• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trồng trọt

Kỹ thuật sản xuất cây điều ghép

Vườn ươm gốc ghép phải đặt nơi cao ráo, thoát nước tốt. Xung quanh khu vực vườn ươm phải quang đãng, không có cây che bóng.

1. Kỹ thuật sản xuất cây gốc ghép

a. Thiết kế vườn ươm 

- Vườn ươm gốc ghép phải đặt nơi cao ráo, thoát nước tốt. Xung quanh khu vực vườn ươm phải quang đãng, không có cây che bóng.
- Bầu ươm: bằng túi nhựa P.E màu đen, dày = 0,15mm, kích thước túi bầu 15cm x 25cm hoặc 18cm x 28cm, bầu được đục lỗ thoát nước và bảo đảm độ thoáng khí.
- Hỗn hợp đất bao gồm: 89% đất phù sa hoặc đất mặt (cát pha đến thịt nhẹ), 10% phân chuồng hoai mục, 1% phân supe lân. Hỗn hợp đất, phân trộn đều và được phun thuốc chống nấm hại rễ 1 - 2 ngày trước khi đóng bầu. 
- Bầu ươm gốc ghép được đặt theo luống, mỗi luống xếp từ 4-6 hàng bầu. Rãnh luống rộng 50-60 cm để dễ dàng thực hiện thao tác ghép. 

b. Giống điều làm gốc ghép 

Kinh nghiệm cho thấy sử dụng hạt của cây điều sẻ lùn làm cây ghép sẽ tránh được tình trạng cây điều ghép phát triển không đều. Cây điều sẻ là cây điều lùn, hạt nhỏ (trên 250 hạt/kg) nên hệ số nhân giống cao, sức sống của hạt khoẻ, cây con phát triển mạnh, đồng đều, ít thấy hiện tượng phân ly khi gieo bằng hạt. 

c. Xử lý và gieo hạt giống 

- Hạt giống làm gốc ghép được thu gom trên các cây mẹ có năng suất cao và sinh trưởng khỏe, được rửa sạch phơi khô đến độ ẩm 8-10%. Bảo quản hạt trong điều kiện khô ráo và kín gió.
- Xử lý hạt: cho hạt vào nước để loại bỏ hạt nổi, rửa sạch và ngâm nước 48-72 giờ. Mỗi ngày thay nước 1 lần. Sau đó, ủ hạt trong bao tải (bao gai) hay cát ẩm, nền thoát nước, nơi râm mát, có thể phủ nhẹ trên mặt bằng rơm rạ. Sau 4 - 5 ngày thì hạt nảy mầm.
- Gieo hạt: Khi hạt nảy mầm dùng lưỡi lam cắt chóp rễ (để rễ hình thành chùm rễ cọc sau này) và gieo hạt vào bầu ươm đã được chuẩn bị sẵn. Mỗi bầu gieo 1 hạt, đặt eo hạt tiếp xúc với mặt đất và ấn chìm hạt ngay xuống mặt đất. Tưới ẩm bằng ô doa hoặc vòi phun hàng ngày.

d. Chăm sóc cây con trong bầu

- Tưới đủ nước và làm cỏ sạch khi cây còn nhỏ. Phun thuốc Sherpa 25EC để phòng sâu hại lá, sâu đục ngọn và bọ xít muỗi. Phun thuốc trừ nấm để phòng bệnh lở cổ rễ, đặc biệt thường xảy ra trong tháng đầu tiên khi cây con chưa hóa gỗ.

2. Vườn nhân chồi ghép

- Vườn trồng cây lấy chồi ghép gọi là vườn nhân chồi ghép có trồng cây đầu dòng chọn được trong quá trình bình tuyển và đã qua hậu kiểm hoặc là giống đã được khu vực hoá hoặc đã được công nhận là giống quốc gia phù hợp với địa phương.
- Kỹ thuật chọn chồi ghép: Chồi ghép phải là chồi ngủ khoẻ không bị nhiễm sâu bệnh, tuổi của chồi tương đương với tuổi gốc ghép (2 tháng) thì tỷ lệ sống cao, đồng đều. 
Chồi ghép sau khi cắt nếu vận chuyển đi xa cần được nhúng qua nước, gói vào giấy báo hoặc quấn bằng vải, xếp vào thùng xốp có lót đá ở đáy thùng. Chồi ghép đặt vào thùng đá phải được cách đá bằng một lớp vải hoặc giấy báo. 
Nếu vận chuyển ngắn hoặc ghép nhanh thì chỉ cần gói chồi ghép trong một khăn giữ ẩm và để nơi thoáng mát.

3. Kỹ thuật ghép

a. Tiêu chuẩn gốc ghép

- Cây con ươm bằng hạt trong bầu được khoảng 45-60 ngày thì tiến hành đảo bầu (nhấc rễ), loại bỏ các cây còi cọc hoặc dị dạng và xếp lại thành từng ô với mức độ sinh trưởng khác nhau để tiện chăm sóc. Sau đó để cây con ổn định trong thời gian 30 ngày thì tiến hành ghép.
- Tiêu chuẩn cây gốc ghép:
+ Đường kính thân từ 7 - 10mm .
+ Cây con làm gốc ghép có từ 10-15 lá trở lên.
+ Tuổi cây con làm gốc ghép từ 60 ngày tuổi trở lên.
+ Cây con khỏe mạnh, không bị nhiễm sâu bệnh.

b. Tiêu chuẩn chồi ghép
- Thời gian lấy chồi ghép tốt nhất là cây chuẩn bị phát đợt lá mới. 
- Chồi ghép tốt cần đạt các tiêu chuẩn sau:
+ Chồi vừa mới bật, đường kính chồi từ 7 - 10mm.
+ Chiều dài chồi ghép 7cm.
+ Không có vết sâu bệnh, chồi lấy ở ngoài sáng.

c. Thời vụ ghép
Thời vụ ghép tốt nhất, đạt tỷ lệ sống cao là từ tháng 2 - 7. Thời vụ này sử dụng chủ yếu chồi ghép từ vườn nhân chồi. Trong thực tế, từ tháng 2 đến tháng 5 là thời kỳ cây điều có hoa, mang quả nên nếu sử dụng chồi từ cây mẹ thì thời vụ tốt nhất là từ tháng 6 đến tháng 8. 
Nên ghép vào buổi sáng lúc trời mát, lúc cây đã hút đủ nước qua đêm. Thời gian ghép tốt nhất là 6 - 10 giờ sáng.

d. Thao tác ghép
Ghép điều có thể thực hiện bằng 3 phương pháp: ghép vát (ghép áp), ghép nêm và ghép mắt. Đạt tỷ lệ sống cao là ghép vát hoặc ghép nêm. Thông dụng và dễ thao tác là ghép vát. 
+ Bước 1: Dùng dao ghép vạt xiên thân gốc ghép một mặt phẳng nghiêng dài 3-4 cm cách mặt bầu (mặt đất) từ 10-15cm, chừa lại 2-3 lá thật trên gốc ghép.
+ Bước 2: Dùng dao vạt một mặt phẳng nghiêng trên chồi ghép tương tự như vạt gốc ghép.
+ Bước 3: Áp mặt cắt của chồi ghép và gốc ghép lại với nhau để có sự tiếp hợp. Nếu đường kính của chồi ghép và gốc ghép chênh lệch nhau thì nên để cho một bên mép vỏ của chồi ghép và gốc ghép liền khớp với nhau.
+ Bước 4: Dùng dây ni-lông mỏng quấn chặt từ dưới lên trên theo kiểu lợp mái nhà để cố định và bịt kín chồi ghép.

Hình minh hoạ cách ghép chồi vạt ngọn: Chuẩn bị gốc và chồi trước khi ghép - Sau khi ghép

4. Chăm sóc cây ghép

- Cây sau khi ghép được tưới ẩm bằng vòi phun hoặc ô doa hàng ngày, 2 - 3 ngày đầu có thể tưới số lần nhiều hơn. 
- Khi cây ghép đã bứt chồi, nếu tầng lá thứ nhất của cây phát triển kém có thể tưới phân NPK loại 16:16:8 nồng độ 1 - 1,5%. 
- Thường xuyên kiểm tra để cắt bỏ các chồi mọc ra ở phía dưới vết ghép.
- Đảo bầu: Khi cây ghép có tầng lá đầu tiên phát triển hoàn chỉnh (thường phải từ 4-6 tuần kể từ lúc ghép) thì tiến hành đảo bầu và phân loại cây. 
- Bảo quản cây ghép, giữ cho cây sinh trưởng chậm lại do quá lứa trồng: Trong trường hợp cây quá lứa trồng cây phải được hãm lại để vụ sau hoặc lứa sau. Phương pháp giữ cho cây sinh trưởng chậm lại là hạn chế chăm bón, tưới nước. Đặt bầu ghép lên lớp ni-lông cách ly đất là cách tốt nhất hạn chế sinh trưởng của cây ghép trong bầu, kết hợp với hạn chế đến mức thấp nhất tưới nước cho cây.

5. Tiêu chuẩn cây điều ghép trước khi xuất vườn
- Có đủ 2 tầng tán lá khoẻ, lá bánh tẻ, tầng lá thứ 2 cứng cáp, không héo khi vận chuyển trồng.
- Chiều cao cây > 30 cm
- Đường kính gốc ghép đạt 0,8 - 1 cm trở lên
- Điểm ghép chắc liền, tròn đều trên thân chính. Chiều cao điểm ghép không quá 20cm.
- Cây xuất vườn phải được đảo bầu tối thiểu trước 10 ngày.

Ngọc Lan - Khuyến nông VN, 25/02/2014

 

KỸ THUẬT TUYỂN CHỌN VÀ NHÂN GIỐNG ĐIỀU GHÉP

1- Ưu thế của giống điều ghép

Điều là cây thụ phấn chéo nên mỗi hạt điều được coi là một hạt lai. Mà đã là hạt lai thì đồng nghĩa với sự phân ly, biến dị. Quần thể điều thực sinh ngay thời kỳ cây con, các cá thể hoàn toàn khác nhau: có cây lá non xanh, có cây lá non đỏ, có cây cao, có cây lùn, có cây bán lùn, cây phân cành sớm, cây phân cành muộn, cây phát triển nhanh, có cây phát triển chậm. Các cá thể phân ly ở giai đoạn phát dục: có cá thể ngay sau mọc 4 - 6 tháng đã cho hoa, có cá thể vài ba năm sau mới cho quả bói, có cá thể quả màu vàng, có cá thể cho quả màu đỏ, có cá thể quả giả to, có cá thể cho quả giả nhỏ. Các cá thể khác nhau, kích thước hạt cũng khác nhau. Chính sự khác nhau này dẫn đến trong quần thể điều xuất hiện cá thể tốt, cá thể xấu. Thường số cá thể tốt cho năng suất khá chỉ khoảng 30%, số còn lại năng suất thấp hoặc không cho năng suất. Bình tuyển hay tuyển chọn giống điều là thực hiện việc chọn lọc ra những cá thể (cây điều) tốt, cây điều ưu tú, cây điều đầu dòng. Con đường duy nhất để duy trì được đặc tính, đặc điểm tốt của mẹ là nhân giống vô tính bằng phương pháp chiết, ghép.

Nhân giống bằng phương pháp chiết cành hoàn toàn giữ được đặc tính, đặc điểm của cây mẹ. Nhưng nhược điểm lớn nhất của phương pháp này là cây điều không cho rễ cọc, bộ rễ chùm ăn nông, dễ làm cho cây đổ ngã khi gió to, mưa lớn. Nhân giống bằng phương pháp ghép với gốc ghép non 1 - 2 tháng tuổi vẫn không làm ảnh hưởng đến chất lượng của cây mẹ. Không những thế nó còn bảo đảm được sức sống như trồng điều từ hạt có rễ cọc khoẻ, chống đổ cho cây khi có gió to, bão lớn; lấy nước, dinh dưỡng tốt trong những điều kiện khô hạn. Như thế điều ghép vừa có sức sống khoẻ, vừa giữ được mọi đặc tính, đặc điểm của cây mẹ mà ta mong muốn. Đó chính là lý do sử dụng giống điều ghép trong sản xuất.

2- Kỹ thuật tuyển chọn giống điều

Tuyển chọn giống điều hay bình tuyển giống điều là chọn ra từ quần thể điều những cây điều tốt (cây điều ưu tú). Từ những cây điều ưu tú chọn ra những cây đầu dòng.

Cây điều ưu tú là cây điều tốt được chọn ra từ quần thể ruộng điều khi đạt các tiêu chuẩn cơ bản sau:

Năng suất cao, dáng cây lùn, hình dù, quả giả nhỏ, hạt to > 180 hạt/cây. Ra quả không cách năm, ra hoa không tập trung, ra hoa 2 - 3 đợt/năm, tỷ lệ hoa cái cao, hoa đầu cành lớn > 90%, quả chùm, sạch sâu bệnh.

Cây điều đầu dòng là cây điều nổi trội trong số các cây ưu tú về các mặt: năng xuất tiềm năng > 5 tấn hạt/ha, hạt to > 170 hạt/kg, nhân tỷ lệ cao > 28%, dáng cây lùn, hình dù, quả giả nhỏ, không ra quả cách năm.

Do điều là cây thụ phấn chéo, khi trồng nên trồng theo tổ hợp, không nên chỉ trồng một vài dòng đơn độc. Ở một vùng, chọn ra ít nhất từ 8 - 10 cây đầu dòng có thời gian nở hoa trùng nhau. Việc trồng điều theo tổ hợp (trồng hỗn giao một số cây đầu dòng trong một vườn) không chỉ có tác dụng cho những cây thụ phấn chéo, làm tăng sức sống của hạt mà còn làm phong phú, đa dạng về kiểu gen chống chịu để tránh những dịch hại về sâu bệnh khi chỉ trồng một vài dòng thuần đơn độc.

Nhận biết các giống điều:

Điều lùn là giống điều do gen lùn điều khiển, điều bán lùn hay cao là do gen bán lùn hay cao cây điều khiển. Không phải là trong điều kiện sinh thái khó khăn: (cát khô hạn, thiếu nước thì nó lùn) mà có giống điều lùn.

a- Đặc điểm và sự nhận biết giống điều lùn:

Điều lùn là giống điều thấp cây, dáng hình dù, phân cành sớm, đốt lá dày, không vươn dài. Phân cành liên tục, cành chính với cành phụ không khác nhau quá lớn. Có nhiều hoa đầu cành hơn điều cao. Ngoài yếu tố điều lùn dễ chăm sóc, tạo điều kiện trồng dày, chống đổ tốt thì điều lùn thường có tiềm năng năng suất cao hơn hẳn điều cao vì có nhiều hoa đầu cành.

b- Đặc điểm giống điều cao:

Đặc điểm giống điều cao: giống điều cao cây là giống điều có thân cao thẳng đứng, cao cây, thân chính phát triển mạnh, phân cành muộn. Đốt lá dài, cành vươn trải, mọc thưa thớt trên thân. Dễ phân biệt giữa thân chính và cành các cấp. Tán cây chiếm diện tích che phủ lớn nhưng số hoa đầu cành thấp nên tiềm năng năng suất thường thấp hơn điều lùn. Tán cây điều cao cồng kềnh không gọn cây, khó chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, dễ đổ ngã khi có gió to, mưa lớn.

c- Đặc điểm giống điều bán lùn:

Điều bán lùn là giống điều về mặt di truyền do gen nửa lùn điều khiển. Giống điều bán lùn phân cành sớm hơn giống điều cao, thường có nhiều thân (hơn 2 - 3 thân), cây cao trung bình, phân biệt được thân chính và các cành thứ cấp. Thân chính thấp, đốt lá dài vừa phải không thể hiện vươn cành mạnh. Giống điều bán lùn vẫn giữ được tán hình dù. Với cấu trúc này tán của cây vẫn sà sát đất, và loại hình này vẫn dễ tạo tán, tỉa cành, tạo ra cây có hình dù theo ý muốn, tạo điều kiện thuận lợi cho chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hái và chống đổ ngã tốt.

3- Kỹ thuật tuyển chọn giống điều:

a/ Sơ tuyển giống:

Điều là cây mang đặc điểm thụ phấn chéo, trong quá trình gieo trồng do sử dụng giống trồng từ hạt, nông dân đã tạo ra một quần thể điều vô cùng phong phú về thể loại. Cây lùn, cây cao, cây bán lùn, cây quả nhiều, cây quả ít, cây cho quả cách năm, cây không cho quả cách năm, cây quả to, cây quả nhỏ. Màu sắc quả cũng khác nhau từ vàng đến đỏ, đỏ tươi v.v..

Trong quần thể ruộng điều có thể chọn ra những cây điều tốt, năng suất cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Trong công tác tuyển chọn hay bình tuyển phải qua các bước:

Bước 1 : Sơ tuyển.

Bước 2 : Bình tuyển.

Bước 3 : Hậu kiểm.

(Bước 1 và bước 2 có thể tiến hành trong một vụ)

Sơ tuyển các dòng điều tốt:

Sơ tuyển là việc đầu tiên tuyển chọn cây điều tốt trong quần thể ruộng điều. Trước hết phải điều tra thông qua phỏng vấn chủ hộ ruộng điều. Chủ ruộng điều thường nắm rất rõ được cây nào tốt, năng suất cao, có cho quả cách năm hay không ? Cây điều được bình tuyển phải có ít nhất từ 10 năm tuổi trở lên. Cây được sơ tuyển đều được đánh số sơn đỏ vào thân. Sơ tuyển được thực hiện khi cây điều ra hoa. Các chỉ tiêu sơ tuyển được ghi vào phiếu điều tra theo mẫu sau:

Phiếu điều tra sơ tuyển giống điều

Ngày.............. tháng................ năm................ năm điều tra

Địa danh

Đặc điểm sinh trưởng

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

Tên số cây

Tên chủ hộ

Địa chỉ chủ hộ

Tuổi cây (năm)

Số thân chính (thân)

Đường kính thân chính (cm)

Đường kính tán (m)

Diện tích che phủ (m2)

Chiều cao cây (m)

Loại hình cây (lùn, bán lùn, cao)

Loại hình tán (dù, ô, nón)

Màu sắc lá non

QBT32

Ng. Ha

M Thành

P. Mỹ, BĐ

12

3

55

12

113

5

lùn

đỏ nhờ

 

Đặc điểm

13

14

15

16

17

18

19

20

21

22

23

24

25

26

Số đợt hoa

Số chồi đầu cành/m2tán cây

Tỷ lệ hoa đầu cành (%)

Tỷ lệ hoa cái (%)

Tỷ lệ cành đậu quả (%)

Dạng chùm quả (quả chùm, quả đơn)

Số quả trung bình trên chùm

Dạng quả giả

Màu sắc quả giả

Khối lượng quả giả (gam)

Dạng hạt

Màu sắc hạt

Số hạt trên kg

Tỷ lệ nhân (%)

3

35

96

25

85

chùm

5

bầu

vàng

60

thận lồi

đá xám

170

28

 

Sâu bệnh

Năng suất

Kết luận tuyển chọn (điểm)

27

28

29

30

31

32

Sâu hại chính

Bệnh hại chính

kg/cây

tấn/ha

Sơ tuyển

Bình tuyển

bọ xít muỗi

thán thư

60

6

3

 

 

Nhóm sơ tuyển (gồm 2 - 3 người) tiến hành điều tra đánh giá các chỉ tiêu theo nghiệp vụ chuyên môn và ghi vào phiếu điều tra sơ tuyển.

Hoàn thành việc sơ tuyển các nhóm sơ tuyển tổng kết lại, rút ra những cây điều tốt đưa vào bình tuyển sau 15 - 20 ngày khi điều chín bói. Công việc tiếp sau là công tác bình tuyển.

b- Bình tuyển các dòng điều tốt:

Tổ bình tuyển thường từ 5 - 6 người bao gồm những cán bộ kỹ thuật có chuyên môn cao, am hiểu về cây điều hoặc đã được huấn luyện về mặt chuyên môn. Tổ này phần đông phải là người đã tham gia sơ tuyển.

Bình tuyển được coi là khâu cuối cùng xác định được các cây điều tốt (cây điều ưu tú) trong vườn điều.

Các chỉ tiêu của cây điều tốt bao gồm:

1- Tuổi cây: > 10 - 12 năm tuổi.

2- Dáng cây: lùn hoặc bán lùn, hình dù.

3- Ra quả không cách năm.

4- Tỷ lệ hoa đầu cành > 95%.

5- Dạng chùm quả: quả chùm > 5 - 6 quả/chùm.

6- Số hạt/kg < 180 quả.

7- Tỷ lệ nhân > 28%

8- Quả giả nhỏ.

9- Năng suất tiềm năng > 5 tấn hạt/ha.

10- Sạch sâu bệnh.

Số liệu bình tuyển được ghi tiếp vào bảng số liệu sơ tuyển.

Tổ bình tuyển lần lượt kiểm tra tất cả các cây điều tốt đã sơ tuyển được. Mỗi thành viên phải nắm được các chỉ tiêu đánh giá một cây điều tốt (ưu tú). Các thành viên tự nhận xét và cho điểm theo ý kiến chủ quan của mình theo thang: 1. 3. 5. 7. 9

1 điểm: xuất sắc

3 điểm: khá

5 điểm: trung bình

7 điểm: kém

9 điểm: rất kém.

Các cây được đa số các thành viên cho 1 đến 3 điểm là có thể chọn được vào diện cây điều ưu tú (cây điều tốt). Các cây được xếp vào 5 điểm đến 9 điểm không được chọn và loại bỏ ngay không đưa vào danh sách kết quả bình tuyển. Các cây điều ưu tú đạt 1 - 3 điểm được đánh số, ghi tên vào sổ những cây điều ưu tú. Các cây điều ưu tú được đánh số vào biển tôn, đóng vào thân cây để tiếp tục theo dõi và khai thác chồi ghép khi cần thiết.

Mỗi cây ưu tú đều được thu 100 chồi. Các chồi này được chuyển về và ghép trên các gốc ghép đã chuẩn bị từ trước.

Sau khi bình tuyển kết thúc các dòng điều ưu tú được nhân lên tiếp tục đưa đi khảo nghiệm và sản xuất thử ở các vùng sinh thái khác nhau để khẳng định hậu thế và đưa ra quyết định công nhận những giống điều đầu dòng.

c- Kiểm định hậu thế các dòng điều ưu tú:

Các dòng điều ưu tú thu thập sẽ được giữ giống tại vườn giống. Việc nhân giống các dòng điều ưu tú được tiến hành cùng lúc trên cùng một loại gốc ghép giống điều (ví dụ giống điều sẻ ĐDHPC1). Khi cây ghép đủ tiêu chuẩn trồng (2 tầng lá, cao 30 - 40 cm) thì đưa đi khảo nghiệm ở các vùng sinh thái khác nhau để so sánh đánh giá lần cuối, chọn ra các giống điều đầu dòng từ các dòng điều ưu tú trước khi đưa ra sản xuất rộng.

Các thí nghiệm kiểm định hậu thế được bố trí trong điều kiện tối ưu thì chỉ sau 2 - 3 năm đã có thể kết luận được những giống điều đầu dòng có thể nhân rộng trong sản xuất.

Nhân các giống điều đầu dòng đã được kiểm định trong sản xuất, để đưa đi khu vực hoá. Sau đó làm thủ tục đăng ký đề nghị công nhận là giống quốc gia.

4- Kỹ thuật nhân giống điều vô tính bằng phương pháp ghép:

Các công đoạn nhân giống vô tính điều ghép bao gồm:

- Sản xuất cây con làm gốc ghép

- Vườn nhân chồi ghép

- Kỹ thuật ghép

- Kỹ thuật chăm sóc cây ghép trong vườn ươm

- Kiểm tra xác định chất lượng trước khi xuất vườn.

4.1. Kỹ thuật sản xuất cây gốc ghép:

a/ Giống điều làm gốc ghép:

Trong sản xuất hiện nay, nông dân sử dụng hạt điều thương phẩm gieo để làm gốc ghép dẫn đến tình trạng cây điều ghép phát triển không đều, biểu hiện rõ nhất là ở thời kỳ kinh doanh. Có cây cao, cây lùn, tán dù và tán cao không giữ được đặc tính ưu việt của giống cây mẹ. Vì vậy chọn giống lấy hạt gieo làm gốc ghép là hết sức quan trọng.

Kinh nghiệm cho thấy sử dụng hạt của cây điều sẻ lùn làm cây ghép sẽ tránh được hiện tượng này. Cây điều sẻ là cây điều lùn, hạt nhỏ, chắc, quả chùm có trên 10 - 20 quả/chùm, năng suất cao, sạch sâu bệnh. Sức sống của hạt khoẻ, cây con phát triển mạnh, đồng đều, ít thấy hiện tượng phân ly khi gieo bằng hạt. Cây điều sẻ do hạt nhỏ trên 250 hạt/kg nên hệ số nhân giống cao, không những thế gốc ghép còn giữ được độ thuần của giống gốc, năng suất cao ổn định.

b/ Xử lý hạt, ủ hạt nảy mầm:

Xử lý hạt: cho hạt vào nước để loại bỏ hạt lửng, rửa sạch và ngâm nước 48 giờ, sau đó ủ trong cát ẩm, nền thoát nước, nơi râm mát, có thể phủ nhẹ trên mặt bằng xác thực vật, rơm rạ. Sau 4 - 5 ngày thì hạt nảy mầm.

Khi hạt nảy mầm dùng lưỡi lam (lưỡi cạo râu) cắt chóp rễ (để rễ hình thành chùm rễ cọc sau này) và giâm vào bầu ươm đã được chuẩn bị sẵn. Mỗi bầu 1 hạt, tưới ẩm bằng ô doa hoặc vòi phun hàng ngày. Chăm sóc cây điều con như trên liên tục trong 2 tháng là có thể ghép được.

c/ Bầu ươm cây con làm gốc ghép:

Kích thước bầu ươm: rộng 18cm x cao 28cm, chứa khoảng 2,5 kg đất, bầu được đục lỗ thoát nước và bảo đảm độ thoáng khí.

Thành phần ruột bầu là một hỗn hợp bao gồm: 89% đất phù sa hoặc cát pha đến thịt nhẹ, 10% phân chuồng hoai mục, 1% phân suppe lân.

Hỗn hợp đất, phân trộn đều và được phun thuốc chống nấm hại rễ 1 - 2 ngày trước khi đóng bầu. Có thể dùng thuốc trừ nấm Champion hoặc COK85 để phun, nồng độ phun có chỉ dẫn trên bao bì, hoặc Boocđo 1%.

Bầu ươm gốc ghép được đặt theo luống có chiều rộng khoảng 1m (đủ đặt 8 bầu). Rãnh luống rộng 50-60 cm để dễ dàng thực hiện thao tác ghép. Luống đặt bầu phải dễ thoát nước.

4.2. Vườn nhân chồi ghép:

a/ Vườn trồng cây lấy chồi ghép gọi là vườn nhân chồi ghép có trồng cây đầu dòng chọn được trong quá trình bình tuyển và đã qua hậu kiểm hoặc là giống đã được khu vực hoá, hoặc đã được công nhận là giống quốc gia phù hợp với địa phương.

Vườn nhân chồi được trồng với mật độ 1100 cây/ha (3m x 3m).

Năm thứ nhất mỗi cây cho 50 chồi x 1100 cây = 55.000 chồi ghép sẽ ghép được 55.000 cây giống, tỷ lệ xuất vườn 50% sẽ có 27.500 cây giống, trồng được: 137,5 ha (200 cây/ha).

Năm thứ hai: 300 chồi/cây, tỷ lệ xuất vườn ít nhất 50%, trồng được 825 ha.

Năm thứ ba: 1000 chồi/cây ghép được 1.100.000 cây, tỷ lệ xuất vườn ít nhất 50%, trồng được 2750 ha. Và từ năm thứ ba trở đi, ổn định xung quanh 1000 - 1500 chồi/cây.

Như vậy cứ 1 ha vườn nhân chồi ghép sau 3 năm sẽ cung cấp đủ giống để trồng trên 3700 ha. Từ năm thứ tư trở đi, mỗi năm cung cấp đủ giống trồng khoảng 4000 ha điều.

b/ Kỹ thuật chọn chồi ghép:

Chọn chồi ghép là một trong những khâu quan trọng quyết định sức sống và chất lượng cây ghép. Chồi ghép phải là chồi ngủ khoẻ không bị nhiễm sâu bệnh, tuổi của chồi tương đương với tuổi gốc ghép (2 tháng) thì tỷ lệ sống cao, đồng đều. Nếu tuổi của chồi ghép quá non khi ghép sẽ xảy ra hiện tượng chồi ghép bị héo dần do quá trình mất nước của chồi ghép (nước trong dịch tế bào chồi ghép non vận chuyển sang tế bào gốc ghép vì nồng độ dịch bào gốc ghép cao hơn nồng độ dịch bào chồi ghép) dẫn đến sức sống của cây ghép còi cọc, chậm phát triển. Còn chồi ghép già thì xẩy ra quá trình ngược lại, nên chồi ghép luôn luôn tươi, đủ nước giữ được sức sống tốt, chồi ghép dễ tung đọt sau 1 tuần ghép.

Chồi ghép sau khi cắt nếu vận chuyển đi xa cần được nhúng qua nước, gói vào giấy báo hoặc quấn bằng vải, xếp vào thùng xốp có lót đá ở đáy thùng. Chồi ghép đặt vào thùng đá phải được cách đá bằng một lớp vải hoặc giấy báo. Nếu để trực tiếp trên mặt đá sẽ gây chết chồi. Cách giữ này có thể bảo quản được chồi ghép tới 4 ngày vẫn đạt tỷ lệ ghép sống 100%.

Nếu vận chuyển ngắn hoặc ghép nhanh thì chỉ cần gói chồi ghép trong một khăn giữ ẩm và để nơi thoáng mát, cách này bảo quản chồi được 2 ngày vẫn đạt tỷ lệ ghép sống 100%.

4.3. Kỹ thuật ghép

Ghép điều có thể thực hiện bằng 3 phương pháp: ghép vát, ghép nêm và ghép mắt. Đạt tỷ lệ sống cao là ghép vát hoặc ghép nêm. Thông dụng và dễ thao tác là ghép vát. Ghép vát chồi là sử dụng dao ghép cắt vát điểm ghép của chồi và gốc ghép. Hai mặt vát này (chồi ghép và gốc ghép) được áp vào nhau tạo thành một mặt phẳng vát. Phần gỗ và vỏ của cả gốc ghép và chồi ghép đều được tiếp giáp với nhau. Gốc ghép khi ghép phải chừa lại ít nhất 2 - 3 lá gốc (lá thở). Cách ghép này chỉ sau 7 - 10 ngày 2 mặt đã liền nhau và gốc ghép cung cấp dinh dưỡng cho chồi ghép, thúc đẩy chồi ghép ngủ phát triển, chọc thủng nilon bọc tung chồi ra ngoài. Sau 2 tháng chồi ghép đã đạt 2 tầng lá và có thể xuất vườn được.

Kỹ thuật ghép đạt tỷ lệ sống cao:

Chọn thời vụ ghép: ghép điều ở các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ có thể tiến hành quanh năm trừ mấy tháng mưa lớn. Nhưng thời vụ ghép tốt nhất, đạt tỷ lệ sống cao là từ tháng 2 đến tháng 7. Thời vụ này sử dụng chủ yếu chồi ghép từ vườn nhân chồi. Trong thực tế từ tháng 2 đến tháng 5 là thời kỳ cây điều có hoa, mang quả nên nếu sử dụng chồi từ cây mẹ thì thời vụ tốt nhất là từ tháng 6 đến tháng 8.

Kỹ thuật ghép: Kỹ thuật ghép chủ yếu là ghép vát. Nilon quấn quanh điểm tiếp ghép là loại nilon mỏng, nguồn từ Trung Quốc. Nilon ghép được rọc nhỏ rộng 2 - 3 cm, dài 40 - 50 cm, mở hết cỡ nilon quấn 4 - 6 vòng vừa chặt tay quanh điểm tiếp ghép và quấn bao kín 1 lớp bọc toàn bộ chồi ghép để chống thoát nước chồi ghép khi gốc ghép chưa liền mạch để cung cấp nước cho chồi ghép. Chồi ghép khi phát triển sẽ tự đục thủng nilon ghép chui ra ngoài phát triển thành lá.

4.4. Kỹ thuật chăm sóc cây ghép:

Cây sau khi ghép được tưới ẩm bằng vòi phun hoặc ô doa hàng ngày, 2 - 3 ngày đầu có thể tưới số lần nhiều hơn. Khi cây ghép đã bứt chồi, nếu tầng lá thứ nhất của cây phát triển kém có thể tưới phân NPK loại 16:16:8 nồng độ 1 - 1,5% hoặc sử dụng thuốc kích thích sinh trưởng Actonic để phun. Nồng độ theo hướng dẫn in trên bao bì.

Đảo bầu: trước khi xuất vườn 7 - 10 ngày chú ý đảo bầu và phân loại cây. Các cây tốt thành một nhóm xuất trồng trước, các cây xấu thành một nhóm tiếp tục chăm sóc, bón phân bổ sung, kích thích sinh trưởng mới được xuất trồng.

Bảo quản cây ghép, giữ cho cây sinh trưởng chậm lại do quá lứa trồng: trong trường hợp cây quá lứa trồng cây phải được hãm lại để vụ sau hoặc lứa sau. Phương pháp giữ cho cây sinh trưởng chậm lại là hạn chế chăm bón, tưới nước. Đặt bầu ghép lên lớp nilon cách ly đất là cách tốt nhất hạn chế sinh trưởng của cây ghép trong bầu, kết hợp với hạn chế đến mức thấp nhất tưới nước cho cây.

4.5. Kiểm tra chất lượng giống ghép trước khi xuất vườn:

Cây ghép trước khi xuất vườn phải được kiểm tra chất lượng giống ghép theo các tiêu chuẩn sau đây:

a- Tiêu chuẩn chủ yếu của cây điều ghép khi xuất vườn:

- Có đủ 2 tầng tán lá khoẻ, lá bánh tẻ, tầng lá thứ 2 cứng cáp, không héo khi vận chuyển trồng.

- Chiều cao cây > 30 cm

- Đường kính gốc ghép đạt 0,8 - 1 cm trở lên

- Điểm ghép chắc liền tròn đều trên thân chính. Chiều cao điểm ghép không quá 20cm.

- Cây xuất vườn phải được đảo bầu tối thiểu trước 10 ngày.

- Cây xuất vườn phải có nhãn đầy đủ bảo đảm chất lượng giống.

Người kiểm tra phải ký vào phiếu kiểm tra và ký vào nhãn, cùng với người sản xuất giống chịu trách nhiệm trước tổ chức sản xuất và chịu trách nhiệm đối với trồng giống điều của mình.

b- Nội dung nhãn:

Tên, địa chỉ tổ chức sản xuất.

Tên giống điều ghép (ví dụ: DH67 - 15)

Người ghép:

Ngày.......... tháng ............ năm......... ghép

Người kiểm tra chất lượng ký tên.......

Đóng dấu tổ chức, cơ quan sản xuất

Nhãn được ép Platic. Nhãn được treo bằng dây vải hoặc bấm ghim vào thân, không được dùng dây kim loại để treo tránh thân bị thắt gãy do dây.

Chú ý: Khi xuất cây điều ghép đem trồng

Do điều là cây có đặc tính thụ phấn chéo, chất lượng của hạt phụ thuộc rất nhiều vào phấn ngoại lai. Chính vì thế phải trồng điều theo tổ hợp. Trong điều kiện chưa xác định được khả năng phối hợp giữ các tổ hợp thì cách tốt nhất để trồng điều đạt năng suất cao hiện nay là trồng nhiều giống, dòng trong một vườn. Không nên trồng một vườn chỉ sử dụng một giống (dòng) đơn độc. Do đó khi xuất vườn cũng nên xuất trộn các giống với nhau, ít nhất là 8 - 10 giống (dòng) cho một tổ hợp trồng.

TS. Tạ Minh Sơn - Q. Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn: Cục trồng trọt

 Nhấn vào đây để xem tất cả các thông tin kỹ thuật trồng cây điều

 

 

 

Trồng trọt mùa mưa, bão, lũ

 

 

 

 

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang