Theo Cục QLĐĐ-PCLB thì việc trồng Vetiver dễ làm, tốn ít công sức tiền của nhưng mang lại hiệu quả, do có nhiều công dụng cản lũ, chắn sóng bảo vệ mái đê, dùng làm vật tư cứu hộ đê khi cần thiết, chống xói mòn mái đê, xói lở bờ sông, mặt bãi sông, tạo cảnh quan, môi trường khu vực có tuyến đê đi qua. Cỏ Vetiver được đánh giá đa mục tiêu như vậy, nên trong năm 2004-2005 đã xây dựng kế hoạch đầu tư kinh phí 40 tỷ đồng để trồng cỏ trên hệ thống đê điều ở nước ta.
Năm 2000 loại cỏ này đã được trồng ở một số trọng điểm đê kè phía Bắc có nguy cơ sạt lở, đạt hiệu quả cao như Cao Đức, Cáp Thủy (Bắc Ninh) với chiều dài tuyến kè 1km, đê biển vùng cát Xuân Thủy, Hải Hậu (Nam Định) với chiều dài vài km. Hiện nay cỏ phát triển rất tốt, không còn hiện tượng sạt lở mái đê như trước đây. Ở điểm kè Quỳnh Lâm (trên sông Luộc, Thái Bình) sau 8 tháng trồng cỏ phát triển tốt, bảo vệ không kém những khu vực được kè mái đá trước đây, với chiều dài trồng cỏ 300 m, kinh phí 17 triệu đồng, chỉ bằng 1/30 so với đầu tư làm kè đá. Từ kinh nghiệm thực tế trên, 15/19 tỉnh thành có đê ở khu vực phía Bắc đã tham gia trồng cỏ Vetiver và hiện đã có thể tự túc được giống để nhân rộng trồng cỏ theo chương trình lớn của Cục QLĐĐ-PCLB. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc trồng cỏ Vetiver tuy kinh phí thấp, dễ trồng , hiệu quả cao nhưng vẫn phải chăm sóc bảo vệ, nếu không sẽ không tránh khỏi hiện tượng cỏ chết như việc trồng tre chắn sóng ở một số địa phương. Trong giai đoạn đầu trồng cỏ, trước 3 tháng cỏ phát triển nhanh, lá non có thể làm nguồn thức ăn rất tốt cho chăn nuôi dê, trâu bò, vì thế phải bảo vệ vùng trồng cỏ không để gia súc phá hoại. Sau tháng thứ 3, nếu cắt lứa cỏ này thì sẽ kích thích cỏ mọc nhanh và tốt hơn, vì thế có thể giao việc trồng cỏ cho nông dân địa phương chăm sóc, kết hợp với khai thác cỏ sau các lứa cắt để chăn nuôi trâu bò. Theo Cục QLĐĐ-PCLB, tới đây sẽ triển khai rộng trồng cỏ trên các tuyến đê có nguy cơ sụt lở mái và các bờ sông sụt lở như tuyến kè Cáp Điền , Cáp Thủy, Cao Đức (bờ hữu sông Thái Bình), kè Phi Liệt (Hưng Yên), kè Hồng Long (tả sông Lam Nghệ An), các tuyến đê, bờ sông thuộc vùng sạt lở Phú Thọ, Hà Tây, Hưng Yên, Hà Nội , Vĩnh Phúc...sẽ được đầu tư lớn để trồng cỏ bảo vệ tránh sạt lở.
Ngoài 15 tỉnh thành phía Bắc đã tham gia trồng cỏ Vetiver theo vốn đầu tư của Cục QLĐĐ-PCLB, Viện Nghiên cứu Địa chất và khoáng sản (RIGMR) cũng đã tổ chức trồng thử nghiệm cỏ Vetiver tại 2 tỉnh Quảng Bình và Đà Nẵng, với mục đích trồng ổn định các cồn cát. Đây là dự án có kết quả khả quan, có thể áp dụng trồng trên phạm vi lớn 22.000 ha ở các đụn cát phía nam thị xã Đồng Hới, sẽ kiểm soát được sự xói lở trong khu vực. Một dự án trồng cỏ Vetiver cũng được áp dụng khá phổ biến ở vùng ĐBSCL, bà con nông dân tỉnh An Giang đã trồng loại cỏ này bảo vệ có hiệu quả vùng bờ bao chống lũ. Còn ở vùng ven biển miền Trung nông dân đã trồng cỏ bảo vệ bờ ao nuôi trồng thủy sản; một số tỉnh miền núi phía Bắc đã thử nghiệm trồng để chống xói lở sườn đồi núi dốc ruộng bậc thang. Theo RIGMR, sau khi đánh giá cao kết quả trồng cỏ Vetiver tại Quảng Bình và Đà Nẵng một số tổ chức và dự án trong nước có sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế phi Chính phủ, dự định áp dụng trồng cỏ Vetiver để giảm nhẹ thiên tai tại huyện Triệu Phong, Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị). Đồng thời tại Quảng Ngãi, dự án Giảm nhẹ thiên tai do AUSAID tài trợ có kế hoạch trồng cỏ thửã nghiệm ở 4 điểm ngăn mặn trên các tuyến đê sông và kênh tưới tiêu. Được biết một vài tổ chức phi Chính phủ như OXFAM Hong Kong, Hội Chữ thập đỏ Đan Mạch, Nhật Bản, cũng có mong muốn được giúp Việt Nam áp dụng trồng cỏ Vetiver trong việc giảm nhẹ thiên tai. Dĩ nhiên là cần có thêm thời gian để đi đến kết luận cuối cùng về tác dụng chống sạt lở đê, kè... của loại cỏ này.
NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM - 14/11/2003 www.vietlinh.vn
Trồng cỏ vetiver chống xói mòn
Xói mòn đất đã gây nhiều nguy hại cho môi trường và tài nguyên ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Cỏ vetiver (Vetieveria zizanioides - tên Việt Nam là cỏ Hương bài) tỏ ra lý tưởng bảo vệ đất, giữ nước trong đất.
Mặc dù có nhiều loại cỏ, cây được thử nghiệm làm biện pháp chống xói mòn, nhưng chỉ có cỏ vetiver chịu được thử thách. Chưa có loại cây cỏ nào khác đã biết chịu được điều kiện khó khăn, có tính đa dạng như cỏ vetiver.
Khi trồng đúng cách, vetiver nhanh chóng hình thành hàng rào dày đặc, lâu bền, có bộ rễ nhiều sợi ăn sâu trong đất, ôm đất đến độ sâu 3 m, chịu được tác động của đường hầm, nứt nẻ.
Loại cỏ này sống được ở tất cả các loại đất, bất kể đất bạc màu, độ pH cao hay thấp hoặc mặn, trong đó có cát, đá phiến, sỏi, thậm chí đất có độc tính của nhôm. Cỏ vetiver chịu được nhiều vùng khí hậu, có thể mọc ở khu vực lượng mưa hằng năm trung bình từ 200 đến 6.000 mm, nhiệt độ từ -9 độ C đến 45 độ C.
Gốc vetiver ở dưới mặt đất, được bảo vệ an toàn khi cháy hoặc gia súc ăn quá mức. Lá sắc, rễ thơm đẩy lùi các loài gặm nhấm và các loài phá hại khác. Nó không cạnh tranh với cây trồng, không tác động hại đến (trái lại còn tăng) năng suất cây trồng.
Lấy cây con để trồng thường lấy từ vườn ươm vetiver, vườn ươm này rất dễ tạo ra. Lối vào của đập nhỏ hoặc hồ chứa nước là địa điểm tốt nhất cho vườn ươm, vì trên đường nước chảy về đập hoặc hồ thì nước sẽ tưới cho vetiver, còn vetiver lọc ra phù sa trong nước để phù sa khỏi vào hồ. Muốn đạt kết quả cao thì cành giâm vetiver nên trồng 2-3 hàng thành hàng rào song song qua đường nước chảy, mỗi hàng cách nhau 30 - 40 cm.
Muốn nhổ cụm vetiver ở vườn ươm nên đào bằng xẻng, mai vì bộ rễ quá lớn và dai, không thể nhổ bằng tay, sau đó xé ra thành nắm nhỏ, kể cả rễ. Mỗi nắm sẽ trở thành một cây trồng bảo vệ đất.
Trước khi đem trồng, cắt ngọn cây khoảng 15 - 20 cm, cắt rễ 10 cm để tăng khả năng tồn tại của cành giâm sau khi trồng, nhờ giảm mức thoát hơi nước và từ đó cây không bị khô. Không nên trồng chồi đơn vì phải mất quá nhiều thời gian mới trở thành hàng rào.
Bón phân DAP vào từng hốc ở luống trồng trước khi giâm cành để kích thích đâm chồi nhanh. Nên trồng cành giâm vào đầu mùa mưa để tận dụng nước mưa.
Trồng cành giâm vetiver tương tự như cấy mạ lúa, nhất thiết phải trồng thành hàng rào mới phát huy tác dụng bảo vệ đất. Chọc lỗ ở luống cày đánh dấu đường đồng mức, giâm cành vào lỗ, chú ý không để rễ bị bẻ lên, lấp đất chặt, cứ cách 10 cm trồng một khóm. Chỉ cần trồng thành một hàng, cành giâm có thể chịu khí hậu khô một tháng. Nếu có khóm chết, dặm lại bằng khóm khác hoặc uốn thân của khóm bên cạnh, vùi xuống đất. Thân cây sẽ sinh rễ, ra lá như khóm mới.
Sau khi hàng rào vetiver hình thành tốt, tỉa cây đến độ cao 30 - 50 cm để kích thích đâm chồi và ngăn che các cây lương thực. Cày dọc theo mép hàng rào để cắt bỏ chồi mọc lấn vào ruộng, nương, ngăn chặn hàng rào phát triển quá rộng.
Ngoài tác dụng là hệ thống bảo vệ đất, giữ nước, cỏ vetiver còn được sử dụng trongviệc ổn định địa hình và các công trình thủy lợi như đập, kênh, đê điều và đường giao thông. Hàng rào vetiver giá thành tương đối rẻ, dễ trồng thành hàng rào, dễ chăm sóc và có thể nhổ bỏ khi không muốn trồng nữa.
Muốn tìm hiểu thêm về cỏ vetiver, xin liên hệ với Viện Thổ nhưỡng nông hóa, Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội.
MINH TRANG - ND, 2/4/2004
- Kỹ thuật trồng cây ăn trái, rau màu, cây dược liệu và các loại cây khác
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.