Ngoài biện pháp bón phân, phun các loại thuốc bảo vệ thực vật, nhà vườn trồng cây ăn trái còn áp dụng phương pháp dùng ống kim tiêm chích trực tiếp vào cây. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong ống chích đó bơm các loại thuốc mà theo nhà vườn là để giúp cây phát triển, phòng trị một số loại bệnh trên cây để tăng sản lượng. Vậy việc tiêm chích vào cây ăn trái có nên hay không?
Việc tiêm chích thuốc vào cây như cách nhà vườn làm có nên thực hiện hay không, các nhà khoa học cho rằng: không nên. Bởi việc tiêm chích như trên chẳng những không trị bệnh được cho cây mà có thể làm cây bị chết và quan trọng hơn hết là người tiêu dùng sẽ không dám dùng trái cây khi biết cây đó được “tiêm chích”, sản phẩm sau thu hoạch sẽ không bán được xem như “mất trắng”.
Dùng khoan khoan trực tiếp vào thân cây để tiêm chích cây là cách làm sai.
Theo nhiều nhà vườn, cam sành rớt giá thê thảm như hiện nay cũng một phần do việc tiêm chích trên cây tác động đến thị trường tiêu thụ. Toàn tỉnh Sóc Trăng có diện tích cây ăn trái gần 29.300ha, với các cây chủ lực như: cam, bưởi, quýt, vú sữa, xoài, nhãn… Đây là các loại cây mang về giá trị kinh tế cao, tập trung tại các huyện: Kế Sách, Châu Thành, Mỹ Tú, Cù Lao Dung, Long Phú.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kế Sách Vũ Bá Quan thông tin, Kế Sách có tổng diện tích cây ăn trái 16.200ha, trong đó, cây có múi (cam, bưởi, chanh) chiếm diện tích cao nhất với 2.200ha. Trong nhóm cây có múi, cam sành, bưởi da xanh rất mẫn cảm bệnh nguy hiểm là vàng lá gân xanh, vàng lá thối rễ, vàng đầu, đặc biệt là trên bưởi da xanh trồng tại đất cũ và đất mới cải tạo không phù hợp, trường hợp khác đất bị chua và oi nước nên hiện tượng vàng đầu xảy ra khá phổ biến. Chính các dịch bệnh trên cây nên từ năm 2015 đến nay, nhà vườn đã áp dụng biện pháp tiêm chích trị bệnh cây với diện tích 1.300ha. Đây là hình thức tự phát tại nhà vườn, vì vậy cần có những khuyến cáo chính thức từ các chuyên gia, nhà khoa học để nhà vườn canh tác cây ăn trái hiệu quả nhất.
Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Kim Tính - Chuyên gia thổ nhưỡng (giảng viên Trường Đại học Cần Thơ) chia sẻ về vấn đề tiêm chích trên cây là bà con nhà vườn khoan nóng vội kết luận cây bị bệnh mà sử dụng việc tiêm chích vào cây, trước tiên cần kiểm tra cách canh tác đã đúng hay chưa.
Phó giáo sư, tiến sĩ Tính nêu thông tin, duy nhất chỉ có một nghiên cứu khoa học về tiêm thuốc trị bệnh vào cây nho và họ dùng dụng cụ khoan chuyên dụng, kể cả kim tiêm, chứ họ không dùng khoan để khoan trực tiếp vào thân cây như một số nhà vườn đang làm, cũng nghiên cứu này nếu dùng khoan, ta khoan cây sẽ bị hư, còn tiêm bằng bộ kim tiêm chuyên dụng là tốt, cái sai là ta dùng khoan trực tiếp vào cây, lâu ngày mô gỗ trong cây sẽ bị chết. Riêng việc tiêm dinh dưỡng vào cây có thất bại, có thành công. Chẳng hạn ở Ai Cập, việc tiêm dinh dưỡng sẽ đạt 90% và tiêm lúc cây còn nhỏ là cây xoài, cây nho, chưa có ai tiêm dinh dưỡng cho cây bị bệnh, vì tiêm lúc cây nhỏ sẽ hạn chế được việc cung cấp phân bón cho cây và bao nhiêu dinh dưỡng được tiêm hỗ trợ cho cây có kết quả, bao nhiêu dinh dưỡng lấy từ đất chưa có câu trả lời.
Các ống chích được gắn luôn trong thân cây.
“Chưa có bà con nào tiêm thành công khi tôi đã đi thăm nhiều vườn cây ăn trái. Theo tổng kết của tiêm thuốc trừ bệnh trên cây chưa có kết quả nghiên cứu và chỉ có việc tiêm dinh dưỡng trên cây nhỏ lúc cây khỏe, chứ không tiêm dinh dưỡng cho cây bệnh” - Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Kim Tính thông tin thêm.
Còn tiến sĩ Lê Quốc Điền - Giám đốc Trung tâm Chuyển giao và Ứng dụng kỹ thuật (Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam) cho rằng, nhà vườn tuyệt đối không sử dụng biện pháp tiêm chích vào cây ăn trái, để giữ hình ảnh trái cây khi đưa ra thị trường. Bởi người tiêu dùng họ sẽ ngán ngại không dám dùng trái cây đã được tiêm chích và họ đâu biết rằng vườn nào có tiêm thuốc vào cây, vườn nào không có. Như vậy vô hình trung tất cả nhà vườn đều bị thiệt hại. Biện pháp tốt nhất cho việc canh tác cây ăn trái là xây dựng chu trình canh tác phù hợp cũng như tạo độ màu mỡ cho đất, đây là vấn đề quan trọng nâng chất vùng đất, nâng độ pH cho đất bằng cách bón vôi phù hợp, chứ không phải dùng biện pháp tiêm chích vào cây. Đối với cây cam sành thị trường Hà Nội rất ưa chuộng, chính vì vậy bà con nông dân cần xây dựng hình ảnh trái cam miền Nam “thật đẹp” để tạo chỗ đứng vững tại thị trường trong nước, có như vậy việc sản xuất của bà con mới bền vững, lâu dài…
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Nga - Chuyên gia Bảo vệ thực vật khẳng định: “Không nên áp dụng biện pháp tiêm chính trên cây cam khi bị bệnh vàng lá gân xanh, nếu tiêm chích một khoảng thời gian sau đó cây vẫn tái bệnh. Tốt nhất nhà vườn xem lại cách canh tác để đảm bảo năng suất cây trồng, bảo vệ sức khỏe bản thân và người tiêu dùng. Đối với ngành chức năng cần hỗ trợ nhà vườn trong việc cung cấp giống cây sạch bệnh, chuyển giao khoa học kỹ thuật về canh tác…”.
Thông qua đây, các chuyên gia, nhà khoa học khẳng định rằng: Ở Việt Nam chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào về vấn đề tiêm chích phòng trị bệnh trên các loại cây có múi cũng như cây ăn trái. Qua đó, khuyến cáo nhà vườn không tiêm chích cho cây, biện pháp tốt nhất là canh tác đã đúng theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật.
Thúy Liễu - Báo Sóc Trăng, 29/10/2018
Nhấn vào đây để xem tất cả các thông tin kỹ thuật trồng cây ăn trái
- Kỹ thuật trồng cây ăn trái, rau màu, cây dược liệu và các loại cây khác
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.