Chọn giống ngắn ngày, tính thích ứng rộng và cho năng suất cao như: DT84, DT96, DT12... Thời gian sinh trưởng từ 80-90 ngày. Lượng giống: 2,5-3kg/sào. Đậu tương vụ đông gieo trồng càng sớm năng suất càng cao.
1. Chuẩn bị đất:
Chọn chân vàn, vàn cao, chủ động tưới tiêu, đất có thành phần cơ giới nhẹ càng tốt. Khẩn trương rút nước trước thu hoạch 11-12 ngày. Thu hoạch lúa chín hoa ngâu, thu hoạch gọn cánh, thu hoạch đến đâu gieo trồng vụ đông đến đấy theo hình thức cuốn chiếu với phương châm “sáng thu lúa, chiều trồng đậu tương” tranh thủ thời vụ và ẩm độ đất.
2. Biện pháp gieo trồng:
Phương pháp gieo vãi: Sau thu hoạch tạo rãnh thoát nước, ruộng phẳng cày 1 xá dọc ruộng tạo rãnh, ruộng không phẳng 2m cày 1 xá tạo rãnh thoát nước. Phân lượng giống tương ứng 3kg/sào để gieo đều. Ẩm độ ruộng gieo vãi đảm bảo đứng còn lún chân, gieo đến đâu dùng công nông gắn bánh lồng chạy đè đậu ngay trong ngày, không để qua ngày.
Phương pháp tra rạch: Gặt sát gốc rạ, sau gặt tạo rãnh thoát nước bằng cày, cuốc, các rãnh cách nhau 1,5m (bằng bề ngang luống). Sau đó dùng nông cụ tạo rạch ngang luống sâu 2-3cm, các rạch cách nhau 30-35cm và tra hạt vào rạch, hạt cách hạt 3-5cm.
Phương pháp tra gốc rạ: Thu hoạch lúa xong tạo rãnh thoát nước như trường hợp gieo vãi. Dùng tay gạt nghiêng gốc rạ, tra mỗi gốc rạ 1-2 hạt vào kẽ, tiếp xúc giữa đất và gốc rạ, tuyệt đối không tra vào giữa gốc rạ hạt đậu sẽ không hút được ẩm để nảy mầm.
* Lưu ý: Dùng phương pháp gieo nào cũng đảm bảo mật độ 50 cây/m2 là hợp lý.
3. Phân bón:
Để bón cho 1 sào cần 200kg phân chuồng, 3kg urê, 10kg lân, 3 kg kali. Phân chuồng ngâm vào hố ở góc ruộng. Nếu đất chua bón lót 15kg vôi bột/sào. Cách bón: Bón thúc lần 1 khi đậu có 1 lá thật với 5kg lân + 1,5kg đạm urê. Bón thúc lần 2 khi đậu có 3-4 lá với 5kg lân + đạm urê 1,5kg + 1,5kg kali. Bón thúc lần 3 khi đậu có 5-6 lá với 1,5kg kali. Mỗi lần bón thúc đều phải hòa đều các loại phân với nước phân chuồng rồi tưới. Phải tưới bón tập trung sau 23 ngày phải bón xong toàn bộ các loại phân cho đậu.
4. Chăm sóc đậu tương:
Chế độ nước: Tuyệt đối không để đậu bị úng nước giai đoạn từ gieo đến trước khi có lá thật và giai đoạn ra hoa tạo quả. Giữ đủ ẩm để đậu phát triển.
Làm cỏ cho ruộng đậu: Các đợt bón thúc kết hợp cắt cỏ dại, đắp vào gốc đậu, để cỏ không cạnh tranh dinh dưỡng với đậu. Đồng thời bổ sung màu và giữ ẩm cho đậu.
Phòng trừ sâu bệnh, chuột hại: Tiến hành diệt chuột bằng các biện pháp tổng hợp như biện pháp canh tác, thủ công, sinh học và hóa học. Dùng thuốc Padan, Nuvac, Dipterex diệt rệp, sâu đục quả, sâu ăn lá, ròi lá... Dùng thuốc Zinheb, Tilsupper diệt gỉ sắt, sương mai, đốm nâu hại lá đậu. Dùng Validamicin để trị lở cổ rễ đậu...
Ngọc Ánh, Báo Nam Định, 26/10/2012
Kỹ thuật trồng đậu nành cho năng suất cao
Năm nay, mùa mưa đến trễ và mưa đầu mùa ít nên nhiều nơi trong tỉnh vẫn chưa thể xuống giống lúa, bắp hè-thu. Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, thời điểm này xuống giống lúa đã muộn, vì vậy bà con nên chuyển qua trồng đậu nành, đậu xanh... vừa giúp cải tạo đất, cắt mầm bệnh tránh hạn cho vụ mùa. Đậu nành dễ trồng, song để có năng suất cao, bà con áp dụng một số phương pháp sau:
Hộ ông Điển ở xã Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc) trồng đậu nành cho thu lời hơn 20 triệu đồng/hécta/vụ.
1/ Chọn giống
- Chọn các loại giống có triển vọng cho năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn khoảng 70-80 ngày như: MTĐ 176, OMĐN 1, ĐT 2000, ĐT 2006. Với các giống trên, nếu chăm sóc đúng kỹ thuật năng suất có thể đạt 2,5-3 tấn/hécta.
2/ Chuẩn bị đất trồng
Trồng đậu nành có 2 cách làm đất, không làm đất:
- Không làm đất: Trồng trên nền đất lúa cần đốt gốc rạ và cỏ trước khi gieo sạ. Nếu gieo hạt bằng cách tỉa lỗ, nên sử dụng chày có đường kính 2cm làm lỗ trước khi gieo. Cách này ruộng phải thoát nước tốt khi có mưa nhiều.
- Làm đất: Xới đất cho tơi xốp, cứ 5m đào rãnh sâu 30cm và rộng 20cm để giúp cho việc tưới tràn thuận lợi và thoát nước tốt khi mưa nhiều.
3/ Gieo hạt
- Nếu trồng đậu nành theo cách chọc lỗ, mỗi lỗ bỏ 2-3 hạt, khoảng cách giữa các lỗ là 10cm, khoảng cách giữa các hàng 40cm. Lượng hạt giống cần cho phương pháp trồng bỏ lỗ là 60-70kg/hécta. Sau khi gieo hạt, dùng rơm phủ kín mặt ruộng để giữ độ ẩm, hạn chế cỏ dại phát triển, giảm công tưới và hạn chế xì phèn từ lớp đất dưới lên và giữ được lớp đất mặt không bị nén khi tưới. Ngoài ra, dùng rơm phủ, sau vụ đậu nành đất sẽ có thêm một lượng phân hữu cơ rất tốt cho cây trồng vụ sau.
- Để giảm bớt công lao động, nhiều nông dân dùng máy sạ đậu sạ theo hàng. Tuy nhiên, sạ hàng mật độ cây thường phân bố không đều nên khi làm cỏ, bón phân gặp khó khăn hơn.
4/ Chăm sóc
- Tưới nước: Giai đoạn đầu cây đậu nành còn nhỏ chỉ nên tưới bằng vòi hoa sen. Khi cây được 15-20 ngày có thể tưới tràn. Khi tưới tràn không nên để rãnh đọng nước nhiều, cây sẽ sinh trưởng yếu và dễ phát sinh một số loại sâu bệnh. Đặc biệt, giai đoạn gần thu hoạch thường có mưa nhiều, bà con thường xuyên đi khơi các rãnh cho nước thoát nhanh, tránh ứ đọng nước trong ruộng sẽ làm hư trái. Cây đậu nành chịu hạn rất tốt nên nếu trời nắng thì 6-7 ngày mới tưới một lần.
- Làm cỏ: Sau khi rải hạt giống, dùng thuốc trừ cỏ Dual 720 EC để phun diệt cỏ suốt vụ. Liều lượng sử dụng là 1-1,2 lít/hécta. Nên phun thuốc diệt cỏ trước khi phủ rơm. Nếu trồng trên đất lúa, sau gieo hạt được 10-15 ngày nếu có nhiều lúa mọc lên bị rầy di chứng từ vụ lúa trước dùng thuốc Onecide hoặc Nabu để diệt.
- Bón phân: 1 hécta đậu nành bón khoảng 100-110kg phân ure, 200-250kg phân lân và 60kg kali. Toàn bộ phân lân bón lót trước khi gieo trồng. Còn phân ure chia làm 3 lần bón cho cây. Lần 1 khi cây được 7 ngày bón khoảng 30-35kg ure. Lần 2 là lúc cây 15 ngày bón 50kg ure và lần thứ 3 bón hết số ure còn lại khi cây được 30 ngày. Phân kali bón làm 2 lần, lần 1 khi cây được 15 ngày bón 1/2 lượng kali, lần 2 bón hết vào trước khi cây ra hoa. Ngoài các loại phân bón trên, nếu có điều kiện, nông dân bón thêm khoảng 300-350kg vôi bột/hécta (bón lót với phân lân) để diệt một số mầm bệnh trong đất và giúp cây hấp thụ các loại phân bón tốt hơn.
5/ Thu hoạch
- Khi thấy đa số trái đã chuyển sang màu xám hoặc đen là hạt đã chín già, có thể thu hoạch. Không nên để trái chín quá, khi thu hoạch trái sẽ bị nổ làm hạt bị thất thoát. Trước khi thu hoạch khoảng 5 - 7 ngày dùng dung dịch nước muối (pha 4kg muối hạt trong 32 lít nước và phun cho 1.000m2) để làm rụng bớt lá đậu nành. Dùng nước muối pha loãng phun trước khi thu hoạch đậu nành đỡ công thu hoạch, vận chuyển, công phơi và lá đậu nành rụng xuống ruộng để lại cho đất một lượng phân hữu cơ rất lớn.
- Có thể dùng máy tuốt lúa để ra hạt đậu nành, loại bỏ các hạt sâu, lép, tạp chất rồi phơi khô hoặc sấy còn độ ẩm khoảng 12-13%. Trường hợp dùng phương pháp thủ công để ra hạt thì phơi thật khô cả cây và quả để tỷ lệ hạt thất thoát ít và dễ bảo quản.
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn, mùa mưa năm 2010 trong tháng 6, 7, 8 vẫn có những thời điểm hạn kéo dài gần một tuần và lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm. Do đó, theo khuyến cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, những vùng dùng nước trời sản xuất lúa nếu chuyển đổi được, nông dân nên chuyển qua trồng đậu nành để giảm chi phí trong khi lợi nhuận thu được cao gấp 2 lần trồng lúa. Hiện nay, đầu ra của cây đậu nành khá thuận lợi, tổng sản lượng đậu nành trong nước chỉ đáp ứng được một lượng nhỏ còn đa số phải nhập khẩu.
Nguyệt Hạ - Báo Đồng Nai, 17/6/2010
Trồng đậu nành không làm đất
Năm 2010, Phòng NN-PTNT huyện Châu Thành (Kiên Giang) đã triển khai mô hình trồng đậu nành trên nền đất lúa theo phương pháp “không làm đất” trên diện tích hơn 10ha mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ưu điểm của phương pháp này là rút ngắn được thời gian mùa vụ, giảm chi phí…
Ông Lê Quốc Việt, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Thành cho biết, thực tiễn cho thấy, việc triển khai sản xuất theo các mô hình 2 lúa 1 màu sẽ ít rủi ro và hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với làm lúa 3 vụ/năm. Trong đó, huyện chọn cây đậu nành để triển khai thực hiện thí điểm trên diện tích hơn 10ha tại xã Mong Thọ A. Xét về cơ cấu mùa vụ, cây đậu nành có thể trồng được quanh năm. Còn theo mô hình 2 lúa một màu thì tốt nhất nên trồng đậu vào vụ xuân hè, tiếp ngay sau vụ lúa đông xuân. Nên chọn các giống ngắn ngày để rút ngắn thời gian canh tác (chẳng hạn giống đậu nành A17, có thời gian sinh trưởng cực ngắn, chỉ 75 ngày), tránh nắng hạn vào cuối vụ.
Kỹ thuật như sau:
Chuẩn bị lượng đậu nành giống khoảng 120-130kg/ha. Khi lúa đông xuân vừa chín, tiến hành gieo sạ đậu nành trước rồi đưa máy gặp đập liên hợp vào thu hoạch lúa ngay (chú ý không để lâu, hạt đậu hấp thu nước sẽ bị mềm, khi đưa máy vào thu hoạch lúa sẽ làm ảnh hưởng đến hạt giống). Sau đó dùng máy cắt gốc rạ (loại máy cắt cỏ) và phủ rơm lại cho đều. Tiến hành bơm nước vào ruộng cho ngập hạt đậu và ngâm khoảng 4 giờ sau đó rút nước ra.
Những nông dân tham gia mô hình này cho biết, ưu điểm của phương pháp này là rút ngắn được lịch thời vụ (do không tốn thời gian làm đất), giảm công làm đất, chi phí bơm tưới nước nhờ tận dụng được độ ẩm trong đất từ vụ lúa. Tuy nhiên, do không được làm đất nên sâu bệnh và cỏ dại có điều kiện phát triển nhiều hơn. Ngoài ra, còn gặp trở ngại trong việc ứng dụng các kỹ thuật bón phân, nhất là các loại phân đòi hỏi phải trộn đều trong đất hoặc vùi lấp như phân lân, phân hữu cơ, vôi…
Do làm trên nền đất ruộng lúa nên tốt nhất là sử dụng phương pháp tưới tràn kết hợp với các lần bón phân theo chu kỳ 15 ngày, 30 ngày và 45 ngày kể từ ngày gieo sạ. Trong quá trình chăm sóc, cần chú ý phòng trừ các loại sâu bệnh gây hại như: sâu ăn tạp, sâu đục thân, đục trái, sâu xanh da láng, rầy cánh phấn, bệnh gỉ sắt, héo rũ, đốm phấn… Trước khi thu hoạch 10 ngày, tiến hành phun thuốc Agamoxome 276SL (thuốc cỏ cháy) cho đậu rụng hết lá. Sau đó cắt ngang cây để thu gom trái, dùng máy suốt để tách lấy hạt, phơi khô.
Ông Nguyễn Văn Phết, một nông dân tham gia mô hình cho biết, mỗi ha đậu nành có thể cho sản lượng thu hoạch từ 2,3-2,5 tấn. Với giá thị trường như hiện nay (khoảng 11.000 đồng/kg), tổng thu khoảng 25-27,5 triệu đồng/ha, trừ chi phí nông dân còn lãi trên 60%. Nếu so với trồng lúa, lợi nhuận thu được từ vụ trồng đậu nành cao hơn gấp 2 lần. Trong khi đó thời gian chăm sóc lại ít hơn, rút ngắn được thời gian lao động. Ngoài ra, việc trồng đậu nành trên nền đất lúa còn có tác dụng cải tạo đất, tăng độ phì nhiêu cho đất. Theo tính toán, những nốt sần trên rễ đậu sẽ cung cấp một lượng đạm khá lớn cho đất, tương đương 10kg phân urê cho 1.000m2. Vì vậy, khi tiến hành gieo sạ lại lúa hè thu, nông dân sẽ đỡ tốn chi phí hơn so với làm lúa 3 vụ/năm.
Đ.T.CHÁNH - Nông nghiệp Việt Nam, 08/11/2010
- Kỹ thuật trồng cây ăn trái, rau màu, cây dược liệu và các loại cây khác
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.