Ảnh: Việt Linh
Thời vụ: Đồng tiền có thể trồng quanh năm, thích hợp nhất là vụ xuân (trồng tháng 3-4) và vụ thu đông (trồng tháng 8-9).
Mật độ trồng: 50.000 - 60.000 cây/ha.
Đất trồng: Cây ưa đất tơi xốp, có độ thoáng cao, thoát nước, nhiều mùn, pH từ 6-6,5. Nếu đất chặt, bí cần phải bón thêm mùn rơm hoặc trấu hun. Đất trồng nên có mực nước ngầm thấp và ổn định, tránh nơi đất trũng.
Làm đất kỹ, sạch cỏ, lên luống cao 35 – 40 cm; mặt luống rộng 0,9 – 1,0 m; mỗi luống trồng 2 hàng. Khoảng cách trồng 30 x 35 cm
Lượng phân + mùn bón lót cho 1 ha gồm: 30 tấn phân chuồng hoai mục + 10 tấn trấu (hoặc mùn) + 300 kg NPK. Trộn đều bón vào từng hốc, bón trước khi trồng 10 – 15 ngày, bón xong trộn đều với đất và lấp đất cao trên phân từ 3 – 5 cm.
Nếu trồng trong chậu, đất trồng gồm xơ dừa + than bùn + đất cát (3:3:1), bổ sung thêm phân hữu cơ vi sinh và Super lân.
Trồng bằng hạt: Sau khi gieo hạt phủ một lớp đất mỏng lên bề mặt hạt gieo, ngày tưới phun sương 2 lần vào buổi sáng và tối.
Trồng từ cây nuôi cấy mô có 3 lá thật, trong túi bầu nilon: cây sẽ phát triển khoẻ, sạch bệnh, năng suất và chất lượng cao, nhưng giá thành cây giống cao.
Trồng từ cây tách thân: Từ một cây nuôi cấy mô sau 6 – 8 tháng trồng có thể tách ra được từ 3 – 5 cây khác để đem trồng. Khi tách đào cả bụi, rũ sạch đất, dùng tay và dao sắc nhẹ nhàng tách từng thân ra sao cho không bị đứt rễ, mỗi thân cây mới phải có ít nhất 1 – 2 rễ trở lên.
Trồng từ cây non: trồng cây vào các chậu, thành chậu cao hơn đất trong chậu khoảng 2cm, dùng tay ấn đất một cách nhẹ nhàng. Nếu trồng hoa vào mùa nóng nên trồng cây vào sáng sớm hoặc chiều mát. Sau khi trồng, tưới nước đảm bảo độ ẩm cho đất.
Cây phải trồng nổi do rễ lan ngang mặt đất, cổ rễ cao bằng so với mặt đất, không trồng cây quá sâu làm thối rễ hoặc phát triển chậm. Trồng theo kiểu nanh sấu.
Nhiệt độ: Nhiệt độ thích hợp để trồng hoa đồng tiền là 15-25 độ C. Một số loài hoa đồng tiền có thể chịu được nhiệt độ 30-34 độ. Khi nhiệt độ dưới 12 và trên 35 độ C hoa phát triển kém, xấu.
Độ ẩm: Hoa đồng tiền thích hợp với đất có độ ẩm 60-70%, độ ẩm không khí 55-65%. Cây chịu hạn kém, không ưa ngập úng.
Tưới: Tưới nước vào buổi sáng. Tùy vào điều kiện có thể 2-3 ngày tưới một lần để giữ ẩm đất mà không gây ngập úng. Tưới nhẹ vào giữa hai hàng cây tránh làm đất bắn lên lá. Nên lắp hệ thống tưới nhỏ giọt vào từng gốc cây hoặc tưới rãnh cho ngấm lên.
Chăm sóc:
Hoa đồng tiền không chịu được mưa nhiều, sương muối và cường độ ánh sáng cao, nên làm nhà, dàn che.
Thường xuyên ngắt lá già, vàng úa, lá sâu lá bệnh. Sau trồng 6 tháng tỉa bớt 30% lá phía dưới, định kỳ 1 tháng/lần.
Bón thúc: Phân bón càng đầy đủ hoa càng đẹp, màu sắc đậm, lâu tàn.
Cần bón cân đối N:P:K theo tỷ lệ 1:1:1. Nếu bón đạm nhiều cành hoa bị mềm, yếu.
Liều lượng bón thúc cho 1 ha: 120 kg đam: 120 kg lân: 120 gk kali. Định kỳ 15 – 20 ngày bón 1 lần bằng cách hoà tan với nước và tưới cho cây.
Ngoài việc bón phân qua rễ, cần phun thêm phân bón lá.
Các loại sâu, bệnh:
- Sâu ăn lá (Sâu xanh, sâu khoang, sâu xám): Sâu tuổi nhỏ ăn phần thịt lá để lại lớp biểu bì phía trên, sâu tuổi lớn ăn khuyết lá non, ngọn non, mầm non, khi cây có nụ sâu ăn đến nụ và làm hỏng nụ, hoa.
- Nhện hại (Nhện đỏ hai chấm, nhện trắng và một số loại nhện khác): Nhện châm vào lá, cánh hoa, chỗ bị hại tạo thành vết chấm nâu vàng nhỏ tách riêng nhau. Khi bị hại nặng lá loang lổ màu vàng, nâu, biến dạnh cong queo, cánh hoa màu nâu vàng, hoa lệch hoặc bị dị dạng, hoa tàn và thối.
- Rệp nhảy: Rệp nhảy gây hại rất nghiêm trọng cho đồng tiền. Rệp nhảy có miệng chích hút, hút dịch lá và nụ non. Cây bị rệp hại sinh trưởng chậm, lá cong lại, trên lá có nhiều chất bài tiết dính, màu nâu đen, ảnh hưởng đến quang hợp, bị nặng, lá sẽ bị chết khô.
- Bọ trĩ: Sâu non và trưởng thành chích hút dịch hoa, hoa bị hại trên cánh hoa có chấm trắng, cong lại.
- Sâu vẽ bùa: Sâu non nằm dưới biểu bì lá, lấy thức ăn tạo thành đường ngoằn ngoèo màu trắng, phá hoại tế bào và diệp lục.
- Bệnh đốm lá (Cercospora): Vết bệnh ban đầu là những hình tròn nhỏ hoặc bất định, màu nâu nhạt, nâu đen, nằm dải rác ở phiến lá dọc gân lá, ở mép lá. Bệnh lan từ lá dưới lên lá trên, hại cả cuống hoa và cánh hoa, làm hoa gẫy gục dẫn đến héo.
- Bệnh phấn trắng: Vết bệnh dạng bột phấn màu xám trắng, mặt dưới lá mô vết bệnh chuyển màu vàng nhạt, bệnh hại lá là chủ yếu ngoài ra còn hại trên thân, cành hoa là hoa lá nhanh tàn, thối nụ, hoa nhỏ, xấu.
- Bệnh héo xanh vi khuẩn: Vi khuẩn tác động vào bộ phận gốc rễ, vết bệnh màu trắng đục ủng nước, cây bị bệnh héo xanh lá thường héo từ lá gốc lên trên, bẻ ngang cuống lá có bó mạch thâm đen.
- Bệnh thối gốc: Thời kỳ đầu lá cong cuộn lại, héo và vàng sau đó biến thành màu đỏ tím, lá khô và chết. Gốc cổ rễ bị thối có màu nâu, vỏ long ra, khi nhổ cây lên rễ trong đất rời ra.
Thu hoạch:
Sau khi trồng 50 - 60 ngày là có thể cho thu hoạch hoa. Nên vặt bỏ 2-3 lứa hoa đầu. Nên thu hoa vào buổi chiều. Dùng tay cầm cuống hoa vặn nhẹ, không dùng kéo cắt. Khi thu hoa xong không nên tưới phân ngay làm cho sâu bệnh dễ sâm nhập vào cây.
Phân loại hoa ngay sau khi thu, cắm vào nước để hoa hút no nước rồi tiến hành bao gói. Nên dùng bao nilon hình phễu bao kín hoa cho vừa vặn tránh làm gãy cánh hoa.
Viet Linh © 2015. Ho Chi Minh City, Vietnam
Nhấn vào đây để xem các thông tin kỹ thuật trồng hoa đồng tiền
- Kỹ thuật trồng cây ăn trái, rau màu, cây dược liệu và các loại cây khác
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.