Từ tháng 10/2007, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Sông Cầu (Phú Yên) đưa mô hình nhân nuôi ong ký sinh tại hộ nông dân, áp dụng phương pháp nhiễm ong ký sinh để tiêu diệt bọ cánh cứng hại dừa. Đến tháng 5/2008, đã phóng thích ra ngoài 10.000 mummies (xác trứng bọ dừa đã nhiễm ong ký sinh), giúp rừng dừa ở Sông Cầu hồi phục 87%. Mô hình này được đánh giá thân thiện với môi trường.
Theo Trạm Bảo vệ thực vật huyện Sông Cầu, từ năm 2000 bọ cánh cứng hại dừa xuất hiện gây hại 860 ha dừa, làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng. Nhiều vườn dừa bị bọ cánh cứng tấn công nguy hại cấp 3, cấp 4 (trên 50% diện tích lá trên cây bị hại), thậm chí có nhiều diện tích dừa xơ xác tàu lá. Năm 2004, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Yên áp dụng biện pháp sinh học dùng ong ký sinh chuyên tính để diệt trừ bọ cánh cứng, tuy nhiên biện pháp này không đạt hiệu quả cao. Ông Nguyễn Tấn Thi, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Sông Cầu giải thích: “Lúc đó, ong được nhân nuôi trong phòng lạnh rồi thả ra môi trường nhiệt độ cao nên ong ký sinh không thích ứng. Khi phóng thích ra bên ngoài một thời gian ngắn ong bị tiêu diệt, vì vậy bọ cánh cứng phát triển trở lại và tấn công vườn dừa”.
Từ vụ đông xuân năm 2007-2008, Trạm bảo vệ thực vật huyện Sông Cầu đưa mô hình nhân nuôi ong ký sinh tại chỗ. Bước đầu chọn ba điểm nuôi gồm các xã Xuân Bình, Xuân Thọ 2 và tại Trạm bảo vệ thực vật. Ba điểm nuôi này đã phóng thích ra tự nhiên 10.000 mummies mỗi mummies nở ra từ 90.000 -100.000 con ong ký sinh. Kết quả khảo sát mới đây cho thấy, 87% số cây dừa ở huyện Sông Cầu có ba lá ngọn không bị bọ cánh cứng hại. Đây là mô hình đầu tiên nhân nuôi ong ký sinh tại hộ nông dân được đánh giá hiệu quả, thân thiện với môi trường (nuôi đâu thả đó, nên ong ký sinh thích hợp nhiệt độ). Ông Lê Ngọc Thạch, chủ vườn dừa 2ha ở xã Xuân Thọ 2, cho biết: “Trước đây, vườn dừa nhà tôi bị bọ cánh cứng hại xơ xác, mỗi năm chỉ thu 3-4 triệu đồng. Từ tháng 10/2007 nhân nuôi phóng thích ong ký sinh, vườn dừa xanh lá, sai quả”. Theo kinh nghiệm của những người trồng dừa, khi bị bọ cánh cứng gây hại thì buồng dừa bị lép (rụng) từ khi ra quả non.
Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Sông Cầu (huyện Sông Cầu) Nguyễn Hồng Thi nói: “Mô hình nuôi ong ký sinh tại hộ nông dân rất hiệu quả. Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên cũng như Trạm Bảo vệ thực vật huyện Sông Cầu nên cử cán bộ kỹ thuật, đầu tư kinh phí nhân nuôi ong ký sinh liên tục; nếu chỉ hỗ trợ nuôi một vụ nông dân khó áp dụng nhân rộng, vườn dừa sẽ bị bọ cánh cứng phá hoại”. Theo Trạm Bảo vệ thực vật huyện Sông Cầu, mỗi điểm nhân nuôi ong ký sinh chi phí 2-3 triệu đồng. Do đó, Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên cần tạo nguồn kinh phí để tiếp tục đầu tư. Vì đây là biện pháp sinh học cần nhân nuôi lâu dài, nhân thả liên tục nhiều năm, nhiều vụ để trong quá trình đấu tranh chọn lọc ngoài tự nhiên tạo ra chủng ong thích ứng rộng hơn phù hợp với thời tiết.
MẠNH HOÀI - Phú Yên, 27/8/2009
Xem tất cả thông tin kỹ thuật trồng dừa, dừa xiêm, dừa sáp, dừa dứa...
Nhấn vào đây để xem tất cả các thông tin ứng dụng sinh học - hữu cơ
- Kỹ thuật trồng cây ăn trái, rau màu, cây dược liệu và các loại cây khác
Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.