• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trồng trọt

Kỹ thuật trồng cây đậu tằm

Đậu tằm (đậu ván đỏ) cây quý làm thức ăn:

- Hạt đậu tằm có thể dùng làm lương thực cho người, thức ăn giàu đạm cho chăn nuôi, chế biến miến sợi, làm nước chấm… Hạt đậu tằm chín xanh sử dụng làm rau ăn rất ngon.

- Đặc biệt. Năm 1998 người nuôi cá tại thị trấn Đông Thăng .tỉnh Quảng Đông Trung Quốc đã phát hiện ra khi thay đổi thành phần thức ăn của cá trắm cỏ bằng đậu tằm thịt cá trở nên rắn chắc và thơm ngon hơn cá nuôi bằng thức ăn thông thường. Năm 2009 các tỉnh phía Bắc nước ta mới bắt đầu nuôi thử và đã đem lại thanh công. 

Giới thiệu chung về đậu tằm:

Đậu tằm được Trường Đại học Thành Tây nhập một số giống từ Trung Quốc đưa về trồng thử ở một số địa phương của Việt Nam từ những năm 2009. Hạt đậu tằm có hàm lượng protein 30%, gồm đủ 8 loại axit amin thiết yếu cho người và gia súc. Hàm lượng tinh bột 49%, chất béo 0,8%. Vì vậy, đậu tằm là cây giàu chất đạm, giàu tinh bột và ít chất béo. Khi hạt đã chín xanh, hàm lượng nước trên 70%, 13% protein, 0,7% chất béo, 11,7% hợp chất hydratcacbon, 37,2% chất xơ thô, 1,2% tro và các chất khoáng Ca, P, Fe, caroten, vitamin B1, B2, PP, C, có triển vọng trở thành một loại rau bổ dưỡng có nhu cầu lớn trên thị trường thế giới. Hoa cây đậu tằm có nhiều mật để nuôi ong. Hoa, quả đậu tằm còn có thể làm thuốc. Đậu tằm là sản phẩm giàu đạm, ít chất béo, nhưng trong đậu tằm có chất kháng dinh dưỡng và một số chất có hại khác cản trở khả năng hấp thu của cơ thể người và vật nuôi, phải có biện pháp khử và làm giảm thành phần kháng dinh dưỡng, tăng hàm lượng phosphoamino, nhằm nâng cao hiệu suất hấp thu, sử dụng dinh dưỡng. Hiện nay, đã có công nghệ xử lý chất kháng dinh dưỡng bằng các biện pháp lý hoá và sinh học có hiệu quả. Việc chuyển hướng sử dụng đậu tằm từ lấy hạt khô sang làm cây rau đã tăng giá trị kinh tế của đậu tằm gấp nhiều lần. Từ lúc gieo hạt đến thu hoạch chỉ khoảng 120-140 ngày, năng suất hạt đậu tằm tươi có thể đạt 6 tấn/ha/vụ, có thể trồng vào vụ đông ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng, vụ thu ở vùng cao các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, có khả năng cung cấp hạt đậu rau cho thị trường trong nhiều tháng, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho nông dân. Vì vậy, ngành sản xuất rau từ đậu tằm tươi (kể cả cấp đông) có triển vọng trở thành ngành sản xuất rau hàng hoá công nghiệp có hiệu quả.

Illustration Vicia faba1.jpg

Điều kiện môi trường phù hợp trồng cây đậu tằm

1. Nhiệt độ:

- Đậu tằm là cây có nguồn gốc ở vùng ôn đới, nhưng không quá khắt khe, có tính thích ứng rộng, trồng được ở vùng nhiệt đới đến 63 vĩ độ bắc. Đậu tằm ưa khí hậu mát mẻ và ẩm ướt, không chịu được nóng, cũng không chịu được giá rét.

- Thời kỳ nảy mầm: thích hợp nhất là 25°C, thấp nhất 3,8°C, dưới -6 – (-5)°C bị rét hại.

- Thời kỳ sinh trưởng dinh dưỡng: thích hợp nhất là 14 – 16°C, có thể chịu được nhiệt độ 3 – 4°C.

- Thời kỳ sinh trưởng sinh thực: thích hợp nhất 15 – 22°C, đảm bảo ra hoa, thụ phấn và kết quả tốt, nếu thấp hơn 5,5°C quả bị rét hại. Như vậy mức ngưỡng nhiệt độ không khí cao nhất phù hợp yêu cầu sinh lý cây đậu tằm là 25°C.

2. Ánh sáng:

Đậu tằm là cây ánh sáng ngày dài, nhưng phản ứng quang chu kỳ không nhạy cảm như lúa và lúa mì. Dù có xử lý ánh sáng ngày ngắn, đậu tằm vẫn ra hoa kết trái và chín sớm hơn, nhưng số hoa quả giảm sút. So sánh vụ xuân và vụ đông thì ở vụ xuân độ phản ứng quang chu kỳ nhạy cảm hơn. Điều kiện thông thoáng ánh sáng là tiền đề đạt năng suất cao. Thiếu ánh sáng gây rụng hoa, giảm nốt sần ở rễ, rút ngắn thời gian cố định đạm, giảm năng suất sinh học và năng suất hạt. Vào thời kỳ ra hoa kết quả, nếu thiếu ánh sáng sẽ rụng hoa quả nghiêm trọng, giảm hẳn năng suất.

3. Nước

Đậu tằm ưa ẩm, có khả năng chịu ướt tốt. Khi gieo và mọc mầm cần đủ nước để cây mọc nhanh. Thời kỳ đầu sinh trưởng, phần trên mặt đất sinh trưởng chậm, nhu cầu nước ít, nếu lúc đó nước nhiều, rễ sẽ ăn nông, nốt sần phát triển kém. Khi bắt đầu kết quả đến khi vào mẩy, sinh trưởng nhanh là thời kỳ cần nước nhiều nhất. Đặc biệt là từ khi bắt đầu ra quả đến ra quả rộ, đậu tằm rất nhạy cảm, nếu thiếu nước trong đất ở giai đoạn này, năng suất sinh học và hạt lần lượt giảm 32,01% và 44,92%. Nhưng vào thời kỳ này, nếu đọng nuớc cây phát triển kém rất dễ bị bệnh khô héo và rỉ sắt. Đến thời kỳ chín, nước giảm dần, có lợi cho quá trình vào mẩy của hạt.

 4. Đất:

Rễ Đậu tằm phân bố trong tầng đất canh tác 30 cm. Rễ và nốt sần phát triển tốt trong đất có độ ẩm và thoáng khí tốt, vì vậy đất phải tơi xốp, giữ ẩm tốt và thoát nước tốt. Đậu tằm thích nghi rộng với điều kiện đất. Độ pH 6,2 – 8 là phù hợp. Đối chiếu với các yếu cần sinh lý trên đây, dự báo khả năng trồng đậu tằm ở các vùng của Việt Nam như sau: 

5. Một số vùng có khả năng trồng đậu tằm:

*  Vùng Đồng bằng sông Hồng có thể trồng đậu tằm từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau. Như vậy có 2 khả năng:

- Trên đất màu (kể cả đất bãi) có thể trồng đậu tằm lấy hạt khô hoặc lấy đậu ăn hạt tươi từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau.

- Trên đất lúa: do lúa mùa sớm thu hoạch vào tháng 9, cấy lúa xuân từ tháng 2, đậu tằm chỉ có thể trồng từ đầu tháng 10 thu hoạch vào tháng 1 năm sau, do đó có 2 hướng: nếu sản xuất đậu ăn hạt tươi thì trồng đầu tháng 10 thu hoạch tháng 1, hoặc nếu lấy hạt khô thì phải trồng vào bầu từ đầu tháng 9, đến đầu tháng 10 ra ngôi, cuối tháng 1 thu hoạch hạt, nhưng trồng đậu ăn hạt tươi vẫn ít rủi ro hơn.

*  Vùng cao miền núi phía Bắc đều có thể trồng đậu tằm quanh năm. Vùng này mùa mưa từ tháng 4 – 10 là thời gian trồng đậu tằm phù hợp nhất, vừa có thời tiết mát mẻ, lại đủ nước, nếu bố trí khéo có thể trồng được 2 vụ xuân và thu đông, nhưng tốt nhất là trồng vụ thu đông từ tháng 7 thu hoạch vào cuối năm.

 *  Vùng cao Tây Nguyên Nhiệt độ trung bình tháng ở một số vùng cao Tây Nguyên như sau: Nhiệt độ quanh năm phù hợp Ở các vùng cao có độ cao trên 600m ở Tây Nguyên, nhiệt độ trung bình tháng quanh năm dưới 25°C đều phù hợp trồng đậu tằm, nhưng thời vụ trồng phù hợp là tháng 5 – 10 vào mùa mưa, cũng có thể trồng 1 – 2 vụ, vụ hè thu hoặc thu đông.

Quy trình kỹ thuật trồng đậu tằm:

1. Làm đất:

Nếu trồng đậu tằm trên đất màu thì phải cày bừa kỹ, đảm bảo đất tơi xốp, thoát nước tốt. Nếu trồng trên đất lúa, thì không cày lật, chỉ cần làm luống rộng 1,5m, có rãnh thoát nước tốt, đảm bảo sau khi trồng, cây đậu tằm mọc rễ thuận lợi, nốt sần phát triển tốt.

2. Chọn giống và xử lý hạt giống:

Cần chọn giống tốt có năng suất cao, chất lượng tốt. Nên chọn giống đậu tằm quả dài, hạt đậu tươi lớn, vỏ mỏng, thịt mềm mịn, nhiều đường. Nói chung các giống tốt có quả dài trên 90mm, trọng lượng 100 hạt tươi trên 100g , thời gian sinh trưởng 140 – 160 ngày.

Giống đậu tằm Nhật được nhập vào Trung Quốc từ năm 2000 đã trồng thành vùng ở Quảng Châu, quả dài, hạt lớn, khi hấp chín vỏ mỏng, thịt mềm, giàu dinh dưỡng, phù hợp ăn tươi hoặc cấp đông, hiệu quả kinh tế rất cao. Đậu tằm Nhật cây cao 70 – 90 cm, tán xoè, lá rộng, thon, màu đậm, hoa phấn trắng điểm đỏ tía. Sinh trưởng mạnh, phân cành khoẻ. Cành hữu hiệu 4 – 8 cành/cây. Mỗi cây có 10 – 15 quả, có cành 30 quả. Quả mọc thấp, cách mặt đất 20 cm. Quả non màu xanh, dài 8 – 15cm, rộng 2,5 – 3cm, mỗi quả 2-3 hạt. Trọng lượng 100 hạt tươi 400 – 500g, trọng lượng 100 hạt khô khoảng 210 g. Từ khi gieo đến khi thu hái 120 – 140 ngày, năng suất quả tươi 12tấn/ha, nếu thâm canh tốt có thể đạt trên 15 tấn/ha, năng suất hạt tươi đạt 6 tấn/ha. Giống đậu tằm Nhật chịu rét, chịu hạn, chịu đất xấu, chống bệnh tốt. Hạt đậu tằm được bảo quản tốt sử dụng được 2 – 3 năm, có khi 5 – 6 năm, thậm chí 15 – 20 năm. Khi trồng phải chọn hạt to, mẩy, không có vệt sâu bệnh, phơi nắng 2 -3 ngày, ngâm vào nuớc 30oC trong 20 – 30 giây rồi lại ngâm vào nước lã 1 ngày đêm. Sau đó lấy hạt đã ngâm đem ủ thúc mầm, khi mầm rễ phôi dài 1- 2cm thì đem trồng vào bầu hoặc trồng ngoài ruộng.

3. Thời vụ trồng:

Nước ta chưa từng trồng đậu tằm, nhưng có thể khuyến cáo thời vụ trồng ở các vùng như sau: 3.1.  Vùng Đồng bằng sông Hồng: 

- Trồng trên đất màu: Có thể trồng vào đầu tháng 9 để thu hái vào tháng 1 năm sau.

- Trồng vào vụ đông trên đất lúa: Có thể dùng cách ươm hạt vào bầu từ 15/9 đến hết tháng 9, trong bầu có phân hữu cơ vi sinh. Trước 5/10 ra ngôi trồng vào ruộng lúa, thu hái vào cuối tháng 1 năm sau, để kịp đất cấy lúa xuân. Cũng có thể ươm hạt ra mầm rồi trồng thẳng vào ruộng lúa trước 5/10, nhưng thu hái vào đầu tháng 2 năm sau, thời vụ sẽ rất khẩn trương.

 3.2.  Vùng cao các tỉnh miền núi phía Bắc:

- Trên đất ruộng 1 vụ sau khi thu hoạch lúa mùa: trồng đậu tằm từ tháng 10 thu hoạch vào tháng 3 năm sau. - Trên đất nương rẫy: nên trồng vào tháng 7 - 8, thu hoạch vào tháng 12 sau khi vừa bước vào mùa khô.

 3.3.  Vùng cao các tỉnh Tây Nguyên

- Trên đất màu: có thể trồng vào vụ xuân từ tháng 2, thu hái vào tháng 7, cũng có thể trồng vào tháng 7 thu hái vào tháng 11.

- Trên đất trồng cây lâu năm chưa khép tán: có thể trồng xen vào vườn cây lâu năm trong mùa mưa.

4. Khoảng cách mật độ:

Phải đảm bảo mật độ trồng, để đạt năng suất cao. Nói chung ở vùng nóng, bón phân nhiều, gieo sớm thì trồng thưa hơn vùng mát, mưa ít, trồng muộn. Khoảng cách cây x hàng 30 x 40 cm, mật độ khoảng 70.000 – 80.000 cây/ha lượng hạt khoảng 90kg/ha (giống Nhật).

5. Bón phân, tưới tiêu nước:

Đậu tằm nhạy cảm với phân bón, nhất là P, K. Bón lót trước khi trồng 500 kg NPK/ha. Vào thời kỳ sinh trưởng tuỳ sự sinh trưởng của cây để quyết định mức bón thúc. Vào lúc ra hoa bón 120kg ure/ha để tăng tỷ lệ đậu quả và đậu hạt. Vào lúc ra quả, bón thúc 2 – 3 lần, nên dùng phân hữu cơ vi sinh bón 1 tấn/ha. Vào thời kỳ cây con đậu tằm chịu khô hạn tốt, sau ra hoa cần đủ ẩm, nếu đất khô cần tưới. Nhưng chú ý không để đọng nước, nếu đọng nuớc rễ phát triển kém, rụng hoa quả nhiều. Vào thời kỳ đậu quả, không cần tưới nuớc, giữ đất khô ráo để tăng tỷ lệ đậu quả. 

6. Bấm ngọn, tỉa cành

Đậu tằm cần được bấm ngọn, tỉa cành để cải thiện điều kiện thông thoáng, phân phối dinh dưỡng hợp lý, tăng năng suất, gồm 3 việc sau:

- Ngắt ngọn thân chính: khi cây cao 20 cm thì ngắt ngọn thân chính

- Tỉa cành: Cây đậu tằm Nhật phân cành nhiều, nhưng không phải mọi cành đều ra quả, nếu để cành mọc tự nhiên, độ thoáng kém, giảm cành hữu hiệu, rụng hoa quả nhiều. Do đó phải kịp thời tỉa bớt cành, khử cành yếu, cành có bệnh, và cành mọc chậm. Chỉ nên giữ 4 – 8 cành hữu hiệu trên 1 cây, các cành còn lại cần cắt tỉa trước khi ra hoa, kết quả

- Bấm ngọn: đậu tằm Nhật ra hoa, kết quả từ dưới lên, càng gần phía ngọn, hoa quả càng ít, do đó đến khi vào thời kỳ ra hoa rộ cần bấm ngọn để ngăn dinh dưỡng chuyển lên ngọn mà tập trung vào hoa quả ở dưới, tăng số quả và hạt, chín đều, năng suất cao. Việc bấm ngọn làm vào ngày nắng.

7. Phòng trừ dịch bệnh:

Đậu tằm dễ bị rệp, bọ trĩ gây hại, cần diệt trừ kịp thời. Nếu phát hiện cây bị virut gây hại thì lập tức nhổ bỏ rồi huỷ ngay, không để lây lan. Đậu tằm cũng có bệnh đốm đỏ, đốm nâu, chủ yếu là phòng ngừa bằng cách giảm độ ẩm trong ruộng, tăng bón P, K, tỉa cành, nhổ cây bệnh kịp thời, khi cần thiết thì dùng thuốc để chữa trị. 8. Thu hái Thu hái đậu rau ăn tươi phải kịp thời để đảm bảo chất lượng thương mại của sản phẩm. Khi hạt đã đẫy, màu vỏ xanh nhạt, rốn hạt có vết đen chưa rõ thì thu hái để làm đậu rau ăn hạt tươi. Quả thu hái xong không được chất đống, kịp thời bóc hạt để bán hạt tươi hoặc đưa vào cấp đông. Thời vụ hái cần làm gọn trong 10 ngày, nên thu vào ngày nắng ráo. Nếu trồng đậu tằm lấy hạt khô thì thu hoạch vào sau khi hạt đã chín khô.

Sưu tầm, Internet - 19/1/2015

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang