Dừa đặc ruột (hay dừa sáp, dừa kem) thuộc giống dừa cao, thụ phấn chéo. Khi bổ đôi quả dừa, bên trong lớp cơm dừa là chất lỏng sền sệt như kem, sáp. Dừa đặc ruột xuất hiện tại Việt Nam rất lâu nhưng mới được quan tâm trong vài năm trở lại đây.
Tại Việt Nam , dừa đặc ruột được phát hiện đầu tiên tại huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Do số lượng dừa đặc ruột quá ít ỏi, đồng thời mỗi quầy dừa chỉ có vài trái đặc ruột nên người trồng dừa cho đó là sản phẩm của sự đột biến nên không quan tâm. Có lúc, hàng loạt cây dừa đặc ruột bị chặt bỏ. Mãi đến khi Viện Nghiên cứu Dầu thực vật (TP.HCM) phát hiện và về đây nghiên cứu, người dân mới chú ý đến giống dừa này.
Trong khi đó, tại Philippines, dừa đặc ruột lại là một sản phẩm nổi tiếng. Người Philippines gọi dừa đặc ruột là Macapuno. Dừa Macapuno được sử dụng rất nhiều trong chế biến thực phẩm, hương liệu, mỹ phẩm. Kẹo dừa làm từ dừa đặc ruột là một trong những sản phẩm ngon nổi tiếng ở nước này.
Dừa đặc ruột cũng giống như các loại dừa đang phổ biến tại Việt Nam : dừa ta, dừa dâu, dừa bung, dừa bị, dừa xiêm… Một thành viên của nhóm nghiên cứu về giống dừa đặc ruột, ông Võ Văn Long, trưởng Phòng Kế hoạch và Nghiên cứu phát triển, cho biết: Dừa đặc ruột thuộc giống dừa cao. Đặc tính của giống dừa này là thụ phấn chéo. Dừa đặc ruột là sản phẩm của quá trình đột biến gene nhưng lại cho ra một giống dừa mới.
Trong điều kiện bình thường, tỉ lệ đặc ruột chỉ chiếm 20-25%/quầy dừa. Tỉ lệ đặc ruột/quầy thấp là do dừa đặc ruột trồng chung với những cây không đặc ruột. Cây đặc ruột sẽ thụ phấn với cây không đặc ruột sẽ cho ra cây có tỉ lệ đặc ruột thấp. Nếu trong vườn dừa, tất cả đều trồng giống dừa đặc ruột thì tỉ lệ đặc ruột sẽ cao hơn rất nhiều, có thể đạt tới 100% trái đặc ruột.
Viện Nghiên cứu Dầu thực vật đã nghiên cứu giống dừa này hơn 1 năm nay, nhóm nghiên cứu đã nuôi cấy thành công phôi trong ống nghiệm. Điều còn lại là chuyển cây ra đất. Theo bà Ngô Thị Lam Giang, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Dầu thực vật, vào khoảng tháng 6-7/2004, Viện sẽ công bố kết quả nghiên cứu về nhân giống dừa này.
Hiện nay, giá dừa đặc ruột bán tại vườn cao hơn nhiều lần so với dừa thường. Bình quân mỗi trái dừa đặc ruột 20.000 đồng, lúc cao điểm lên tới 50.000 đồng. Trong khi đó, dừa bình thường mỗi trái chỉ khoảng 2.000 đồng. Sở dĩ dừa đặc ruột bán giá cao là do số lượng rất ít, và nhiều người muốn “thưởng thức của lạ” xem thử hương vị của nó như thế nào. Hiện tại, dừa đặc ruột được cung cấp chủ yếu cho các khách sạn.
Theo ông Võ Văn Long, khác với dừa thường, dừa đặc ruột có độ dầu cao hơn, mùi hương đặc trưng hơn. Đây chính là đặc điểm quý mà chúng ta cần nghiên cứu để ứng dụng trong việc sản xuất bánh kẹo và các sản phẩm khác. Đối với cây dừa, nếu chúng ta biết sử dụng những đặc tính riêng của chúng thì sẽ thu lại nguồn lợi kinh tế rất cao. Dừa sau khi hái xuống có thể sản xuất thạch dừa, cơm dừa sấy khô, mụn xơ dừa, than hoạt tính… Chẳng hạn, tại thời điểm cuối năm 2003, giá FOB (giá giao hàng tại cảng) của các mặt hàng đó như sau: mụn xơ dừa: 6.500 USD/tấn; than hoạt tính (làm từ gáo dừa): 1.000-1.200 USD/tấn; cơm dừa sấy khô: 600-700 USD/tấn.
Đối với giống dừa đặc ruột, ông Long cảnh báo người dân "không nên quá kỳ vọng về nó". Thực ra, giá của dừa đặc ruột hiện nay chưa phản ánh đúng giá trị thật của nó. Hiện nay, do sức mua cao trong khi số lượng dừa đặc ruột cung cấp quá ít nên mới có giá bán cao. Khi giống dừa này được nhân rộng, trồng đại trà, nguồn cung ứng tăng lên, nhà vườn sẽ khó có thể giữ được giá như hiện nay.
Nam Anh (VNN, 01/02/2004)
Xem tất cả thông tin kỹ thuật trồng dừa, dừa xiêm, dừa sáp, dừa dứa...
- Kỹ thuật trồng cây ăn trái, rau màu, cây dược liệu và các loại cây khác
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.