• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trồng trọt

Cần nâng tầm sản xuất của người trồng cao su

Việc chăm sóc, khai thác vườn cây cao su (CS) chưa hợp lý đã làm ảnh hưởng nhiều đến tuổi thọ, năng suất vườn cây. Để cho vườn cây phát triển ổn định, người trồng CS Bình Dương cần phải tiếp tục được tập huấn để sản xuất hiệu quả hơn..

Hiện nay Bình Dương có khoảng trên 130.000 ha CS, trong đó có khoảng 80.000 ha CS tiểu điền. Nhiều vườn CS tiểu điền tại Bình Dương đang bước vào thời kỳ thanh lý, đây là những vườn CS được trồng trong giai đoạn đầu tiên của phong trào trồng CS của người dân tại Bình Dương. Do trồng theo phong trào, người trồng chưa được tập huấn, thiếu các kiến thức về cây CS nên nguồn giống, khâu kiến thiết cơ bản, chăm sóc và khai thác vườn cây bị hạn chế. Tất cả các mặt hạn chế trên đã làm ảnh hưởng nhiều đến năng suất vườn cây, hiệu quả kinh tế cũng giảm theo.

Một trong những yếu tố cơ bản có tác động quan trọng đến năng suất, tuổi thọ vườn cây là chế độ và kỹ thuật cạo. Do chưa được tập huấn kỹ càng, nhiều hộ trồng CS trong giai đoạn đầu tự mày mò cạo hoặc học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước nên kỹ thuật chưa đạt. Từ đó, vỏ tái sinh của cây CS kém, bị sẹo, u lồi rất nhiều, làm ảnh hưởng đến năng suất mủ về sau cũng như khả năng khó cạo lại được trên vỏ tái sinh. Bên cạnh đó kỹ thuật bón phân không hợp lý, không cân đối, việc bôi thuốc kích thích CS không phù hợp, quá nhiều lần trong năm cũng là những yếu tố gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình sinh trưởng của cây CS. Ông Đinh Văn Quyền, hộ trồng CS tại xã Phước Sang (Phú Giáo) cho biết: “Do không có điều kiện đọc tài liệu cũng như tập huấn trong giai đoạn đầu khi mới trồng CS nên vườn cây của tôi hết mặt cạo nhanh, lượng mủ xuống thấp nên phải thanh lý sớm hơn so với các vườn cây khác. Tôi đã trồng lại gần 2 ha CS mới, tuyển chọn giống kỹ càng hơn, chăm sóc cũng hợp lý hơn và tôi cũng đã đúc rút nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật cạo nên chắc chắn rằng lứa CS mới sau này khai thác sẽ có năng suất cao, ổn định và tuổi thọ sẽ dài hơn so với lứa trước. Thời gian tới sẽ có một số lượng đáng kể diện tích CS được trồng mới, vì vậy việc tập huấn cho người trồng CS các kiến thức chuẩn hơn là rất cần thiết”.

Ông Nguyễn Trường Hải, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Phú Giáo cho biết, hiện nay huyện Phú Giáo có trên 20.000 ha CS tiểu điền với năng suất bình quân mỗi vườn cây khoảng 1,6 tấn/ha. Nếu so sánh với các vườn cây CS quốc doanh thì năng suất không bằng. Các hộ trồng CS trên địa bàn huyện thường thực hiện cạo với chế độ nặng 1/2S d/2, một số ít thì cạo theo chế độ 1/2S d/3. Cây CS nếu cạo theo chế độ 1/2S d/2 sau khi cạo sẽ mất đi một khối lượng mủ và các tế bào ống mủ phải hoạt động tích cực để tái tạo lại lượng mủ đã mất. Như vậy cần có một thời gian cần thiết để cây tái tạo lại lượng mủ đã được lấy đi trước khi cạo tiếp. Do vậy, nhiều người cạo theo chế độ này đã làm ảnh hưởng nhiều đến quá trình sinh trưởng của cây, cây không đủ thời gian để tái tạo mủ; cây dễ bị khô miệng cạo và hao dăm cạo cao. Một số hộ dân khác thực hiện cạo theo chế độ 1/2S d/3 cho biết cạo theo chế độ này lợi hơn nhiều so với cạo theo chế độ 1/2S d/2. Tuy nhiên, nhiều hộ trồng CS chưa hiểu nhiều về mặt lợi hại của chế độ cạo này nên họ vẫn cứ áp dụng.

Một số hộ dân có biết nhưng khi thấy cạo theo chế độ 1/2S d/2 tiền thu từ việc bán mủ nhanh hơn, giải quyết được kịp thời nhu cầu của cuộc sống nên họ vẫn áp dụng. Ông Trần Xâm, ngụ tại xã Phước Hòa cho biết: “Tôi thấy cạo với chế độ 1/2S d/3 là hợp lý, tiết kiệm công lao động, tạo điều kiện cho cây có thời gian tái tạo mủ. Theo tính toán cạo với chế độ 1/2S d/3 chỉ tốn khoảng 90 công lao động/ha/năm, trong khi đó cạo với chế độ 1/2S d/2 tốn đến khoảng 135 công lao động/ ha/năm. Điều quan trọng là sản lượng của chế độ cạo 1/2S d/3 cao hơn so với cạo theo chế độ 1/2S d/2; người trồng CS khỏe hơn, thu nhập cũng tăng lên thêm. Ông Nguyễn Trường Hải cho biết thêm: “Thời gian qua chúng tôi đã thực hiện một số dự án về nâng cao năng suất, hiệu quả vườn cây CS khai thác tại một số vườn CS tiểu điền trên địa bàn huyện, trong đó thực hiện chế độ cạo 1/2S d/3 kết hợp với việc sử dụng hợp lý thuốc kích thích và bón phân đầy đủ, xử lý bệnh trên miệng cạo tốt sẽ tạo điều kiện nâng cao năng suất vườn cây, tiết kiệm được vỏ cạo nguyên sinh. Thực hiện chế độ cạo 1/2S d/3 mang tính bền vững hơn, nâng cao hiệu quả kinh tế cho chủ vườn, vì vậy trong thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung tuyên truyền cho người trồng CS về thực hiện theo chế độ cạo 1/2S d/3 cũng như các kỹ thuật về trồng, chăm sóc vườn cây CS”.

Với việc một số diện tích trồng CS đang được thanh lý, thời gian tới sẽ có một số lượng đáng kể diện tích CS được trồng mới, vì vậy việc trang bị lại các kiến thức chuẩn về cây CS cho người dân là rất cần thiết để giúp người trồng CS sản xuất bền vững hơn, hiệu quả hơn.

ĐÀ BÌNH, Báo Bình Dương, 14/11/2013

Nhấn vào đây để xem các thông tin về kỹ thuật trồng cây cao su

 

 

 

Trồng trọt mùa mưa, bão, lũ

 

 

 

 

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang