• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trồng trọt

Phòng trừ bệnh sương mai giả, bệnh thán thư trên cây dưa hấu

Phòng trừ bệnh sương mai giả hại dưa hấu

Bệnh sương mai giả do nấm Pseudoperonospora cubensis Roston gây ra. Bệnh có thể gây hại trên tất cả các bộ phận của cây dưa hấu, từ gốc, thân, cành, lá cho đến hoa trái,… gây thiệt hại cho nông dân trồng dưa.

Triệu chứng của bệnh được thể hiện rõ nhất trên lá, ban đầu vết bệnh là những đốm hình đa giác hơi vàng, những vết đốm này được giới hạn bởi các mạng gân lá (có người gọi là bệnh đốm góc), nằm rải rác hoặc nằm dọc các gân lá. Sau đó vết bệnh chuyển dần sang màu nâu nhạt, xám bạc. Nếu thời tiết phù hợp, bệnh sẽ lây lan rất nhanh. Trường hợp bị hại nặng, nhiều vết bệnh liên kết lại với nhau thành từng mảng làm cho lá bị vàng, khô cháy, lụi tàn và rụng sớm. Gặp mưa hoặc sương mù nhiều tạo ẩm ướt, chỗ bị bệnh có thể bị thối nhũn. Bệnh có thể lây lan sang cả thân, cành và hoa trái.

Nếu thời tiết ẩm ướt, tạo ẩm độ không khí và ẩm độ đất cao, phía dưới chỗ vết bệnh sẽ xuất hiện một lớp nấm mốc màu xám trắng xốp (nhìn như sương muối), đây là giai đoạn sinh sản vô tính của nấm, sinh sản ra rất nhiều bào tử phát tán trong không khí. Vào lúc này, nếu gặp thời tiết lạnh (nhiệt độ khoảng 15-20 độ C), trời âm u ít nắng thì bệnh sẽ phát triển, lây lan và gây hại rất mạnh.

Nấm gây bệnh tồn tại ngay trên tàn dư của cây bị bệnh ở vụ trước trên đồng ruộng, đây là nguồn bệnh rất quan trọng ban đầu để lây truyền cho vụ sau. Để hạn chế tác hại của bệnh, bà con phải áp dụng kết hợp nhiều biện pháp một cách đồng bộ và hợp lý từ đầu vụ. Nếu để đến khi bệnh đã gây hại nặng rồi mới can thiệp thì hiệu quả sẽ rất thấp. Ở những vùng thường bị bệnh gây hại hàng năm, trước khi làm đất, nếu vụ trước ruộng đã trồng dưa hấu hoặc những cây thuộc họ bầu bí, cần dọn sạch tàn dư của cây đưa ra khỏi ruộng tiêu hủy để hạn chế nguồn bệnh ban đầu cho ruộng dưa. Nên cày bừa kỹ, phơi khô đất trước khi trồng để chôn vùi bớt nguồn bệnh từ tàn dư của cây bị bệnh ở vụ trước. Lên luống cao, làm rãnh thoát nước tốt để ruộng luôn khô ráo, thông thoáng. Tăng cường bón phân hữu cơ hoại mục, bón cân đối giữa đạm, lân và kali. Không bón quá nhiều đạm, nhất là khi cây đã chớm bị bệnh mà thời tiết thuận lợi cho bệnh phát triển. Nên áp dụng phương pháp tưới thấm, hạn chế tưới nước từ rãnh lên tán lá dễ lây lan mầm bệnh. Nếu ruộng đã bị bệnh, cùng với việc dùng thuốc, bà con nên thu gom những bộ phận đã bị bệnh hại nặng đưa ra khỏi ruộng tiêu hủy, nhằm giảm bớt nguồn bệnh trong ruộng, hạn chế bệnh lây lan. Cần kiểm tra ruộng dưa thường xuyên, nhất là từ khi cây ra hoa đậu trái trở đi để sớm phát hiện bệnh và phun thuốc kịp thời. Nếu thấy bệnh chớm xuất hiện mà thời tiết đang có chiều hướng thuận lợi cho bệnh phát sinh, phát triển, bà con có thể dùng thuốc Alpine 80WDG, pha 15-20 gram cho một bình 8 lít rồi phun 4-5 bình cho một thửa ruộng khoảng 1.000m2. Phun tiếp lần 2 cách lần 1 khoảng 7-8 ngày, khi phun nhớ điều chỉnh béc phun thật nhuyễn và phun kỹ để thuốc trải đều cả mặt trên và dưới lá dưa.

Báo Phú Yên, 21/3/2011

 

Phòng trừ bệnh thán thư dưa hấu

Trước đây, dưa hấu thường chỉ được trồng vào dịp Tết, nhưng ngày nay với tiến bộ khoa học kỹ thuật, nông dân có thể trồng dưa hấu quanh năm, vì thế, sâu bệnh cũng liên tục phát triển. Trong đó, bệnh thán thư phổ biến và gây hại nghiêm trọng đến năng suất và phẩm chất dưa hấu.

Bệnh do nấm Colletotrichum lagenarium gây hại cho tất cả các loại dưa hấu. Thường các bộ phận trên mặt đất đều có thể bị bệnh và bệnh xuất hiện suốt trong thời gian sinh trưởng của cây, nhưng đặc biệt gây hại mạnh là giai đoạn hình thành trái.

Trên lá, những đốm bệnh xuất hiện bên dưới các lá già, lúc đầu là những điểm tròn màu vàng nhạt, dần biến màu nâu; ở giữa vết bệnh màu nâu đậm hơn và có các đường vòng đồng tâm. Trên vết bệnh có những thể nhỏ li ti màu đen, vết bệnh khô và làm rách lá.

Trên thân, vết bệnh hình tròn lõm màu vàng, sau trở thành màu đen, trên mặt vết lõm có lớp phấn dày màu hồng. Nếu trời khô, ở chỗ vết bệnh tạo thành các đường nứt, khi trời ẩm các mô bào cây bị thối.

Trên trái, vết bệnh có màu nâu đen, hình tròn, đường kính khoảng 2 đến 4mm, có vòng, khoang hơi lõm vào vỏ, xung quanh có đường viền vàng nâu, giữa vết bệnh nứt ra và sinh lớp phấn màu hồng (phân sinh bào tử). Bệnh nặng, vết bệnh hòa vào nhau tạo thành các vết loét ăn sâu vào trong thịt trái, ảnh hưởng đến phẩm chất trái.

Bào tử nấm bệnh phát triển mạnh khi thời tiết nóng, mưa nhiều, từ khi cây dưa đã lớn đến thu hoạch. Bệnh truyền qua tàn dư cây bệnh vụ trước và qua hạt giống truyền bệnh qua vụ sau. Nấm bệnh phá hại nhiều loại cây màu họ dây leo như dưa leo, dưa hấu, khổ qua, bầu, bí,…

Biện pháp phòng trừ:

Không để hạt giống từ những trái bị bệnh; xử lý hạt giống; thu dọn kỹ tàn dư cây bệnh trên đồng sau thu hoạch; cày sâu, luân canh cây trồng khác họ; tiêu hủy các bộ phận bị bệnh và khử vôi để tránh lây lan; làm luống cao, thoát nước tốt; tăng cường bón lân và kali, tránh bón thừa đạm. Khi bệnh chớm xuất hiện, phun một trong các loại thuốc sau: Antracol 70WP, Plant 50WP, Mexyl-MZ72 WP, Map Green 10AS, Daconil 75WP. Chú ý bảo đảm thời gian cách ly để không còn dư lượng thuốc BVTV trong nông sản.

KS Nguyễn Thị Nguyệt - Đồng Khởi, 12/3/2010

 

Bệnh trên cây dưa hấu

Dưa hấu trồng được 20 ngày tuổi, sau vài trận mưa lớn, lá chân đang xanh tốt thì xuất hiện những vết tròn màu nâu giữa lá, bìa lá cháy khô; khoảng 3 -4 ngày sau toàn bộ lá chân bị cháy, rụi dần. Nông dân trồng dưa ở địa phương tôi gọi là "cháy lá cấp tính". Xin hỏi đây là bệnh gì, nguyên nhân và cách phòng trị ra sao?

Dưa hấu trồng vụ thu đông (tháng 8 - 10 dương lịch) đúng vào cao điểm mùa mưa ở miền Nam, lúc nắng thì nhiệt độ cao, khi mưa thì thừa ẩm. Thời tiết đã như vậy lại cộng với dinh dưỡng và nước tích luỹ trong bản thân cây dưa cao, chính là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại bệnh hại phát triển gây hại. Theo mô tả trên, cộng với nhiều lần đi thực tế tại các vùng trồng dưa ở Chợ Gạo, Tân Phước và Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang, chúng tôi xác định đây là bệnh thán thư gây hại chủ yếu và nghiêm trọng cho cây dưa hấu vụ thu đông...

Qua kết quả của nhiều điểm thử nghiệm phòng trừ bệnh thán thư trên dưa hấu tại xã Tân Bình Thạnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang vào cuối tháng 8/2005 vừa qua, chúng tôi xin đề nghị một số biện pháp phòng trừ như sau:

1- Phát hiện bệnh sớm: Khi thấy 1-2 vết bệnh trên lá chân, quan sát kỹ thấy mặt trên vết bệnh ẩn những đường vân tròn đồng tâm, mặt dưới vết bệnh màu xanh ướt nổi hạt lấm tấm như da gà, cộng với tiết trời nóng ẩm, có mưa nhiều thì chính xác đó là bệnh thán thư.

2- Tạm ngưng phun phân qua lá có chứa nhiều dinh dưỡng làm cây "sung" tốt: Bà con thường phun phân bón lá có hàm lượng đạm cao và chất kích thích sinh trưởng (KTST) định kỳ 5-7 ngày/ lần cho cây dưa "sung" hoặc có thói quen pha chung phân và chất KTST với các thuốc trừ sâu bệnh khác. Điều này làm bệnh phát triển nặng thêm, làm giảm hiệu lực thuốc trừ bệnh…và như thế bệnh cứ dây dưa không hết.

3- Sử dụng công thức thuốc trừ bệnh hỗn hợp: Những thuốc có tác dụng tiếp xúc ngăn ngừa bệnh tấn công cây, bảo vệ cây từ bên ngoài, cộng với các thuốc có tác dụng nội hấp lưu dẫn, tiêu diệt nấm bệnh đã xâm nhập vào bên trong cây tạo thành một hỗn hợp có hiệu lực cao với bệnh thán thư.

Bà con có thể áp dụng các công thức sau:

- DIPOMATE 80WP (thuốc tiếp xúc) + CARBENZIM 500FL (thuốc nội hấp) hoặc DIPOMATE 80WP + THIO-M 500SC (thuốc nội hấp) hoặc DIPOMATE 80WP + BENDAZOL 50WP (thuốc nội hấp). Có thể thay Dipomate bằng ZIN 80WP hiệu quả cũng rất tốt.

Chú ý: Phun liên tục 2 lần cách nhau 5-7 ngày. Mỗi loại thuốc khi phối hợp có thể giữ nguyên liều lượng trên bao bì như khi phun đơn trong trường hợp bệnh phát triển nhiều. Phun kỹ ướt đều 2 mặt lá, nhất là lá gốc. Trên trái cũng phun liên tục 2 lần khi trái có đường kính cỡ miệng chén. Phun khi trời mát.

Các công thức thuốc bệnh trên còn phòng trừ tốt các bệnh bã trầu (do nấm Mycosphaerella citrullina), bệnh lở cổ rễ làm héo dây (do nấm Rhizoctonia solani) cũng gây hại nhiều trong vụ thu đông này.

NNVN, 28/09/2005

Nhấn vào đây để xem tất cả các tin về kỹ thuật trồng dưa hấu

 

 

 

Trồng trọt mùa mưa, bão, lũ

 

 

 

 

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang