• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trồng trọt

Kinh nghiệm chăm sóc cây ăn trái trong mùa mưa, lũ

Hàng năm, cứ vào mùa mưa, lũ, hầu hết diện tích cây ăn trái bị sâu bệnh tăng rất nhanh. Không những thế, lũ kéo dài thời gian ngập úng khiến cây dễ chết.

Toàn tỉnh hiện có trên 29.000ha cây ăn trái, trong đó: chôm chôm hơn 5.200ha, nhãn gần 5.000ha… Chôm chôm tập trung nhiều ở Chợ Lách và Châu Thành. Sản lượng khoảng 87.000 tấn/năm. Trong mùa mưa, lũ chôm chôm thường bị bệnh rệp sáp và sâu đục trái. Chôm chôm thường bị rệp sáp gây hại, nhưng phổ biến nhất là loài rệp sáp phấn (Planococcus  lilacinus). Ông Trần Hoàng Sở - Tổ trưởng Tổ GlobalGAP chôm chôm ở ấp Phụng Đức B (xã Phú Phụng -  Chợ Lách) cho biết, để phòng trị rệp sáp, chúng ta nên áp dụng những biện pháp: không trồng với mật độ quá dày, thường xuyên cắt bỏ những cành bị sâu bệnh... Bón phân, phun thuốc đầy đủ để chôm chôm phát triển tốt, có sức chống chọi rệp sáp. Dọn sạch cỏ, rác, lá cây mục ở xung quanh gốc để kiến bỏ đi. Nếu quanh gốc có quá nhiều kiến, có thể dùng thuốc Padan, Basudin hoặc Regant hột để diệt kiến, nhằm hạn chế kiến tha rệp sáp từ cây này sang cây khác. Để diệt rệp sáp có thể sử dụng một số loại thuốc như: Applaud 10WP; Supracid  40EC/ND; Suprathion  40EC; Dầu khoáng DC-Tron Plus  98,8EC; Bitox 40EC/50EC; Butyl 10WP... phun ngay vào chỗ có rệp sáp đeo bám.

Ông Trần Văn Kia cũng ở ấp Phụng Đức B, sản xuất 1,5ha chôm chôm, cho biết ngoài rệp sáp, khi chôm chôm chín hơi vàng thì thường bị sâu đục trái. Nên thu hoạch sớm trước khi trái quá chín. Phun thuốc khi trái bắt đầu chín bằng các loại như: Decis, Cymbush, Ambush, ...

“Vườn chôm chôm gần 4 công của tôi đang bị bệnh chổi rồng. Tỷ lệ nhiễm bệnh chưa cao. Tôi chỉ còn cách cắt những nhánh bị bệnh chổi rồng để đốt bỏ” - ông Sở cho biết thêm.

Cây sầu riêng thường bị bệnh thối gốc, chảy mủ do nấm Phytophthora palmivora. Trên rễ có màu nâu đen ngày càng to, lá chuyển màu vàng và cây chết từ từ. Thân cây bị chảy nhựa ra. Lá bị những đốm đen nhỏ, lây lan rất nhanh, khi có mưa kèm theo gió mạnh khiến bệnh lây lan cả vườn. Trên trái vết gây bệnh khởi đầu là một vài chấm nhỏ màu nâu đen, thường ở vị trí từ cuống đến giữa trái. Chấm nhỏ này phát triển thành hình tròn trên vỏ trái. Các vết tròn sẽ nứt ra khiến cơm sầu riêng bị thối, kèm theo nhiều sợi nấm màu trắng rồi trái rụng trước khi chín. Để phòng trị những bệnh nêu trên, ông Nguyễn Văn Thảo ở ấp Vĩnh Nam (xã Vĩnh Thành - Chợ Lách) cho biết nên sử dụng các sản phẩm phân vi sinh, phân chuồng, vi sinh vật đối kháng để bón cho cây. Phải dùng thuốc Phosphonate 30ml bơm vào thân cây 3 lần trong năm, mỗi lần cách nhau 4 tháng.

Cây măng cụt tập trung nhiều ở xã Long Thới và Tân Thiềng. Trong đó, Long Thới có gần 300ha măng cụt.  Ông Lê Văn Dũ ở ấp An Thạnh (xã Long Thới - Chợ Lách) - Tổ trưởng Tổ VietGAP măng cụt cho biết, trái măng cụt kỵ nhất là nước mưa vì nước mưa làm cho trái măng cụt bị xì mủ. Chỉ còn cách hạn chế nước vào mương vườn măng cụt. Từ đó, măng cụt ra hoa sớm khoảng 15-20 ngày (trước khi có mưa) thì trái không bị xì mủ. Nhờ cho ra trái sớm, không bị xì mủ nên măng cụt có giá từ 60-100 ngàn đồng/chục. Vào mùa mưa trái măng cụt chỉ còn 10-30 ngàn đồng/chục do xì mủ. Ngoài cách hạn chế nước vào mương vườn, để khắc phục bệnh xì mủ trên trái măng cụt, nhà vườn cần khấc gốc. Cuối tháng 9, đầu tháng 10 (âl) hàng năm, bắt đầu khấc xung quanh gốc măng cụt, đến tháng 11, 12 (âl) cho ra bông. Khấc gốc, măng cụt cho trái không to nhưng 10 trái chỉ xì mủ 1-2 trái. Nếu không khấc gốc thì trái măng cụt vào mùa mưa cứ 10 trái có 5-6 trái bị xì mủ.

Bưởi da xanh vào mùa mưa vẫn bị sâu hồng (có tên khoa học Citripestis sagittiferella, họ Pyralidae, bộ Lepidoptera) đục trái. Ông Bùi Văn Chỉnh - Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất bưởi da xanh Phú Thành (xã Quới Sơn - Châu Thành) cho biết, để phòng trị sâu hồng đục trái bưởi chỉ còn cách bao trái, không nên sử dụng loại bao quá dày. Bao dày quá làm cho ánh nắng không quang hợp được với vỏ trái bưởi, khiến trái bưởi kém chất lượng.

Ông Huỳnh Thanh Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, để bảo vệ trái cây trong mùa mưa, lũ, chúng ta nên xịt thuốc, bón phân đúng lịch, đúng thời vụ và chuẩn bị chu đáo bờ bao ngăn lũ. Mỗi vùng đất thích hợp với mỗi loại cây ăn trái, đừng chạy theo phong trào. Trái cây sắp thu hoạch chỉ được phun thuốc trừ sâu từ 15 ngày trở lên để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

HOÀNG VŨ, Báo Đồng Khởi, 27/10/2013

 

Bảo vệ cây ăn trái trong mùa mưa bão

Để đề phòng và hạn chế những tổn thất cho vườn cây ăn trái trong mùa mưa, bão, người làm vườn cần chú ý:

- Tạo hệ thống rãnh xung quanh vườn cho từng cây trồng, đảm bảo thoát nước nhanh nếu tiếp tục mưa to, giảm thiểu độ ẩm đất khi còn bị ngập úng.

- Tôn cao lớp đất mặt vườn. Dùng xỉ than và tro bếp trộn với đất mùa bón vào quanh gốc cây để tạo điều kiện cho bộ rễ cây ăn nổi lên, phát triển nhiều và khoẻ. Việc này thực hiện khi nước rút, ngập úng đã qua. Xỉ than và tro bếp hút ẩm nhanh, làm tơi xốp, thoáng khí lớp đất quanh gốc cây, đồng thời cung cấp nguồn kali cần thiết cho cây. Nên trộn xỉ than và tro bếp với đất màu theo tỉ lệ 1:2 rồi vun vào gốc cây.

- Bón phân tập trung cho cây ngay sau mùa mưa, úng ngập. Dùng loại phân chuồng khô, hoai mục, bón phân lân và kali là chủ yếu. Phun thêm các loại kích thích tố hoặc bón phân qua lá để cây sớm phát triển mầm chồi, nhanh chóng hồi phục, phát triển.

- Để đề phòng những trận mưa lớn tiếp theo làm tăng độ ẩm của đất và hạn chế trôi đất màu, có thể dùng tấm nilon mỏng phủ lên mặt đất quanh gốc cây.

NTNN, 6/9/2004

 

Phương pháp cứu cây ăn trái bị đổ do bão

Thưa bà con, thực tình khi xem ti vi và xem báo tên mạng thấy hình ảnh những cây măng cụt hàng trăm năm tuổi của bà con bị gió, bão làm đổ ngã bản thân rất xót xa. Bản thân muốn được làm một việc gì đó có thể giúp được bà con cứu vãn những cây măng cụt nói riêng và những cây to, cao bị đổ ngã nói chung.

Khi muốn cứu cây đổ ngã bà con đều có thể áp dụng theo phương pháp sau đây:

Ngay sau bão:

- Kịp thời đậy kín gốc cây bị đổ bằng cách đắp đất hoặc vật liệu có thể có như rơm rạ, lá cây… để rễ cây không bị nắng, gió làm khô rễ. Cây cứu sống được hay không phụ thuộc vào tỷ lệ rễ cây bị khô nhiều hay ít.

- Cắt bỏ lá, cắt ngọn, cành. Cắt nhiều hay ít, cao hay thấp tuỳ thuộc vào đường kính, chiều cao cây và nhân lực, phương tiện dựng cây đứng lại.

- Trên các vết cắt dùng mỡ xe hoặc đất sét, vôi tôi… chít kín các lỗ mạch gỗ để không cho nước thoát ra từ vết cắt.

- Dùng bẹ chuối hoặc lá cây, bao tải…. bó buộc quanh thân để hạn chế nước thoát từ vỏ. Không dùng bạt Nilông, chất làm nóng vỏ cây.

Sau khi đã bình ổn bão:

- Gỡ phần gốc che phủ, dùng cưa cắt bớt rễ to, trên vết cắt cũng bôi mỡ xe ở phần gỗ, phần vỏ bôi thuốc kích thích ra rễ hiện đang bán rất nhiều trên thị trường có kèm theo hướng dẫn sử dụng.

- Nhờ người và các phương tiện hỗ trợ có thể có để dựng cây đứng lên, chống giữ cây đứng ổn định, tưới nước vừa đủ ẩm, sau một thời gian cây sẽ ra cành, lá mới.

- Khi cây ra lá bà con dùng phân bón lá phun vào lá theo hướng dẫn sử dụng có ghi ở bao bì phân bón.

Trên đây là một giải pháp cứu cây đổ do bão và cũng có thể áp dụng khi bà con bứng cây có kích thước lớn đưa đi nơi khác trồng.

Ths.Nguyễn Tuấn Bình - BTre, 11/12/2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang