Chống nứt trái chôm chôm
Chôm chôm Rông-riêng là một giống chôm chôm đang đạt hiệu quả kinh tế cao có nguồn gốc từ Thái Lan. Tuy nhiên, giống này có nhược điểm là hay bị nứt trái nếu chăm sóc không đúng cách ở giai đoạn cây mang trái.
Chôm chôm Rông- riêng từ khi cây đậu trái đến thu hoạch khoảng 15- 16 tuần: từ tuần thứ 1- 8, trái phát triển chậm, chủ yếu là phát triển vỏ, râu và hạt; từ tuần thứ 9 bắt đầu có cơm (qua cơm) nên trọng lượng trái tăng nhanh; từ tuần thứ 14 – 15 trái bắt đầu chín.
Trái chôm chôm Rông- riêng có đặc điểm là vỏ mỏng và cơm dày nên hiện tượng trái bị nứt thường hay xảy ra ở giai đoạn trái bắt đầu qua cơm. Muốn tránh tình trạng này, khi cây bắt đầu đậu trái, nhà vườn phải thực hiện các biện pháp kỹ thuật sau:
- Bón phân: từ tuần thứ 1- 8 nên sử dụng phân có nhiều lân (P) và ka-li (k) để tạo vỏ cứng cho trái và cuống trái to. Giai đoạn trái qua cơm sẽ lớn nhanh, ngoài lượng phân đạm cao (N) chú ý sử dụng định kỳ phân bón lá có nhiều can-xi (Ca) nhằm giúp vỏ trái thêm cứng. Khi trái bắt đầu chín (hoa cà) bón phân tăng lượng ka-li để nâng cao chất lượng trái.
- Tưới nước: chế độ tưới nước cho cây rất quan trọng trong giai đoạn này, thiếu nước cây bị cháy lá và trái không lớn, nếu tưới nước thất thường hiện tượng nứt trái dễ xảy ra trong giai đoạn trái qua cơm (cây thiếu nước gặp phải các trận mưa lớn hay cây thiếu nước một thời gian bị tưới đẫm nước thì hiện tượng nứt trái sẽ xảy ra do vỏ không phát triển tương ứng với cơm). Vì vậy, vườn chôm chôm Rông- riêng đang mang trái phải luôn giữ đủ nước và được tưới nước đều đặn để cây không bị sốc khi gặp mưa nhiều làm trái bị nứt.
TRUNG TÍN (TP Vĩnh Long) - Báo Vĩnh Long, 06/05/2014
Những năm gần đây, trái chôm chôm Rong-riêng được thị trường ưa chuộng và từ đó có nhiều nhà vườn Chợ Lách (Bến Tre) trồng loại cây này.
Chôm chôm Rong-riêng có ưu điểm: sinh trưởng mạnh, dễ ra hoa và đậu trái, phẩm chất trái ngon, giá trị thương phẩm cao… Tuy nhiên, cây có hiện tượng nứt trái. Mặc dù nhà vườn đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật để hạn chế hiện tượng này, điển hình như không bón phân hay hạn chế bón phân có hàm lượng đạm (N) cao trong giai đoạn trái đang phát triển nhưng kết quả thu được không cao.
Qua khảo sát thực tế và tìm hiểu các thông tin liên quan, nhóm nghiên cứu của kỹ sư Lê Văn Đơn - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, nhận thấy: Chôm chôm Rong-riêng và những giống khác sau khi đậu trái khoảng 15 đến 16 tuần thì có khả năng thu hoạch. Từ tuần thứ 9, trái chôm chôm hình thành cơm và tăng nhanh trọng lượng đến khi chín. Trái chôm chôm Rong-riêng có vỏ mỏng nên hiện tượng nứt trái trong giai đoạn này diễn ra. Nhất là trong giai đoạn mang trái, cây bị mất nước, sau đó lại bị thừa nước đột ngột do mưa hay yếu tố khác.
Từ các nghiên cứu, khảo sát, nhóm nghiên cứu kết luận hai vấn đề chính làm trái chôm chôm Rong-riêng bị nứt, đó là: Trong quá trình nuôi trái, cây bị thiếu nước; đột ngột sau đó cây bị dư nước (do mưa), cơm trái lớn nhanh hơn bình thường làm lớp vỏ mỏng bị nứt. Để khắc phục hiện tượng trên, phải có giải pháp canh tác đồng bộ ngay sau khi cây đậu trái.
Do đó, nhóm nghiên cứu khuyến cáo: Sau khi cây chôm chôm Rong-riêng đậu trái, nhà vườn cần áp dụng 2 giải pháp chính trong canh tác là: Duy trì độ ẩm trong đất, tăng cường lượng nước tưới thường xuyên để cung cấp đủ nước cho rễ hoạt động; tạo vỏ dày bằng cách bón phân hợp lý. Nếu trong giai đoạn mang trái, cây chôm chôm Rong-riêng bị thiếu nước thì trái sẽ không lớn, cây bị cháy lá, nguy cơ nứt trái rất cao nếu gặp mưa. Trong mùa nắng, nhà vườn cung cấp đủ nước cho cây chôm chôm Rong-riêng trong giai đoạn mang trái thì hiện tượng sốc nước dẫn đến trái bị nứt sẽ không xảy ra. Giải pháp tốt nhất được nhóm nghiên cứu đề xuất là thường xuyên xả nước mương vườn hoặc tưới đủ nước sạch cho cây, kết hợp phun phân bón trên lá.
Để tăng độ dày cho vỏ trái chôm chôm Rong-riêng, từ tuần thứ 1 đến tuần thứ 8, sau khi cây đậu và hình thành trái (tạo vỏ và hạt), nhà vườn phải sử dụng phân bón đúng cách. Điều này quyết định việc có hay không hiện tượng nứt trái cũng như năng suất và chất lượng trái sau này. Giải pháp tốt nhất lúc này là tăng lượng phân Lân (P) và Kali (K) cao hơn Đạm (N), theo nguyên tắc dịch chuyển để đến tuần thứ 8 thì lượng NPK có tỷ lệ bằng nhau. Từ tuần thứ 9 đến tuần thứ 16 (thu hoạch), trái có cơm và lớn nhanh, ngoài việc cung cấp lượng đạm (N) cao, nhà vườn chú ý sử dụng canxi phun định kỳ để vỏ trái cứng chắc.
Trong quá trình bón phân cho cây, nhà vườn cần sử dụng phân đơn gồm: U-rê, DAP thay cho Super Lân và Clorua Kali. Tùy theo lượng trái trên mỗi cây mà nhà vườn xác định liều lượng bón phân ở gốc cho phù hợp. Thông thường, cây mang khoảng 70kg trái có thể bón từ 100-120 gram. Cây mang từ 100kg trái trở lên có thể bón từ 2.000-2.500gram phân hỗn hợp như trên. Nhà vườn có thể trộn lẫn các loại phân để bón, tuy nhiên, tốt nhất nên bón từng loại phân để có thể điều chỉnh theo nhu cầu của cây. Phân bón cần rải đều quanh gốc, theo tán cây. Trước khi bón phân, nên tưới nước giữ ẩm cho đất. Sau khi bón phân, cần tưới nước liên tục từ 7 đến 10 ngày để phân bón tan trong đất cho cây hấp thụ.
Quy trình chăm sóc trái chôm chôm Rong-riêng được nhóm nghiên cứu tóm tắt như sau: Sau khi cây đậu trái, từ tuần thứ 1 đến tuần thứ 14, nhà vườn cần bón 6 lần phân. Từ 1 đến 8 tuần, bón phân 3 lần. Từ tuần thứ 9 đến thứ 14, bón phân 3 lần.
Tuần thứ 2, lượng phân NPK bón rễ được chia theo tỷ lệ 3-2-1, kết hợp phòng ngừa bệnh phấn trắng và phun phân bón lá có NPK theo tỷ lệ 1-2-1. Tuần thứ 5, lượng NPK bón cho rễ chia theo tỷ lệ 2-2-1, kết hợp ngừa sâu đục trái và phun phân bón lá có NPK, theo tỷ lệ 1-1,5-1. Tuần thứ 8, lượng NPK bón qua rễ chia theo tỷ lệ 1-1-1, kết hợp ngừa sâu đục trái và phun phân bón lá có NPK theo tỷ lệ 1-1-1. Tuần thứ 10, phân NPK bón qua rễ chia theo tỷ lệ 3-2-1, kết hợp ngừa sâu đục trái, kết hợp phân bón lá có NPK theo tỷ lệ 3-1-1 và Canxi. Tuần 12, phân NPK bón qua rễ có tỷ lệ 2-2-1, kết hợp ngừa sâu đục trái, phun phân bón lá có tỷ lệ NPK là 3-1-1 và Canxi. Tuần 14, phân bón qua rễ có tỷ lệ NPK là 3-1-1, kết hợp phun thuốc ngừa sâu đục trái có thời gian cách ly ngắn, phun phân bón lá có tỷ lệ NPK là 1-1-1. Trong giai đoạn trái chuẩn bị thu hoạch, nhà vườn ngưng sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.
Đối chiếu với cách xử lý của nhà vườn, các giải pháp nêu trên có hiệu quả cao hơn. Giải pháp được tập huấn chuyển giao cho 600 lượt nhà vườn, giảm đến mức thấp nhất hiện tượng nứt trái chôm chôm Rong-riêng trên địa bàn huyện Chợ Lách. Cuối năm 2013, giải pháp này được trao giải nhì tại Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần thứ 4, giai đoạn 2011-2013.
Ngọc Lãm - Báo Đồng Khởi, 8 / 4 / 2014
Xem tất cả các các thông tin và kỹ thuật trồng chôm chôm
- Kỹ thuật trồng cây ăn trái, rau màu, cây dược liệu và các loại cây khác
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.