• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trồng trọt

Kỹ thuật trồng cây gió bầu tạo trầm kỳ (Aquilaria Crassna Pierre ex Lecomte)

1. Đặc điểm thực vật học: cây dó bầu còn gọi là cây trầm hương, cây tóc, cây kỳ nam. Cây dó bầu cao từ 30-40m, có vỏ xám nhiều xơ, lá mọc cách, phiến lá mỏng thuôn dài hoặc bầu dục, mặt trên xanh bóng, mặt dưới xanh nhạt có lông tơ. Hoa tự hình tán, mọc chùm ở kẻ lá, màu trắng tro, quả nang, khi khô tách thành 2 mảnh, quả hình lê, mỗi quả chứa 1 – 2 hạt màu đen. Cây có tác động tạo tuyến nhựa màu đen, có mùi thơm gọi là trầm hương.

2. Điều kiện trồng cây: Khí hậu: nhiệt độ trung bình hàng năm từ 20-25OC, lượng mưa từ >1500mm/năm, ẩm độ>80%. Đất ẩm, tơi xốp, độ dày tầng đất trên 40cm,nhiều mùn. Không nên trồng trên các loại đất đá vôi, cát hoặc ngập úng.

3. Giống cây con : do quá trình khai thác bừa bãi tìm trầm, đã làm nguồn giống cây dó bầu (loại giống tỷ lệ tạo trầm kỳ cao trong tự nhiên) cạn kiệt, kéo theo một số giống dó tạo trầm khác như dó me.. cũng ít dần. Nhưng trên 10 năm qua (từ năm 1990), nguồn giống được p[hục hồi từ vườn nhà từ việc thu hạt giống, cây con tại rừng về trồng, do đó tỷ lệ lai tạp giữa các giống dó rất cao, phần lớn giữa 2 giống dó bầu và dó me.  Nhưng qua khảo sát thực tế cho thấy khi cấy tạo trầm nhân tạo giữa 2 giống dó bầu và dó me (phần lớn cây thường bị lai tạp giữa 2 giống) đều cho tỷ lệ tạo trầm khác biệt không cao. Hiện nay nguồn giống cây dó thường lấy hạt từ những cây dó trưởng thành (>7 năm) tại các tỉnh hà Tĩnh, Quảng Nam, An Giang, Kiên Giang (chưa qua khâu tuyển chọn). Nên việc chọn cây dó bầu thuần chuẩn cần có thời gian cho các nhà chọn giống.

4. Kỹ thuật sản xuất  cây con: Chọn hạt giống có chất lượng tốt, hạt đen bóng, tỷ lệ nảy mầm cao(>80%). Gieo hạt trên luống có thành phần cơ giới nhẹ như cát pha có pH5-6, giàn che tốt, chủ động điều chỉnh ánh sáng. Sau 30-35 ngày, cây mạ sẽ cất vào các bầu đất (hỗn hợp xơ dừa, tro trấu..)kích thước 12x16 cm. Bầu cây đặt trong vườn ươm có dàn che tránh bớt nắng và hạt mưa trực tiếp lên cây con sau khi cấy.  Trong thời gian 30-45 ngày đầu sau khi cấy thường xuyên tưới nước giữ ẩm cho cây, ngày tưới 2 lần, lượng nước tưới 2-4l/m2. Sau 45 ngày đến khi cây xuất vườn lượng nước tưới giảm dần 3-5 ngày/ lần. Cây trong vườn ươm cần chú trọng đảo bầu cây khi cây ra rễ khỏi bầu thường 1lần /tháng. Giai đoạn này bón phân vào lúc chiều mát, bón xong phải tưới nước ngay để rửa sạch cây, lá. Phân bón DAP với nồng độ 1-1,5% với 2lít/m2, chỉ tưới cây từ 2 tháng tuổi trở lên, 15 ngày/ lần.

 Phòng trừ sâu bệnh : bệnh thường là lở cổ rễ, thối thân, phấn trắng, cháy lá.., các thuốc sử dụng trị bệnh là Brocdeau, Basudin hoặc Baylidin theo hướng dẫn ở bao bì. Các loại sâu ăn lá, sâu đục thân có thể dùng thuốc nội hấp hoặc thuốc tiếp xúc để phòng trừ. Cây xuất vườn xanh tốt, thân thẳng, không cụt ngọn, cây cao >50cm, đường kính cổ rễ >0,4cm và bầu cây không bị mục nát đứt rễ.

5. Kỹ thuật trồng cây: đất trồng cây nên chủ động nước tưới, tránh mưa lụt úng (>1giờ).

a. Đào hố trồng: Kích thước: 40x40x30cm. Khi đào hố phải để lớp đất mặt sang 1 bên. Đào hố trước khi trồng 1 tháng sau đó lấp hố theo quy định lớp đất mặt trộn phân lắp xuống trước. Lượng phân NPK từ 0,3-0,5 kg/ hố, nên trộn với phân hữu cơ 1kg/ hố.

b. Mật độ cây trồng: tuỳ loại đất có thể chọn các loại mật độ sau:  625 cây/ha: với cự ly 4x4 m; 800 cây/ha: 2,5x5 m; 1160 cây/ha: 3x3 m. Nếu trồng xen trong vườn cà phê, điều, nhãn, tiêu… mật độ từ 250 -500 cây.

c. Kỹ thuật trồng: cây đủ tiêu chuẩn trồng, tiến hành trồng sau những trận mưa đầu mùa  mưa. Trồng vào những ngày mưa nhỏ, thời tiết mát dịu, ẩm là tốt. Bố trí cây trồng hình nanh sấu, chống xói mòn. Bóc vỏ bầu nylon, đặt bầu sâu hơn lớp đất tự nhiên 1-2cm. Đặt cây ngay ngắn giữa hố, lấp đất và nén chặt, vun gốc cao hơn mặt đất thường 2-3cm là vừa. Sau khi trồng xem xét dẫy cỏ quanh gốc, vun xới nhẹ nhàng chung quanh gốc cây đường kính 1-1,2m. Bón phân 2 lần vào năm 1 và năm 2 hai lần/năm với lượng phân NPK 100gr/cây. Các năm sau chỉ làm cỏ, xới đất quanh cây, tỉa bớt cành tạo dáng cho cây vươn cao, không cần bón phân vô cơ, nên tạo độ ẩm xung quanh gốc bằng phân hữu cơ.

6. Bảo vệ cây trồng: cây dó có độ tuổi trên 4 năm (đường kính>15cm) có thể cấy tạo trầm. Nên việc bảo vệ cây đến tuổi thu hoạch cần nên: Chú ý trâu bò chăn thả ăn cây con. Phòng chống cháy nhất l2 trong mùa khô hạn.

Nguồn: NNNT Vĩnh Long

www.vietlinh.vn

 

Trồng và tạo trầm sớm cho cây dó bầu

Để giúp các hộ trồng cây dó bầu, từ thực tiễn và kinh nghiệm trồng cây dó bầu người viết bài này xin mạo muội và xin lỗi những ông vua bầu dó mà “phá rào” “phá lệ” chuyên giữ bí quyết nhà vườn để truyền đạt lại những gì đúc kết lại đôi điều về cây dó bầu cho bà con và những người làm vườn có trồng cây dó bầu cùng được biết.

+ Trước hết, khi trồng cây dó bầu chúng ta cần xem và chọn đất sao cho vùng đất đó không là đất trũng, đất có độ ẩm lớn, đất không quá tốt, không quá dối dào về dinh dưỡng. Vì lẽ đất tốt cây sẽ phát triển nhanh về chiều cao, tạo ít cành nhánh mà chính từ những gáy của cành nhánh lại là những điểm tạo cho cây ít tạo trầm. Người có kinh nghiệm chỉ cần xem lá cây: Nếu lá cây có màu xanh thẫm, cây phát triển có chiều cao nhưng ít cành nhánh, không có sâu kiến thì đối với những cây này nhìn thì đẹp nhưng chất lượng tinh dầu ít, hiệu quả kinh tế thấp vì vùng đất này tốt, đất có nhiều dinh dưỡng. Ngược lại, nếu trồng cây vào vùng đất trũng, có độ ẩm cao thì cây không những không phát triển được mà còn bị chết ẻo, tỷ lệ sống không cao làm ảnh hưởng tới giá trị kinh tế.

+ Hợp lý nhất là trồng cây dó trầm vào những sườn đồi, vườn có độ dốc 50 – 200. Người trồng cây dó bầu ở những vùng, lô, khoảnh, đất này bước đầu có thể không hài lòng vì cây phát triển chậm, nhìn không đẹp nhưng xin thưa với bà con, nhà vườn khi cây đã bén rễ, đã phát triển thì sẽ cho ra nhiều cành nhánh lá cây sẽ có màu xanh vàng, sâu kiến sẽ không mời cũng đến trú ngụ. Những tính hiệu này báo hiệu cho chúng ta biết cây vừa phát triển nhưng đã sớm tích tụ trầm hương. Với những cây như vậy thì ta không cần phải xử lý kỹ thuật tạo trầm vì tự nó đã điều chiết ra trầm rồi.

+ Riêng đối với những cây có lá xanh thẫm, cây mọc vòng cao, ít cành nhánh, không có sâu kiến thì để sớm cho tích tụ dầu trầm tạo cho cây có % tinh trầm cao thì ta cần xử lý bằng 2 cách. Cấy dung dịch hoá học hoặc xử lý thủ công.

+ Với bài viết này, tôi không muốn nói đến, đề cập đến việc xử lý trầm bằng dung dịch hoá học vì đã là dân quê, đã là nhà vườn, trang trại thì đa phần trong họ đang còn phải XĐGN nên không thể có điều kiện thực hiện vì giá thành cao, chi phí lớn thực hiện công phu. Với bài viết này tôi chỉ mong muốn nói với bà con về cách xử lý thủ công đơn giản, dễ làm, tiện lợi nhưng không tốn kém về chi phí.

+ Người trồng cây dó bầu hãy để ý khi thân cây đã có đường kính từ 25cm trở lên (chu vi từ 3 gang tay trở lên) để tạo tinh dầu trầm cho những cây đạt chuẩn vừa nêu, ta lấy đục 3 phân, đục vào thân cây cách mặt đất 1- 1,5m đục lỗ theo vòng tròn quanh thân, lỗ xen kẽ, chân chó (tức giao chéo nhau) trượt lên ngọn. Yêu cầu lỗ phải là 3x3 hoặc 3x6, độ sâu phải đảm bảo 3-4cm, hàng cách hàng, lỗ cách lỗ từ 10-15cm.

+ Công việc xử lý bằng thủ công chỉ có vậy. Sau một thời gian ngắn chúng ta sẽ thấy: Lá cây từ xanh thẫm dần chuyển sang xanh vàng, cùng với sự phát triển của cây là quá trình lấp lỗ đục và xuất hiện dần sâu kiến. Những dấu hiệu này đã ngầm báo với nhà vườn, chủ trang trại biết rằng, việc sử lý của chúng ta đã có kết quả. Với kinh nghiệm nhỏ nhoi, mong bà con và các nhà vườn tham khảo.

Theo NNVN - WAG, 24/6/2005

www.vietlinh.vn


Nghiên cứu phát triển về cây dó bầu

Trên thế giới, việc nghiên cứu cây tạo trầm đã được các nhà khoa học theo đuổi hơn 40 năm và có những thành công đáng kể như: ở Mỹ, Trường đại học Ha-vớt đã nghiên cứu thành công phương pháp cấy tạo trầm vào những năm 80 của thế kỷ 20.

Tháng 11/2003, tại thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị quốc tế về cây dó trầm lần thứ nhất, có gần 100 đại biểu đại diện cho giới khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp của 38 quốc gia và tổ chức quốc tế tại châu á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi tham dự.

Qua các ý kiến tham luận, Hội nghị đã xác định có khoảng 16 loài cây dó có thể cho trầm. Đồng thời nêu rõ sự cần thiết về việc bảo vệ và phát triển loài cây dó trầm. Cuối tháng 9/2007, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cũng đã tổ chức hội thảo về cây dó bầu, đến dự hội thảo đã có nhiều nhà khoa học, các doanh nghiệp và đại diện lãnh đạo một số địa phương để đánh giá kết quả trồng cây dó bầu.

Như vậy, qua quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã đưa ra kết luận, quá trình hình thành trầm hương có 3 phương pháp:

+Gây vết thương cơ giới (vật lý): phương pháp này rất đơn giản, dễ thực hiện nhưng xác suất thành công thấp (chủ yếu là cắt các mảnh thùng phuy, sắt vụn, đinh... để đóng vào thân cây tạo vết thương cơ giới để cây tạo trầm).

+Tác động bằng một số kích thích hóa học (hóa học): Phương pháp này có hiệu quả trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, có nhược điểm là trong sản phẩm tồn tại một số chất độc hại như: CI, SO4, PO3... ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và không được người tiêu dùng ưa chuộng.

+Tác động bằng một số chế phẩm sinh học (sinh học): Thực chất phương pháp này là gây bệnh cho cây bằng men vi sinh hoặc vi khuẩn nào đó đã được xác định. Hiện nay việc nghiên cứu phương pháp này đã có những kết quả rất khả quan, tỷ lệ thành công cao và không để lại dư lượng chất độc hại trong sản phẩm.

Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu trên vẫn chưa được công bố rộng rãi, vì đây là vấn đề độc quyền về bí quyết nghề nghiệp và kỹ thuật của mỗi nhà nghiên cứu.

Ngoài ra, cây dó trầm có thể chế biến ra những sản phẩm có giá trị cao: ứng dụng chưng cất tinh dầu trầm (sử dụng toàn bộ thân, rễ, lá); chế tác đồ thủ công mỹ nghệ, phụ phẩm để sản xuất hương... Theo tính toán, một ha dó trầm từ 8 - 10 tuổi có thể cho 35 - 40 tấn gỗ trầm, giá bán hiện nay từ 10.000 - 15.000 đồng/kg sẽ thu được 350 - 400 triệu đồng/ha.

Theo ông Nguyễn Văn Minh - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Trầm hương Việt Nam đã khẳng định, nhu cầu về trầm hương và tinh dầu trầm hương trên thế giới hiện nay rất lớn, giá tinh dầu trầm hương bán tại Việt Nam hiện nay khoảng 80 triệu đồng/lít (riêng giá của kỳ nam không dưới 100 triệu đồng), còn ở các nước khác giá cao hơn rất nhiều (khoảng gần 200 triệu đồng/lít). Đầu ra của trầm hương còn rất lớn, nhưng các tỉnh, thành phố cần có chính sách cụ thể để tránh việc trồng và khai thác tràn lan như một số loại cây trồng khác.

Tuy nhiên, nhiều người dân và một số doanh nghiệp tại tỉnh Bắc Giang qua thu thập thông tin không đầy đủ, đồng thời không có tiềm lực về tài chính đã bỏ vốn đầu tư trồng cây dó bầu từ năm 1999, song đây là loài cây thời gian trồng từ 10 đến 20 năm hoặc lâu hơn và chỉ có cây trưởng thành mới có khả năng tạo trầm, nên đến nay hầu hết các hộ dân và các doanh nghiệp đã phá bỏ. Hiện nay đã có 22 tỉnh trồng cây dó trầm, với tổng diện tích trên 7.000 ha.

Tại tỉnh Yên Bái đã có một số hộ dân và doanh nghiệp trồng cây do bầu, trong đó hộ gia đình ông Nguyễn Văn Thịnh, xã Yên Hợp huyện Văn Yên đã đầu tư trồng trên 8ha, đến nay đã được gần 3 năm tuổi, nhìn chung cây phát triển tốt (chiều cao trung bình khoảng 2,5m, đường kính gốc từ 6 - 10cm). Gia đình ông Nguyễn Khang trồng trên 5.000 cây, theo phương thức trồng xen với quế (trồng từ năm 2004, hiện nay cây sinh trưởng và phát triển khá tốt).

Cũng tại huyện Văn Yên, năm 2006 Công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội đã đăng ký với huyện đầu tư dự án trồng 250 ha cây dó bầu. Công ty đã triển khai trồng trên 100 ha; tuy nhiên theo đánh giá của các cơ quan chức năng thì cây phát triển kém.

Đến nay, trên địa bàn một số địa phương như Văn Yên, Văn Chấn, Trấn Yên, Yên Bình... đã có nhiều hộ tự phát trồng cây dó bầu rải rác trong vườn tạp với số lượng nhỏ. Như vậy đối với cây dó bầu giống hầu hết không rõ nguồn gốc; các ngành chức năng cần phối hợp với các địa phương kiểm tra nguồn gốc cây giống đối với các cơ sở cung cấp giống, vì một số loại cây Cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo là chưa có trong danh mục cho phép trồng đại trà, qua khảo sát một số tỉnh nhiều chủ đầu tư trồng các loại cây mới do thời gian sinh trưởng quá dài, không nghiên cứu kỹ điều kiện đất đai thổ nhưỡng, khí hậu nên không thu được hiệu quả.

Hiện chưa có tài liệu nào giải thích vì sao trầm hương lại có giá trị cao như vậy. Nhiều hộ dân qua một số kênh thông tin tuyên truyền không chính thức đã trồng ồ ạt. Chính vì vậy, các cơ quan quản lý chuyên ngành và các nhà khoa học cần nghiên cứu sâu về cây dó bầu để có lời giải đáp về những giá trị to lớn của nó, đồng thời đưa ra các giải pháp phù hợp về phát triển cây dó bầu tại tỉnh Yên Bái.

C.T.V - Yên Bái, 9/11/2007

www.vietlinh.vn

 

Mô hình trồng cây dó bầu

Cây dó bầu mà sản phẩm của nó là trầm hương và kỳ nam đã có lịch sử rất lâu đời. Từ xa xưa, trầm hương Khánh Hòa (KH) đã nổi tiếng trong cả nước và trên thế giới. Tuy nhiên, qua thời gian khai thác, hiện nay trầm hương ở KH hầu như không còn. Năm 1986 - 1987, tỉnh đã xây dựng các chương trình và đề tài nghiên cứu, điều tra phân bố trầm, kỳ; nghiên cứu trồng thử nghiệm và tạo trầm, kỳ trên cây dó bầu. Đặc biệt, ngày 16-5-2005, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Chỉ thị số 33-CT/TU yêu cầu đẩy mạnh phong trào khôi phục, phát triển cây dó bầu tạo trầm, kỳ tại KH. Đến nay, các đề tài thực hiện đã đạt được kết quả bước đầu. Năm 2002, toàn tỉnh có 125 ha dó bầu và hiện nay đã tăng lên khoảng 400 ha. Trong kế hoạch năm 2005, Công ty Fong San sẽ đầu tư trồng mới 50 ha tại Khánh Sơn, 100 ha tại Lâm trường Vạn Ninh. Ngoài ra, một số hộ nông dân và chủ trang trại ở các địa phương trong tỉnh cũng đầu tư phát triển diện tích trồng cây dó bầu. Điển hình như: Mô hình trồng xen 2.000 cây đã 2 năm tuổi trong vườn rừng của hộ chị Nguyễn Thị Kim Liên và anh Phạm Cao Trí ở thôn 3, xã Ninh Thượng (Ninh Hòa); mô hình trồng xen 1.000 cây dó bầu 2 năm tuổi của anh Lê Văn Xang trên vùng đất mới Củ Chi, thôn Đá Mài, xã Diên Tân (Diên Khánh); mô hình trồng xen 1.000 cây và vườn ươm 35 nghìn cây dó bầu của anh Văn Tấn Việt ở thôn A Xay, xã Khánh Nam (Khánh Vĩnh)…

Ông Trần Vũ - Chủ tịch Chi hội Trầm hương KH cho biết: Phong trào trồng cây dó bầu ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhất là sau khi có Chỉ thị 33 của Tỉnh ủy về trồng cây dó bầu và phục hồi các sản phẩm trầm, kỳ quý hiếm của quê hương KH. Chỉ thị của Tỉnh ủy xác định 3 vấn đề vô cùng quan trọng đối với phát triển cây dó bầu: Một là công tác tuyên truyền và phát động trong nhân dân phong trào trồng cây dó bầu; hai là có các chính sách hỗ trợ về giống, kỹ thuật trồng, kỹ thuật tạo trầm, kỳ và giao đất sử dụng ổn định, lâu dài cho việc phát triển cây dó bầu; ba là có kế hoạch cấp không cho đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh mỗi hộ từ 100 - 200 cây giống dó bầu. Đây là một chủ trương đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa chính trị, kinh tế - xã hội sâu sắc và là cứu cánh để cây dó bầu KH phục hồi và phát triển.

Từ xưa đến nay, trầm hương vẫn là một mặt hàng có giá trị kinh tế rất cao. Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ cây dó bầu trên thế giới rất lớn, trên dưới 1.000 tấn/năm. Vào những năm cao điểm nhất, Việt Nam cũng chỉ cung cấp không quá 80 tấn/năm. Do số lượng trầm, kỳ giảm nên giá cả tăng trên 3 lần so với những năm 90. Giá trầm hương loại 1 trên thị trường thế giới hiện nay dao động ở mức từ 5 - 6 nghìn USD/kg. Tinh dầu được chiết suất từ cây dó bầu có giá từ 8 - 10 nghìn USD/lít. Cây dó bầu nếu được sản xuất nhân tạo trong điều kiện tự nhiên thì đây là một nguồn lợi rất lớn.

Năm 2004, Chi hội Trầm hương KH đã khảo sát thực trạng trồng cây dó bầu trong nhân dân. Qua khảo sát, Chi hội đã phổ biến sâu rộng trong hội viên và đề nghị các địa phương chú ý những vấn đề cơ bản để việc trồng cây dó bầu đạt hiệu quả như: Nên trồng xen cây dó trầm với các loại cây che bóng như keo lai, cây ăn quả; có chế độ chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật trong 3 năm đầu nhằm đảm bảo cho cây phát triển nhanh; nên chọn giống cây dó bầu có chất lượng cao ở KH hoặc các tỉnh Quảng Nam, Hà Tĩnh, không nên chọn giống dó me hay các loại dó khác vì điều kiện tạo trầm rất khó. Bên cạnh đó, Chi hội Trầm hương KH đã phổ biến các tài liệu, băng hình về kỹ thuật trồng và tạo trầm cho Ban vận động thành lập Phân hội Trầm hương các huyện trong tỉnh để tuyên truyền quảng bá, hướng dẫn cho hội viên và nhân dân về kỹ thuật trồng cây dó bầu.

Xây dựng mô hình trồng cây dó bầu theo hướng trồng xen, trồng hỗn giao trong vườn nhà, vườn rừng của nhân dân là mô hình có ý nghĩa thực tiễn, phù hợp với đặc điểm sinh trưởng và phát triển của cây dó bầu, đồng thời đảm bảo cho việc quản lý, bảo vệ sau khi cấy tạo trầm. Việc đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số trồng cây dó bầu không chỉ xóa đói giảm nghèo mà còn tạo điều kiện cho bà con ổn định cuộc sống và làm giàu trên mảnh vườn của mình.

ĐIỀN LINH - KH, 29/10/2005

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Việt Linh: Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, việc làm thủy sản, việc làm nông nghiệp, tuyển dụng, tìm việc, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang