• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trồng trọt

Kỹ thuật trồng dưa lưới trên giá thể trong nhà màng, áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt

Với nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng được sử dụng thực phẩm an toàn và có giá trị dinh dưỡng cao đòi hỏi người sản xuất không ngừng cải tiến và áp dụng các tiến bộ trong canh tác như chọn chủng loại giống, canh tác trong nhà lưới, nhà màng, trồng cây không cần đất, áp dụng hệ thống tưới phun, hệ thống tưới nhỏ giọt, bón phân tự động…  và dưa lưới là đối tượng cây trồng có giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe con người phù hợp với nền nông nghiệp đô thị. Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu quy trình kỹ thuật Trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao của ông Trang Quốc Dũng (Công ty Nông Phát) – đơn vị đầu tiên trồng dưa lưới thành công tại TP. Hồ Chí Minh (ấp 7, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn) để bà con nông dân nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng tham khảo.

1. Chuẩn bị nhà màng:

Nhà màng được thiết kế với hệ thống thông gió 2 cửa áp mái cố định có rèm che, thông gió tự nhiên với chiều cao đến máng nước 4m, khẩu độ 9.6m, bước cột 3m. Với mái lợp bằng màng Polymer 200 micron Ginegar và vách xung quanh là các tấm lưới mắt cáo chắn côn trùng gây hại với quy cách 40mesh (40 lỗ/cm2) không nên dùng lỗ quá thưa hay quá dày.

2. Chuẩn bị giống: Tùy theo điều kiện và nhu cầu thị trường có thể chọn giống có hình dạng, chất lượng phù hợp. Hiện nay, Taki, Taka và Tazoti (Nhật Bản) là các giống được công ty trồng khảo nghiệm và đánh giá là phù hợp với điều kiện khí hậu nhà màng TP. HCM.

 

Tên giống

Năng suất (kg/cây)

Độ Brix

Thời gian sinh trưởng

Lưu ý khi trồng

Taki

1.3 – 1.8

14

60 - 68

Cây giống trồng phải đạt tối thiểu: số ngày gieo ươm 10 - 12 ngày, chiều cao cây 7 - 10cm, đường kính thân 2 – 5mm, số lá thật 2 – 3 lá.

Taka

1.5 - 2.0

14

60 - 68

Tazoti

1.6 - 1.9

13.5

55 - 63


3.Chuẩn bị cây con: 

Sử dụng khay ươm cây để gieo hạt. Khay ươm thường làm bằng vật liệu mốp xốp, có kích thước dài 50cm, rộng 35cm, cao 5cm (có 50 lỗ/khay). Sử dụng mụn xơ dừa, tro trấu (với tỷ lệ 75%), và dinh dưỡng hữu cơ Kuji (25%) để làm giá thể gieo hạt. Xơ dừa phải xử lý chất chát (tamin) trước khi trồng. xử lý bằng cách ngâm và xả, thời gian xử lý 7 - 10 ngày, còn dinh dưỡng hữu cơ Kuji đã xử lý cao nhiệt, triệt khuẩn gây bệnh hại. Giá thể được cho vào đầy lỗ mặt khay, sau đó tiến hàng gieo 1 hạt/ lỗ (hạt khô không cần ủ). Hằng ngày tưới nước giữ ẩm để đảm bảo hạt nảy mầm đồng đều, khay ươm được đặt trong nhà ươm có mái che mưa và lưới chắn côn trùng. Khi hạt nẩy mầm và xuất hiện lá thứ thứ nhất tiến hành phun phân bón lá Growmore 30 – 10 – 10 với nồng độ 1g/lít nước để cung cấp dinh dưỡng cho cây con. Sau khi gieo từ 10 - 12 ngày (cây đã được 2 lá thật) thì đem trồng.

4. Chuẩn bị giá thể trồng: Giá thể tương tự như ươm cây con nhưng tỷ lệ thay đổi là 85% mụn xơ dừa, tro trấu + 15% dinh dưỡng hữu cơ Kuji. Giá thể phải đảm bảo độ sạch (không nhiễm sâu bệnh hại, vi sinh vật, cỏ dại), độ thông thoáng, không ép chặt và đồng thời cung cấp dinh dưỡng cho cây. Lưu ý: giá thể phải được trộn đều bằng máy trộn chuyên dụng để đảm bảo tỷ lệ dinh dưỡng Kuji được hòa đều với mụn xơ dừa trước khi đem ra trồng. Giá thể sau khi xử lý được cho vào các túi PE (mặt ngoài màu trắng, mặt trong màu đen) hoặc máng giá thể Kuji. Giá thể trước khi trồng cần được phân tích các thành  phần dinh dưỡng, kim loại nặng và vi sinh vật gây hại. 

5. Chuẩn bị hệ thống tưới nhỏ giọt: 

     + Trang thiết bị tối thiểu cho một hệ thống tưới nhỏ giọt cần có: nguồn nước, bể chứa dung dịch dinh dưỡng, máy bơm, hệ thống dây dẫn dinh dưỡng, ống PVC, bộ lọc và bộ định giờ, đầu tưới nhỏ giọt.
     + Kiểu trồng bằng túi PE: Sử dụng loại cây cắm nhỏ giọt được kết nối với chiều dài dây tưới là 60cm, đường kính 4mm; dây tưới này được cắm trực tiếp vào đường ống dẫn dinh dưỡng theo hàng với đường ống là Ø 16 (16mm). Bố trí mỗi hàng là 1 đường dây dẫn, mỗi túi PE cắm 1 cây cắm tưới nhỏ giọt nên số lượng dây tưới tương đương với số lượng túi PE. 
     + Kiểu trồng trên máng giá thể Kuji: sử dụng loại ống dây có gắn đầu tưới đường kính 16mm, khoảng cách giữa các lỗ nhỏ giọt là 20cm, mỗi luống bố trí 2 đường ống tưới.

6. Trồng: Tùy theo cách trồng bằng túi PE hoặc trồng trên máng mà bố trí khoảng cách phù hợp.
     + Trồng bằng túi PE với kích thước 32 x 18cm (chưa bung bao) tương đương 2.5kg giá thể; Túi PE màu trắng và đục lỗ ở dưới đáy túi; trồng 1 cây/túi PE và trồng theo hàng đơn hoặc đôi, khoảng cách giữa 2 cây trên một hàng là 40cm; khoảng cách giữa 2 hàng đơn là 1,2m; khoảng cách giữa 2 hàng đôi (hàng cách hàng 40cm) là 1,6m.
     + Trồng trực tiếp bằng máng: kích thước máng rộng 30cm, cao 20cm, chiều dài tùy theo chiều dài của vườn 20 - 30m, trồng hàng đơn hoặc hàng đôi, cây cách cây 40cm. 
     + Mật độ: tùy theo mùa vụ mà bố trí mật độ phù hợp, vào những tháng mưa nhiều ánh sáng yếu, thường gây nên hiện tượng tạo lưới không đều và nứt quả. Mật độ: mùa khô 2.500 – 2.700 cây/1.000m2. Mùa mưa 2.200 – 2.500 cây/1.000m2. Trồng vào lúc trời mát là tốt nhất và chọn cây phải đồng đều, cây khỏe mạnh, xanh tốt, không sâu bệnh hại.

7. Chế độ dinh dưỡng:
     - Nước tưới: sử dụng nguồn nước sạch, pH nước tốt nhất từ 6 - 7. Có thể sử dụng nước giếng khoan hay nước sông không nhiễm mặn, phèn, kim loại nặng và vi sinh vật gây hại.
     - Chế độ dinh dưỡng là yếu tố rất quan trọng đối với cây trồng trên giá thể trong nhà màng. Đây là quy trình trồng trên giá thể nên các yếu tố đa vi lượng phải cung cấp đầy đủ, kịp thời và theo từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây.
     - Loại phân bón sử dụng: các loại phân như KNO3, MgSO4, K2SO4, (NH4)2S4, Urê, KH2PO4, Ca (NO3)2 thường được hòa tan vào nước thành dung dịch dinh dưỡng tưới cây. Trong các loại phân này phải đảm bảo chứa đủ các nguyên tố cần thiết cho quá trình sinh trưởng và phát triển của cây. Đó chính là K, N, P, S, Ca, Mg. Đa số các loại phân bón này là phân vô cơ, dễ tan trong nước, chúng thường ở dạng rắn (dễ bảo quản hơn so với dạng phân lỏng). 
     - Dung dịch dinh dưỡng và nước tưới được cung cấp đồng thời thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt. Dựa vào nhu cầu dinh dưỡng và giai đoạn sinh trưởng của cây để xác định nồng độ dung dịch tưới phù hợp. Cụ thể liều lượng các chất dinh dưỡng (g/1.000 lít nước) được sử dụng như sau:
Đơn vị tính: g/1000 lít nước

 

Giai đoạn

N

P

K

Ca

Mg

Trồng 14 ngày

160

45

270

175

50

Trồng 15 ngày – ra hoa

200

55

300

175

50

Đậu trái – thu hoạch

180

55

330

175

50

 

Vi lượng: B: 0.3-0.5mg/l, Mn: 0.3mg/l, Fe: 2 – 3 mg/l, Cu: 0.1-0.5 mg/l, Zn: 0.3mg/l

+ Chế độ tưới cho dưa lưới được thực hiện như sau:

Giai đoạn

Số lần tưới (lần/ngày)

Thời gian tưới (phút/lần)

Lượng nước (lít/bầu/ngày)

Trồng 14 ngày

5

5

0.8

Trồng 15 ngày – ra hoa

8

5

1.6

Đậu trái – thu hoạch

10

5

2.0


8. Chăm sóc:

     - Treo cây: Cây được treo cố định sau khi trồng 7 – 10 ngày (cây cao khoảng 50cm), sử dụng dây để buộc sát gốc dưa lưới, hàng ngày quần ngọn dưa lưới theo dây buộc.
     - Tỉa chồi: cây được tỉa bỏ các cành cấp 1 từ nách lá thứ nhất đến nách lá thứ 9, để lại các cành cấp 1 mang trái từ lá thứ 10 trở lên để thụ phấn, cành mang trái để lại 2 lá thật đầu tiên, còn các cành còn lại không mang trái cắt bỏ.
- Thụ phấn: thụ phấn bằng ong hoặc bằng tay.
     + Thụ phấn bằng ong mật: sử dụng ong mật để thụ phấn, lượng ong thả vào vườn 1.000m2 là 2 tổ, mỗi tổ 4 cầu, bắt đầu thả ong khi cây xuất hiện hoa cái đầu tiên (tương đương khoảng 15 – 20 ngày sau khi trồng), thả vào lúc mát mẻ.
     + Thụ phấn bằng thủ công: do con người thực hiện, khi  cây xuất hiện hoa cái thì tiến hành thụ phấn, sử dụng phấn hoa đực để chụp lên đầu nhụy hoa cái, thụ phấn trước 9h sáng, tiến hành thụ phấn liên tục trong vòng 7 ngày, khi hầu hết (100%) cây đều đậu trái thì ngưng thụ phấn.
     - Tỉa trái: sau khi cây đậu trái, trái có đường kính trên 2cm thì tiến hành tỉa trái, chỉ để lại 1 đến 2 trái trên cây, còn lại tỉa bỏ hết nhằm tập trung dinh dưỡng để nuôi trái.
     - Vị trí để trái: để trái từ nách lá thứ 10 đến nách lá thứ 15.
     - Bấm đọt thân chính: sau khi cây được 25 lá thì tiến hành bấm ngọn thân chính để tập trung dinh dưỡng nuôi trái.

9. Phòng trừ sâu bệnh hại:
     Dưa lưới trồng trong nhà màng chủ yếu bị một số đối tượng côn trùng gây hại như bọ trĩ, bọ phấn, rầy mềm, bệnh khảm, bệnh phấn trắng. Phòng trị theo hướng sinh học (thuốc sinh học), vật lý (bẫy dính màu vàng). Nên sử dụng các loại thuốc phòng trừ có tính tiếp xúc, mau phân hủy và có thời gian cách ly ngắn đồng thời tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”: đúng thuốc, đúng liều lượng và  nồng độ, đúng lúc, đúng cách.
     * Bọ trĩ: sử dụng bẫy dính màu vàng để phòng ngừa bọ trĩ. Chăm sóc cây sinh trưởng tốt. Trong mùa nóng, sử dụng hệ thống phun sương và quạt thông gió làm mát để giảm bớt nhiệt độ nhằm hạn chế bọ trĩ phát triển. Sử dụng các thuốc có hoạt chất Thiamethoxam (Actara 25WG); Matrine (Sokupi 0.36AS); Dinotefuran (Oshin 20WP, Radiant 60SC).
     * Bọ phấn: vệ sinh các loại cỏ dại xung quanh nhà màng là nơi ký chủ của bọ phấn nhằm hạn chế xâm nhập vào bên trong nhà màng. Dùng bẩy dính màu vàng để thu hút vả tiêu diệt bọ phấn trưởng thành. Có thể dùng luân phiên các loại thuốc có hoạt chất Thiamethoxam (Actaza 25WG), Dinotefuran (Oshin 20WP, Chat 20WP); Oxymatrine (Vimatrine 0,6L); Citrus oil (MAP Green 10AS), Galic Juice (BioRepel 10SL, Bralic – dầu tỏi 1,25SL), Pyrethrins 2,5% + Rotenone 0,5% + (Biosun 3EW);
     * Bệnh phấn trắng (do nấm Erysiphe Cichoracearum gây ra): Đặc biệt chú ý tỉa bỏ và vệ sinh sạch tàn dư thân lá bị bệnh. Xử lý kỹ nhà màng trước khi trồng. Bố trí mật độ trồng hợp lý. Bón phân cân đối N-P-K. Có thể dùng một số loại thuốc BVTV để phun trừ khi bệnh chớm xuất hiện và gặp điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát sinh gây hại của bệnh. Dùng Scroe 250EC (Difenoconazole), Amistar Top 325 SC (Azoxystrobin + Difenoconazole).
Thu hoạch: Tiêu chí xác định độ chín, độ ngọt: khi thấy lưới tạo đều và phấn cuống trái đã xuất hiện lưới kết hợp chuyển màu hơi vàng là thời điểm thu hoạch thích hợp (tương đương 40 - 50 ngày sau thụ phấn) hay độ ngọt (độ Brix) đạt 12% trở lên là thời điểm có thể thu trái. 
     Sản phẩm sau khi thu hoạch phải đảm bảo các dư lượng (đạm Nitrate, kim loại nặng, thuốc BVTV, vi sinh vật) dưới ngưỡng cho phép (theo QĐ số 867/1998/QĐ-BYT của Bộ Y tế), hình thức trái đẹp mắt. Thời điểm thu hoạch tốt nhất là vào sáng sớm hoặc chiều mát. Sau khi thu hoạch, vận chuyển ngay vào nhà sơ chế hoặc nơi thoáng mát để phân loại, đóng gói và vận chuyển đến nơi tiêu thụ sớm nhất.

V.T - Khuyến nông TPHCM, 19/06/2018

 Nhấn vào đây để xem tất cả các tin kỹ thuật trồng trọt

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang