Theo dược sĩ Vũ Văn Chuyên, cây hoa sói có tên khoa học là: Chloranthus Inconspicuus Swartz. Cây thuộc loại thân thảo, có nhiều đốt, phân hóa nhiều cành, thân ngầm dưới đất đẻ nhiều nhánh. Từ 1 cây trồng ban đầu, sau 3 năm phát triển thành khóm có từ 25 đến 30 nhánh. Hoa của cây hoa sói mọc thành cụm ở đầu cành có nhiều nhánh (4 – 6 nhánh), mỗi nhánh dài 4 – 5cm có 13 – 14 hoa. Cây hoa sói cho hoa quanh năm, thời gian từ khi phân hóa nụ hoa đến khi chín là 30 – 35 ngày. Trong một năm, sản lượng hoa đạt cao nhất vào thời điểm tháng 3 – 4, đến tháng 6 – 8 trời nắng nóng hoa nhỏ dần và năng suất giảm.
Về kỹ thuật trồng:
Cây hoa sói phát triển tốt trên đất thịt, đất thịt nặng và không bị úng nước. Trước khi trồng cần bón lót phân chuồng hoặc phân hữu cơ (bụi chè, rác mục), hàng năm bón bổ sung phân vô cơ NPK. Nhân giống hoa sói bằng biện pháp vô tính với 3 loại hom: Hom non – cắt phần đầu cành; hom bánh tẻ – cắt phần giữa cành; hom già – cắt phần gốc. Tùy theo vị trí của nách lá có thể cắt độ dài của hom từ 7 – 15cm Sau giâm 20 – 25 ngày, hom bắt đầu ra rễ. Hom non có rễ nhiều, tỷ lệ xuất vườn cao nhưng chiều cao cây thấp, hom bánh tẻ số rễ nhiều nhất, chiều cao cây trung bình, hom già số rễ ít nhưng có chiều cao cây cao nhất. Có thể trồng hoa sói 1 – 2 cây/hốc (cây x cây: 10cm), hoặc 3 cây/hốc (cây x cây: 10cm, trồng theo hình tam giác). Khoảng cách trồng khóm x khóm: 0,6m x 0,6m, hàng x hàng: 1 m x 1m. Giâm hoa sói vào vụ thu (tháng 9) cây con sinh trưởng tốt hơn so với vụ đông xuân (tháng 12). Trong quá trình chăm sóc cần che nắng cho hoa sói vào mùa hè để tránh hiện tượng cháy lá, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây.
Kỹ thuật ướp hoa sói cho chè:
Cây hoa sói có hoa quanh năm, nhưng khi hoa chín đúng độ (mầu trắng đục), có hàm lượng hương thơm cao nhất. Vào mùa hè, hái hoa vào buổi sáng (7 – 8 giờ), có hương thơm hơn hoa được hái vào buổi chiều. Vào mùa thu, hoa hái vào buổi sáng và chiều đều có hương thơm như nhau.
Nên ướp với lượng 300 – 400g hoa/1 kg chè bảo đảm chất lượng nhất. Ướp với lượng hoa ít không có mùi vị đặc trưng, ngược lại ướp nhiều quá có vị đắng của cuống hoa làm giảm chất lượng chè. Tại phía Bắc, sử dụng giống chè trung du, chè Thái Nguyên có khả năng hấp thụ tinh dầu hoa sói mạnh hơn cả. Các giống chè Shan, TRi 777 không thích hợp với ướp hương hoa sói .
NNVN, 9/9/2003
Nhấn vào đây để xem các thông tin về kỹ thuật trồng chè
- Kỹ thuật trồng cây ăn trái, rau màu, cây dược liệu và các loại cây khác
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.