• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trồng trọt

Kỹ thuật trồng cây điều

I. ĐẶC ĐIỂM THỰC VẬT HỌC:

1. Rễ: Rễ cọc và rễ ngang đều phát triển, rễ cọc có thể ăn sâu hàng chục mét, tùy vào tầng đất.

2. Thân: Thân gỗ cao 5-10m, cành lá phát triển sum xuê, đường kính tàn có thể tới hàng chục mét.

3. Lá: Lá mọc cách, phiến lá hình trứng, hình thoi tùy vào giống.

4. Hoa: Hoa có hoa đơn tính và lưỡng tính/chùm bông/cây. Hoa ra tận đầu các cành nhánh, hoa cây điều chủ yếu thụ phấn chéo nên đời con chủ yếu là con lai, đồng nghĩa với phân li và thoái hóa giống.

- Hoa đực nở vào lúc 9-10 giờ sáng.

- Hoa lưỡng tính nở vào 10-11 giờ.

5- Quả: Chính là phần cứng mà người ta thường gọi là hạt điều, còn phần mà người ta gọi là quả thực chất là đế hoa phình to khi chín có màu đỏ, vàng, tím thẫm... tùy giống.

II. ĐẶC ĐIỂM SINH LÝ SINH THÁI.

1. Thời tiết khí hậu:

1.1 Ánh sáng: Điều là loại cây ưa ánh sáng trực xạ, nếu cây bị che bóng nhiều sẽ phát triển kém, cho năng suất thấp.

1.2 Nhiệt độ: nhiệt độ bình quân tháng là 270C, nhiệt độ cực tiểu trong ngày từ 12 – 250C, nhiệt độ cực đại trong ngày từ 250C - 350C. Điều có thể chịu được nhiệt độ 400C, tuy nhiên ở nhiệt độ này trong giai đoạn phát triển quả non sẽ làm rụng bông và quả.

1.3 Ẩm độ: Ẩm độ không khí từ 68-77%. Cây điều trổ bông và kết hạt thuận lợi trong điều kiện ẩm độ không khí thấp. Nếu ẩm độ cao trong lúc điều trổ bông sẽ cản trở sự mở của bao, đầu nhụy không thụ phấn, bông sẽ thối rụng.

1.4 Lượng mưa: Lượng mưa thích hợp từ 1000-1500mm/năm, tập trung từ 4-6 tháng, có mùa khô kéo dài tương đương.

Trong năm cần có mùa mưa và mùa khô rõ rệt để tạo điều kiện cho cây phân hóa mầm hoa.

2. Đất trồng điều:

Cây điều có tính thích ứng rộng, sống trên nhiều loại đất khác nhau, đặc biệt cây điều được trồng nhiều trên đất có khó khăn về nguồn nước tưới trong mùa khô.

Tốt nhất nên trồng điều trên vùng đất thoát nước, đất pha cát, tầng canh tác sâu.

Độ pH thích hợp từ 4,5-6,5.

Cây điều rất mẫn cảm với độ mặn, độ mặn ³ 0,8ppm là cây sinh trưởng phát triển kém, gây hiện tượng cây lùn.

III- GIỐNG VÀ KỸ THUẬT NHÂN GIỐNG:

1. Giống:

Một số giống phổ biến được Bộ NN&PTNT công nhận và nhân rộng, đạt hiệu quả cao, giống cho năng suất cao và ổn định thích hợp với điều kiện sinh thái của Đông Nam Bộ như giống PN1, MH4/5, MH5/4 ...

2. Kỹ thuật nhân giống:

Hiện nay có nhiều phương pháp nhân giống, nhưng phương pháp ghép đọt có hiệu quả nhất.

2.1 Tiêu chuẩn cây đầu dòng (cây mẹ):

- Đã được cơ quan chức năng công nhận

- Năng suất đạt > 15kg hạt/cây/năm (ổn định hàng năm).

- Trọng lượng hạt 120 - 160 hạt/kg.

- Tỷ lệ hạt/nhân ³27%.

- Chín sớm, chín tập trung, không sâu bệnh.

Lưu ý: Chọn ở những vườn ³ 8 năm tuổi, chọn nơi có mật độ 100 cây/ha.

2.2 Tiêu chuẩn gốc ghép:

Tuổi gốc 60-70 ngày, có đường kính gốc ³ 0,7cm, không sâu bệnh. Cây con gieo từ hạt trong bầu nilon có kích thước 15x25cm. Đất pha cát + 10% phân hữu cơ hoai mục + 3-5 gram Supe lân. Trước khi gieo ươm, chọn những hạt chắc, ngâm trong nước 48 giờ, sau rửa sạch rồi ủ khi mọc mầm gieo ươm.

2.3 Tiêu chuẩn chồi ghép (phải lấy ở cây đầu dòng):

Cành ghép lấy từ cây đã chọn đạt tiêu chuẩn, không bị sâu, bệnh, chồi bánh tẻ (màu nâu nhạt), chiều dài 8-10cm, cành ghép phải tươi khi ghép, lấy xong phải ghép liền, càng nhanh càng tốt (không để qua đêm) hoặc nếu nguồn chồi lấy ở xa phải được bảo quản giữ ẩm tốt. Thời vụ ghép thích hợp nhất vào tháng 5-8 dương lịch.

Thao tác ghép: Trên gốc ghép chừa lại 2 cặp lá, cắt ngọn ở vị trí cách 2 cặp lá chừa lại từ 5-10 cm, cắt vạt một đường dài 4 cm. Trên cành ghép phía dưới gốc cắt vạt một đường dạng hình nêm dài 4 cm. Đặt cành ghép vào gốc ghép, dùng giây nilon (tốt nhất dùng giây nilon tự hủy) cuốn cố định (cuốn chặt), kín vết ghép và ngọn ghép không để nước mưa, nước tưới lọt vào vết ghép.

2.4 Chăm sóc cây ươm và cây ghép:

Xếp cây thành luống, tưới nước giữ ẩm thường xuyên, chú ý ghép xong để cây ra ngoài nắng, không nên che bóng mát.

Khi chồi đã phát triển khỏe, đủ tiêu chuẩn có thể đem đi trồng. Trong quá trình chăm sóc cần đánh tỉa chồi gốc ghép thường xuyên, lưu ý phòng bệnh lở cổ rễ ở giai đoạn vườn ươm.

2.5 Tiêu chuẩn cây ghép xuất vườn:

Khi cây ghép ra 1 đợt lá mới hoàn chỉnh, sinh trưởng phát triển khỏe, không sâu, bênh, có bộ rễ phát triển tốt, có thể đưa đi trồng.

IV. KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC:

1- Thiết kế vườn trồng:

Vườn bằng phẳng trồng theo hướng Bắc Nam.

Vườn có độ dốc thì trồng theo đường đồng mức.

Cự ly trồng 10 x 5m hoặc 10 x 6m (đất xấu trồng dầy, đất tốt trồng thưa). Mật độ trồng 200 cây/ha hoặc 170 cây/ha.

Hố trồng đào 50 x 50 x 50cm.

Đào hố trước trồng 20-30 ngày. Bón lót phân hữu cơ 10-20kg + 0,7kg Supper lân + 0,2-0,5kg vôi trộn với lớp đất mặt, lấp xuống hố, sau 15-20 ngày đem cây giống đi trồng.

2- Kỹ thuật trồng:

Đào một lỗ nhỏ giữa hố đã bón lót, rạch bỏ bầu nilon, cắt rễ già, rễ xoắn. Đặt cây giữa hố, mặt bầu cây con ngang mặt đất hoặc thấp hơn một chút (khoảng 5-10cm) dùng tay lấp đất, nén nhẹ quanh bầu để khỏi vỡ bầu và vun đất xung quanh giữ cây. Dùng cây cắm, cột giữ yên cây không để gió lay gốc. Không có mưa thì phải tưới.

Những năm đầu nên trồng xen cây họ đậu.

3. Phân bón và kỹ thuật bón phân

3.1 phân bón

- Thời kỳ xây dựng cơ bản:

Bón phân 3 lần/năm (có điều kiện bón 4-6 lần/năm với điều kiện có tưới nước trong mùa khô).

Trước khi bón phân phải làm cỏ xới gốc.

Sau khi bón lấp đất, tránh mất phân.

- Thời kỳ kinh doanh:

Lượng phân bón như sau:

Nếu đất chua thì bón thêm vôi, với lượng từ 500-1000kg/ha/năm.

Bón làm 4 đợt trong năm :

* Tháng 5 (DL): Dùng 200kg urê + 200kg Lân + 40kg Kali

* Tháng 8: Dùng 170kg urê + 300kg Lân + 50kg Kali

* Tháng 11: Dùng 150 kg urê + 300kg Lân + 60kg Kali

* Sau tượng trái: Dùng 130 kg Urê + 50kg Kali

3.2 Tưới nước kết hợp với bón phân vô cơ qua đường ống

Mỗi lần bón phân đều cho vào bồn chứa phân hòa tan rồi mở hệ thống tưới tiết kiệm nước cho phân theo nước đến từng gốc cây.

Sau khi đậu trái, bón số phân còn lại cũng theo hệ thống tưới tiết kiệm nước.

Cây Điều nếu được tưới nước năng suất sẻ tăng lên đáng kể, mang lại hiệu quả của phân bón rất cao.

Các ưu điểm của phương pháp tưới nước tiết kiệm và bón phân qua đường ống:

+Tiết kiệm lượng nước tưới

+Tiết kiệm dầu tưới

+Tiết kiệm công tưới

+Tiết kiệm công làm bồn

+Tăng hiệu quả của việc bón phân

+Tăng năng suất và chất lượng trái

- Tùy vào điều kiện cụ thể, nhà vườn có thể lấp đặt hệ thống tưới nước và bón phân qua đường ống theo 1 trong 3 mô hình sau:

Mô hình 1: Hệ thống tưới nước và bón phân qua đường ống

Chú thích:

Căn cứ vào hướng dẫn các đợt bón phân vô cơ trong quy trình kỹ thuật, mỗi đợt bón phân, lượng phân bón được hòa vào hệ thống tưới 3 – 5 lần mỗi lần cách nhau 7 - 10 ngày, chia nhỏ lượng phân ra các lần bón như thế sẽ góp phần giảm thất thóat phân bón, nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón của cây trồng.

Pha phân: Khi bón phân cho cây, phân bón được ngâm trước 1 ngày, thường xuyên khuấy đều khi ngân phân để hòa tan hoàn toàn lượng phân cần tưới vào bồn dung dịch phân (không nên sử dụng các loại phân khó tan).

Nguyên tắc hoạt động:

- Khi vận hành máy bơm, dưới lực hút của máy nước từ giếng và dung dịch phân trong bồn chứa sẽ được hút vào máy bơm và được khuấy đều trong hệ thống và ra các vòi tưới cho cây. Chúng ta có thể thay đổi lượng phân bón trước khi đi vào trong máy bằng khóa điều chỉnh.

- Từ máy bơm, một lượng lớn nước chứa phân được đưa đến bộ lọc (tránh nghẹt bét) rồi đến ống cấp 1. Nếu nước trong bồn bị cạn hệ thống sẽ ngưng hoạt động.

- Từ ống cấp 1 nước chứa phân được đưa đến các ống cấp 2, rồi đến ống cấp 3 tưới vào từng gốc cây.

- Ống cấp 2 được đặt dọc theo các hàng cây, trên các ống cấp 2 này chúng a lắp đặt hệ thống van điều chỉnh lưu lượng và áp lực nước vì nơi gần máy bơm áp lực và lưu lượng nước cao hơn những nơi cách xa máy bơm. Ngoài ra các van này cũng rất quan trọng để điều chỉnh lưu lượng và áp lực nước cho những vùng có địa hình không đồng đều, đồi dốc...

Mô hình 2: Hệ thống tưới nước và bón phân qua đường ống

Nguyên tắc hoạt động:

- Khi vận hành máy bơm, dưới lực đẩy của máy nước từ giếng và dung dịch phân trong bồn chứa sẽ được hòa đều trong hệ thống và ra các vòi tưới cho cây. Chúng ta có thể thay đổi lượng phân bón trước khi đi vào trong hệ thống bằng khóa điều chỉnh. Từ máy bơm, Phần lớn nước còn lại sẽ được hòa với dung dịch phân trong đường ống rồi đến bộ lọc (tránh nghẹt bét) sau đó đến ống cấp 1.

- Từ ống cấp 1 nước chứa phân được đưa đến các ống cấp 2, rồi đến ống cấp 3 tưới vào từng gốc cây.

- Ống cấp 2 được đặt dọc theo các hàng cây, trên các ống cấp 2 này chúng ta lắp đặt hệ thống van điều chỉnh lưu lượng và áp lực nước vì nơi gần máy bơm áp lực và lưu lượng nước cao hơn những nơi cách xa máy bơm. Ngoài ra các van này cũng rất quan trọng để điều chỉnh lưu lượng và áp lực nước cho những vùng có địa hình không đồng đều, đồi dốc...

Mô hình 3: Hệ thống tưới nước và bón phân qua đường ống

Nguyên tắc hoạt động:

- Nước và dung dịch phân từ các bồn chứa sẽ được hòa đều trong đường ống, đến bộ lọc (tránh nghẹt bét) sau đó đến ống cấp 1 và ra các vòi tưới cho cây. Chúng ta có thể thay đổi lượng phân bón trước khi đi vào trong hộ thống bằng khóa điều chỉnh.

- Từ ống cấp 1 nước chứa phân được đưa đến các ống cấp 2, rồi đến ống cấp 3 tưới vào từng gốc cây.

- Ống cấp 2 được đặt dọc theo các hàng cây, trên các ống cấp 2 này chúng ta lắp đặt hệ thống van điều chỉnh lưu lượng và áp lực nước vì nơi gần máy bơm áp lực và lưu lượng nước cao hơn những nơi cách xa máy bơm. Ngoài ra các van này cũng rất quan trọng để điều chỉnh lưu lượng và áp lực nước cho những vùng có địa hình không đồng đều, đồi dốc...

Chú ý:

- Bồn chứa nước phải cao để đủ áp lực nước.

Bồn chứa dung dịch phân cũng phải cao để nước tưới không bị đẩy ngược lại bồn chứa phân.

4. Trồng cây phủ đất:

Có ý nghĩa quan trọng trong điều kiện mưa nhiều, đất đai có độ dốc. Mặt khác trong mùa khô thảm phủ đất cũng góp phần giảm sự bốc thóat hơi nước trên lớp đất mặt.

Giữ ẩm trong mùa nắng bằng rơm rạ khô và cách gốc khoảng 20cm. Biện pháp này cũng tránh được cỏ dại phát triển đồng thời khi rơm rạ phân hủy sẽ cung cấp cho đất một lượng dinh dưỡng đáng kể. Trong thời kỳ kiến thiết cơ bản nên trồng cây phủ đất để tránh bị xói mòn đất. Trong khoảng thời gian từ năm 1 đến năm thứ 4 có thể trồng xen canh với một số loại cây họ Đậu, Bắp, Rau màu, một số nơi có thể trồng một số loại cỏ để chăn nuôi Bò. Thu nhập từ các loại cây này góp phần rút ngắn thời gian thu hồi vốn đầu tư cho sản xuất.

Trong điều kiện không trồng các loại cây kể trên thì nhà vườn có thể trồng các loại cỏ phủ đất như cỏ lá gừng, hay các loài cỏ họ đậu thấp cây khác. Trong quy trình này chúng tôi giới thiệu hai loại cỏ họ đậu phủ đất (Kudzu và đậu Mucuna) được trồng phủ đất trồng Cao Su rất có hiệu quả.

4.1 Quy trình trồng cỏ Kudzu và đậu Mucuna

Kudzu và đậu Mucuna có thể trồng phủ đất cho cây công nghiệp dài ngày và cây ăn trái, có khả năng phát triển được trên nhiều loại đất. Hai loại cỏ này được lấy hại giống trong tháng 11-12 hàng năm và đem gieo trồng vào đầu mùa mưa năm sau (tháng 5-6).

4.1.1 Giống và xử lý hạt giống:

- Hạt giống trước khi gieo phải được sàng lọc để loại bỏ hạt xấu.

- Xử lý hạt giống: rất quan trọng, cần thực hiện đúng cách và đúng thời gian.

+ Kudzu: ngâm nước ấm 70oc (2 phần nước sôi +1 phần nước lạnh) qua đêm (12 giờ) rồi gieo vào ngày hôm sau.

+ Mucuna: ngâm nước 700c (2 phần nước sôi + 1phần nước lạnh) trong 5 phút, sau đó cho thêm một phần nước lạnh ngâm tiếp qua đêm rồi gieo.

Lưu ý: khi ngâm hạt, phải đổ nước ngập hết phần hạt giống cần gieo.

4.1.2 Chuẩn bị đất: đất phải được dọn sạch cỏ dại, cày bừa cho tơi xốp trước khi trồng cây Điều kết hợp gieo hạt giống cỏ họ đậu.

Đối với đậu Kudzu chỉ trồng một lần, các năm sau đậu sẽ tự tái sinh vào mùa mưa, đối với đậu Mucuna nếu có cày vùi vào đất vào cuối mùa mưa thì cần phải làm đất lại trước khi gieo hạt giống.

4.1.3 Mật độ khoảng cách

Cuốc lỗ để gieo theo mật độ quy định, sau đó phủ lên bề mặt một lớp đất tơi xốp.

Chú ý: với Kudzu không gieo quá sâu, tránh cho hạt khó nẩy mầm.

4.1.4 Chăm sóc:

- Thảm phủ sau khi trồng từ 15- 20 ngày tiến hành làm cỏ đợt một, sau 40 - 45 ngày làm cỏ đợt 2.

- Riêng đậu Kudzu tốc độ tăng trưởng chậm do đó có thể làm cỏ đợt 3 khoảng 60 ngày sau khi gieo.

- Nếu đậu sinh trưởng kém có thể xịt bổ sung phân urea (nồng độ 1%).

- Khi cỏ đậu phát triển, phát dọn ngọn cỏ theo các trường hợp sau:

* Vườn cây năm thứ 1: chỉ để cỏ phát triển bên ngoài thành bồn (đường kính bồn 1m), không cho đậu quấn vào cây ăn trái làm ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây ăn trái.

* Vườn năm thứ 2 trở đi: tiếp tục để cho cỏ đậu phát triển nhưng chú ý thường xuyên phạt dọn ngọn cỏ ở thành và trong bồn (đường kính khoảng 1 mét) tránh cho leo quấn cây ăn trái.

- Trong thời gian sinh trưởng đậu Mucuna thường bị chấu chấu phá hoại trên lá. phòng trừ bằng xịt thuốc Bassa, Applan, Sumialpha…

- Đối với đậu Kudzu, thời gian ra hoa bị rệp sáp phá hại rất nặng, giai đoạn kết trái, nhiễm nặng nhất thường là bị sâu đục trái, phòng trừ bằng thuốc Basudin, Bi 58…

4.1.5 Thu hoạch:

+ Đậu Mucuna có thể thu hoạch tháng 11-12 dương lịch khi lớp thảm phủ bắt đầu rụi hết, trái thu về phơi khô, tách hạt bảo quản.

+ Đậu Kudzu thu hoạch chậm hơn, có thể vào tháng 1- 3 năm sau. Đậu Kudzu thu hoạch phần lớn trái già đã chuyển sang màu vàng (do trái tự nẻ khi vỏ đã khô) dùng liềm cắt nguyên phần trái đưa về phơi từ 2 - 3 nắng, đập vỏ lấy hạt bảo quản.

4.2 Những lưu ý khi trồng cỏ phủ đất

- Những năm đầu của thời kỳ kiến thiết cơ bản trong vườn cây ăn trái cần ưu tiên trồng xen các loại cây họ đậu như: đậu xanh, đậu phọng, đậu nành hoặc các loại cỏ hòa thảo mọc thấp dùng trong chăn nuôi gia súc ngoài mục đích làm thảm phủ đất còn tăng hiệu quả sản xuất với mục tiêu “lấy ngắn nuôi dài”.

Cỏ họ đậu Kudzu trồng thảm phủ có nhiều hiệu quả trên cây cao su. Tuy nhiên nếu trồng làm thảm phủ trong vườn cây ăn trái cần lưu ý các vấn đề chính như sau:

- Hai loại cỏ họ đậu trên có khả năng sinh trưởng mạnh mức độ bò leo quấn vào cây trồng trong vườn lớn vì vậy phải thường xuyên làm cỏ quanh gốc để hạn chế bò leo làm ảnh hưởng đến cây trồng.

- Đối với cỏ họ đậu Kudzu không tàn lụi trong mùa nắng vì vậy cần lưu ý dọn sạch cỏ cách xa gốc để tránh cạnh tranh nước tưới với cây trồng khác trong mùa nắng.

- Cỏ họ đậu không có khả năng phát triển được khi vườn cây ăn trái khép tán, cho nên khi cây trồng đã khép tán phải nghĩ đến phương pháp phủ đất khác.

5. Tỉa cành tạo tán:

Sau khi thu hoạch vào tháng 5-6, cắt bỏ cành sâu bệnh, cành giáp tán, cành giữa tán (cành tăm...), dùng kéo (chuyên dùng), cưa... để cắt tỉa.

Sau thu hoạch 7-8 năm, cành giáp tàn, có thể chặt bỏ 1 cây, khoảng cách còn 10x10 m hoặc 10x12 m.

Không cắt cành những ngày mưa, tránh nấm bệnh xâm nhập qua vết cắt, tỉa.

Những cành lớn sau khi cắt phải quét sơn hoăc dùng Bordeaux 1% xịt lên vết cắt.

VI. SÂU BỆNH VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ:

1. SÂU HẠI:

1.1 Bọ xít muỗi đỏ: Helopeltis antonii

Là loài sâu hại nghiêm trọng ở hầu hết các khu vực trồng điều ở nước ta.

1.1.1 Nhận dạng

Bọ trưởng thành có màu nâu đỏ, đầu đen, ngực đỏ, bụng trắng.

Trứng rất nhỏ, hình bàu dục, màu trắng trong.

Ấu trùng không có cánh, mình thon dài, đuôi nhọn màu hồng nhạt

1.1.2 Tập quán sinh sống và cách gây hại

Bọ trưởng thành hoạt động sáng sớm hoặ chiều mát, ngày âm u ít nắng hoạt động cả ngày. Muỗi cái đẻ trứng rải rác hoặc từng cụm 3-4 trứng trên ngọn hoặc lá non. Trứng đẻ sâu trong cây để lộ ra các sợi lông dài. Một con cái đẻ 30-50 trứng, mỗi lần đẻ khoảng 10 trứng.

Thường xuất hiện lúc cây ra cành non, nụ bông và tập trung cao nhất lúc cây trổ bông. Trưởng thành và ấu trùng dùng vòi chích hút nhựa ở lá non, chồi non, hoa, trái và hạt non. Các vết chích chảy nhựa màu trắng trong sau tạo thành những chấm màu đen. Nhiều vết chích liên kết lại với nhau tạo thành vết sẹo, nếu bị nặng thì chồi và chùm hoa có thể chết khô, lá bị xoăn biến dạng. Hạt non bị chích trên vỏ có các đốm vảy màu nâu đen, rụng sớm hoặc giảm kích thước và phẩm chất. Nguy hại hơn nữa là các vết chích của bọ xít muỗi là nơi xâm nhập gây hại của một số loài nấm như Gleosporium sp, Colletotrichum sp, Phomospsis sp.

1.1.3 Biện pháp phòng trừ

Vệ sinh vườn điều, dọn sạch cỏ dại, hun khói vào sáng sớm hoặc chiều tối.

Phun thuốc vào lúc cành non phát triển nhiều (tháng 10 dương lịch), lúc cây bắt đầu ra bông (tháng 12 ) và lúc trái non ra rộ (tháng 2-3). Nếu mật độ bọ xít cao nên phun lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Các loại thuốc trừ sâu như Dibamerin 10EC, Cyperan 10EC, Karate 2.5EC, Tiper 25EC, Phironin 50SC, Permecide 50EC ... đều có hiệu quả trừ bọ xít muỗi.

Ngoài cây điều bọ xít muỗi còn gây hại trên cây chè, ca cao, thầu dầu. Vì vậy nếu chung quanh vườn điều có trồng các loại cây trên thì phải phòng chống đồng thời để tiêu diệt đồng loạt nhất là khi có dịch bọ xít muỗi.

1.2 Sâu đục ngọn (Vòi voi đục thân) Alcidessp.

1.2.1 Nhận dạng

- Trưởng thành dài 10-12mm, màu nâu đen, trên cánh cứng có nhiều chấm lõm nhỏ, đầu nhỏ và kéo dài về phía trước.

- Trứng hình bầu dục, dài 1mm, màu trắng sữa.

- Sâu non màu trắng ngà, đầu màu nâu.

- Nhộng trần có mầm vòi rõ, màu trắng ngà.

1.2.2 Tập quán sinh sống và cách gây hại

Bọ trưởng thành chậm chạp, ít bay có tính giả chết khi bị động. Bọ dùng vòi đục vào nõn non để đẻ trứng vào đó, sâu non nở ra đục sâu vào nõn, đùn phân ra cửa lỗ đục. Ngọn bị sâu đục khô héo.

Sâu phát sinh quanh năm trên vườn điều, gây hại nhiều vào thời kỳ cây ra nõn nhiều.

1.2.3 Biện pháp phòng trừ

- Cắt bỏ các chồi bị hại tập trung tiêu hủy để diệt sâu non và nhộng.

- Khi cây điều ra đọt nhiều hoặc phát hiện có sâu non phun thuốc Sherbush 25ND, Tungmectin 1.9EC

1.3 Xén tóc nâu: Plocaederus obesus

1.3.1 Nhận dạng

- Trưởng thành là loài cánh cứng, thân dài 35-45mm màu nâu đen, bao phủ lớp lông nhung mịn. Râu dài hơn thân, cong về phía sau

- Trứng hình bàu dục, dài 5mm, màu trắng ngà

- Sâu non mới nở màu trắng ngà, đầu màu nâu

- Nhộng trần màu nâu vàng, dài 45mm

1.3.2 Tập quán sinh sống và cách gây hại

Trưởng thành hoạt động ban ngày, ít bay. Trứng đẻ rải rác trên vỏ thân và cành cây, thường ở các kẽ nứt của vỏ. Sâu non mới nở đục vào phần vỏ mềm ăn mô vỏ, lớn lên sâu đục vào phần gỗ bên trong tạo thành đường hầm nhiều ngõ ngách. Nhựa cây cùng với phân mùn của sâu đùn ra từ lỗ đục. Một cây có thể bị nhiều sâu non gây hại. Sâu non sống và phá hại trong thân tới 6-7 tháng, khi lớn sâu đục ra phần vỏ cây hóa nhộng.

Sâu đục trong thân, cành và cả rễ làm cây sinh trưởng kém, lá vàng úa, cành bị khô chết. Cây còn nhỏ bị hại có thể chết

1.3.3 Biện pháp phòng trừ

- Do sâu đục bên trong thân và rễ cây nên rất khó trị, cần chú ý phát hiện sâu ngay lúc mới đục ở phần vỏ, bóc chỗ vỏ có sâu đục diệt sâu. Nếu thấy trên thân chảy mủ màu trắng, gạt lớp mủ sẽ thấy lỗ sâu đục, dùng dây kẽm moi theo đường đục để diệt sâu hoặc trộn thuốc trừ sâu với đất sét trét vào lỗ đục. Bắt nhộng, sâu non và trứng bằng tay cũng hạn chế được thiệt hại do xén tóc.

- Quét vôi lên gốc thân từ 1m trở xuống vào đầu mùa khô (tháng 12 DL) để phòng sâu đục thân đẻ trứng gây hại.

1.4 Bọ trĩ

1.4.1 Nhận dạng

- Bọ trưởng thành rất nhỏ, dài 1 - 1,5mm. cơ thể hẹp, đuôi nhọn, màu nâu hoặc đen, cánh dạng sợi chung quanh có nhiều lông tơ. Bọ non hình dạng giống trưởng thành, không cánh, màu trắng sữa hoặc vàng nhạt.

- Phát hiện bọ trĩ bằng cách rũ chùm bông điều lên trên một tờ giấy trắng, nếu có bọ trĩ sẽ rơi xuống tờ giấy và di chuyển rất nhanh.

1.4.2 Tập quán sinh sống và cách gây hại

- Bọ trĩ xuất hiện khi cây điều ra bông, đẻ trứng trong mô mặt dưới lá. Cả ấu trùng và trưởng thành tập trung ở mặt dưới lá, trên chùm bông chích hút nhựa cây làm lá biến màu và nhăn, bông điều bị cháy khô màu nâu vàng, rụng nhiều.

- Thiệt hại do bọ trĩ thường đi đôi với thiệt hại do bệnh thán thư, cần phân biệt kỹ để có biện pháp phòng trị đạt hiệu quả.

- Trên những vườn điều ra bông muộn thường bị gây hại nặng. Nhất là vườn điều xả nhị sau Tết nguyên đán.

1.4.3 Biện pháp phòng trừ

- Chăm sóc cây

- Có thể xử lý các loại thuốc trừ sâu như đối với bọ xít muỗi phun trước khi điều xả nhị.

1.5 Nhóm sâu gây hại lá

Gồm rất nhiều loài: sâu róm đỏ, sâu đục nõn, sâu bao, câu cấu xanh và sâu đục lá còn gọi là sâu phỏng lá, thường xuất hiện sau mùa thu hoạch và mùa mưa gây thiệt hại trên lá non và cây con trong vườn ươm.

Biện pháp phòng trừ

- Vệ sinh vườn điều, dọn sạch cỏ dại.

- Phun khi thấy mật độ dịch hại tăng cao có thể dùng các loại thuốc như phun trừ bọ xít muỗi.

2. BỆNH HẠI

2.1. Bệnh thán thư

Do nấm Colletotrichum gloeosporioides có thể gây hại trên nhiều loài cây trồng khác nhau.

2.1.1 Triệu chứng

Nấm gây hại trên lá, chồi non, bông và trái. Trên lá vết bệnh ban đầu là những chấm nhỏ màu nâu tím, sau lớn dần hơi tròn, giữa màu nâu xám, chung quanh viền nâu vàng. Trên vết bệnh có những chấm đen nhỏ đó là các ổ bào tử. Nhiều vết bệnh liên kết nhau làm lá bị cháy khô từng mảng.

Trên cành non bệnh tạo các vết nâu làm khô vỏ, cành héo. Bông bị bệnh biến nâu khô, rụng nhiều. Vết bệnh trên quả là những đốm nâu, hơi ướt, bên trong bị thối.

Bệnh nặng làm đọt và lá khô vàng, hoa và quả thối rụng, cây sinh trưởng kém, năng suất giảm nghiêm trọng.

2.1.2 Điều kiện phát sinh phát triển

Bệnh phát triển nhiều trong điều kiện thời tiết nóng ấm, ẩm độ không khí cao. Cây chăm sóc kém, sinh trưởng yếu bị tác hại nặng

2.1.3 Biện pháp phòng trừ

- Tăng cường chăm sóc vườn cây, tạo cho vườn thông thoáng.

- Khi bệnh phát sinh, điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển có thể sử dụng thuốc trừ bệnh có hoạt chất Carbendazim như Bavitin 50WP; Carbenda 60WP, 50SC; Derosal 50SC, 60WP để phun.

2.2 Bệnh đốm lá nâu (vết cháy trên lá)

Bệnh do một số nấm (Phyllosticta sp, Pestalotia sp, Phomopsis sp, Collectotrichum sp).

2.2.1 Triệu chứng

Bệnh phát sinh trên lá, đôi khi có trên cành. Đầu tiên là những chấm nhỏ màu nâu vàng sau lan rộng gây những vết cháy trên lá có khi đến 2/3 lá và làm rụng lá. Trên cành vết bệnh màu nâu xám, vỏ cành bị khô, đôi khi bệnh cũng làm khô hoa

2.2.2 Điều kiện phát sinh phát triển

Nấm thường phát triển nhiều trên các cây điều thiếu dinh dưỡng bị suy yếu. Bệnh lây lan nhanh trong điều kiện ẩm độ không khí cao, thiếu ánh sáng.

2.2.3 Biện pháp phòng trừ

- Cũng như đối với bệnh thán thư.

Chú ý: Phun sớm khi mới phát hiện bệnh, phun đều lên tán lá non, chùm hoa sắp trổ.

2.3 Bệnh nấm hồng (Mốc hồng)

Do nấm Corticium salmonicolor.

2.3.1 Triệu chứng

Trên vỏ cây ở thân hoặc cành xuất hiện những đốm trắng, đó là những sợi nấm đan dầy. Về sau các đốm trắng lớn dần chuyển dần sang màu hồng, bao phủ một phần hoặc quanh khắp vỏ cây. Trên cành bệnh thường ở chỗ nhánh giáp với thân. Khi bệnh phát triển mạnh, vỏ cây bị bong ra và cành bị bệnh lá vàng và chết khô dần từ ngọn trở vào.

2.3.2 Điều kiện phát sinh phát triển

Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện nhiệt độ cao, mưa nhiều, cây rậm rạp ít ánh nắng. Sợi nấm và bào tử tồn tại ở các cành bị hại, gặp điều kiện thích hợp phát triển tiếp tục lây nhiễm

2.3.3 Biện pháp phòng trừ

- Thực hiện vệ sinh vườn điều, tỉa bớt cành lá vô hiệu, chặt bỏ những cành bị bệnh đem đốt, dùng các thuốc gốc đồng bôi vào mặt cắt để ngăn nấm xâm nhập trở lại.

- Cạo sạch các vết bệnh ở thân cây bôi thuốc gốc đồng.

- Ở các vùng thường bị bệnh, phun phòng bệnh bằng các loại thuốc gốc đồng

2.4 Bệnh chảy mủ thân cành

Do nhiều loại nấm Pellicularia salmonicolor, Diplodia natalensis, Ceratocystis sp … gây hại.

2.4.1 Triệu chứng

Khi cây bị bệnh thân cành xuất hiện các đường nứt dọc, chảy nhựa, lúc đầu có màu nâu nhạt sau đen sẫm dần. Nếu bị năng cây suy kiệt và chết.

2.4.2 Điều kiện phát sinh phát triển

Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện nhiệt độ cao, mưa nhiều, cây rậm rạp ít ánh nắng

2.4.3 Biện pháp phòng trừ

- Tạo vườn thông tháng, thoát nước tốt.

- Thường xuyên phun ngừa Bordeaux 1% vào đầu mùa mưa và quét Bordeaux2% từ dưới đất lên 1m.

- Khi cây bị bệnh, nên cạo sạch vết bệnh quét Bordeaux

2.5 Bệnh thối cổ rễ:

Bệnh do nấm Rhizoctonia sp gây hại

2.5.1 Triệu chứng

Bệnh hại phổ biến trên cây giống ở các vườn ương và cây điều con khi mới trồng ra vườn sản xuất. Ở chỗ cổ rễ giáp mặt đất xuất hiện các vết màu nâu, lúc đầu nhỏ sau lan rộng ra xung quanh gốc, vỏ cây chỗ bị bệnh thối khô và bong ra để trơ phần lõi gỗ cũng bị thâm đen. Cây mới bị bệnh sinh trưởng kém, sau đó lá vàng, sau cùng cả cây héo chết

Một số trường hợp cùng với nấm Rhizoctonia còn có nấm Fusarium cùng xâm nhập gây hại làm cây mau suy yếu và chết.

2.5.2 Điều kiện phát sinh phát triển

Trong điều kiện cây sinh trưởng kém và bị vết thương ở phần gốc thân nơi tiếp giáp với rễ tạo thuận lợi cho nấm bệnh xâm nhập vào cây gây hại

Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết ẩm ướt, vườn ương không thông thoáng, đất thoát nước kém.

2.5.3 Biện pháp phòng trừ

- Xử lý đất và ruột bầu bằng Formol 40% (pha 50cc Formol với 5 lít nước phun cho 1m2 đất)

- Chăm sóc cây con đầy đủ, tránh gây thương tích cho cây.

- Không để ngập luống ương cây con khi tưới.

- Kiểm tra thường xuyên, khi phát hiện cây con bị bệnh loại bỏ ngay khỏi vườn ương. Khi bệnh phát sinh trong điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển dùng thuốc trừ bệnh phun trừ.

Để việc phòng trừ sâu bệnh cho cây điều đạt hiệu quả cao cần tác động một số thời điểm:

- Sau thu hoạch (từ tháng 4 - 5) dọn vườn, cắt tỉa và đốt các cành bị sâu bệnh.

- Thời kỳ điều ra chồi non (từ tháng 7 - 11) giai đoạn này điều ra từ 1 - 3 đợt chồi, xuất hiện một số sâu bệnh như nhóm sâu ăn lá, bệnh thán thư, nếu mức gây hại nặng mới phun thuốc phòng trừ.

- Thời kỳ điều ra hoa đậu trái (tháng 12 - 3). Đây là giai đoạn phòng trừ sâu bệnh quan trọng nhất và có hiệu qủa kinh tế cao nhất trong năm, giai đoạn này thường xuất hiện bọ xít muỗi phá hại nặng và bệnh thán thư gây khô cành non, bông và rụng trái non.

Bọ xít muỗi chích hút mở đường cho nấm bệnh xâm nhập gây hại như là tác nhân thứ cấp. Do đó để phòng trừ có hiệu quả nên kết hợp phun thuốc trừ sâu và bệnh, phun 3 - 4 lần, 2 lần phun cách nhau 10 ngày.

Để hạn chế rụng bông và trái non phun chế phẩm Bortrac 2 lần : lần 1 ra hoa 5 - 10cm, lần 2 khi tượng trái non.

VII. KỸ THUẬT THU HÁI

1. Xác định độ chín của hạt và trái

Thu trái phải dựa trên nguyên tắc thu được nguyên liệu (hạt, trái) có chất lượng cao nhất. Muốn vậy phải phân biệt chín thu hoạch với chín sinh lý. Chín sinh lý chủ yếu mới hoàn thành giai đoạn phát triển phôi và chức năng bảo vệ chưa được kiện toàn. Còn chín thu hoạch thường hoàn thành sau giai đoạn chín sinh lý. Khi các biến đổi hóa sinh trong hạt đã kết thúc, lượng chất khô đã ổn định, lượng nước trong hạt giảm thấp nhất. Hạt bắt đầu chuyển sang trạng thái ngủ, và vỏ hạt đã đủ cứng, có tính năng bảo vệ tốt. Do đó thu hoạch vào giai đoạn này đảm bảo chất lượng nguyên liệu nhất. Nhưng khó khăn là cần xác định được chính xác giai đoạn chín để có quyết định thu hái mà không cần phải làm các phương pháp phân tích hóa học. Các nhà phân loại hình thái đã có đóng góp trong lĩnh vực này, sau khi đã phối hợp với các nhà hóa học tìm mối liên hệ giữa biến đổi chất lượng nguyên liệu với sự thay đổi về hình thái, màu sắc, kích thước và trọng lượng của hạt và trái trong quá trình phát triển và tới chín hoàn toàn. Vì thế chín thu hoạch cũng được xác định trực tiếp bằng chín hình thái. Khi hạt chín hoàn toàn, vỏ có màu xám sáng bóng và trái có màu đỏ, hồng hay vàng tùy từng giống, mọng nước, da láng bóng và có mùi thơm ngát đặc trưng của trái đào lộn hột.

2. Phương pháp thu hái

Việc thu hái hạt và trái phải thật chín mới đảm bảo chất lượng và giúp cho việc bảo quản hạt và chế biến hạt dễ dàng.

Tùy theo diện tích thu hái nhiều hay ít hoặc khả năng bảo vệ chống mất mát (hái, nhặt trộm nguyên liệu) người ta có thể chọn một trong hai phương pháp sau:

a/ Thu hái trên cây:

khi diện tích nhỏ hoặc số cây có ít, đặt biệt cần thu hạt của một số giống tốt mọc xen với nhiều loại khác, thì cách tốt nhất là thu hái trên cây khi hạt chín hoàn toàn. Có thể dùng tay hay bồng ( một loại sào đầu có móc và rổ chứa hạt) để hái. Phương pháp thu hoạch này thường tốn công, nhưng không sợ lẫn hạt giống, không sợ mất mát và thu hoạch cả trái lành lặn.

b/ Thu nhặt dưới đất:

Là phương pháp thu phổ biến ở các cơ sở trồng đào lộn hột lớn trên thế giới. Khi trái chín mọng tự động rơi xuống đất. Công nhân hàng ngày tới từng gốc cây đã được dọn sạch cỏ, nhặt trái từ đất ngắt lấy hạt, còn trái tập trung thành đống cho bộ phận chế biến trái (nước giải khát, rượu thực phẩm, thức ăn gia súc) lượm về sử dụng hàng ngày. Trường hợp thiếu nhân lực có thể vài ngày tới gốc cây nhặt hạt một lần không sợ hạt biến phẩm chất, nhưng trái đã thối rữa, chỉ có thể dược dùng làm phân bón.

VIII. BẢO QUẢN HẠT

1. Làm sạch và phơi nắng

Sau khi thu hái phải làm sạch phần thịt trái đã dính ở cuống hạt, và có thể rửa nước cho thật sạch. Sau đó đem phơi hạt ngoài nắng 2-3 ngày cho thật khô (bấm móng tay vào vỏ hạt không có vết) rồi dùng sàng (rổ sàng 1 cm) loại bỏ những dị vật lẫn trong hạt. Hạt được sơ bộ phân hạng theo 3 loại kích thước và trọng lượng: lớn, trung bình và nhỏ, cũng như loại bỏ các hạt xấu, lép sâu bệnh trước khi đóng bao chuyển vào kho.

2. Kho bảo quản:

Đối với gia đình có lượng hạt ít, chỉ cần phơi khô cho vào bao bố để nơi khô thoáng mát là được. Còn các cơ sở trồng lớn cần phải có kho bảo quản trước khi chuyển đến xí nghiệp chế biến hoặc đơn vị thu mua. Riêng trái chín muốn dự trữ để chế biến dịch chiết, nước giải khác hoặc các loại rượu phải có kho lạnh bảo quản.

Kho bảo quản hạt phải được xây dựng nơi cao ráo, mát mẻ. Móng kho phải chắc, nền cao, tường dày và có điều kiện thông gió.

Dụng cụ để hạt có thể là bao bố, hòm gỗ, thùng thiếc và kê cao khỏi mặt nền kho ít nhất 30-40 cm.

Riêng đối với hạt giống cần có bao bì riêng cho từng loại thậm chí cho từng cây, tốt nhất đựng trong các thùng có nắp đậy kín. Nếu hạt lưu kho, để tự nhiên chỉ 6 tháng sau là giảm khả năng nẩy mầm.

Kho phải quét dọn khô ráo thường xuyên kiểm tra sâu bệnh và được sát trùng định kỳ.

Thuốc sát trùng thường dùng là Bêkaphốt (Gastoxin) thành phần chính của Bêkaphốt là photphua nhôm 66% hơi photphua rất độc đối với sâu, mọt và chuột nhưng cũng rất nhanh bị oxy hóa thành axit metaphotphoric hoặc axit photphoric, nên thời gian hiệu lực ngắn (9-10 ngày). Thuốc ít độc với người, gia súc và không làm ảnh hưởng hương vị của hạt. Lượng thuốc 12-20g cho 1m3 hạt, trong khi xử lý thuốc cần bịt kín kho trong 3 ngày đêm, sau đó được xả hơi thuốc trong 10-12 giờ và chôn bã thuốc.

Nguồn: TT KHUYẾN NÔNG ĐỒNG NAI - 2009

 Nhấn vào đây để xem tất cả các thông tin kỹ thuật trồng cây điều

 

 

 

Trồng trọt mùa mưa, bão, lũ

 

 

 

 

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang