• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trồng trọt

Tác động mưa lũ lên vườn cây ăn trái

Do canh tác trên vùng đất thấp, diện tích cây ăn trái của cả vùng ĐBSCL dễ bị rủi ro do ngập úng, do tần suất xuất hiện lũ ngày càng cao trong những năm gần đây. Lũ lụt ĐBSCL thường xảy ra trong ba tháng 9, 10, 11 hàng năm, với đỉnh lũ thường tập trung vào cuối tháng 9, 10.

Hầu hết các vườn cây ăn trái đều bị ảnh hưởng và thiệt hại với mức độ khác nhau do ngập lũ. Nguyên nhân là do:

Hiện tượng đất bị đóng váng bề mặt do nước mưa xói mòn, hoà tan các hạt sét nhỏ và phủ kín các khoảng trống trên mặt đất hoặc do lớp phù sa (từ ngập lụt) bồi kín mặt đất làm đất không còn thoáng khí.

Đất bị ngập nước chiếm hết các tế khổng, nên không còn đủ oxy cung cấp cho rễ hô hấp (chỉ sau 24-48 giờ), đất trở nên bão hoà nước và rễ rất dễ bị huỷ hoại.

Do cao trình thấp, khả năng thoát lũ kém, mực nước trong các mương vườn thường rất cao (hiện tượng úng cục bộ hay từng phần) làm hạn chế và hủy hoại hệ thống rễ mọc sâu dưới tầng đất mặt.

Các nguyên nhân này làm đất bị thiếu oxy, đồng thời bị ngộ độc CO2 cùng các độc chất khác, rễ bị "nghẹt" và sau đó bị thối. Hậu quả này làm các loài nấm bệnh trong đất (chủ yếu là Fusarium và Phytophtthora) rất dễ tấn công gây hại cho cây trồng trong và sau mùa lũ. Hiện tượng nghẹt rễ cũng làm cho cây bị "stress", tổng hợp ethylenne bên trong gây ngộ độc, làm lá bị vàng và rụng (triệu trứng này thường dễ gặp trên nhãn, mít và cam quýt khi cây bị ngập úng hoặc do mưa làm đất không thoáng), đặc biệt sau khi nước rút.

Khả năng chịu ngập của các loài cây ăn trái còn thay đổi tuỳ thuộc vào:

- Giống trồng trọt: Trên cùng loài, nhưng giống xoài bưởi chịu ngập kém hơn xoài cát Hoà Lộc, cát chu hay thanh ca, chanh núm chịu ngập kém hơn chanh giấy...

- Tuổi cây: Cây tơ (chưa cho trái) chịu ngập kém hơn cây trưởng thành hoặc đã trồng lâu năm trên 10 năm.

- Tình trạng cây: Cây đang phát triển sinh khối (ra đọt, phát triển rễ tơ, ra hoa mang trái) phải tiêu tốn nhiều năng lượng dự trữ nên khả năng chịu đựng cũng kém hơn.

- Biện pháp canh tác: Cũng tác động đến khả năng chịu ngập của các loài cây ăn quả. Bón phân (nhất là khi thừa N và P) trong khoảng một tháng trước khi bị ngập hay mưa dầm làm khả năng chịu đựng của cây rất nhiều.

NTNN, 29/11/2006

 

Để hạn chế thiệt hại cho cây trồng vào mùa mưa lũ

Mỗi khi vào mùa mưa là diện tích cây trồng bị sâu bệnh lại tăng rất nhanh, có nhiều nơi nông dân gần như trắng tay vì cây trồng bị bệnh chết hàng loạt.

* Sâu bệnh nhiều hơn

Đồng Nai có trên 300 ngàn hécta cây trồng, cứ vào mùa mưa là diện tích cây trồng bị sâu bệnh lại tăng lên đột biến. Có những thời điểm, diện tích cây trồng bị bệnh lên đến hàng chục ngàn hécta, gây thiệt hại rất lớn đến năng suất, chất lượng của nông sản. Đặc biệt là 3 năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mưa nhiều, độ ẩm cao dẫn đến sâu bệnh phát triển nhanh trên diện rộng rất khó chữa trị. Bà Trần Thị Hoàng Thúy, chủ trang trại ở xã Cẩm Đường (huyện Long Thành), cho biết: "Hễ vào mùa mưa là cây trồng rất dễ bị sâu bệnh, nhiều khi bỏ ra rất nhiều tiền mua thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) chữa trị cũng chẳng có kết quả. Cây đã bị bệnh cho dù nhẹ thì năng suất cũng giảm rất nhiều, do đó mỗi lần thấy vườn điều, đu đủ bị bệnh là tôi lo đến mất ăn, mất ngủ". Bà Đặng Thị Lý, một nông dân trồng ổi xã Bình Lộc (TX.Long Khánh), kể: "Trước đây trồng ổi rất ít bị sâu bệnh, nhưng mấy năm gần đây thời tiết mưa nhiều đã xuất hiện rất nhiều bệnh lạ, làm vườn ổi của gia đình tôi và nhiều hộ trong xã chết hàng loạt, gây thiệt hại từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Để phòng trừ sâu bệnh, tôi phải thường xuyên sử dụng thuốc BVTV phun cho cây, vì vậy mỗi sào ổi mỗi năm tốn thêm 1-2 triệu đồng tiền thuốc".

Dùng nhiều phân chuồng, áp dụng KHKT giúp tiêu có năng suất cao và ít sâu bệnh.

Nhiều nông dân trồng cây lâu năm, như: tiêu, cà phê, quýt, sầu riêng, chôm chôm... ở Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Tân Phú, Trảng Bom cho hay, sâu bệnh trên cây trồng ngày càng nhiều hơn và rất khó phòng trừ, đặc biệt vào mùa mưa sâu bệnh lây lan rất nhanh làm rụng hoa, trái... gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Trên các loại cây trồng ngắn ngày, hiện tượng sâu bệnh cũng khá phổ biến, cụ thể là cây lúa bệnh rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá và đạo ôn thường xuyên đe dọa và có nguy cơ lây lan ra diện rộng, đồng thời mầm bệnh di chuyển từ vụ này sang vụ khác ảnh hưởng đến hàng ngàn hécta lúa.

* Để hạn chế sâu bệnh

Ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, khẳng định: "Đa số các vườn cây được nông dân trồng xen canh nhiều loại cây trồng và bố trí không phù hợp, do vậy vào mùa mưa, độ ẩm cao dễ xuất hiện các loại nấm bệnh gây hại. Ngoài ra, do nông dân chưa chú ý đến việc thoát nước cho vườn cây khi mưa lớn cũng là một yếu tố thuận lợi cho sâu bệnh lây lan và phát triển. Muốn cây trồng phát triển tốt, ít sâu bệnh, nông dân phải dùng phương pháp phòng là chính".

Tuy hàng năm Chi cục BVTV Đồng Nai thường xuyên phối hợp với Trạm BVTV các địa phương tổ chức hàng trăm lớp tập huấn về phương pháp phòng trừ dịch hại trên cây trồng cho nông dân các xã, song số nông dân tiếp cận được chưa nhiều, vì vậy hiệu quả đem lại chưa cao.

Ông Nguyễn Công Tú, Phó chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh, nói: "Hiện nay, có một số biện pháp phòng sâu bệnh rất đơn giản, song hiệu quả tương đối cao, đó là bón nhiều phân hữu cơ, phân chuồng ủ hoại cho cây trồng để cây phát triển tốt, tăng sức đề kháng. Bên cạnh đó, nông dân đào mương thoát nước không để vườn cây ứ nước, thường xuyên dọn vườn, tỉa những cành già cỗi tạo thông thoáng sẽ hạn chế mầm bệnh phát triển. Khi phát hiện cây trồng bị sâu bệnh, nhà vườn phải phun xịt thuốc theo phương pháp 4 đúng: đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng cách. Đối với cây trồng ngắn ngày, nếu xuất hiện sâu bệnh và có hiện tượng di chuyển sang vụ sau, nông dân nên chuyển đổi cơ cấu cây trồng để cắt hẳn mầm bệnh".

Ngoài áp dụng các phương pháp phòng, trị bệnh căn bản, bà con nông dân chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, đặc biệt từ khâu chọn giống, thiết kế vườn trồng và chọn cây xen canh cho phù hợp.

Hương Giang - Báo Đồng Nai, 5/10/2009

 

Bảo vệ cây ăn quả trước mưa bão

Từ đầu vụ hè thu đến nay, thời tiết trên địa bàn tỉnh Quảng Nam diễn biến hết sức phức tạp, nắng nóng kéo dài nhiều ngày ở đầu vụ, mưa đá xuất hiện ở một số nơi... Để hạn chế thiệt hại cho vườn cây ăn quả trước thiên tai, nhất là mưa lũ và gió bão, cần thực hiện một số biện pháp hữu hiệu.

Mỗi loại cây ăn quả có khả năng chịu hạn, chịu ngập úng, gió bão khác nhau. Cây rễ cọc đâm thẳng, ăn sâu vào lòng đất thì có thể chống đỡ được với gió bão tốt hơn cây rễ bàng (có bộ rễ lan tỏa theo tán và ăn nông). Cây có bóng tán rộng dễ tiếp xúc, hứng chịu mạnh với mưa lớn, gió bão nên dễ bị lật gốc đổ ngã.

Loại cây này thường ở những vườn cây ăn quả ở vùng đồi, nơi đất cát, cát pha, thịt nhẹ. Vùng thấp, trũng, hệ thống tiêu thoát nước kém khi mưa kéo dài dễ dẫn đến vườn cây ngập úng làm thối rễ, ảnh hưởng đến sinh trưởng, ra hoa, đậu quả và ngập úng lâu ngày các bộ phận trên thân, gốc cây ngừng hoạt động làm chết cây.

Để hạn chế đến mức thấp nhất do mưa, bão gây ra thì hệ thống thoát nước trong vườn phải tiêu nước kịp thời hoặc khai thông rãnh thoát nước ở xung quanh tán cây, đắp đất cứng vào xung quanh gốc cây để làm tăng thêm mối liên kết giữa cây và đất nền. Với loại cây thân giả như chuối thì dùng cây chống.

Vườn cây ở vùng trung du, miền núi, nơi có độ dốc lớn hơn 10 độ thì trồng xen các loại cây như sả, dứa, rau ngót… theo đường đồng mức để hạn chế xói mòn, rửa trôi đất. Tiến hành tỉa bỏ những cành tăm, cành khô, cành bị sâu bệnh, cành vượt... Để đảm bảo chất sống của cây mẹ, loại bỏ được nguồn bệnh, giảm được diện tích hứng mưa gió, hạ bớt trọng tâm của cây, tạo cho cây vững vàng hơn khi gặp bão và hạn chế cạnh tranh dinh dưỡng ở những cành không cần thiết.

Với những cây có quả đang giai đoạn thu hoạch, cần thu hoạch ngay để phát triển đúng thời vụ. Những cây lá rộng thân mềm, cần tỉa bỏ những lá già đã giảm chức năng quang hợp. Với những cây thân yếu, có bộ tán nặng, cây đang ra quả cần phải cắm cọc để giữ cây. Cọc cắm gồm 3 chiếc cắm lệch góc 120 độ, choãi chân ra ngoài bóng tán và điểm chụm khoảng 2/3 thân cây, buộc bằng dây mềm chắc dai, chịu nước có bảng rộng để thân cây không bị xơ xước.

Những vườn đang trong thời kỳ kiến thiết, trồng các loại cây ăn quả là cây ghép (xoài ghép, chanh ghép, cam ghép....), cần chú ý mắt ghép hoặc cành ghép nếu trùng với hướng gió thì rất dễ tách, gãy rời khỏi cây mẹ khi có gió to. Đặc biệt cành ghép, mắt ghép đã và đang liền sẹo nhưng chưa vững chắc thì cần phải được buộc cố định với thân cây chủ hay cắm cọc giữ cố định không để gió dịch chuyển gãy cành ghép, mắt ghép.

Hằng năm khi mưa bão đến, các vườn cây ăn quả trên địa bàn tỉnh thường xuyên xảy ra tình trạng lật gốc đổ, ngã, ngập úng làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển, khả năng ra hoa, đậu quả... Nếu cây trồng được chăm sóc và áp dụng các biện pháp trên, sẽ góp phần hạn chế tác hại khi mưa, bão đến. Có như vậy mới tăng được tuổi thọ vườn cây và giảm chi phí đầu tư cho người làm vườn.

NGUYỄN HỮU DŨNG - Báo Quảng Nam, 13/09/2010

 

Trước mùa mưa lũ

- Tôn cao đất liếp, gia cố đê bao chắc chắn.

- Dùng cuốc ba răng xới mặt liếp cho xốp sau đó rải phân nhằm giúp phân bón tiếp cận cây trồng dễ dàng hơn, hạn chế gây tổn thương rễ cây.

- Tu sửa lại mương máng, cống thoát nước để thoát nước nhanh khi mưa to, đảm bảo mực nước ở mương phải thấp hơn mặt liếp 0,6 m. Chuẩn bị máy bơm để sẵn sàng chống úng.

- Khi mưa liên tục cần thiết phải đào rãnh phụ sâu 40 cm để dẫn nước mưa thoát nhanh từ liếp ra mương.

- Cắt tỉa các cành vô hiệu, chồi vượt để hạn chế tiêu hao chất dinh dưỡng, tránh lay động gốc ảnh hưởng đến rễ khi bị ngập.

- Hạn chế đi lại trong vườn làm cho đất bị dí chặt, ảnh hưởng đến bộ rễ cây và khả năng phục hồi của cây sau khi nước rút.

- Ngưng làm cỏ vườn cuối tháng 7 giúp đất không đóng váng, điều hòa dòng chảy, ít lay động gốc khi vườn cây bị ngập úng.

- Không nên bón nhiều phân đạm, vì phân đạm sẽ kích thích cây ra đọt non.
- Không nên bón phân hữu cơ cho vườn cây vì phân hữu cơ sẽ làm tiêu hao nhiều oxy và khi đất bị ngập úng thì rễ cây sẽ không đủ oxy để hô hấp.
- Để tránh hiện tượng rửa trôi thì cắt bớt cỏ chỉ giữ lại gốc. Bà con có thể chọn loại cỏ họ hoà bản như cỏ sả hay cỏ rusi để vừa kết hợp cho đất liếp vườn được tốt vừa tận dụng cho chăn nuôi.
- Có thể bồi sình trả lại lớp đất mặt cho liếp làm hàng năm hoặc hai năm một lần:

  1. Tuy nhiên nên chú ý đến tầng phèn nếu bỏ lên trên mặt liếp thì chắc chắn mặt liếp sẽ bị phèn.
  2. Bề dày của lớp sình bồi phải vừa phải (khoảng 5 phân).

- Nên bón vôi trước rồi sau một thời gian bón thêm chất hữu cơ hoặc ngược lại vì:

  1. Cần bón thêm vôi để hạ phèn và làm giảm đi mầm bệnh trong đất.
  2. Chất hữu cơ bón trộn vào trong đất sẽ tạo ra chất mùn. Chất mùn nếu gặp Canxium sẽ kết chặt lại với nhau gọi đó là canxi - mùn, khi đó canxi sẽ không còn tác dụng cải tạo đất như mong muốn và chất mùn này cũng không là chất dinh dưỡng cho đất.
  3. Tuy nhiên vẫn có thể sử dụng hai loại phân này cùng lúc, nhưng sau khi bón vôi nên tưới nước, cho nước rút rồi mới bón phân hữu cơ và xới xáo bên trên.

- Bệnh loét trên cây có múi. Bệnh này do vi khuẩn gây ra, thường tấn công vào thời điểm giao mùa rất nặng; đồng thời lượng nước thừa còn làm cho trái bị nứt ra.

- Bệnh xì mủ gốc trên cây có múi, sầu riêng, hoặc bệnh vàng lá thối rễ trên cây có múi sẽ xảy ra nếu trên vườn không có hệ thống thoát nước tốt.

- Mùa mưa cỏ dại phát triển mạnh, để hạn chế cỏ nên dùng thuốc Gramoxone làm cháy bộ lá, giữ lại phần gốc làm thảm thực vật cho vườn cây được êm hơn.

- Nếu vườn có nhiều cỏ dại, cỏ hoang: Cỏ củ, cỏ tranh... hoặc vườn mới kiến thiết bà con có thể sử dụng thuốc Glyphosan để huỷ diệt phần gốc rễ.

Trong mùa mưa

- Chỉ nên bón phân vô cơ mà không nên bón hữu cơ, vì bón phân hữu cơ sẽ tiêu hao không khí trong đất và dễ làm cho rễ cây thiếu không khí.

- Việc bón phân vô cơ tùy theo từng giai đoạn của cây:

  1. Nếu cây đang mang trái thì cần nhiều đạm và kali.
  2. Nếu thúc ra đọt thì cần nhiều đạm và lân.

- Với những vườn điều khiển cho cây ra trái nghịch vụ thì cần ngay các công việc hãm tỉa.
- Để chống lại sự rửa trôi nên xới xáo nhẹ vườn trước lúc bón.
- Rất cần thiết bón thêm 500 kg vôi cho mỗi ha vì ngoài tác dụng giải phóng các dinh dưỡng bị keo đất giữ chặt, hoá giải các độc tố trong đất còn có ý nghĩa cung cấp Canxi trực tiếp cho cây, chất lượng trái ngon hơn.
- Vào mùa mưa, cỏ là những bơm sinh học làm tầng đất sâu mau khô ráo. Do đó, không nên diệt mà chỉ cắt thấp bớt.
- Bổ sung vi lượng:

  1. Khắc phục hiện tượng thiếu vi lượng bằng cách sử dụng các muối sunphát của như: ZnSO4, CuSO4, MnSO4, FeSO4.
  2. Có thể hòa với nước để phun lên lá với liều lượng 2gr/lít (32 gram/bình 16 lít). Để chắc ăn thì nhà vườn phải tự tay thử với liều lượng tăng dần và quan sát phản ứng cây sau 3 ngày.

- Rửa cây:

  1. Nếu vườn thâm canh thì sau mỗi cơn mưa phải dùng nước tưới phun để rửa cây, nếu cây đã lớn thì có thể trèo lên cây, hoặc ngoắc vào sào để rung để làm sạch nước mưa.
  2. Để chống lại các bệnh trên chồi non cần tỉa cành thông thoáng, phun thuốc gốc đồng (hoặc đồng đỏ), nếu có điều kiện nên bao trái.
  3. Phun urea 2% lên tán lá non sẽ đẩy nhanh tiến trình thành thục.
  4. Để hạn chế các bệnh nấm rễ thì có thể tưới thuốc vào đất (trước lúc tưới cần xới xáo) kết hợp với rải vôi, quét vôi lên thân cây.

Khôi phục vườn cây ăn trái sau mùa lũ

- Sau mùa lũ nếu chăm sóc không đúng quy trình kỹ thuật sẽ rất dễ ảnh hưởng đến năng suất của những vụ sau. Nguyên nhân của sự thiệt hại này là do:

  1. Hiện tượng đất bị đóng váng bề mặt làm đất không còn thoáng khí.
  2. Đất ngập bị chiếm hết các tế bào khổng nên không còn đủ oxy cung cấp cho rễ hô hấp, đất trở nên bão hoà nước và rễ dễ bị huỷ hoại.
  3. Do cao trình thấp, khả năng thoát nước kém, mực nước trong các mương vườn thường rất cao làm hạn chế và huỷ hoại hệ thống rễ mọc sâu dưới tầng đất mặt.
  4. Các nguyên nhân trên làm rễ thiếu oxy, đồng thời bị ngộ độc CO2 cùng các độc chất khác, rễ bị “nghẹt” sau đó bị thối. Hậu quả là các loài nấm bệnh trong đất (chủ yếu là Fusarium và Phytophthora) rất dễ tấn công gây hại cho cây trong và sau mùa lũ.
  5. Hiện tượng nghẹt rễ cũng đồng thời làm cây bị “stress”, tổng hợp ethylene bên trong gây ngộ độc, làm lá bị vàng rụng, nhất là sau khi nước rút.

Do đó cần áp dụng các biện pháp khắc phục:

- Xới mặt đất (ở vùng tán cây) bằng cuốc răng (dài 8 - 10 cm) để phá váng, giúp đất được thông thoáng.

- Đào mương để nước rút nhanh ra khỏi vườn cây.

- Nên phun phân NKP (100g/10 lít nước) đều lên thân, lá; cách 5 ngày phun lại lần 2, sẽ hạn chế cây ra đọt non và giúp lá mau già.

- Cắt tỉa cành non, trái non sau khi phun phân NKP đoạn vườn cây bị ngập úng.
- Nên sử dụng phân bón lá có chứa đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho cây trồng như: N, P, K, Ca, Mg, S, Fe...

- Có thể phun tổ hợp phân: 4 phần phân NKP + 1 phần phân urê. Trộn đều, sau đó lấy từ 100 - 150 g hoà tan trong một bình 10 lít và phun đều lên trên lá.

- Tổ hợp phân DAP (dạng công nghiệp) cộng với Cloruakali (phân muối ớt) với tỉ lệ: 2 phần DAP, 1 phần Cloruakali trộn đều, sau đó lấy từ 100 - 150 g hoà tan trong một bình 10 lít và phun đều lên trên lá.

- Khi phun đường gluco thì nên cộng thêm phân urê với tỉ lệ: 4 phần gluco + 1 phần urê để cây dễ hấp thụ. Trộn đều và lấy ra khoảng 50 g hoà tan trong bình 10 lít phun đều lên lá.

- Nên xới nhẹ, phá váng ở lớp đất mặt và đào rãnh để nước rút nhanh ra khỏi mặt líp. Lúc này có thể bón phân trực tiếp lên mặt líp vì khi nước rút rễ cây bắt đầu rút xuống sâu nên sẽ không bị ảnh hưởng.

- Khai rãnh ở mặt liếp, thoát nước trong mương (dựa vào triều kém hoặc bơm thoát nước) để hạ nhanh mực thuỷ cấp trong liếp, giúp rễ mau thông thoáng hơn.

- Cũng tổ hợp 2 phần phân DAP cộng với 1 phần phân Cloruakali, trộn đều và bón cho mỗi gốc từ 200 g - 500 g đối với cây khoảng hai năm tuổi, nếu cây lớn hơn thì có thể tăng liều lượng cao lên.

- Cần cung cấp thêm chất vôi cho vườn cây ăn trái trong giai đoạn này với liều lượng từ 0,5 - 1 kg cho mỗi gốc (khoảng 500 kg – 1.000 kg/ha).

Chú ý trị các loại bệnh do nấm tấn công ở vùng gốc và rễ cây bằng các loại thuốc thích hợp.

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang