùa đậu quả, cam, chanh, bưởi, quýt... thường bị một số loài bọ xít gây hại, ảnh hưởng rất lớn tới năng suất và chất lượng. Bọ xít gây hại cam quýt chủ yếu là bọ xít xanh (bọ xít cam, hay con bù hút cam). Con lớn có màu xanh lá cây là con ở tuổi trưởng thành, còn những con nhỏ (màu nâu) là con đang ở tuổi ấu trùng.

Đặc điểm

Con trưởng thành có hình ngũ giác màu xanh lá cây, bóng và dài khoảng 2cm, có hai gai nhọn ở phía trước hai bên ngực, hai bên mép bụng có rìa hình răng cưa, kim chích dài đến cuối bụng. Bọ xít xanh thường hoạt động vào lúc sáng sớm hay chiều mát. Con cái đẻ trứng thành từng ổ (khoảng 10 - 15 quả/ổ) trên vỏ trái hoặc trên những lá nằm gần với trái. Trứng hình tròn, khi mới đẻ có mầu trắng trong, sau đó chuyển dần sang màu vàng nhạt, khi sắp nở có màu đen ở phần đầu. Sau đẻ khoảng 6 - 7 ngày thì trứng nở. Ấu trùng (bọ xít non) khi mới nở dài khoảng 2 - 3mm, thường sống tập trung xung quanh ổ trứng, sau đó phân tán dần để chích hút dịch quả.

Cả con trưởng thành và con ấu trùng, đều dùng vòi để chích hút dịch quả từ khi quả còn rất nhỏ. Chỗ vết chích có một chấm nhỏ và một quầng màu nâu. Nếu quả còn nhỏ đã bị bọ chích hút nhiều thì sẽ bị ngả màu vàng, chai và rụng sớm. Nếu quả đã lớn mới bị bọ gây hại thì dễ bị thối rồi rụng. Những vườn rậm rạp, cành lá um tùm, những vườn cây lớn tuổi có nhiều bóng mát (nhất là ở giai đoạn quả còn non)… thường bị chúng gây hại nhiều hơn những vườn khác. Nếu mật độ bọ xít cao, khi đi vào vườn có thể ngửi thấy cả mùi hôi đặc trưng do chúng tiết ra.

Cách phòng trị

Muốn phòng trị bọ xít có hiệu quả, người làm vườn có thể áp dụng kết hợp một số biện pháp sau:

- Không nên trồng cam quýt quá dầy, thường xuyên cắt bỏ các cành gìa, cành bị sâu bệnh, cành tược... để vườn cây luôn thông thoáng, hạn chế nơi trú ngụ và tác hại của chúng.

- Thu thập và nhử nuôi kiến vàng trong vườn cam quýt để kiến tiêu diệt bọ xít, nhất là bọ xít non.

- Dùng vợt tay để bắt bọ xít vào lúc sáng sớm hay chiều mát.

- Thường xuyên kiểm tra trái và những lá gần trái để phát hiện và thu gom ổ trứng của chúng đem tiêu hủy.

- Nếu vườn cam quýt rộng, bọ xít nhiều không thể bắt bằng vợt tay, các bạn có thể sử dụng một trong những loại thuốc như: Bascide 50EC; Hoppercin 50EC; Cyper 25EC; Dầu khoáng SK Enspray 99EC; Vibasa 50EC… để phun xịt. Nhớ đọc cách sử dụng có in trên nhãn thuốc. Sau khi xịt khoảng một tuần nếu thấy vẫn còn bọ xít thì xịt thêm một, hai lần nữa.

B.Tr - Báo Kinh tế & Đô thị, 15/12/2009

www.vietlinh.vn

 

 

 

 

Trồng trọt mùa mưa, bão, lũ

 

 

 

 

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang